SUY NIỆM TIN MỪNG  LỄ GIÁNG SINH

SUY NIỆM TIN MỪNG  LỄ GIÁNG SINH

+++
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
 là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105).
 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 1 – 14)
 
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
 
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng :
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
 
 
Đó là lời Chúa.
 
 
 
 
 
Mục lục:
 

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH – A Lời ngỏ của Tình Yêu  ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3 Đêm Ánh Sáng  ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 4 Noel: Lễ nhập cuộc  ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống Trg 6 Cất lời chúc tụng – Lễ Vọng  Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 9 Loài người Chúa thương – Lễ đêm  Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 10 Tôi biết gì về Chúa Giáng Sinh? – Lễ rạng đông  Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 12 Verbum Dei – Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta  Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 13 Loan tin Chúa Giáng Sinh  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 15 Chúa đến xây dựng hòa bình  Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 17 Ánh sáng & Niềm vui – Lễ đêm  AM. Trần Bình An Trg 19 Bình an cho người Chúa thương – Lễ rạng đông AM. Trần Bình An Trg 21 Nhân vật muôn đời AM. Trần Bình An Trg 23 THƠ TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH – A Bừng Sáng Hạt Nắng Trg 25 Tin Mừng Giáng Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 26 Tình Yêu Thinh Lặng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 27 Giao Duyên AP. Mặc Trầm Cung Trg 28

 

 

 

Lời ngỏ của Tình Yêu

(Ga 1,1-18)
 
Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.
 
Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến. Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.
 
Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường. Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.
 
Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.
 
Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.
 
Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp. Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.
 
Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.
 
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?
  2. Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?
  3. Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ không?
  4. Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức tính nào?

 

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

 

 

 

 

 

 

 

Đêm Ánh Sáng

 
Đêm Giáng sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc. Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm. Bóng tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại bang. Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ. Bóng tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh. Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ nhớp.
Giữa màn đêm dày đặc, Hài nhi Giêsu xuất hiện như một làn ánh sáng rực rỡ.
 
Đó là ánh sáng tình yêu.
Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm. Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được. Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên Chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên Chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên Chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Anh sáng Thiên Chúa soi sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên Chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.
 
Đó là ánh sáng niềm tin.
Ánh sáng Giáng sinh chiếu toả trên những tâm hồn thiện chí. Đêm nhân gian vẫn còn mê đắm. Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí tỉnh thức. Đó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn. Đó là những cuộc đời khiêm tốn sống âm thầm trong bóng tối. Đó là những người nghèo của Thiên Chúa. Đó là thánh Giuse, Đức Maria. Đó là Ba Vua. Đó là các mục đồng khiêm nhường nên các ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên chúa. Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến. Thiện chí nên các ngài hăng hái lên đường ngay khi nhận được tín hiệu. Đơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng. Hêrôđê và Giêrusalem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt. Trái lại “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng”. Và ngôi sao xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua. Ánh sáng đã bao phủ các ngài. Ánh sáng đã dẫn đưa các ngài đến bên máng cỏ. Ánh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” và các ngài đã tin.
 
Đó là ánh sáng hy vọng.
Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo của Thiên Chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Đã đến mùa Thiên Chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại. Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian. Ánh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài nhi Giêsu, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng. Giêsu chính là hạt mầm hy vọng Thiên Chúa gieo vào thế giới.
 
Đó là ánh sáng Tin mừng.
Được thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh. “Họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Tin mừng được loan đi. Niềm vui lan tới mọi tâm hồn. Anh sáng bừng lên phá tan đêm tối.
 
Hài nhi Giêsu như mầm cây vừa nhú. Mầm cây cần bàn tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê. Hài nhi Giêsu như ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối. Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.
 
Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.

 

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Noel: Lễ nhập cuộc

(Nút Vòng Xoay – Trg. 35)
 
Đi qua trường Kinh Tế Tài Chính 4 bên cạnh Đại Chủng Viện hôm qua, tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa mấy cô gái. Có tiếng hỏi: “Noel, bồ có đi đâu không?”. Có tiếng đáp: “Không, mình ở nhà”. Và khi tiếng đáp vừa mới dứt đã có tiếng ai đó xen vào: “Noel mà lại ở nhà à? Người ta phải ra đường chứ!”.
 
Vâng! Noel người ta ra đường thật. Từ Đại Chủng Viện tới đây mặc dù đường đi chỉ có mấy bước, nhưng tôi vẫn bị kẹt xe bởi những con đường lớn đều chật ních những người là người. Dường như cả thành phố đều ở trên đường. Kẻ đi người lại, đông ơi là đông. Vì thế, tiếp cận với Tin Mừng Giáng Sinh đêm nay, tôi bỗng thấy thánh Giuse và Đức Maria cũng đang ở trên đường, đường dong duổi cho cuộc đăng ký hộ khẩu kiểm tra dân số. Những điều tai nghe mắt thấy ấy đã tự nhiên gợi lên hình ảnh Noel là một lễ nhập cuộc.
 
1) Noel là lễ của sự nhập cuộc.
Nếu trong Mùa Vọng, tín hữu đã sống lại niềm trông mong đợi chờ Chúa của Dân thánh, lấy kinh nghiệm thao thức của họ làm kinh nghiệm thức tỉnh cho mình, và lấy tâm tình dọn dẹp đường lối của họ làm tâm tình chuẩn bị cõi lòng của mình, thì hôm nay không còn úp mở nữa, vị Thiên Chúa được trông chờ ấy chính là Thiên Chúa nhập cuộc.
 
Khác với lối nhìn của Cựu Ước vốn coi Thiên Chúa là “Đấng khôn tả”, nên muốn tả về Ngài người ta chỉ dám dùng đường lối phủ định nghĩa là thêm chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho Ngài. Và cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa vốn coi Thiên Chúa là “Đấng đáng sợ”, nếu lơ mơ đến gần Ngài sẽ phải mất mạng như chơi. Đàng này, vị Thiên Chúa được chờ mong lại đến thật sát thật gần. Người hóa thân làm người ở giữa chúng ta.
 
Người nhập cuộc trong lịch sử chung của toàn thể nhân loại cũng như trong lịch sử riêng của đời Người. Sự nhập cuộc ấy đã được lịch sử cắm mốc thời gian rõ ràng là “thời Hoàng đế Cêsarê Augustô” và được cấp sổ đỏ không thể chối cãi là “thành Bêlem xứ Giuđêa” như Phúc Âm ghi lại. Sự nhập cuộc ấy đã làm nên lý lịch trích ngang của Đấng Cứu Thế. Người có một gia đình, đã được cưu mang chín tháng như bất cứ ai để cuối cùng mở lòng mẹ bước ra chào đời và sống đời như bao người khác.
 
Thánh Kinh vẫn quen gọi đây là cuộc “Thiên Chúa viếng thăm Dân mình”, nhưng cuộc viếng thăm này lại rất đặc biệt, không chỉ diễn ra trong chốc lát, cũng không thể được lặp lại trong lần khác nữa. Người là vua vinh quang trên trời đã nhận lấy kiếp người giòn mỏng để khởi đầu sự nhập cuộc. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thể trở nên con người thật với tiểu sử riêng rõ nét. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thế giữa lòng thế giới với lịch sử chung nhân loại rõ ràng. Đó là sự nhập cuộc.
 
2) Và nhập cuộc là chấp nhận vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống.
Trong bài đọc thứ nhất, qua lăng kính của Isaia, Thiên Chúa được xưng tụng là “Chúa hùng dũng”, thế mà Người đã hóa nên con người yếu đuối trong hình hài một thơ nhi bé bỏng.
 
Dẫu được gọi là “Thủ Lĩnh bình an”, nhưng chính Người khi xuống thế đã nhập cuộc vào những xáo trộn của cuộc đời, để chẳng được an thân sinh ra trong nhà của mình. Hoàng đế Rôma chỉ là thụ tạo, nhưng lại nắm quyền ra lệnh khai sổ nhân danh khiến Thủ Lĩnh đích thực là Người lại phải chịu sinh ra trên đường đăng cai hộ khẩu. Hộ khẩu dẫn tới “hậu khổ”! Người ta dòng dõi vua chúa sinh ra được bọc vải điều nơi lầu vàng gác tía giữa đông đảo kẻ hầu người hạ, còn Người lại tự nguyện sinh ra nghèo khó nơi hang đá trong máng cỏ bò lừa. Người là “Cha vạn thuở”, bản thân Người là căn nguyên vạn vật, thân thế Người là cội nguồn nhân sinh, muôn vật muôn loài đều phải nhờ Người mới có, thế mà hôm nay Người lại chịu sinh ra trong thời gian bởi một người phụ nữ với tiến trình trưởng thành tuần tự bình thường. Người là “Cố Vấn kỳ diệu”, nhưng khi sinh ra làm người hôm nay chẳng thấy Người cố vấn cho ai, mà ngược lại xem ra Người đã “cố mà vấn vào đời mình” những gì là bình thường nhất nếu không muốn nói là hèn mạt nhất của kiếp phận nghèo khổ.
 
Rõ ràng là Người đã nhập cuộc trong quỹ đạo của một đời người giữa những người đời. Nhập cuộc như thế cũng có nghĩa là ăn đời ở kiếp giữa đời với những hệ quả muôn thuở của cuộc đời. Nếu cuộc đời luôn bằng phẳng có lẽ đã không có kiểu nói diễn tả “bụi trần”, và nếu cuộc đời luôn hạnh phúc có lẽ cũng chẳng phải lắm điều đặt chuyện “đời là bể khổ” làm chi. Chẳng bi quan cũng thấy cuộc đời không luôn ổn định. Thế mà Chúa đã yêu thương đón lấy cuộc đời ấy, để chính khi hóa thân làm người là cùng lúc Người dấn thân vào trong những bấp bênh bồng bềnh bó buộc của cuộc sống.
 
