Đức Maria, Hòm bia của Giao ước mới

Tại sao người Công giáo gọi Đức Maria là Hòm bia của Giao ước mới? Việc trả lời câu hỏi này sẽ đưa chúng ta trải qua một hành trình đầy cảm xúc xuyên suốt Cựu ước và Tân ước.

Chẳng hạn, thánh Luca đã đan kết một số điều
tuyệt vời vào trong Tin mừng của ngài mà chỉ một người Do Thái am tường mới
hiểu được – một người Do Thái biết Kinh thánh Do Thái và có đôi mắt để nhìn,
đôi tai để lắng nghe. Một trong những điều mà người ấy có thể nhận ra chính là
dự hình luận.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Cựu ước chứa đầy
những câu chuyện, con người và sự kiện lịch sử. Một dự hình là một nhân vật, sự
vật hoặc sự kiện trong Cựu ước báo trước cho việc gì đó trong Tân ước. Nó giống
như một sự nếm trải trước hay gợi ý cho một việc gì sẽ được hoàn thành hoặc
được hiện thực hóa. Các dự hình giống như những bức họa trở nên sống động theo
một cách thức mới mẽ và thú vị khi được nhìn theo nhãn quan mặc khải của Đức
Kitô. Thánh Augustinô từng nói: “Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước. Cựu Ước
tỏ lộ trong Tân Ước”
 (Giáo lý cho người chưa được học 4,8).

Ý tưởng về nhân hình luận không hề mới. Thánh
Phaolô nói rằng Ađam là tiên trưng của Đấng sẽ đến – tức Đức Kitô (Rm 5,14).
Các Kitô hữu sơ thời hiểu rằng Cựu ước chứa đầy những kiểu mẫu hay hình ảnh đã
được hoàn thành hay nên hiện thực trong Tân ước.

Dưới đây là một số minh họa thêm cho dự hình luận
trong Kinh thánh:

· Thánh Phêrô dùng hình ảnh tàu Noê như một
tiên trưng cho phép rửa Kitô giáo (1Pr 3,18-22).

· Thánh Phaolô giải thích rằng việc cắt bì báo
trước cho phép rửa Kitô giáo (Cl 2,11-12).

· Đức Giêsu dùng hình ảnh con rắn đồng như một
tiên trưng cho việc Ngài chịu Khổ hình thập tự (Ga 3,14; x. Ds 21,8-9).

· Chiên Vượt qua diễn tả trước hy tế của Đức
Kitô (1 Cr 5,7).

· Thánh Phaolô cho biết Abraham “tính rằng:
Thiên Chúa quyền phép đủ để làm cho người chết sống lại; do đó ông đã được lại
con ông, sự đã nên như triệu báo” (Hr 11,19).

Hòm bia của Giao ước

Thiên Chúa yêu thương dân Người và muốn gần
gũi với họ. Người chọn cách làm theo một đường lối hết sức đặc biệt. Giáo lý
Hội thánh Công giáo dạy, “Nhờ các vị mục tử, đặc biệt là vua Đavít, và
các ngôn sứ hướng dẫn, kinh nguyện của Dân Chúa được triển nở dưới bóng nhà
Chúa, lúc đầu là Khám [Hòm bia] Giao ước và sau này là Đền Thờ”
 (GLHTCG
2594). Thiên Chúa hướng dẫn Môsê dựng một Nhà tạm được phủ bằng những tấm màn
dày (x. Xh 25-27). Bên trong Nhà tạm, Môsê đặt một chiếc hòm bọc vàng từ trong
ra ngoài. Bên trong Hòm bia Giao ước lại được đặt một bình vàng chứa manna, cây
gậy đâm chồi nẩy lộc của Aharon, và các tấm bia Giao ước (x. Hr 9,4).

