Thứ Hai tuần IV Mùa Chay A

Thứ Hai tuần IV Mùa Chay A

 41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Đó là Lời Chúa.

Suy Niệm:

Đức Thánh Cha Pi-ô IX, một vị Giáo hoàng rất nhiệt thành sùng kính thánh Giu-se đã tuyên bố: “Ngoài Mẹ Ma-ri-a ra thì trên trời dưới đất không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Hội thánh bằng thánh Cả Giu-se”. Vì thế, ngày 8-12-1870, Đức Thánh Cha đã long trọng đặt thánh Giu-se làm Quan thầy chung của cả Hội thánh. Đó là vinh dự cho thánh Cả Giu-se và cũng là một đặc ân cho Hội Thánh.

Đối với nước Việt Nam chúng ta, khi cha Đắc-Lộ và các vị thừa sai khác đến bờ biển Việt Nam thì các ngài gặp một cơn bão lớn ở ngoài khơi, và nhờ lời cầu khấn với thánh Cả Giu-se, các ngài đã cập bến an toàn tại Cửa Bạng, Thanh Hóa. Hôm đó là ngày 19/3/1627, ngày kính thánh Giu-se và các ngài đã chọn thánh Cả Giu-se làm quan thầy Giáo Hội Việt Nam vừa mới khai sinh.

Bài Tin Mừng theo Thánh Luca tường thuật, sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là với tâm trạng lo âu, Thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Chúa Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó Ngài 12 tuổi. Đức Maria thay mặt cho Thánh Giuse nói với Chúa Giê-su:
Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con! 

Chúng ta được mời gọi đặt mình vào hoàn cảnh của Thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết “sự cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày. “Sự cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng ở đây còn là “sự cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất “Con Đấng Tối Cao”. Tâm trạng lo âu của Thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Người để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”

Đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân danh cá nhân mình, nhưng nói với Chúa Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng Thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”. Nói cha trước rồi mới nói mẹ sau! Thật là cả một trời kính trọng, tế nhị và yêu thương.

Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà”. Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết. Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria, và tình yêu của các ngài dành cho Chúa Giê-su, như được các từ ngữ này diễn tả.

Nhưng tại sao Thánh Giuse không lên tiếng, trong khi đây là cơ hội thích hợp nhất và hợp lý nhất để ngài lên tiếng?

Trong những biến cố khác, thánh Giu-se cũng im lặng, chẳng hạn trong trình thuật truyền tin cho ngài theo Tin Mừng Mát-thêu.Ngài im lặng khi sứ thần truyền tin và trao ban sứ mạng; điều này dễ hiểu, vì sứ thần đã khéo léo chọn lúc ngài đang ngủ ngon, hình ảnh ngài đang ngủ ngon diễn tả sự thụ động trọn vẹn đối với Lời Chúa và đối với ý định của Thiên Chúa. Nhưng trong biến cố lạc con, thánh Giu-se rất tỉnh táo và chủ động, vì đang vất vả cùng với Đức Maria đi tìm Chúa Giê-su. Vì thế, trong trường hợp này, sự im lặng của Ngài là khó hiểu nhất, và có thể nói là tuyệt đối nhất, bởi lẽ ngài là chồng, là cha, là gia trưởng. Đáng lẽ ngài phải lên tiếng mới phải! Một sự im lặng khó hiểu và tuyệt đối, nhưng chắc chắn cũng nhiều ý nghĩa nhất và đánh động chúng ta nhất, nếu chúng ta có đôi tai biết lắng nghe.

Chắc chắn không phải vì trong đời thường Thánh Giuse không nói gì, và cũng không nhất thiết là vì Thánh Giuse ít nói trong cuộc sống, nhưng chính xác là vì trong các biến cố liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể mà các Tin Mừng thuật lại, Thánh Giuse  luôn lựa chọn sự thinh lặng. Đặt mình đối diện với mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thinh lặng của Thánh Giuse là một lựa chọn thiêng liêng; và nếu là như thế, sự lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse mở ra cho chúng ta cả một chiều sâu thiêng liêng thậm chí cả một “linh đạo”, mà chúng ta được mời gọi lắng nghe và nhận làm của mình.

Như thế, chúng ta hãy “lắng nghe” sự thinh lặng của Thánh Giuse. Thánh Giu-se lựa chọn thinh lặng để cho Đức Maria lên tiếng, đó là vì với sự nhạy bén thiêng liêng. Thánh nhân nhận ra, ở mức độ nào đó, biến cố lạc mất và tìm lại được là điểm tới của cả một hành trình lớn lên của Chúa Giê-su trong tương quan đặc biệt với Thiên Chúa Cha: Chúa Giê-su được sinh ra bởi một “Người Cha” khác, Chúa Giê-su từ từ cảm nhận sự hiện diện của một “Người Cha” khác, Chúa Giê-su duy trì tương quan kín đáo nhưng sâu đậm với một “Người Cha”  đó, và ở đây, chính Chúa Giê-su chính thức nói đến “Người Cha” của mình, chứ không phải là Thánh Giuse.

Và chắc chắn không chỉ trong biến cố này, nhưng trong mọi biến cố liên quan đến cuộc đời của Chúa Giê-su, Thánh Giu-se nhận ra mầu nhiệm, tôn trọng mầu nhiệm và “lui ra phía sau” để Đức Maria và Người Con nổi bật lên,không phải trong tương quan với mình, nhưng trong tương quan với “Người Cha” ; nói theo ngôn ngữ đời thường, Thánh Giuse “lui lại phía sau”, để cho Hai Mẹ Con “muốn làm gì thì làm!”

Đó cũng là lựa chọn của ngài trước đó 12 năm: khi nhận ra mầu nhiệm lạ lùng đang hình thành nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, và được Mẹ cho biết mình mang thai là do Chúa Thánh Thần, thì thánh Giu-se người công chính, tôn trọng, giữ khoảng cách, lựa chọn thinh lặng và có ý định “lui lại phía sau”, để cho Thánh Ý và Chương Trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi người bạn đời của mình.

Khi lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse, chúng ta không thể không hướng đến sự thinh lặng của Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, và nhất là sự thinh lặng của Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh mà những ngày Tuần Thánh mời gọi chúng ta bước vào. Có thể nói, sự thinh lặng của Thánh Giuse đã loan báo cho chúng ta sự thinh lặng của “Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria cũng sẽ lựa chọn thinh lặng. Điều mà Thánh Giuse đã lựa chọn từ rất lâu rồi, để diễn tả lời xin vâng tín thác nơi Tình Yêu của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Người, ngang qua thử thách, khó khăn, đau khổ và chính sự chết.

Như thế, khởi đi từ sự nhạy cảm thiêng liêng, làm cho Thánh Nhân nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa trong mọi biến cố liên quan đến Chúa Giê-su, sự lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse còn muốn nói lên lời xin vâng tín thác tuyệt đối của ngài. 

Thánh Cả Giuse đã đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể lớn lên. Xin ngài cũng quảng đại đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho mỗi người chúng ta lớn lên theo khuôn mẫu của Chúa Giê-su; và nhất là, xin Thánh Cả Giuse dạy mỗi người chúng ta, biết lựa chọn Sự Thinh Lặng  làm linh đạo sống mỗi ngày.

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.