3) Để cứu độ trần thế và con người.
Nếu nhập cuộc chỉ có nghĩa là hòa vào dòng chảy cuộc đời thì có lẽ chẳng có lễ Noel. Nhưng sở dĩ có lễ Noel là bởi vì Chúa nhập cuộc để cứu độ trần thế và con người.
 
Người nhập thế để làm gì? Thưa để đem trần thế vào lại “trật tự nguyên thủy” như nét đẹp ban sơ của trần thế ngày sáng tạo mà tội lỗi đã làm hư đi. Nên Noel còn gọi là “Ngày sáng thế mới”. Đêm Noel là đêm đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu độ.
 
Người nhập thể để làm gì? Thưa để đem con người về với ơn cứu độ. Người là Emmanuel của một Thiên Chúa không đến rồi đi, không ở rồi về mà là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Thiên Chúa đến ăn đời ở kiếp với nhân loại để nâng nhân loại lên ngang tầm với vinh quang của Người. Thảo nào, các thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Và cũng chính vì thế các Giáo phụ Đông phương đã bảo: “Thiên Chúa làm người cho người được làm con Thiên Chúa”. Như vậy, Noel chính là lễ của một sự nhập cuộc tuyệt vời cũng như chữ Noel đến từ danh xưng Emmanuel đã làm nên Thánh lễ đêm nay.
 
Thiên Chúa nhập cuộc để đem ơn cứu độ. Đó là Tin Mừng trọng đại cho toàn dân, nên sứ điệp của đêm nay là hãy nhập cuộc cùng với Noel.
 
Nhập cuộc tức thời là hãy mở lòng mình ra mà đón Chúa sinh vào, và nhập cuộc dài hơi là biết sinh Chúa ra bằng một đời sống tín hữu gương mẫu. Đừng để Noel trở thành dịp phô trương đời sống hoặc phô bày đam mê như trong báo Công An tuần qua đăng tải về một Việt kiều tổ chức sinh nhật của mình một cách trụy lạc. Đừng để Noel qua đi mà lòng mình vẫn còn trĩu nặng ước muốn quyền hành hoặc tình cảm ghét ghen. Và nhập cuộc lớn hơn cả chính là biết cùng với Chúa mà cưu mang xây dựng, cảm thông nâng đỡ những anh chị em túng quẫn hoặc đau khổ vốn không thiếu trong đời, cho dẫu chính khi nhập cuộc như thế mình phải hy sinh đi theo quỹ đạo của nhập cuộc.
 
Noel nhập cuộc là thế, là Tin Mừng sống động, là chan hòa sự sống. Nhưng Noel bao giờ cũng là lễ của niềm vui, của bàn tay nắm lấy bàn tay, của bước chân tiếp nối bước chân dấn thân vào đời phục vụ cho hạnh phúc con người. Niềm vui và hạnh phúc là điều người ta thường cầu chúc trong đêm Noel. Chân thành kính chúc cộng đoàn một Noel tràn đầy niềm vui: thứ niềm vui cứu độ, quên mình, nhập cuộc; và hạnh phúc dẫy đầy: thứ hạnh phúc không phải chờ đến xa xôi mai hậu, nhưng đã bắt đầu đêm nay bằng cách biết tiếp nhận Chúa sinh vào và biết sinh Chúa ra trong quyết tâm nhập cuộc của mình.
 

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CHÚA GIÁNG SINH – Lễ vọng
Suy niệm Tin Mừng Lc 1, 67-79
 
Cất lới chúc tụng
 
Lễ Giáng Sinh tới rồi! Một mùa lễ với nhiều nội dung quá súc tích và phong phú: Hài nhi Giê-su giáng sinh tại Bê-lem trong khung cảnh đơn sơ nghèo hèn, một Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và đi vào kiếp sống của con người nhân loại, một Thiên Chúa khởi đầu việc thực hiện công trình cứu độ mà toàn nhân loại đã ấp ủ từ lâu… Lời Chúa của cả ba Thánh Lễ được cử hành trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh chính là để trình bầy cho chúng ta ba mảng tư tưởng trên. Mỗi người chúng ta đều có thể chọn lấy cho mình một đề tài suy niệm riêng. Chính lúc này tôi lại muốn buông mình vào tâm tư của ngày lễ vọng (24/12) để tận hưởng cái tâm tình tuyệt vời của bài thánh ca “Chúc Tụng” (Benedictus), mà tôi vẫn thường đọc lên mỗi buổi kinh sáng. Bài ca này chứa đựng một tâm tưởng mà theo tôi nghĩ, phải là mục tiêu của suy niệm trong cả ba Thánh Lễ tiếp theo; đồng thời cũng phải trải dài suốt cả đời sống Ki-tô hữu: một tâm tình chúc tụng tạ ơn không ngơi nghỉ.
 
Da-ca-ri-a đã có cả một thời gian khá dài (09 tháng) để nghiền ngẫm về biến cố đang được khai mở, mà dầu trong tư cách là một tư tế, ông vẫn thấy mình chẳng hiểu tí gì. Điều quan trọng nhất ông làm trong suốt khoảng thời gian đó có lẽ không phải là suy tư, là học hỏi kinh thánh hoặc các lời tiên tri… mà chính là cảm nghiệm về thân phận của một người bị câm điếc, của một tư tế bị dị nghị và gạt bỏ. Chính trong cái tâm trạng bĩ cực đó, dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần, ông đã nghiệm ra được điều vĩ đại và trọng tâm nhất đối với lịch sử cứu độ và đối với cuộc sống riêng mình: Thiên Chúa đầy trắc ẩn khởi công thực hiện công trình cứu chuộc của Người. Việc Gio-an con ông, vị tiền hô của Người, được sinh hạ chỉ là một dấu khởi đầu, như hừng đông báo trước. Chính vì thế mà, với việc Gio-an chào đời, vừa lúc miệng lưỡi ông mở ra và ông nói được, ông lập tức cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa.
 
Và lời chúc tụng (benedictus) thật kỳ diệu: nó khác xa Bài Ca Chiến Thắng mà Mô-sê cùng với con cái It-ra-en cất lên sau khi đã vượt qua biển đỏ và tận mắt chứng kiến việc Gia-vê hiển hách chiến thắng binh lực Pha-ra-ô hùng mạnh để giải phóng dân Ngài (xem Xh 15, 1-20). Ở đây, một hình ảnh Thiên Chúa trái ngược được phác họa: đầy tình xót thương, đầy lòng trắc ẩn…’, thông qua nhiều đường nét là một chuỗi các hành động khác nhau:

  • Viếng thăm cứu chuộc dân Người
  • Cho xuất hiện vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta
  • Cứu ta thoát khỏi địch thù
  • Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
  • Giải phóng ta khỏi tay địch thù
  • Cho ta chẳng còn sợ hãi
  • Cứu độ và tha thứ hết mọi tội khiên
  • Viếng thăm ta
  • Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
  • Dẫn ta bước vào đường nẻo bình an

Đối với Da-ca-ri-a, một kỷ nguyên mới đang được khai mở, kỷ nguyên của Tân Ước trong đó xuất hiện một Thiên Chúa đầy từ tâm; kỷ nguyên trong đó chúc tụng sẽ là công việc chính yếu cần làm.
 
Lễ Giáng Sinh mà tôi mừng kính sẽ chẳng có giá trị gì nếu không kèm theo lời chúc tụng. Và lời chúc tụng chân thực nhất sẽ không chỉ là hòa mình với toàn thể nhân loại tham gia một lễ hội, mà là cùng với Hội Thánh các kẻ tin vang lên lời chúc tụng, xuất phát từ nhận thức sinh động thân phận thấp hèn của con người mình, đầy dẫy những khiếm khuyết, lầm lỗi, yếu đuối và đổ vỡ nhưng lại được chính Thiên Chúa viếng thăm. Chỉ có như thế Giáng Sinh mới trở thành một bài ca chúc tụng tạ ơn phát xuất từ đáy lòng, một bài ca diễn đạt không ngơi với niềm tin của tập thể các môn đệ là Hội Thánh.
 
Lạy Chúa Hài Nhi, quỳ bên máng cỏ Chúa, con muốn chiêm ngắm Chúa, đống thời chiêm ngắm chính con. Càng ngắm nhìn Chúa con lại thấy cần phải thẳng thắn nhìn sâu vào con người yếu hèn của mình. Con không thể hiểu hết được ý nghĩa việc Chúa giáng sinh, nếu con không nhận ra sự thấp kém của mình. Chúa làm người để con được làm người con của Chúa, dẫu trong tất cả yếu đuối và giới hạn. Chúa làm người để con không còn tự ti mạc cảm, nhưng luôn biết dâng lời ngợi khen và chúc tụng không ngơi. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
 
CHÚA GIÁNG SINH – Lễ đêm
Suy niệm Tin Mừng Lc 2, 1-14      
 
Loài người Chúa thương
 
          “Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”. Sự kiện đơn sơ như thế mà tác giả Lu-ca lại cất công ghi chép rất chi tiết niên đại như một biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cộng đoàn Ki-tô hữu thời sơ khai đã sớm nhận ra điều này: hài nhi mới sinh ra tại Bê-lem trong đơn nghèo lại đang làm đảo lộn cả một lịch sử bi tráng của toàn nhân loại. Sự kiện mang tính cách mạng này lại không phải là một chiến thắng vẻ vang, một cuộc lật đổ ngoạn mục, mà nhiều khi chỉ mang lại lo âu và sợ hãi, cũng không phải là hoàn tất một công trình hoành tráng vĩ đại đòi nhiều đóng góp khó nhọc và lao công. Một ‘Trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’ lại là một ‘tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân’. Việc hạ sinh này tỏ lộ ‘vinh quang Thiên Chúa trên trời’, đồng thời cũng mang lại ‘bình an cho loài người Chúa thương dưới thế’. Có thể thế được chăng? Tin Mừng vĩ đại lại có thể đơn sơ đến như thế sao?
 
