“Giáo Hội Công giáo Cổ” và “Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan”

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Tôi hiểu rằng trong các hoàn cảnh bất
thường, chẳng hạn trong một cuộc khủng hoảng, hoặc bị cô lập nên không lãnh các
bí tích Công giáo được, thì có thể chấp thuận, theo quan điểm Công giáo, cho việc
lãnh các bí tích từ một linh mục Chính thống giáo, việc truyền chức của ngài là
hợp lệ vì các Giám mục của Giáo hội này vẫn là kế tục Tông đồ. Với các điều kiện
khẩn cấp hoặc một sự cô lập như trên, một người Công giáo có thể nhận lãnh các
bí tích hữu hiệu từ Giáo Hội Công Giáo Cổ hoặc Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba
Lan không, vì một người bạn của tôi nói rằng hai Giáo Hội này vẫn còn là kế tục
Tông đồ? Anh ấy dường như cũng nghĩ là sẽ có vấn đề truyền chức linh mục cho phụ
nữ ở hai Giáo Hội này nữa. Liệu Giáo Hội Công giáo vẫn còn công nhận hai Giáo Hội
này là kế tục Tông đồ không? – L.Q., Watertown, Wisconsin (Mỹ)

Đáp: Tình hình là không như nhau đối với
“Giáo Hội Công Giáo Cổ” với trung tâm lịch sử là thành phố Utrecht (Hà
Lan), và “Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan” có trụ sở tại Bắc Mỹ. Cả hai
nhóm đều ở trong sự hiệp thông cho đến tương đối gần đây.

Vì nhiều lý do, Giáo Phận Utrecht tách
ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau năm 1703. Giáo Hội này sau đó đã tấn phong Giám
mục độc lập cho các giáo phận khác của Hà Lan. Sau ngày công bố tín điều bất khả
ngộ của Đức Giáo Hoàng vào năm 1870, nhiều nhóm chủ yếu là người Công giáo nói
tiếng Đức tách ra khỏi Giáo Hội. Họ được hỗ trợ bởi Giám mục độc lập của giáo
phận Utrecht, người đã tấn phong một số linh mục làm Giám mục.

Cho đến bây giờ, họ đã duy trì sự kế tục
Tông đồ cách hợp pháp và các bí tích hữu hiệu. Tuy nhiên, họ có một số khác biệt
tín lý mạnh mẽ với Giáo Hội Công Giáo, và sau năm 1996 họ đã bắt đầu truyền chức
linh mục cho phụ nữ.

Trừ phi các Giáo Hội này chấp nhận các nữ
Giám mục, họ sẽ duy trì sự kế tục tông đồ. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo không
công nhận tính hợp lệ của chức linh mục được truyền cho phụ nữ, và như một hệ
quả, một người Công Giáo không bao giờ có thể yêu cầu các bí tích từ nữ linh mục.

Vì các lý do này, mặc dù trong một trường
hợp khẩn cấp nghiêm trọng, một người Công giáo có thể nhận các bí tích từ một
linh mục hợp lệ của Giáo Hội Công Giáo Cổ, các khác biệt về tín lý giúp khuyên
người Công giáo không Rước lễ hoặc lãnh các bí tích khác, trong một buổi lễ của
Giáo Hội Công giáo Cổ trong các trường hợp dự kiến ở điều 844 của Giáo Luật
(xem dưới).

”Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan” được
thành lập tại Mỹ vào năm 1887, như là một kết quả của một loạt các sự hiểu lầm
mục vụ và tranh chấp tài sản. Một trong các nhà lãnh đạo của Giáo hội này, Cha
Franciszek Hodur, được tấn phong Giám mục bởi ba Giám mục của Giáo Hội Công
Giáo Cổ tại Utrecht năm 1907, và sau đó ngài đã tấn phong các Giám mục khác để
bảo đảm sự kế tục Tông đồ. Giáo Hội này thiết lập sự hiệp thông với Giáo Hội
Tin lành Tân giáo (Episcopal) và Giáo Hội Công Giáo Cổ.

Năm 1978, Giáo hội này chấm dứt sự liên
thông hiệp với Giáo hội Tin lành Tân giáo, và chấm dứt sự hiệp thông với Giáo Hội
Công Giáo Cổ sau năm 1996. Trong cả hai trường hợp, lý do là quyết định của các
nhà thờ này thừa nhận người phụ nữ làm linh mục – một lập trường hoàn toàn bị
bác bỏ bởi Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan.

Quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo quốc gia
Ba Lan và Giáo hội Công giáo đã được cải thiện phần nào từ thập niên 1970. Năm
1996, Hội đồng Giám mục Mỹ đã đạt được một thỏa thuận, được Tòa Thánh chấp thuận,
vốn đặt Giáo Hội này vào một vị trí tương tự như vị trí của các Giáo Hội Chính
Thống Đông phương.

Vì vậy, các quy định của Điều 844 của
Giáo Luật có thể được áp dụng cho các thừa tác viên của Giáo Hội Công Giáo quốc
gia Ba Lan. Mời đọc:

“Ðiều 844:(Bản dịch Việt ngữ của Bộ
Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành,
Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)

§ 1 Các thừa tác viên Công Giáo chỉ ban
các Bí Tích cách hợp pháp cho những người Công Giáo. Cũng vậy, người tín hữu
Công Giáo chỉ lãnh nhận các Bí Tích cách hợp pháp nơi các thừa tác viên Công
Giáo, đừng kể những trường hợp nói ở các triệt 2, 3 và 4 của điều luật này và ở
triệt 2 của điều 861.

§ 2 Mỗi khi nhu cầu đòi hỏi, hay thực sự
một ích lợi thiêng liêng thúc đẩy, và miễn là tránh được nguy cơ sai lầm và
lãnh đạm, những tín hữu Công Giáo nào không thể đến với một thừa tác viên Công
Giáo, do tình trạng bất khả kham về thể lý hay luân lý, được phép lãnh nhận các
Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân với những thừa tác viên
không Công Giáo, nếu trong Giáo Hội của họ có các Bí Tích ấy hữu hiệu.

§ 3 Các thừa tác viên Công Giáo cũng ban
các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân một cách hợp pháp cho
các phần tử thuộc các Giáo Hội Ðông Phương không hiệp thông hoàn toàn với Giáo
Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin và chuẩn bị sẵn sàng lãnh nhận Bí Tích. Ðiều này
cũng có giá trị đối với các phần tử của các Giáo Hội khác, ở trong cùng điều kiện
như các Giáo Hội Ðông Phương nói trên về phương diện các Bí Tích, dựa theo sự
phán đoán của Tòa Thánh.

§ 4 Trong khi nguy tử hay, theo sự nhận
định của Giám Mục giáo phận hoặc của Hội Ðồng Giám Mục, có nhu cầu quan trọng
khác đòi hỏi, thì các thừa tác viên Công Giáo được phép ban các Bí Tích ấy cách
hợp pháp cho những người Kitô hữu không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công
Giáo, khi những người này không thể đến với thừa tác viên thuộc cộng đoàn của họ
và tự ý xin lãnh Bí Tích, với điều kiện là họ tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo về
các Bí Tích ấy và họ đã chuẩn bị hợp lệ.

§ 5 Về những trường hợp nói đến trong
triệt 2, 3 và 4, Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục không được đưa ra những
quy luật tổng quát khi chưa tham khảo ý kiến với người có thẩm quyền, ít ra là
cấp địa phương, của Giáo Hội hay cộng đoàn không công giáo liên hệ.”

Nguyễn Trọng Đa(VietCatholic/ Zenit)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.