Khi hòm bia đã hoàn thành, một đám mây vinh quang
của Đức Chúa (Vinh quang Shekinah[1])
che phủ Trướng Tao phùng, và vinh quang của Đức Chúa đầy tràn Nhà tạm (Xh
40,34-35; Ds 9,18.22). Động từ “che phủ” hay “rợp
bóng”
 và ẩn dụ về một đám mây được sử dụng trong Kinh thánh để diễn tả
sự hiện diện và vinh quang của Thiên Chúa. Giáo lý Hội thánh Công giáo giải
thích:

Trong các cuộc thần hiện thời Cựu ước, áng mây
khi chói sáng, khi mờ tối, vừa mặc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che
khuất vinh quang siêu việt của Người – như lúc Môsê trên núi Sinai, trong lều
Hội Ngộ và suốt cuộc hành trình trong hoang địa; với Salômôn dịp cung hiến Đền
Thờ. Những hình bóng này được Đức Kitô thể hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh
Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Maria và “rợp bóng” trên Người, để Người
thụ thai và hạ sinh Đức Giêsu. Trên núi Hiển Dung, chính Thánh Thần đến trong
đám mây bao phủ” Đức Giêsu, Môsê và Êlia, Phêrô, Giacôbê
và Gioan, và “từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta,
Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người
“. Cuối cùng, cũng
chính đám mây này “che khuất Đức Giêsu” ngày Thăng Thiên và sẽ mặc
khải Người là Con Người trong vinh quang ngày tái lâm. Vinh quang của Đức Chúa
“rợp bóng” trên hòm bia và tràn ngập nhà tạm (GLHTCG 697).

Thật dễ bỏ sót tính song đối giữa việc Chúa
Thánh Thần rợp bóng trên hòm bia và Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Đức Maria,
giữa Hòm bia của Giao ước cũ như là nơi Thiên Chúa ngự và Đức Maria như là nơi
ngự mới của Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn mọi chi tiết của hòm bia phải
chính xác cách đặc biệt (Xh 25-30). Bởi vì đó là nơi chính Thiên Chúa sẽ ngự
(Xh 25,8). Thiên Chúa muốn những lời của Người – được khắc trên đá – được lưu
giữ trong một vật chứa hoàn hảo bọc vàng ròng từ trong ra ngoài. Hẳn nhiên
Người cũng muốn Ngôi Lời của Người – Đức Giêsu – ngự ở một nơi thật hoàn hảo!
Nếu người Con Một chọn cư ngụ nơi cung lòng một cô gái nhân loại, thì tại sao
Người không làm cho cô ấy nên vô tỳ tích cơ chứ?

Đức Trinh nữ Maria là thánh điện sống động của
Ngôi Lời Thiên Chúa, là Hòm bia của Giao ước mới và vĩnh cửu. Trên thực tế,
trình thuật thiên thần truyền tin cho Đức Maria của thánh Luca đã kết hợp cách
độc đáo những hình ảnh về căn lều dành cho việc hội ngộ với Thiên Chúa trên núi
Sinai và đền thờ trên núi Sion. Cũng như đám mây che phủ dân Chúa để dẫn họ đi
trong sa mạc (x. Ds 10,34; Đnl 33,12; Tv 91,4) và cũng như chính đám mây ấy,
dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cách mầu nhiệm ở giữa dân Israel, bay lượn
trên Hòm bia Giao ước (x. Xh 40,35), giờ đây bóng Đấng Tối Cao cũng bao trùm và
thẩm thấu nhà tạm của Giao ước mới là cung lòng Đức Maria (x. Lc 1,35) (Hội
đồng Giáo hoàng về Chăm sóc Mục vụ cho Di dân và Lữ hành, Đền thờ: Ký ức, Sự
hiện diện và Lời tiên báo về Thiên Chúa Hằng sống).

Vua Đavít và Êlisabét

Thánh Luca cũng đan kết những song đối thêm
vào câu chuyện về Đức Maria – những hình ảnh tiên trưng dễ bị bỏ qua nếu người
ta không quen thuộc với Cựu ước. Sau khi Môsê qua đời, Giôsuê đưa dân Israel băng
qua sông Giođan để tiến vào Đất Hứa. Giôsuê cho đặt Hòm bia Giao ước tại Shilô,
nơi Hòm bia ở lại trong hơn 200 năm. Ngày nọ, khi dân Israel bại trận trước
quân Philitinh, dân nhanh chóng lấy hòm bia và đưa ra tiền tuyến. Quân
Philitinh đoạt được hòm bia, nhưng hòm bia lại gây những rắc rối nghiêm trọng
cho họ, vậy là họ trả hòm bia lại cho dân Israel (1Sm 5,1-6,12).