          Thế đấy, cái đêm lễ hội phức tạp và công phu nhất trong năm (chỉ cần nhìn vào cách người ta trang hoàng đường phố cửa tiệm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà thờ, mua sắm quà cáp, nấu dọn yến tiệc cho ngày đại lễ) lại có một ý nghĩa, một nội dung quá ư giản dị và thuần khiết! Và để có thể khám phá ra sự đơn thuần này cần phải có được một đêm tĩnh mịch, đêm thầm lặng, đêm sâu lắng của cõi lòng (Silent Night). Vinh quang Thiên Chúa (Gloria Dei) không tỏ hiện trong hào quang sáng chói, không tiền hô hậu ủng trong tiếng nhạc tiếng sấm vang rền, không phô trương rầm rộ với binh hùng tướng mạnh. Vinh quang đó âm thầm xuất hiện giữa đêm đông tĩnh mịch, trong hình hài một trẻ thơ yếu ớt sinh ra trong chuồng chiên bò hôi hám… Điều đó sẽ là hoàn toàn hợp lý khi nào người ta nếm cảm được cái thứ vinh quang của tình yêu thương, của lòng nhân ái; âm thầm và thinh lặng như người cha ngồi bên giường bệnh của đứa con thoi thóp thở trong góc phòng của một bệnh viện vắng lạnh, hoặc bà vợ đứng sau chiếc xe lăn của người chồng tật nguyền trong xó nhà quạnh hiu… Lúc đó sự thinh lặng, nghèo nàn, tăm tối…, và chỉ có như thế, mới nói lên được tất cả, nói cách hùng hồn và diễn đạt đầy đủ nội dung sâu sắc nhất của tình yêu thương vĩ đại.
 
          Và một khi loài người dưới thế, trong thinh lặng và sâu lắng. nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu mến xót thương, được ‘đầy ân sủng và Đức Chúa ở cùng’ (Lc 1,28), họ sẽ biết đón nhận biến cố này với tâm hồn an bình, với tâm tình mừng vui diễn tả qua lời ca ngợi tri ân. Đặc biệt Ki-tô hữu chúng ta, duy nhất giữa muôn người được nhận biết mình là phần tử của ‘loài người Chúa thương’, một loài người không chỉ gồm toàn những kẻ lương thiện tốt lành, mà bao gồm cả các tội nhân bất hảo. Qua kinh nghiệm bản thân, các Ki-tô hữu hiểu rõ mình thuộc về thứ loài người này trong cả diện tích cực lẫn tiêu cực của nó. Và khi cử hành sự kiện Hài Nhi giáng sinh tại Bê-lem, họ nhận mình chính là người đầu tiên tiếp lấy lòng xót thương thần linh. Tâm hồn họ lúc đó được tràn ngập thứ bình an độc nhất vô nhị, như chính Đức Giê-su sẽ khảng định sau này: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng” (Ga 14,27)… Đúng là “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
 
          Ma-ri-a là người nữ đã chào đón ‘hài nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’ trong thinh lặng và sâu lắng như thế. Sinh nở luôn kéo theo không biết bao nhiêu vấn đề thể lý, tinh thần, vật chất và giao tế… dễ làm xáo trộn bất cứ ai, nhất là các sản phụ đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, giữa muôn vàn thiếu thốn và bị xua đuổi… Tác giả Lu-ca đã đề cao thái độ lạ lùng của người mẹ rất đặc biệt này: ‘Còn Ma-ri-a thì hằng ghi nhờ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Ma-ri-a đúng là Ki-tô hữu tiên khởi, tuyệt vời nhất ngay từ giờ phút đầu tiên khi ‘vinh quang Thiên Chúa’ xuất hiện nơi dương thế.
 
          Là một Ki-tô hữu, hơn nữa là linh mục – tu sĩ, tôi không thể cử hành biến cố Hài Nhi giáng trần cách nào khác. Dầu có bận rộn tới mấy đi nữa (chưa bằng một phần của Ma-ri-a đâu!), tôi vẫn phải tự nhủ: để khám phá ra và ca tụng ‘Vinh quang Chúa’, và nhận biết mình là ‘loài người Chúa thương’, tôi tuyêt đối cần phải giữ cho tâm hồn mình được thinh lặng và sâu lắng trong suốt thời gian cử hành lễ Giáng Sinh này.
 
          Lạy Hài Nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ, con muốn cùng Mẹ Ma-ri-a thinh lặng chiêm ngắm tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa giáng trần. Xin cho con nhận ra tăm tối, giá lạnh và nghèo nàn… tại Bê-lem hôm đó lại chính là tiếng ca ngợi vinh quang tình yêu Thiên Chúa cách vang dội nhất. Đặc biệt xin cho con nghe được thấu lời tuyên bố long trọng của Hài Nhi giáng thế:“Thiên Chúa yêu thương loài người”, trong đó có chính con, và mọi người tội lỗi thấp hèn…, để con và ‘loài người Chúa thương’ được hưởng bình an trọn vẹn và cất lời ca ngợi Chúa không ngừng. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
CHÚA GIÁNG SINH – Lễ Rạng Đông
Suy niệm Tin Mừng Lc 2, 15-20
 
Tôi biết gì về Chúa Giáng Sinh?
 
Đêm qua tôi đã long trọng cử hành lễ Giáng Sinh, thế nhưng tôi biết gì về ngày lễ đó?
– Biết nhiều lắm chứ! Tác giả Lu-ca đã tường thuật khá rành rẽ; rồi hang đá các kiểu, hoạt cảnh hoành tráng bao lần tôi đã từng tổ chức hoặc dự khán… Chắc chắn là tôi biết gần như thuộc lòng sự kiện Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng nếu phải kể cho một ai đó chưa biết gì về cái đêm ấy thì tôi sẽ nói gì đây? Cứ đặt mình vào trường hợp các mục đồng: ‘Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’. Thế nhưng họ đâu chỉ kể về các điều họ đã được mục kích tại Bê-lem, vì tự nó chẳng có gì hấp dẫn cả: ‘họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…’ Tuy nhiên ‘Ai nấy đều ngạc nhiên’ vì… ‘họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này’. Dầu rất đơn sơ chất phát, họ cũng đã biết vượt qua các sự kiện bên ngoài để nhận ra điều Chúa thật sự muốn cho họ biết. “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết. Và điều tỏ ra đó quả thật là vô cùng trọng đại, vì nó liên quan tới hết thảy mọi người, tới toàn thể nhân loại: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra!” Và ‘các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa’ vì đã được diễm phúc nhận biết: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
 
Thế thì khi nói về Chúa Giáng Sinh tôi không thể không đề cập tới một Đấng Cứu Độ, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và từ nhân, một Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt. Việc ‘một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, cho dầu bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng lại là một dấu chỉ không thể sai lầm để nhận ra ‘cái thứ’ Thiên Chúa đó. Dấu đó quả thực là tài tình và hữu hiệu: thương xót từ nhân phải đi đôi với đơn sơ thấp hèn, tha thứ cứu vớt phải thật gần gũi và bình dị. Tự thâm tâm mình, đôi lúc tôi cũng có cảm giác khó chịu về cái thấp kém và nghèo nàn của hang Bê-lem. Chẳng vậy mà, ngay tại chính máng cỏ thấp hèn xưa nơi Hài Nhi đã từng nằm, khách hành hương vẫn muốn nhìn thấy một ngôi sao bạc lấp lánh trên nền cẩm thạch quí giá… để làm cho nó thêm tôn nghiêm trang trọng là gì! Nghèo hèn chỉ là gượng ép, hoặc cùng lắm là lãng mạn đối với một Đấng Thiên Chúa cao sang, nhưng lại thật tự nhiên và xứng hợp đối với Thiên Chúa đầy từ nhân và hay thương xót. Các mục đồng đơn sơ chất phác dễ dàng nhận ra điều này, trong khi các bậc quyền quí lại không. ‘Họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ’.
 
