Các ngăn trở cho người muốn chịu chức Linh mục

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Xin cha giải thích và thảo luận về
các ngăn trở cho người muốn chịu chức Linh mục. Cám ơn cha. – L.B., Madison,
Wisconsin (Mỹ)

 

Đáp: Đây là một chủ đề rất phức tạp và
rơi nhiều vào lĩnh vực Giáo luật hơn là Phụng vụ. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta
có thể phác thảo các khái niệm chủ yếu được tìm thấy trong các Điều Giáo luật từ
số 1040 đến số1049. Các Điều này giải quyết các ngăn trở và điều bất hợp luật đối
với việc chịu chức Linh mục và hành sử chức thánh.

Đây không phải là toàn bộ các điều kiện
để chịu chức Linh mục; còn có các điều kiện khác, như hoàn thành các môn học thần
học cần thiết, được kết nạp vào hàng ứng viên linh mục, đã lãnh nhận tác vụ đọc
sách và giúp lễ, phải tự viết đơn và ký tên vào đơn xin chịu chức linh mục, và
dự tĩnh tâm theo qui định trước khi chịu chức (Xem các Điều 1033-1039).

Các điều Giáo luật liên quan mang tên:

“Những Ðiều Bất Hợp Luật Và Những Ngăn
Trở Khác”
(Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện:
Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)

Điều 1040.“Những người vướng mắc một
ngăn trở nào đó hoặc vĩnh viễn, – luật gọi là “điều bất hợp luật” -,
hoặc đơn thường, phải bị loại trừ không được lãnh chức thánh. Tuy nhiên, không
ai bị coi là mắc ngăn trở, ngoài những ngăn trở liệt kê trong các điều luật sau
đây.”

Một điều bất hợp luật là một ngăn trở
vĩnh viễn, mặc dù đôi khi có sự miễn chuẩn. Một ngăn trở đơn thường có thể chấm
dứt bằng các cách khác. Ví dụ, một người khi còn trẻ có hành vi ly giáo và sau
đó được hòa giải với Giáo Hội, sẽ luôn cần sự miễn chuẩn trước khi chịu chức. Một
người đàn ông đã lập gia đình có một ngăn trở đơn giản, vốn sẽ biến mất, nếu
ông góa vợ hoặc, trong trường hợp hiếm hoi, được miễn chuẩn.

Việc miễn chuẩn này hầu hết được ban cho
các cựu giáo sĩ Tin lành đã lập gia đình, khi họ được nhận vào chức linh mục.
Đôi khi nó được cấp, khi cả hai vợ chồng trong một cuộc hôn nhân hợp lệ quyết định
theo đuổi một ơn thiên triệu linh mục, nhưng trường hợp như vậy là hiếm có.

Vì vậy, Những Ðiều Bất Hợp Luật Và Những
Ngăn Trở Khác là:

Điều 1041.“Những trường hợp ‘bất hợp luật’
để chịu chức là:

1. người mắc bệnh điên khùng, hay bị một
tâm bệnh khác mà theo ý kiến các nhà chuyên môn, đương sự không thể chu toàn
đúng phép thừa tác vụ cách thích đáng được;

2. người phạm tội bội giáo, lạc giáo hay
ly giáo;

3. người đã kết hôn, cho dù chỉ kết hôn
dân sự, khi bị ngăn trở hôn nhân vì đã thành hôn trước đó, hoặc vì có chức
thánh, hay có lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời; hoặc vì đương sự kết
hôn với một người nữ đã kết hôn hữu hiệu hay đã bị ràng buộc bởi lời khấn khiết
tịnh như vậy;

4. người phạm tội cố sát hoặc phá thai
có hiệu quả, và tất cả những người cộng tác tích cực vào các tội đó;

5. người chủ tâm cưa cắt thân thể của
mình hay của người khác cách nặng nề, hoặc đã mưu toan tự vẫn;

6. người đã thi hành một hành vi thánh
chức dành riêng cho Giám Mục và Linh Mục, khi không có chức thánh đó hay đã có
thánh chức nhưng đã bị cấm thi hành do một hình phạt giáo luật đã tuyên bố hay
tuyên kết.”

Điều 1042.“Những trường hợp ngăn trở
đơn thường không được chịu chức là:

1. người nam đang có đôi bạn, trừ khi được
tiến cử hợp lệ lên chức Phó Tế vĩnh viễn;

2. người đang đảm nhiệm một chức vụ hay
một việc quản trị có kèm theo việc tường trình mà giáo luật điều 285 và 286 cấm
giáo sĩ. Ngăn trở này chấm dứt khi đương sự hết đảm nhiệm những công việc đó,
hay đã hoàn tất việc tường trình;

3. người tân tòng, trừ khi Bản Quyền xét
thấy họ đã vững vàng.”

Điều 1043. “ Nếu các tín hữu Kitô giáo
biết được ngăn trở đối với chức thánh, họ có bổn phận tiết lộ chúng cho Đấng Bản
quyền hoặc cha xứ, trước lễ truyền chức.”

Các Điều Giáo luật phân biệt giữa việc
chịu chức Linh mục và hành sử chức thánh. Nói cách khác, các ngăn trở trên đây
không nhất thiết làm cho việc chịu chức là không hợp lệ. Một người đàn ông có
thể được truyền chức với một ngăn trở, vấn đề là liệu người ấy có thể hành sử
chức thánh mình đã lãnh nhận hay không. Điều này được quy định trong các điều
sau đây. Các điều này là rất rõ rằng người nào được chịu chức Linh mục, khi
đang có điều bất hợp luật hoặc ngăn trở chưa được miễn chuẩn, thì bị cản trở
hành sử chức thánh. Trường hợp ngoại lệ là có phạm tội trước về bội giáo, lạc
giáo, ly giáo, trừ phi nó được công khai biết đến. Nếu che giấu, sự ngăn trở cản
trở việc chịu chức, nhưng không cản trở việc hành sử chức thánh đã nhận.