Đavít là người đã đi rước hòm bia (2Sm 6,1-2).
Sau khi một người đàn ông tên Uzzah đột tử khi chạm vào, Đavít đã than thở mà
rằng: “Hòm bia của Đức Chúa đến với tôi thế nào được?”. Ông đã bỏ
lại hòm bia tại một miền đồi núi xứ Giuđa chừng ba tháng. Chúng ta cũng biết,
chính Đavít đã nhảy múa trước hòm bia và mọi người đã reo hò vui sướng. Nhà
Obed-Eđôm, nơi đặt hòm bia, được chúc phúc, vậy nên Đavít liền rước hòm bia về
Giêrusalem (2Sm 6,9-14).

So sánh chuyện Đavít
và hòm bia với trình thuật của Luca về cuộc Thăm viếng:

Trong những ngày ấy,
chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giuđa: bà
vào nhà Dacaria và chào Êlisabét. Và xảy ra là thoạt Êlisabét nghe lời
Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ; và Êlisabét được đầy Thánh thần,
mà thốt lên một tiếng kêu lớn và nói: “Trong nữ giới, có người là diễm
phúc! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người! Và bởi đâu tôi được thế này,
là mẹ Chúa tôi đến với tôi? Vì này thoạt tiếng người chào vừa đến tai tôi, thì
hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng. Phúc cho người, là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ
đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người!” 
(Lc 1,39-45), (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn).

· Đức Maria chỗi dậy và đi đến một miền đồi
núi xứ Giuđa. Tôi đã đến cả Ein Kerem (nơi Êlisabét từng sống) và Abu Ghosh
(nơi đặt hòm bia), và hai địa danh này chỉ cách nhau một quãng đi bộ ngắn. Đức
Maria và hòm bia, cả hai đều ở trên một hành trình đến cùng  một vùng đồi
núi xứ Giuđa.

· Đavít từng hân hoan khi thấy hòm bia và từng
nói: “Hòm bia của Đức Chúa đến với tôi thế nào được?”. Êlisabét cũng
dùng những lời lẽ rất giống vậy: “Bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa
tôi đến với tôi?
”. Luca đang nói cho chúng ta điều gì đó – khi lôi kéo tâm
trí chúng ta trở lại với Cựu ước, cho chúng ta thấy một sự song đối.

· Khi Đavít đến gần hòm bia, ông reo hò và
nhảy múa trước hòm bia. Ông thắt áo bào trúc bâu, một thứ trang phục dành cho
tư tế. Khi Đức Maria, Hòm bia của Giao ước mới, đến gần Êlisabét, thì Gioan Tẩy
giả đã nhảy mừng trong dạ mẹ mình – Gioan xuất thân từ dòng dõi tư tế Aharon.
Cả Đavít và Gioan Tẩy giả đều nhảy mừng trước sự hiện diện của hòm bia. Hòm bia
của Giao ước cũ đã ở lại nhà Obed-Eđôm độ ba tháng, và Mẹ Maria cũng ở lại nhà
Êlisabét độ ba tháng. Nơi hòm bia ngụ lại độ ba tháng đã được chúc phúc, và chỉ
trong một đoạn văn ngắn ngủi của Luca, Êlisabét đã sử dụng từ được chúc phúc
đến ba lần. Gia đình bà dĩ nhiên là đã được chúc phúc nhờ sự hiện diện của hòm
bia và Đức Chúa ở bên trong.

· Khi hòm bia Cựu ước xuất hiện – cũng như khi
Đức Maria xuất hiện – cả hai đều được chào đón bằng sự reo hò hân hoan. Hạn từ
diễn tả tiếng kêu chào mừng của Êlisabét [ἀνεφώνησεν] là một từ Hy Lạp hiếm
gặp, được sử dụng khi đề cập đến các nghi lễ phụng tự trong Cựu ước, những nghi
lễ có tâm điểm xoay quanh hòm bia và việc thờ phượng (x. Chú giải thuật từ Kinh
thánh, 67). Hạn từ này sẽ đánh động tâm trí mọi người Do Thái hiểu biết.