Tới trước hang Bê-lem ngay cả các tín hữu cũng được phân làm hai nhóm: nhóm một gồm những người chỉ muốn nhìn thấy một Thiên Chúa vinh quang, tạm ẩn dấu trong hình hài bé thơ, nhưng đòi phải được thờ lạy kính tôn cách trọng vọng, còn nhóm thứ hai sẽ gồm những ai nhìn vào ‘trẻ sơ sinh… nằm trong máng cỏ’ để nhận ra lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa cứu độ, và do đó sẽ mừng vui hớn hở ca tụng Người trong chính sự thấp hèn nhỏ bé của Hài Nhi. Maria, Giuse và các mục đồng thuộc nhóm thứ hai này, như Luca đã muốn mô tả họ như thế. Như vậy điều mà Thánh Sử Gio-an đã từng khẳng định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không nhận biết Người” không chỉ mang ý nghĩa luân lý của hai hạng người tốt xấu, nhưng còn chứa đựng một nội dung Tin Mừng hơn nhiều: nhận biết hay không nhận biết lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ‘Ngôi Lời mặc lấy xác phàm’. Nếu Người đến trong vinh quang huy hoàng của công lý và quyền uy có lẽ người ta sẽ dễ đón tiếp hơn trong suy tôn và kính sợ, đàng này người lại chọn đến trong nghèo hèn của nhân từ và tha thứ, và thế là người ta dễ coi thường, quên lãng. Sau này chính đức Giê-su đã phải thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21). Phải đúng như thế, những người thông thái khôn ngoan ưa nhìn xem những gì là hợp lý, và nhận ra ngay Thiên Chúa trong sự vinh quang cao cả; còn kẻ bé mọn, nhất là tội lỗi thấp hèn, mới dễ cảm nhận lòng từ ái của Thiên Chúa cứu độ. Họ là những người gần gũi và thoải mái với ‘trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ’ hơn.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5,3). Vậy thì tôi thuộc nhóm nào?
Lạy Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, mỗi khi con chiêm ngắm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’, xin cho con có khả năng được ‘nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,’ thứ vinh quang mà chỉ những con người bé mọn mới được mạc khải cho biết. Xin cho con biết, như Mẹ Ma-ri-a tại Bê-lem, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’ về tình yêu thương xót và lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh ‘trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, để trong mừng vui và bình an, con cũng có thể chân thành cất lên bài ca ‘Ngợi khen – Magnificat’. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
 
CHÚA GIÁNG SINH – Lễ ban ngày
Suy niệm Tin Mừng Ga 1, 1-18
 
Verbum Dei – Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta
 
          Lời tựa sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một khảng định quan trọng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả”. Như vậy mọi hiểu biết về Thiên Chúa trước khi đức Giê-su xuất hiện (Cựu Ước, mọi tôn giáo khác, cũng như các suy luận triết học) đều chỉ là phỏng định; hay nói cách khác là nhân cách hóa, có nghĩa là người ta dựa phần lớn vào tư duy con người, cho dầu có siêu việt như các triết thuyết. Nắm bắt và thấu triệt Thiên Chúa cách chính xác chỉ có thể có được qua sự xuất hiện của Lời Thiên Chúa (Verbum Dei) trên trần gian. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định được Lời đó có nội dung chính là gì?
          Một số khảng định liên quan tới Lời – Verbum được nêu lên: ‘Lời đã có từ lúc khởi đầu… Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Lời là Thiên Chúa… Lời tạo thành vạn vật… Lời là sự sống, là ánh sáng… Lời hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha’. Tất cả các điều này chỉ qui vào một điểm duy nhất: ‘Lời phản ánh, và là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha’ (xem Dt 1,3; Cl 1,15). Chính đức Giê-su sau này cũng đã không ngừng lặp đi lặp lại ý tưởng này cho các môn đệ Người, “Không phải là đã có ai thấy được Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14.9)
          Lời – Verbum đó ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Như vậy là từ nay loài người có thể trực tiếp đọc được Lời, nói cách khác có thể trực tiếp thấy và biết Thiên Chúa. Để làm được điều này, cách duy nhất (và tuyệt đối không có bất cứ cách nào khác) là chịu khó đọc Lời, là chiêm ngắm Lời – Giê-su từ lúc còn mang hình hài một ‘trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ’ (Lc 2,12), cho tới giờ phút cuối cùng của thập giá khi ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Ga 19,34). Ma-ri-a là người duy nhất đã có mặt ở cả hai biến cố đó, đã cẩn thận đọc Lời – Giê-su trong tư thế chiêm niệm thâm sâu nhất. Và rồi Mẹ đã hiểu rõ: ‘Thiên Chúa là Đấng cứu độ… hằng thương xót…nâng cao kẻ khiêm nhường… ban cho kẻ khó nghèo đầy dư…’ (Lc 1, 47-55). Người môn đệ Gio-an cũng đã theo sát, gần gũi với Thầy Giê-su nên đã có thể đọc được: ‘Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.’ (1Ga 1,1) và lên tiếng làm chứng: ‘Thiên Chúa là tình yêu(1Ga 4,8) ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…’ (Ga, 3,16); đồng thời quả quyết: “Lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật…” (Ga 19,35).
 
          Chỉ những ai chân thành đọc Lời, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su với tâm hồn sâu lắng nhất mới có cơ hội nhận biết Thiên Chúa cách đích thực; bằng không ý niệm họ có về Người sẽ mãi mãi là mơ hồ và méo mó. Thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn tự cho là mình biết rõ, biết sâu về Thiên Chúa (các tư tế, Biệt Phái và luật sĩ thời đức Giê-su ngày xưa, có thể là các triết – thần học gia ngày nay), thậm chí còn mở miệng giảng dạy người khác về Thiên Chúa thế này thế nọ, nhưng lại không cất công đọc Lời – Giê-su, không dành thời giờ chiêm ngắm, gần gũi và kết hiệp với Lời. Những người như thế thì làm sao có thể vỗ ngực cho là mình hiểu biết về Thiên Chúa? Phải chăng chính họ là các tiên tri giả mà đức Giê-su đề cập tới (xem Mt 7, 15-20). Chả trách, Thiên Chúa tình yêu tạo thành thế gian, nhưng khi Lời tình yêu đến ‘thế gian lại không nhận biết Người’. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh tình yêu của Người, nhưng khi Lời tình yêu ‘đến nhà mình, thì người nhà lại chẳng chịu đón nhận’. Họ quá quen với suy luận của tri thức rồi thì làm sao nhận ra? 
          Tôi vẫn được nhắc nhở phải chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh. Thế nhưng tôi trộm nghĩ, còn hơn cả mầu nhiệm Giáng Sinh như một biến cố, tôi cần chiêm ngưỡng Giê-su như một ‘người phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta’ với mục đích để biết rõ hơn về Thiên Chúa tình yêu. Giáng Sinh chỉ là khởi điểm để tôi chuyển từ một hiểu biết Thiên Chúa từ suy luận triết thần, qua Thiên Chúa từ nhân của đức Giê-su Ki-tô. Giáng Sinh phải bắt đầu nơi tôi một thứ linh đạo chiêm ngắm, đào sâu và kết hiệp với Lời – Giê-su để, như Ma-ri-a, tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng cứu độ và giầu lòng xót thương.
 
          Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết thinh lặng quì bên máng cỏ và chiêm ngắm Hài Nhi giáng trần; cũng xin giúp con biết ngước nhìn lên Giê-su chết trên thập giá để nhận ra một Thiên Chúa cứu độ đầy từ tâm. Qua việc lần hạt con muốn được cùng Mẹ ghi nhớ mọi điều trong cuộc đời Giê-su và suy niệm trong lòng, hầu biến trọn niềm tin Ki-tô hữu thành một khám phá và minh chứng cho mọi người về ‘Thiên Chúa, đấng cứu độ… hằng xót thương’. Kể từ lễ Giáng Sinh này, xin Mẹ đưa tay dẫn dắt con tiến bước trên con đường chiêm niệm và sâu lắng, mà Mẹ đã từng bước đi. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
 
 
Loan tin Chúa Giáng Sinh
 
Cuộc đời là một chuỗi những đợi chờ. Có đợi chờ đương nhiên sẽ đến. Có đợi chờ hoài cổ mà chẳng bao giờ thấy. Có đợi chờ mang lại niềm vui như chờ người yêu, chờ nhận quà nhưng cũng có đợi chờ chỉ mang lại thất vọng chán chường như chờ kết quả xét nghiệm sức khỏe …
 
Vì có đợi chờ nên cũng có chờ hụt. Có lẽ chúng ta đều đã từng biết sự kiện chờ bão hụt vừa qua khi đài khí tượng thông báo sẽ có bão số 13 đổ vào TP.HCM rất mạnh. Dân Sài-gòn sợ hãi kẻ thì bỏ chạy, người thì ràng buộc nhà cho vững nhưng chờ bão mãi chẳng thấy. Hóa ra dự đoán sai …
 
Rồi cũng có biết bao lần chúng ta chờ đợi trong hụt hẫng như những câu chuyện vui sau:
Mẹ ơi! Sáng nay có cô Mười ở bên Mỹ mới đến nhà chơi. Cô tặng cho nhà mình một món quà và nói rằng: “Món quà của cô tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho gia đình cháu dùng trong một năm”
Nghe thế, mẹ cu Tý mừng quýnh, hỏi ngay:

  • Món quà gì thế con?
  • Dạ, một quyển lịch dùng cả năm?

Hoặc câu chuyện khác:
– Chàng: Anh sẽ tặng em một món quà làm cho ngón tay em xinh thêm.
– Nàng: (tưởng là những chiếc nhẫn kim cường hay cũng ít là hột xoàn bèn nói) Anh đừng tặng những thứ mắc quá.
          Chàng: Em vớ vẩn, cái dũa móng tay có cái nào mắc đâu.
 
Dân Do Thái ngày xưa cũng từng mừng hụt. Họ tưởng được đón tiếp một Minh Quân quyền uy đánh đông dẹp tây thống trị thiên hạ, thế nhưng, Ngài lại đến trong thân phận một hài nhi yếu đuối, nghèo hèn nằm trong máng cỏ. Họ tưởng Thiên Chúa sẽ đến trong mây trời gió lộng nhưng ngài lại đến âm thầm nơi đồng hoang mông quạnh. Thế nên, họ đã không chấp nhận sự thật ấy mặc dù đã được pho Kinh Thánh dẫn chứng và các mục đồng hoan hỉ loan tin. Họ vẫn khép cửa lòng trong sự cố chấp không tin. Họ đã để niềm vui trôi qua vì không nhận được hồng ân Con Chúa giáng trần
 
Nếu hôm nay Chúa giáng sinh lại một lần nữa, Ngài sẽ giáng sinh trong thân phận nào? Hay nói cách khác, chúng ta thích Chúa giáng sinh trong thân phận nào?
 