Điều 1044 “(1) Những trường hợp bất hợp
luật để hành sử các chức thánh đã lãnh nhận là:

1. người đã lãnh nhận thánh chức cách bất
hợp pháp, bởi vì mắc một điều bất hợp luật để chịu chức;

2. người đã phạm tội nói đến trong điều
1041, số 2, nếu tội đã thành công khai;

3. người đã phạm tội nói đến trong điều
1041, các số 3, 4, 5, 6.

(2) Những trường hợp ngăn trở không được
hành sử chức thánh là:

1. người đã chịu chức cách bất hợp pháp
vì bị ngăn trở không được chịu chức.

2. người mắc bệnh điên rồ hay một tâm bệnh
nào khác đến nói trong điều 1041, số 1, cho đến chừng nào Bản Quyền cho phép
hành sử chức thánh, sau khi đã bàn hỏi ý kiến của nhà chuyên môn.”

Điều 1045. “Việc không biết các trường hợp
bất hợp luật và các ngăn trở không giải trừ cho các đương sự.”

Điều 1046. “Các điều bất hợp luật và các
ngăn trở tăng thêm lên do những nguyên nhân khác nhau, chứ không do cùng một
nguyên nhân lặp đi lặp lại, trừ trường hợp bất hợp luật do tội cố sát hay phá
thai có hiệu quả.

Điều 1047 “(1) Tòa Thánh dành quyền miễn
chuẩn các điều bất hợp luật, nếu sự kiện làm nền tảng đã bị đưa ra tòa án.

(2) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn
các điều bất hợp luật và các ngăn trở cấm chịu chức sau đây:

1. những bất hợp luật do tội phạm công
khai nói ở điều 1041, các số 2 và 3;

2. bất hợp luật do tội phạm hoặc công
khai hoặc kín đáo nói ở điều 1041, số 4;

3. ngăn trở nói ở điều 1042, số 1.

(3) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn
các điều bất hợp luật để hành sử chức thánh đã lãnh, nói ở điều 1041, số 3,
nhưng chỉ trong những trường hợp đã trở thành công khai; và nói ở điều 1041, số
4, cả trong những trường hợp còn kín đáo.

(4) Bản Quyền có thể miễn chuẩn những điều
bất hợp luật và ngăn trở không dành cho Tòa Thánh.”

Điều 1048. “Trong những trường hợp còn
kín và rất khẩn cấp, nếu không thể đến với Bản Quyền được, hoặc không thể đến
Tòa Ân Giải Tòa Thánh khi gặp những bất hợp luật nói ở điều 1041, số 3 và 4, và
có nguy cơ thiệt hại nặng hay nguy cơ mất tiếng tốt, thì ai mắc phải bất hợp luật
để hành sử chức thánh vẫn có thể cứ hành sử, nhưng họ có bổn phận phải đến sớm
hết sức với Bản Quyền hay Tòa Ân Giải Tòa Thánh để xin miễn chuẩn, qua trung
gian cha giải tội và không cần xưng danh tánh.”

Điều 1049. “(1) Trong đơn xin chuẩn các
điều bất hợp luật và các ngăn trở, phải kê khai tất cả mọi bất hợp luật và ngăn
trở. Tuy nhiên, ơn miễn chuẩn tổng quát có giá trị cho cả những bất hợp luật và
ngăn trở đã vô tình quên kê khai, trừ những bất hợp luật nói ở điều 1041, số 4
và những bất hợp luật khác đã đưa ra tòa án; nhưng không có giá trị cho bất hợp
luật và ngăn trở đã giấu diếm vì gian ý.

(2) Nếu là bất hợp luật cố sát hoặc phá
thai, thì để sự miễn chuẩn được hữu hiệu, cần phải nói rõ số lần phạm tội nữa.

(3) Ơn miễn chuẩn tổng quát về các bất hợp
luật và ngăn trở cấm lãnh thánh chức, có giá trị cho mọi chức thánh.”

Có nhiều vấn đề cần được giải quyết liên
quan đến việc áp dụng các điều bất hợp luật và các ngăn trở, và mỗi trường hợp
phải được giải quyết theo giá trị của nó. Các chuyên viên Giáo luật tranh luận
về các điểm tinh tế của luật, để biết khi nào một số ngăn trở có thể được áp dụng
hay không. Ví dụ, cần phải làm gì khi điều kiện tâm thần không là thường xuyên?
Liệu một người đàn ông gây ra một cái chết do lái xe thiếu thận trọng có là bị
sự ngăn trở do giết người không? Liệu một nỗ lực tự tử hồ nghi có là điều bất hợp
luật không? Đây chỉ là một số trong các vấn đề cần phải được giải quyết.

Cuối cùng, hầu hết các chuyên viên Giáo
luật sẽ đồng ý rằng hầu hết các điều bất hợp luật và các ngăn trở sẽ không áp dụng
cho một người không là Công giáo vào thời gian phạm tội, mặc dù chúng phải được
cân nhắc cẩn thận trong việc đánh giá liệu một người phù hợp với việc chịu chức
Linh mục không.

Nguyễn Trọng Đa(VietCatholic/ Zenit)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.