· Hòm bia quay trở lại nhà mình và được đưa
đến Giêrusalem, nơi sự hiện diện và vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ trong đền
thờ (2Sm 6,12; 1V 8,9-11). Đức Maria trở về nhà và rốt cuộc cũng lên
Giêrusalem, nơi Mẹ dâng lên vị Thiên Chúa nhập thể trong đền thờ (Lc 1,56;
2,21-22).

Rõ ràng là thánh Luca đã dùng dự hình luận để
tiết lộ điều gì đó về vị thế của Đức Maria trong lịch sử cứu độ. Nơi Hòm bia
của Giao ước cũ, Thiên Chúa đến với dân Người bằng sự hiện diện thiêng liêng,
còn nơi Đức Maria, Hòm bia của Giao ước mới, Thiên Chúa đến cư ngụ với dân
người không chỉ bằng cách thế thiêng liêng mà còn cả thể lý, trong cung lòng
của một cô gái Do Thái đã được chuẩn bị cách đặc biệt.

Cựu ước cho biết rằng có một vật phẩm được đặt
bên trong Hòm bia của Giao ước cũ trong thời còn ở vùng núi Sinai hoang vu:
Thiên Chúa sai Môsê đặt hai bảng đá có khắc Mười điều răn vào trong hòm bia
(Đnl 10,3-5). Do Thái 9,4 thêm thông tin về hai vật phẩm bổ sung được đặt trong
Hòm bia: “một bình vàng đựng manna, và cây gậy đâm chồi nảy lộc của Aharon”.
Hãy chú ý những song đối đáng kinh ngạc: Trong hòm bia là luật pháp của Thiên
Chúa được khắc trên đá; trong cung lòng Đức Maria là Ngôi Lời của Thiên Chúa
thành nhục thể. Trong hòm bia là một bình đựng manna, là bánh rơi xuống từ trời
hầu giúp dân Chúa sống sót trong hành trình qua hoang mạc; trong cung lòng Đức
Maria là Bánh Sự sống đến từ trời hầu đem lại sự sống đời đời. Trong hòm bia là
cây gậy của Aharon, sự chứng thực cho chức tư tế đích thật; trong cung lòng Đức
Maria là một tư tế đích thật. Vào thế kỷ thứ ba, thánh Gregory Wonder Worker
từng nói rằng Đức Maria thật là một hòm bia – “bằng vàng cả trong lẫn
ngoài, và Mẹ đã đón nhận trong cung lòng mình hết thảy mọi kho tàng của thánh
điện
”.

Khi Gioan tông đồ bị lưu đày trên một hòn đảo
xứ Patmos, ngài đã viết ra điều khiến cho bất kỳ người Do Thái nào ở thế kỷ thứ
nhất cũng phải kích động. Hòm bia của Giao ước cũ đã bị mất từ nhiều thế kỷ –
không ai nhìn thấy suốt 600 năm qua. Nhưng trong Khải huyền 11,19, thánh Gioan
đưa ra một tuyên bố đầy kinh ngạc: “Và điện thờ của Thiên Chúa trên
trời đã mở, và Hòm bia Giao ước hiện ra trong điện thờ của Người”
.

Chương 11 kết thúc ở câu này và chương 12 bắt
đầu. Nhưng Kinh thánh đã không được viết theo kiểu phân chương – việc này chỉ
được bổ sung vào thế kỷ 12. Khi thánh Gioan viết những lời này, không hề có sự
phân chia giữa chương 11 và 12, nhưng là một trình thuật liên tục.

Thánh Gioan nói gì ngay sau khi nhìn thấy Hòm
bia Giao ước trên trời? “Một dấu lạ vĩ đại hiện ra trên trời; một Người
nữ có mặt trời bao quanh, chân trên mặt trăng, và đầu có triều thiên mười hai
sao; Người nữ đang thai nghén” (
Kh 12,1-2). Người nữ là Đức
Maria, Hòm bia Giao ước, được Thiên Chúa mặc khải cho thánh Gioan. Người được
nhận ra là đang mang thai Đấng sẽ lấy trượng sắt mà chăn dắt các dân hết thảy
(Kh 12,5). Đức Maria được nhìn nhận như là hòm bia và là nữ hoàng.