Có lẽ chúng ta đều mong muốn Chúa trở nên giống chúng ta. Chúng ta mong muốn Chúa cùng giai cấp, cùng hoàn cảnh của chúng ta để có thể hiểu và cảm thông nâng đỡ chúng ta. Chúng ta muốn Chúa giống chúng ta nhưng lại không muốn Chúa giống người bên cạnh chúng ta. Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phục vụ Chúa qua tha nhân vì không nhận ra Chúa nơi họ. Thế nên, chúng ta cũng nhiều lần khước từ Ngài như dân Do Thái năm xưa.
 
  Xem ra đường lối của Thiên Chúa luôn khác xa với suy nghĩ của con người. Con người thường nghĩ đến vật chất, đến danh vọng đời này. Thiên Chúa luôn mời gọi con người sống thanh thoát, sống vượt lên trên những ham muốn tầm thường mau qua để tìm kiếm Nước Trời làm gia nghiệp. Con người thường xây dựng một Thiên Chúa theo ý mình, nhưng Ngài lại đòi con người phải bỏ ý riêng để sống cho ý Chúa.
 
Hôm nay chúng ta mừng Đại Lễ Chúa giáng sinh làm người là một ngày hội, một ngày vui của chúng ta. Ngài đã trở nên con người để mang lại niềm vui chung cho cả nhân loại. Ngài đã gắn kết tình người để dù con người có khác niềm tin, khác quan điểm nhưng chung một sứ điệp bình an mang đến cho nhau trong ngày đại lễ hôm nay. Ngài là Emanuel sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi. Ngài hằng mời gọi chúng ta đón nhận Ngài trong từng biến cố cuộc sống, và nhất là trong từng phận người. Ngài đã đồng hóa mình trong thân phận kẻ khó khăn, bất hạnh, cùng khổ. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận họ, hãy thi ân cho họ là thi ân cho chính Ngài.
 
– Thiên Chúa mãi ở cùng chúng ta nhưng liệu chúng ta có mừng hụt khi chúng ta không không nhận ra Ngài trong tha nhân, trong bạn bè, nhất là trong Mình Thánh Chúa để đón tiếp Ngài mỗi ngày.
– Xem ra chúng ta vẫn mừng hụt khi chúng ta không nhận ra Chúa trong anh em nên vẫn còn đó sự nghi kỵ, ghen tương, kết án anh em.
– Xem ra chúng ta vẫn mừng hụt khi chúng ta bỏ lỡ rất nhiều lần rước Chúa vào lòng vì lòng chúng ta còn mãi mê hưởng thụ, chìm đắm trong đam mê tội lỗi.
– Xem ra Chúa vẫn không đến theo ý chúng ta nên chúng ta vẫn sống theo ý riêng, theo bản năng của mình để rồi rời xa Chúa, rời xa chân thiện mỹ.
           
Có lẽ , nếu Chúa giáng sinh hôm nay, Chúa vẫn cần chúng ta thay cho các mục đồng loan tin cho nhân thế. Chúa cần chúng ta không chỉ làm điều gì đó để chia sẻ với Chúa mà nhất là hân hoan ra đi loan tin cho trần thế về niềm vui Chúa giáng sinh làm người. Thánh Phaolo đã từng nói: làm sao có người nghe tin mừng nếu không có người rao giảng. Vậy làm sao nhân loại có thể nhận ra Chúa đang ở giữa chúng ta nếu không có người sẵn lòng ra đi giới thiệu Chúa cho họ.
           
Ước gì lòng chúng ta tràn ngập niềm vui khi nhận ra Chúa đang giáng sinh từng ngày trong đời chúng ta, thì cũng hãy mạnh dạn như các mục đồng hân hoan loan báo cho anh em. Ước gì niềm vui Chúa giáng sinh luôn rộn rã trong tâm hồn chúng ta sẽ là động lực giúp chúng ta trở thành sứ giả của niềm vui Con Chúa giáng sinh. Amen
 
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 
 
 
 
 
 
 
Chúa đến xây dựng hoà bình
 
Tin Mừng Thánh Lu-ca được trích đọc trong Thánh Lễ đêm nay thuật lại rằng: khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, các thiên thần cùng đạo binh thiên quốc đồng thanh tung hô: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời; bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Luca 2, 14). Với những lời nầy, Hài Nhi Giê-su được tiên báo là Đấng đem lại hoà bình cho nhân loại. 
Và bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ đêm nay cho ta biết, từ xa xưa, Ngôn Sứ I-sai-a loan báo có một Hài Nhi được Thiên Chúa ban tặng cho loài người; Hài Nhi đó là Chúa Giê-su; Ngài được gọi là Vua hoà bình.
 
Như vậy, theo lời Kinh Thánh, Chúa Giê-su là Vua đem lại hoà bình cho nhân loại. Điều quan trọng là hoà bình mà Ngài mang đến không phải là một tình trạng ngưng chiến tạm thời, nhưng là một nền hoà bình vĩnh cửu dựa trên tình yêu thương huynh đệ.
Giê-su làm cách nào để đem lại hoà bình vững bền cho thế giới? Câu chuyện sau đây minh hoạ cho ta thấy.
Vương quốc Fanxica là một đất nước thái bình, thịnh vượng. Nhà vua và hoàng hậu lại có diễm phúc sinh được hai hoàng tử khôi ngô, văn võ song toàn, khí phách anh hùng. Hai hoàng tử nầy luôn yêu thương gắn bó với nhau như hình với bóng.
Trong khi đó, vua nước láng giềng tên là Faroux, một người cực kỳ nham hiểm và ác độc, nuôi mối căm thù truyền kiếp với vua Fanxica. Lòng căm thù của ông lại càng dâng cao khi thấy vua Fanxica có hai hoàng tử thông minh đĩnh đạc, vũ dũng hơn người, trong khi mình thì không có lấy một mụn con. Vì thế, ông rắp tâm hạ sát hai vị hoàng tử kia cho bằng được.
Vua Faroux biết hai vị hoàng tử thường hay vào rừng săn bắn, nên vua cho người mai phục, giăng bẫy bắt được hoàng tử em.
Khi hay tin em mình mất tích trong rừng, hoàng tử anh một mình một ngựa xông xáo vào rừng tìm em. Không ngờ chính anh cũng bị vua Faroux giăng bẫy bắt được.
Tên vua độc ác giam hai anh em vào hai ngục tối biệt lập nên hai hoàng tử không hề hay biết gì về số phận của người kia.
 
Theo thông lệ hàng năm, vào dịp sinh nhật của vua, vua cho tổ chức những cuộc quyết đấu giữa những con ác thú, để chúng phanh thây xé xác nhau làm trò vui cho quan quân và dân chúng.
Năm nay, thay vì cho ác thú đấu nhau, ông vua ác độc bắt hai tù nhân vạm vỡ khoẻ mạnh, mỗi người đều mang bộ da sư tử, mặt nạ sư tử, và buộc họ phải quyết đấu cho đến khi một trong hai người phải chết.  Ai sống sót sẽ được trả tự do.
Cả đấu trường hò la vang dậy khi quân lính dẫn hai đấu thủ mặc lốt sư tử bước ra. Với thanh mã tấu trên tay, hai con người lốt sư tử xông vào nhau chiến đấu vô cùng ác liệt như hai ác thú điên cuồng. Đám đông cổ võ hò la vang trời dậy đất.
Cuộc chiến kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai đấu thủ mệt nhoài, mình mẩy hai người đều đầy thương tích máu me, nhưng không ai chịu nhường ai. Mỗi người đều dốc hết toàn lực để hạ sát đối thủ, để dành sự sống cho mình, để được trả tự do. Một là chiến thắng, hai là chết!
Thế rồi đấu thủ cao người bất thần vung đao nhanh như chớp chém xoạc mặt đối phương, làm rơi mặt nạ sư tử của y, để lộ ra một khuôn mặt…  rất thân quen!
Anh kinh hoàng tột độ! Thanh mã tấu trên tay rơi xuống. Anh giật bỏ mặt nạ của mình ra. Hai người ồ lên kinh ngạc. Họ bàng hoàng nhận ra nhau. Không ai xa lạ, họ chính là hai anh em ruột thịt, hai hoàng tử con vua Fanxica bị vua Faroux bắt cóc.
Họ lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Họ đâu ngờ rằng đối thủ mà họ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được lại là người anh em rất thân yêu.
Nước mắt tuôn tràn hoà chung với máu. Hai con người bầm dập, mình mẩy đầy máu me ôm nhau khóc tức tưởi. Khóc vì đã coi nhau như kẻ thù, đã giao chiến với nhau như ác thú; khóc vì đã gây cho nhau bao vết thương đau. Họ vẫn đứng đó, ôm nhau khóc tức tưởi trước hàng ngàn cặp mắt bàng hoàng kinh ngạc của mọi người.
          Hình ảnh hai anh em ruột thịt giao đấu một mất một còn trong câu chuyện trên đây là một minh hoạ cho tấn thảm kịch đau thương vẫn diễn ra hằng ngày giữa cộng đồng nhân loại. Ngay giờ nầy, nhiều nơi trên thế giới cũng đang xảy ra những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt y như thế.
 
Chính ma quỷ, kẻ thù nghịch với Thiên Chúa, cũng giống như ông vua Faroux độc ác kia, đã trùm lên mỗi người một thứ “lốt sư tử, lốt chó sói” khiến người ta xem “người là lang sói của người – homo homini lupus” (ngạn ngữ La-tinh), hay lầm tưởng “tha nhân là hỏa ngục” (theo triết gia Jean Paul Sartre) hay chỉ là “người xa lạ” (theo Albert Camus) đối với mình. Vì thế, con người không còn nhận ra nhau là anh em một nhà; mà xem người khác như là kẻ thù cần tiêu diệt không thương tiếc.
Đứng trước thảm cảnh đó, mọi cố gắng xây dựng hoà bình của các tổ chức quốc tế đều bó tay! Khi hai bên đã say máu chiến tranh, nếu người ta tước súng đạn của họ đi, thì đôi bên sẽ chiến đấu với nhau bằng dao rựa, mã tấu… Nếu bị tịch thu dao rựa, mã tấu, thì đôi bên sẽ dùng gậy gộc gạch đá để huỷ diệt nhau; Có tịch thu hết gậy gộc, gạch đá thì đôi bên có thể tấn công nhau bằng nắm đấm hoặc dùng đôi hàm răng để cắn xé nhau…
 
Giải pháp nào để chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình cho nhân loại?
Muốn cho đôi bên tự động ngưng chiến và sống chung hòa bình thì giải pháp tốt nhất không phải là tước bỏ khí giới mà là khai hoá cho họ biết rằng: đối thủ của họ không là ai khác mà chính là người anh em ruột thịt con cùng một Cha.
Giáo huấn quan trọng nhất của Chúa Giê-su là bày tỏ cho mọi người biết rằng Thiên Chúa là Người Cha đầy lòng yêu thương đã sinh ra hết thảy chúng ta và tất cả mọi người đều là con cái của Ngài và là anh chị em với nhau.
Khi bày tỏ sự thật nầy, Chúa Giê-su muốn lột bỏ chiếc “mặt nạ sư tử”, “mặt nạ lang sói” mà ma quỷ trùm lên khuôn mặt mọi người, để họ không còn xem nhau là thù địch nữa, nhưng nhận ra mỗi người chung quanh đều là những người anh chị em rất thân thương.
 
Lạy Chúa Giê-su, Vua hoà bình,
Xin cho mọi người trên khắp thế giới biết mở tâm hồn đón nhận sự thật tuyệt vời do Ngài mang đến. Chỉ có sự thật nầy mới có thể giải thoát nhân loại khỏi hận thù chiến tranh, khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Chỉ có sự thật nầy mới là nền tảng đem lại hòa bình cho mọi dân tộc và hạnh phúc cho hết mọi người.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà 
 
Tin Mừng Lễ Đêm Giáng Sinh 2013
(Lc 2, 1-20)
 
Ánh Sáng & Niềm Vui
 
Theo thông báo của Điện Kensington, nữ Công tước Catherine xứ Cambridge, vợ Hoàng tử William, sinh hạ một hoàng tử đầu lòng vào ngày 22/7/2013, lúc 16h24’ theo giờ địa phương tại bệnh viện St Mary’s ở phía Tây thủ đô London. Người dân Anh và nước ngoài tụ tập đông đúc bên ngoài điện Buckingham, chào đón em bé hoàng gia. Đám đông hoan hỉ mở champagne, reo hò và vui vẻ ngắm nhìn bảng thông báo  
 
Ánh đèn flash của máy ảnh nhấp nháy suốt buổi tối bên ngoài nơi ở của Nữ hoàng Elizabeth, khi hàng trăm người chờ đợi thời khắc thông báo về sự ra đời của người thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng. Đám đông ép chặt cửa sát của Cung điện Buckingham và tràn vào nơi có bức tượng của Nữ hoàng Victoria và những vị vua khác trong quảng trường trước tòa nhà. Các bài hát yêu nước vang lên suốt đêm và nhiều người nước ngoài cũng hòa cùng đám đông chúc mừng nước Anh. “Tôi rất vui mừng cho nước Anh, họ đang sống trong thời khắc lịch sử”, một cặp vợ chồng người Pháp cho hay.
 
Một khách du lịch đến từ bang Ohio, Mỹ lại có cảm giác phấn khích vì được hòa vào không khí vui mừng với Hoàng gia. “Chúng tôi nghĩ rằng thật vui vì người kế vị ngai vàng của Anh chào đời. Chúng tôi đến đây từ tuần trước và chờ đợi sự kiện này. Chúng tôi không có Hoàng gia nên tôi rất vui được ở đây vào thời điểm này”.
 
Các danh thắng nổi tiếng ở London cũng hòa mình vào không khí vui mừng chào đón Hoàng tử bé. Bánh xe khổng lồ London Eye, nơi có thể ngắm nhìn được toàn cảnh London, được trang trí màu đỏ, trắng và xanh và tháp BT ở trung tâm thủ đô cũng chạy dòng chữ “Là bé trai” trên màn hình lớn ở đỉnh tháp.
 
Bên ngoài bệnh viện St Mary ở Paddington, nơi Hoàng tử chào đời, nhiều phóng viên nước ngoài đến đưa tin và nhiều người dân ăn mừng ở bên ngoài. Yang Shanshan, phóng viên của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV có mặt tại đây nói: “Chúng tôi đã chờ đợi ở đây từ rất lâu. Tôi rất vui mừng và chúc mừng nước Anh”. (theo BBC)
 
Trong khi đó, Đấng Thiên Tử Emmanuel chào đời tại hang bò lừa Bêlem hơn hai ngàn năm trước, thật âm thầm, rét mướt, khó nghèo. Chẳng mấy ai biết đến nghênh đón, chẳng có nguyên thủ nào chúc tụng, cũng chẳng champagne nổ dòn, đại bác bắn chào. Chỉ có những người chăn chiên, nhỏ bé, tầm thường, khó nghèo được sứ thần loan báo, đến thờ lạy.
 
Nhỏ bé
          “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Lời hát mừng của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần dành cho những mục đồng xoàng xĩnh, bị bỏ rơi bên lề xã hội, nghèo tiền của, nghèo cả tinh thần, tri thức, lẫn thiếu tình thương. Những kẻ thượng lưu, giàu sang, thừa tiền lắm bạc, quyền cao chức trọng, những bậc trí giả uyên thâm, những kẻ trung lưu no cơm ấm cật, thường vẫn kiêu căng, tự tôn, mãn nguyện, cần gì đến Đấng Tối Cao, đến Thiên Chúa Giáng Sinh, xen vào cuộc đời nhung lụa êm ấm của họ làm chi?  
 
Với thân phận hài nhi yếu ớt, nhỏ bé được cuốn tã bọc, nằm trong máng cỏ, Chúa Giêsu cao cả từ trời cao, tự hạ mình xuống hàng thứ dân hạ lưu, cùng đinh, khố rách áo ôm. Người thân thiết, gần gũi với người thấp cổ bé miệng, cơ hàn, khổ cực, bị đối xử phân biệt, bị khinh bỉ, bị áp bức, bị đầy ải, tù tội.
 
Nếu muốn đón nhận Chúa Hài Đồng, thì tôi phải trở nên nhỏ bé như mục đồng, tự hạ, khiêm nhường, chân chất, đơn sơ như trẻ nhỏ, tôi mới có cơ may gặp đuợc Người.
 
“Đức Maria càng khiêm tốn, thì càng trong sáng, vì càng thấy rõ những điều kỳ diệu Chúa làm trong lòng Mẹ. Như ánh sáng qua một bóng đèn thủy tinh không vướng bụi.”(Đường Hy Vọng, số 512)
 
Nghèo khó
          Thánh  Phaolô đã xác quyết với tín hữu Corinhtô: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8, 9) Bần hàn Chúa sinh ra ở Bêlem, bần hàn cảnh Thánh Gia, bần hàn những người chăn chiên, tất cả đều phản ảnh sứ điệp Giáng Sinh, mà Chúa Hài Đồng muốn nhắn gửi đến mọi người. “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có thì không thể làm môn đệ Ta.”(Lc 14, 33)
 
“Nghèo hèn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo cực. Nếu có tinh thần thanh bần hãy chấp nhận những hậu quả của nghèo nàn giữa xã hội.” (Đường Hy Vọng, số 413)
 
Phục vụ
          Nhìn thấy thảm cảnh tha nhân đói nghèo, cơ cực, bất công mà vẫn bình chân như vại, thì cũng chẳng thể gặp được Chúa Hài Đồng. Cần noi gương Người để có thể gần gũi với Người. Đấng tự hạ mình xuống trên trái đất bé nhỏ và nghèo nàn này, thì điều này có nghĩa là để giống như Ngài, chúng ta không được ở bên trên các người khác, nhưng trái lại phải hạ mình xuống, để phục vụ, để trở nên bé nhỏ với những người bé nhỏ và nghèo với người nghèo. Thật là một điều xấu, khi thấy một Kitô hữu không muốn hạ mình xuống, không muốn phục vụ, một Kitô hữu vênh váo khắp nơi: thật là xấu có phải không? Người đó không phải là tín hữu Kitô, mà là một người ngoại giáo. Kitô hữu thì hạ mình và phục vụ. (Linh Tiến Khải, Đức Thánh Cha: Giáng Sinh là lễ của sự tin tưởng và niềm hy vọng)
 
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Người đã nếm trải cảnh đói rét, bần hàn ngay từ khi mở mắt chào đời, xin dạy chúng con biết noi gương theo, trở nên bé nhỏ, khiêm nhường và sống thanh bần, luôn phục vụ mọi người, mọi nơi, để có thể nhận được ánh sáng và niềm vui Giáng Sinh.
          Lạy Mẹ Maria, Mẹ là tấm gương chói sáng khiêm hạ, nghèo khó và phục vụ, xin giúp chúng con học theo Mẹ, sống theo Mẹ và tin cậy Mẹ, để chúng con luôn được Chúa Ở Cùng như Mẹ. Amen.
 