Tuy nhiên, đoạn văn này có thực sự quy chiếu
về Đức Maria? Một số cho rằng người nữ này đại diện cho Israel hoặc Giáo hội,
hẳn là vậy. Việc thánh Gioan sử dụng phong phú các hình ảnh tượng trưng thì ai
cũng biết, nhưng chính Kinh thánh đã xác định người nữ đó là Đức Maria cách rõ
ràng. Kinh thánh bắt đầu với một người nam (Ađam), một người nữ (Evà), và một
con rắn (ác quỷ) – và nó cũng kết thúc với một người nam (Đức Giêsu, Ađam cánh
chung [1Cr 15,45]), một người nữ (Đức Maria, Evà mới [Rv 11,19-12,2]), và một
con rắn (ác quỷ xưa). Tất thảy đã được tiên báo trong Sáng thế 3,15.

Đức Hồng y John Henry Newman đã viết về đoạn
văn Khải huyền này như sau:

Điều tôi muốn khẳng định là vị Thánh Tông đồ
sẽ không dùng hình ảnh đặc thù này để nói về Giáo hội, nếu đây không phải là
Đức Trinh nữ Maria, người được vinh thăng và là đối tượng sùng kính của mọi tín
hữu. Không ai nghi ngờ việc “người con trai” được nhắc tới là một ám chỉ về
Chúa chúng ta; vậy tại sao “Người nữ” lại không là một sự ám chỉ về thân mẫu
của Ngài? (Về Đức Trinh Nữ Maria).

Cuối chương này, chúng ta đọc thấy ác quỷ lùng
bắt những người còn lại trong dòng dõi bà – các Kitô hữu – điều này chắc chắn
cho thấy, bằng cách này hay cách khác, Đức Maria là mẹ của Giáo hội (Kh 12,17).

Thậm chí nếu ai đó bác bỏ giáo huấn Công giáo
về Đức Maria, người đó vẫn không thể phủ nhận việc các tín hữu Công giáo có
những nền tảng Kinh thánh cho vấn đề này. Và đây cũng là một giáo huấn được các
Kitô hữu truyền lại từ ngàn xưa. Dưới đây là một số trích dẫn tiêu biểu từ Giáo
hội thời sơ khai – một số được viết ra rõ ràng trước cả khi các sách Tân ước
chính thức được san định thành quy điển:

Thánh Athanasiô thành Alexandria (khoảng
296-373) là người bảo vệ nổi bật cho thần tính của Đức Kitô chống lại các lạc
giáo của thế kỷ thứ hai. Ngài viết: “Hỡi Đức Nữ trinh tôn quý, quả thật
ngài vĩ đại hơn mọi sự vĩ đại. Ai có thể cao cả sánh bằng ngài, hỡi nơi Ngôi
Lời Thiên Chúa ngự giá? Giữa muôn vàn thụ tạo, con nào biết sánh ngài với ai,
hỡi Đức Nữ trinh? Ngài lớn lao hơn tất cả chúng, hỡi [Hòm bia] Giao ước, được
che phủ bằng sự khiết trinh thay vì vàng! Ngài là hòm bia, nơi có thể tìm thấy
chiếc bình vàng chứa manna thật, là một thân xác mà thần tính cư ngụ bên trong”
 (Bài
giảng được in trên giấy cói ở Turin).

Thánh Gregory Wonder Worker (khoảng 213-270)
viết: “Chúng ta hãy ngân lên nhạc khúc đã được truyền dạy qua cây hạc
cầm được thần hứng của Đavít, mà tung hô rằng, ‘Lạy Đức Chúa, xin trỗi dậy, để
cùng với hòm bia của thánh điện Ngài, ngự về chốn nghỉ ngơi’. Vì chưng Đức
Thánh Nữ trinh là hòm bia đích thật, được bọc vàng cả trong lẫn ngoài, hòm bia
đã lãnh nhận toàn bộ kho tàng của thánh điện”
 (Bài giảng lễ Truyền tin
cho Đức Thánh Trinh nữ Maria).