AM Trần Bình An
Tin Mừng Lễ Rạng Đông  Giáng Sinh 2013
(Ga 1, 1-18)
  
Bình an cho người Chúa thương
 
Kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 77 một cách giản dị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời ba người sống trên đường phố ăn sáng với Ngài. Trong số thực khách hiếm hoi này, còn có cả một con chó cuả một trong những người vô gia cư. Đức Thánh Cha bắt đầu một ngày mới một cách bình thường với thánh lễ tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae. Sau Thánh Lễ , tất cả những người có mặt đã hát “Happy Birthday.”
 
Đức Giáo Hoàng sau đó đã gặp gỡ tất cả mọi người , kể cả ba người đàn ông vô gia cư đang đi theo Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, vị quan phát chẩn của Toà Thánh. Theo tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican, thì Đức Tổng Krajewski đã đi ra ngoài đường từ sáng sớm và mời một nhóm vô gia cư đầu tiên mà Ngài gặp, đó là nhóm ba người đang nằm ngủ dưới hàng hiên ngay trước cửa văn phòng báo chí Vatican.
 
“Quí ông có muốn ăn tiệc sinh nhật với Đức Thánh Cha Phanxicô không?” Ngài hỏi. Họ là những người trạc tuổi bốn mươi, đến từ Slovakia , Ba Lan và Cộng hòa Séc. Họ đã chất đồ đạc lên xe của Đức Tổng Giám mục, và đặt ‘chú chó’ vào giữa. Cùng với Đức Tổng Giám Mục Krajewski , những người vô gia cư này đã trao cho Đức Giáo Hoàng một bó hoa hướng dương. Theo lời giải thích cuả đức Tổng thì hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời giống như Giáo Hội luôn hướng về Chúa Kitô. Đức Thánh Cha đã cùng họ đi ăn sáng tại phòng ăn của nhà trọ , và cùng chia sẻ những câu chuyện vui đùa. Một người đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng “Sống lang thang cũng đáng lắm chứ, vì bạn có thể gặp được Giáo Hoàng.” (Trần Mạnh Trác, Vietcatholic, 12/17/2013)
 
Khi mời đón những người vô gia cư vào Tòa Thánh, để chung vui ngày sinh nhật lần thứ 77 của mình, Đức Phanxicô muốn công khai trả lời với mọi người câu hỏi muôn thuở: “Ai là anh em tôi?”
 
Hôm nay, những dòng chữ đầu tiên của Tin Mừng Thánh Gioan giới thiệu Ngôi Lời, Đấng Emmanuel, “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta”. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”(Ga 1, 11)
 
Sống cùng
Hài Nhi Giêsu bọc khăn vải nằm trong máng cỏ. Chẳng có tã giấy chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, cũng chẳng được nằm êm ái trong cái nôi ru tự động. Chẳng được sinh trong bảo sanh viện cao cấp tiện nghi. Người lại chọn nơi chào đời tại chuồng bò lừa, thấp hèn nhất, xoàng xĩnh nhất, hôi hám nhất, tăm tối nhất, chẳng ai có thể nào ngờ. Chẳng ai có thể tủi thân, tủi phận hơn Người được. Bởi quá yêu thương, Người muốn hòa đồng, sống cùng những thân phận cơ hàn, khó nghèo, bần cùng, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, thiếu tình thương và lòng thương xót.
 
“Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đồng cảm, đồng hành với người nghèo khó, người cơ nhỡ, người bị áp bức, thấp cổ bé miệng, người bị rẻ rúng, khinh thường. Trở nên nhỏ bé, đơn sơ và cơ cực, Người đến an ủi, xoa dịu, chăm sóc, bênh vực và giải thoát những ai đói khát tình yêu, công lý, sự thật khỏi bóng tối, đêm đen thế gian. Hầu cho bất cứ ai cũng đều có thể được hưởng Ơn Cứu Độ. Một tình yêu chí nhân, chí ái, dấn thân và khiêm nhường.
 
Sống vì
Hài Nhi Giêsu bọc khăn vải nằm trong máng cỏ. Người không chỉ đồng hành với kẻ bần hàn, đói khát, mà còn đến vì những con chiên đi lạc, vì đồng xu đánh mất, vì những đứa con hoang đàng, đang say đắm, u mê những ảo ảnh thiên đường tại thế, mù lòa theo đam mê xác thịt, đắm đuối chạy theo những giá trị hư ảo, phù vân chóng qua. “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”(Mc 2, 17)
          Người không theo thói đời, chạy theo đa số, chạy theo số lượng, mà bỏ rơi thiểu số, những con số lẻ, những thân phận bị bỏ rơi, bị trục xuất khỏi cộng đồng xã hội: Đui, què, mù lòa, câm điếc, bệnh hoạn, củi hủi, điên khùng, quỷ ám, quan thuế, đĩ điếm, trộm cắp. Bởi vì: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt 9, 12)
 
Sống cho
Hài Nhi Giêsu bọc khăn vải nằm trong máng cỏ. Chúa Giêsu sinh hạ trong hang bò lừa rét mướt, trống trước hở sau, để nhường nhà cao cửa rộng cho người ta hưởng thụ, nhường phòng ấm nệm êm cho chính tôi ưa dưỡng thân, dượng xác. Bởi vì “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 35-45)
 Ngay từ khi mở mắt chào đời, cho đến khi nhắm mắt nhục nhã trên cây thập tự, Đức Giêsu đã dâng hiến trọn cuộc đời làm của lễ toàn thiêu, chữa đủ bệnh tật, rao giảng Nước Chúa, hoàn thành sứ vụ Cứu Độ qua cuộc tử nạn kinh hoàng, tận tụy phục vụ loài người được ơn tái sinh.“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.“(Ga 15, 13)
          Thế mà tôi vẫn còn mãi lãnh đạm, dửng dưng, vô tình với Hài Nhi Giêsu. Tôi chỉ biết mừng đón Người với đèn sao lộng lẫy, với cây thông lấp lánh, với hang đá bò lừa ngộ nghĩnh, với quần áo xa hoa tiệc tùng say đắm. Làm sao tôi biết Chúa đến thế gian để làm gì? Làm sao tôi được Chúa thương ban bình an? Trong khi đó Đấng Emmanuel, Thiên Chúa vẫn đang ở cùng, sống cùng, sống vì và sống cho tôi.
          “Chúa hiện diện không phải là lý thuyết. Chúa là Cha ở bên con, với tất cả quyền năng và tình yêu. Cha năn nỉ, Cha khuyên bảo, mời mọc, trách móc, tha thứ và luôn yêu thương.”(Đường Hy Vọng, số 234)
  
Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, khiêm hạ, hy sinh và phục vụ xin giúp chúng con tái sinh thành trẻ thơ trong sáng, đơn sơ, biến chúng con thành người Kitô hữu chân chính, sống đúng theo Lời Chúa, hầu xứng đáng trở nên quà tặng cho mọi người.
 
          Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu, xin luôn nhắc nhở, khuyên nhủ, chỉ dạy chúng con biết tha thiết đón mời Chúa đến thăm và ở lại mãi trong tâm hồn chúng con, để chúng con được bình an viên mãn. Amen.
 
AM Trần Bình An
 
Tin Mừng Lễ Ban ngày Giáng Sinh 2013
(Ga 1, 1-18)
 
Nhân Vật Muôn Đời
 
Hôm 11/12/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tạp chí Time uy tín của Mỹ bình chọn là «Nhân vật của năm 2013» vì đã thay đổi «giọng điệu, quan niệm và cách tiếp cận» của Giáo hội Công giáo. Tổng biên tập tạp chí đã tuyên bố trên kênh truyền hình NBC như trên. Bà Nancy Gibbs, tổng biên tập tờ Time cho biết: «Do đã đưa quyền lực Giáo Hoàng ra khỏi cung điện để đến với đường phố, thúc đẩy Giáo Hội lớn nhất thế giới đối diện với các nhu cầu sâu sắc hơn, do đã tạo ra sự thăng bằng chính đáng giữa phán xét và thương xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhân vật năm 2013 của báo Time ».
 
Bà nhấn mạnh: «Hiếm khi có một nhân tố mới xuất hiện trên trường quốc tế lại thu hút bấy nhiêu sự chú ý nhanh đến như thế, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, dù đối với giới trẻ hay người lớn tuổi, giữa các tín hữu hay những người còn nghi ngại».
Bà Gibbs nói thêm, vị Giáo Hoàng người Achentina được bầu lên hồi tháng Ba, «trong vòng chín tháng đã biết cách đặt vào trung tâm những tranh luận chính yếu của thời đại chúng ta. Đó là giàu và nghèo, chính trực và công lý, tính minh bạch, sự hiện đại, việc toàn cầu hóa, vai trò của phụ nữ, tính chất của hôn nhân, những cám dỗ của quyền lực».(Thụy My, RFI)
 
Báo Time vừa tôn vinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Nhân vật của năm 2013 là. Hôm nay, muôn dân, muôn nước đều tưng bừng chào đón Sinh Nhật của Nhân Vật Muôn Đời, Hài Nhi Giêsu. Chẳng bao giờ cũ, chẳng bao giờ già nua, hay lỗi thời, mà vĩnh viễn hợp với mọi thời đại, mọi nơi, mọi lúc. Bởi vì Người là Ánh Sáng, Hồng Ân và Ơn Cứu độ.
 
Ánh Sáng
          Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối. Và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng. (Ga 1, 5) Khi Hài Nhi Giê su Hạ sinh hạ tại Bê lem, thì vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh xua tan đi bóng đêm đang bao phủ thế gian. Những giá trị tưởng như bất biến với cõi trần bị thách thức đảo ngược. Từ vật chất, tinh thần đến luật lệ xử thế đều được đánh giá lại theo nhãn quan của Đấng Cứu Thế.
 
Ngay từ niên thiếu, Người đã là Ánh Sáng mặt trời chiều soi những kẻ ngồi trong tối tăm. (Lc 1, 78 -79). Hơn nữa Người còn là “Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại.” (Lc 2, 32)
 
Sau khi chữa cho anh mù được sáng, Đức Giêsu nhân trả lời thắc mắc của các môn đệ đã mặc khải: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là Ánh Sáng thế gian.”(Ga 9, 5) Người còn nhấn mạnh hơn nữa: “Tôi là Ánh Sáng thế gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống sự sống.” (Ga 8, 12) Nhưng than ôi, thế gian lại chuộng tối tăm hơn ánh sáng, bởi thế gian lấm len, hoen ố tội lỗi, không muốn bẽ bàng lộ tẩy dưới ánh sáng công chính và sự thật.
 
Hồng Ân
          Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. (Ga 1, 16) Hài Nhi Giêsu hạ thế chính là hồng ân vô biên từ tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho con người. Rồi Người chịu nộp mình, chịu chết để xóa tội cho con người. Còn hồng ân nào vĩ đại hơn?
         
Ngoài Lời Hằng Sống, Đức Giêsu còn tự hiến thành Lương Thực hàng ngày, dưỡng nuôi linh hồn lữ khách trên đường hy vọng.  
          “Con thiếu tất cả, con mất tất cả, nhưng con còn Thánh Thể là còn tất cả, vì con có Chúa Thiên Đàng dưới đất.” (Đường Hy Vọng, số 363)  
 
Ơn Cứu Độ
          Còn những ai đón nhận, tức là ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1, 12) Đức Giêsu nhập thế để thực hiện công cuộc cứu chuộc con người khỏi cái chết muôn đời. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống, làm giá cứu chuộc muôn người.”(Mt 20, 28)
 
Cuộc hiến tế trên núi Calvariô là một lễ hy tế đích thân và tự nguyện của Đức Giêsu, hoàn tất thật chu đáo chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người.
 
Dưới thế này, chỉ duy nhất Đức Chúa Giêsu là Nhân Vật Muôn Đời. Không cần báo chí truyền thông phù phiếm xếp hạng, không cần ai bình bầu, bởi vì Người vượt lên trên tầm nhìn hạn hẹp, lệch lạc, phiến diện, thành kiến của thế gian.
 
Thế mà tôi vẫn thường mải mê chạy theo, hâm mộ các thần tượng thời thượng, các ngôi sao ca nhạc, các diễn viên điện ảnh, các lực sĩ thể thao,… Tôi đâu có hay một Siêu Sao Vượt Thời Gian đang âm thầm ở ngay bên.
 
“Chúa hiện diện bên con, không phải chỉ là một tâm tình, nhưng Chúa phải chiếm hữu cả con người con, hướng dẫn, yêu thương, an ủi con.” (Đường Hy Vọng, số 241)
 
Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, Người luôn thấy và thấu hiểu tâm trí chúng con, từ đam mê, sở thích  đến tình cảm riêng tư kín đáo. Xin Người ghi lòng tạc dạ chúng con sự hiện diện gần gũi thân thương của Người, để chúng con dứt khoát từ bỏ những ngẫu tượng, tà thần đang ra sức quyến rũ chúng con.
          Lạy Mẹ Maria, Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm Giáng Sinh, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Khấn xin Mẹ khắc ghi vào tâm hồn chúng con mầu nhiệm Giáng Sinh tuyệt vời, để chúng con theo Mẹ, luôn mãi âu yếm ấp ủ Chúa  Hài Đồng trong lòng. Amen.
 
AM Trần Bình An
 
 
 
Bừng Sáng
(Lễ Giáng Sinh )
 


 
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra,
 
Bóng tối trần gian chạy trốn xa.
 
Sự sáng bừng lên, nguồn ánh sáng,
 
Hoan ca tấu nhạc, khúc tình ca.
 
Tình yêu hiến tặng nơi hoàn vũ,
 
Sự sống thương trao khắp mọi nhà.
 
Cứu Độ Tin Mừng vui nhập thế,
 
Mặt Trời Công Chính cháy trong ta.
 
Hạt Nắng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tin Mừng Giáng Sinh
(Lễ Giáng Sinh)


 
Giữa màn đêm một Vì Sao mở lối,
xua bóng đêm, tăm tối hoang liêu.
Món quà tận chốn cao siêu,
ban cho nhân loại tình yêu ngàn trùng.
 
YÊU đón nhận tận cùng gian khổ,
YÊU thẳm sâu, tột độ gian nan.
YÊU nhẫn nhục. YÊU bẽ bàng,
nghèo hèn run lạnh trong hang bò, lừa.
 
Lộc hồng ân đến mùa gieo hạt,
hạt thần linh mặc lấy xác phàm.
Bình minh chiếu tỏa ánh quang,
nâng người bé mọn, nghèo nàn, khiêm nhu.
 
Dân thoát cảnh mây mù bóng tối,
lửa tình yêu mở lối tâm linh.
Hài Nhi bé nhỏ hạ sinh,
gieo nguồn ánh sáng, niềm tin cho đời.
 
Kẻ bé mọn được mời chiêm ngắm,
người nghèo hèn say đắm hồng ân.
Kẻ khiêm hạ sống âm thầm,
đón nhận ánh sáng thông phần loan tin.
 
Tin Mừng Con Chúa Giáng Sinh …
 
Bâng Khuâng Chiều Tím.
 
 
 
 
Tình Yêu Thinh Lặng
(Lễ Giáng Sinh)
 


 
Tình lặng thầm. Chúa gọi tôi,
đêm lang thang, trong bóng tối mịt mờ.
Đêm sương rơi, con tim trót hững hờ,
hang Bêlem, Con Thiên Chúa đợi chờ,
tình lặng thầm, trong giá lạnh bơ vơ.
 
Lời thì thầm, tiếng tình yêu,
yêu nhân gian, Chúa xuống thế vào đời.
Yêu khiêm nhu, mong manh kiếp phận người,
yêu thương tôi, Chúa cất bước đi tìm,
trong nhục nhằn, Chúa nói lời yêu thương.
 
Tình yêu câm nín, tình yêu không lời,
Chúa đã gọi tôi, giữa bóng tối cuộc đời.
Giữa máng cỏ nghèo hèn,
giữa hang động tanh hôi,
Ngài đã gọi tôi, cất bước vào đời.
 
Tình yêu dâng hiến, tình yêu khiêm nhường,
Chúa đã dạy tôi, dẫu cay đắng, đoạn trường.
Dâng hiến cuộc đời mình,
thành tấm bánh hy sinh,
vững bước hành trình, giữa bất trắc, điêu linh.
 
Lời thì thầm, xé tan màn đêm,
soi tâm linh, chiếu ánh sáng nhiệm mầu.
Gieo tin yêu, trong thế giới khổ sầu,
đem yêu thương, sưởi ấm trái tim buồn,
tình gọi tình, đáp lời, sai tôi đi.
 
M. Madalena Hoa Ngâu.
 
Giao Duyên
Lễ Đêm Giáng Sinh – Năm A –(Lc 2, 1 – 14)
 


 
Đêm nay hội ngộ khúc tình ca,
trời – đất mừng vui kết giao hòa.
Thiên Tử kết duyên cùng nhân thế,
thiên Sứ họp đoàn vui hoan ca.
 
Tình yêu tìm kiếm một tình yêu,
dù bao nghịch cảnh, lắm tiêu điều.
Giữa chốn chuồng chiên, bò hôi hám,
là nơi hò hẹn trái tim yêu.
 
Nhiệm mầu Thánh Ý Chúa cao siêu,
nghèo khó, tanh hôi, khốn khổ nhiều.
Trẻ thơ bọc tã trong máng cỏ,
mục đồng thờ lạy Chúa tình yêu.
 
Bài học khó nghèo, Chúa dạy con,
bài học khổ đau, kiếp mỏng dòn.
Giúp con nhận diện ra tình Chúa,
quá thương nhân thế bỏ cung son.
 
Chúa đã làm người giữa trần gian,
đêm đông giá lạnh cảnh cơ hàn.
Khiêm hạ kiếp người, thân yếu đuối,
nâng cao phẩm giá phúc bình an.
 
Xuống thế làm người, Chúa Ngôi Hai,
đơn sơ nhỏ bé tấm hình hài.
Con người được ngắm nhìn Thiên Chúa,
sung mãn ân tình chẳng nhạt phai.
 
Lịch sử loài người đã sang trang,
bóng tối xa rồi, ánh sáng ban.
Dân tộc hân hoan reo mừng hát,
thủ lãnh Hòa Bình phúc an khang.
 
Ngài là Cố Vấn thật uy danh,
Thần Linh dũng mãnh trọn quyền hành.
Thiết lập vương quyền Cha muôn thưở,
ngai vàng Đa-vít mãi hùng anh.
 
Đêm nay lặng lẽ con gẫm suy,
mầu nhiệm giáng sinh rất diệu kỳ.
Vượt quá giấc mơ con người ước,
toàn năng Thiên Chúa nơi Hài Nhi.
 
Lạy Chúa giúp con biết cảm thông,
chia sẻ khổ đau với cộng đồng.
Với ai nghèo túng bị áp bức,
bênh vực kiếp người trước bất công.
 
Con quỳ thờ lạy Chúa Hài Nhi,
thinh lặng hồn con biết nói gì.
Máng cỏ xinh xinh nơi hò hẹn,
cùng Ngài giao ước mối tình si.
 
AP. Mặc Trầm Cung
 

 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.