Giáo lý Hội thánh Công giáo vọng lại những lời
đã có từ những thế kỷ đầu tiên: “Vì chính Đức Chúa đã chọn Mẹ làm nơi
cư ngụ, nên Đức Maria là hiện thân của thiếu nữ Sion, là Hòm bia Giao ước, là
nơi vinh quang của Đức Chúa ngự trị. Mẹ là ‘nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại’”
 (GLHTCG
2676).

Các Kitô hữu sơ thời đã nói điều tương tự như
Giáo hội Công giáo ngày nay dạy về Đức Maria, bao gồm cả việc Mẹ là Hòm bia của
Giao ước mới.

 

Bảng đối chiếu

Đức Maria, Hòm bia
được mặc khải trong trình thuật Thăm viếng bà Êlisabét

 

Hộp vàng: Hòm bia của Giao ước cũ

Đức Maria: Hòm bia của Giao ước mới

Hòm bia đến với nhà Obed-Eđôm ở một vùng đồi núi xứ Giuđa
(2Sm 6,1-11).

Đức Maria đến với nhà Êlisabét ở một vùng đồi núi xứ Giuđa
(Lc 1,39).

Đavít ăn mặc trang trọng như một tư tế và nhảy múa trước
hòm bia (2Sm 6,14).

Gioan Tẩy giả – thuộc dòng dõi tư tế – nhảy mừng trong
lòng mẹ khi Đức Maria đến gần (Lc 1,41).

Đavít hỏi: “Hòm bia của Đức Chúa đến với tôi thế nào
được?” (2Sm 6,9).

Êlisabét hỏi, “Bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi
đến với tôi?” (Lc 1,43).

Đavít hò reo trước sự hiện diện của hòm bia (2Sm 6,15).

Êlisabét “thốt lên một tiếng kêu lớn” trước sự hiện diện
của Đức Maria (Lc 1,42).

Hòm bia ở lại nhà Obed-Eđôm độ ba tháng (2Sm 6,11).

Đức Maria ở lại nhà Êlisabét độ ba tháng (Lc 1,56).

Nhà  Obed-Eđôm được chúc phúc nhờ sự hiện diện của
hòm bia (2Sm 6,11).

Ba lần sử dụng từ “được chúc phúc”, chắc chắn nhà Êlisabét
đã được Thiên Chúa chúc phúc (Lc 1, 39-45).

Hòm bia trở về nhà và được đưa đến Giêrusalem, nơi mà sự
hiện diện và vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ trong đền thờ (2Sm 6,12; 1V
8,9-11).

Đức Maria trở về nhà và rốt cuộc cũng lên Giêrusalem, nơi
Mẹ dâng vị Thiên Chúa nhập thể trong đền thờ (Lc 1,56; 2,21-22).

Đức Maria như Hòm bia
được mặc khải bởi các vật phẩm chứa bên trong

Bên
trong Hòm bia của Giao ước cũ

Bên
trong Đức Maria, Hòm bia của Giao ước mới

Hai
tấm bảng đá chép lại lề luật – lời của Thiên Chúa được khắc trên đá.

Thân
thể Đức Giêsu Kitô – lời của Thiên Chúa mặc xác phàm.

Chiếc
bình chứa đầy manna từ sa mạc – thứ bánh thần diệu rơi xuống từ trời.

Cung
lòng dựng dục Đức Giêsu, bánh sự sống từ trời xuống (Ga 6,41).

Cây
gậy đâm chổi nẩy lộc của Aharon để minh chứng và bảo vệ cho vị thượng tế thật
sự.

Vị
Thượng Tế đích thật và vĩnh cửu.

—————

[1] Shekinah: Thuật ngữ do các Rabbi dùng để nói đến sự hiện
diện của Thiên Chúa ở giữa loài người, cụ thể là sự biểu lộ vinh quang Thiên
Chúa trong đền thờ (1 V 8,11 ; 2 Sb 7,1), hoặc sự hiện ra trong đám mây (Xh
14,19).

Grêgôriô Võ Trần Nhựt
chuyển ngữ(gpquinhon.org
13.08.2021/ Catholic
Answers)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.