TÌM HIỂU LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Lm. Giuse Ngô Quang Trung
 

   

 

Chúa nhật này được coi là tiếp nối câu chuyện của Chúa nhật tuần trước. Phúc Âm tuần trước đã dừng lại ở phần Chúa Giêsu giải thích về đoạn sách tiên tri Isaia được đọc trong buổi lễ ở hội đường. Chỉ theo dõi câu chuyện của tuần trước, chúng ta nghĩ dân Nazareth đã phản ứng tích cực đối với lời Chúa được rao giảng. Tuy nhiên tuần này, chúng ta thấy phản ứng giận dữ của họ trước những lời Chúa Giêsu nói và họ đã khước từ Người.
 
BÀI ĐỌC 1: Gr 1,4-5, 17-19
Vị tiên tri bị khước từ
 
Tiên tri Giêrêmia được giao một sứ vụ khó khăn. Nhiệm vụ của ông là tuyên bố sự diệt vong cho đồng bào của mình trước nguy cơ bị xâm lược bởi sức mạnh áp đảo của Babylon. Trừ khi họ quay trở lại với Chúa và đặt niềm tin nơi Ngài hơn là vào những hành động yếu đuối của chính mình, họ sẽ phải chịu sự tàn sát và lưu đày. Để ngăn cản dân chúng nghe sứ điệp này, các nhà lãnh đạo đã bắt ông và ném ông xuống bùn dơ bẩn của một cái giếng cạn, cho ăn một cái bánh mỗi ngày. Ngăn chặn sứ điệp mà người ta không muốn phổ biến là hành vi của con người. Vì vậy, trong khi Giêrêmia kiên định giữ vững lập trường của mình, thì Babylon đã tiến đến, phá hủy thành trì và Đền thờ Giêrusalem, và bắt dân chúng đi lưu đày. Bị vùi dập trong cuộc sống lưu vong, họ đã học được con đường khó khăn. Như Giêrêmia đã nói, Thiên Chúa đã lấy trái tim bằng đá của họ và ban một trái tim bằng thịt, để họ đáp lại Chúa không chỉ với tư cách một quốc gia, mà còn từng cá nhân bằng sự dịu dàng và tình yêu thương. Lời rao giảng không dao động của Giêrêmia đối mặt với sự chống đối được trình bày cho chúng ta như một sự chuẩn bị cho lời giảng của Chúa Giêsu tại hội đường Nazareth, mà chúng ta nghe trong bài đọc Phúc Âm hôm nay.
 
ĐÁP CA: Tv 71,1-6, 15, 17
Tường thuật ơn cứu độ của Chúa
 
Thánh vịnh này chứa đựng hình thức cầu nguyện mà tiên tri Giêrêmia có thể đã thực hiện trong những đau khổ mà ông phải chịu dưới bàn tay của những người chống lại sứ điệp tiên tri của ông. Nó bắt đầu với lời tác giả kêu xin Chúa nghe lời thỉnh cầu của ông và giải cứu ông. Ông tuyên bố rằng Chúa là Đấng bảo vệ ông từ khi ông còn là một đứa trẻ, và rằng ông dựa vào sức mạnh của Ngài, Đấng là thành trì, đá tảng và pháo đài khi kẻ ác tấn công ông. Và ông cần sự bảo vệ của Chúa khỏi ý định xấu của những kẻ dữ (cc.1-4). Một lần nữa, trong câu 5, người viết Thánh vịnh đề cập đến niềm hy vọng mà ông đặt nơi Chúa sẵn lòng bảo vệ ông và về mối quan hệ mật thiết của ông với Chúa từ thời thơ ấu và thời niên thiếu.
 
Sau đó, trong cc. 15 và 17, tác giả tin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện và lời thỉnh cầu của ông khiến ông ca ngợi Chúa về sự dạy dỗ yêu thương, sự công chính và ơn cứu độ của Ngài. Trong câu 17, ông thể hiện sự tin cậy của mình nơi Chúa bằng cách tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục truyền rao những việc làm kỳ diệu của Chúa.
 
Niềm tin và sự trông cậy của tác giả Thánh vịnh vào Chúa là một sứ điệp cho mỗi người chúng ta ở phía bên này của lịch sử cứu rỗi. Khi những khó khăn trong cuộc sống bủa vây chúng ta, hãy ngước mắt lên trời và cầu nguyện với Chúa là Đấng yêu thương, Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng những đau khổ trên hành trình cuộc đời.
 
BÀI ĐỌC 2:  1 Cr 12,31-13.13
Lòng mến đích thực
 
Các Kitô hữu ở Côrinthô thấy rằng họ có nhiều đặc sủng và tài năng. Phaolô vui mừng thừa nhận điều này. Ngài chỉ phàn nàn rằng điều này khiến họ tranh cãi và ganh đua, vì họ lầm lẫn không hiểu lý do mà những hồng ân này đã được ban tặng. Giống như tất cả các tài năng của chúng ta, và đặc biệt là biệt tài về các mối quan hệ giữa các cá nhân, chúng được ban bởi Thần Khí, Đấng ban sự sống cho cộng đoàn Kitô hữu. Mục đích cuối cùng của nó không phải là làm tăng giá trị của người nắm giữ ơn ban mà là để xây dựng cộng đoàn. Ơn ban phải được áp dụng và thực hiện trong tình yêu thương, vì tình yêu thương là ơn cao quý nhất trong tất cả các ơn. Chỉ tình yêu là xây dựng cộng đoàn. Sau đó, Phaolô phác họa một bức tranh về tình yêu thực sự là gì. Rất ít người trong chúng ta đọc hoặc nghe những lời đó mà không nhận ra những thiếu sót và sự ích kỷ của chính mình, như Phaolô vạch đúng từng thất bại của chúng ta. Bài đọc  đóng vai trò như một bài kiểm điểm xem tình yêu của chúng ta là thật lòng hay chúng ta chỉ đang tự lừa dối bản thân. Phần cuối cùng trong lý lẽ của Phaolô cũng rất đáng khích lệ, không chỉ vì tính chất vững bền và lâu dài của tình yêu, mà còn từ cuộc sống mai sau mà nó truyền tải: trong sự trưởng thành hoàn hảo mà chúng ta mong đợi, sẽ chẳng còn gì cả ngoài đức mến.
 
TIN MỪNG: Lc 4,21-30
Chúa Giêsu bị chối bỏ tại Nazareth
 
Lời Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài đọc này là một đoạn từ Isaia được đọc như một phần của Phúc Âm Chúa nhật tuần trước (x. Is 61: 1-2). Nó thông báo về thời đại cánh chung của sự hoàn thành. Nó cung cấp một cái nhìn thoáng qua về một Đấng Messia mà Chúa Giêsu sẽ là, cụ thể là Người sẽ cải tạo lại xã hội vì lợi ích của những người bị áp bức. Phản ứng của những người trong hội đường đã nghe Chúa Giêsu là tò mò. Lúc đầu, họ tán thành và thán phục trước lời nói của Người, nhưng sau đó lòng đầy phẫn nộ, họ đuổi Người ra khỏi thành và lôi Người đến đỉnh núi để xô Người xuống vực. Sự ngạc nhiên của họ bắt nguồn từ sự thể họ cho rằng họ đã biết Người. Người là một trong số họ, con của ông Giuse, người mà họ cũng biết. Làm thế nào mà một người trong số họ có được sự khôn ngoan như vậy? Có thể sự ngạc nhiên này đã ẩn chứa mầm mống của sự nghi ngờ? Có thể họ đã nghĩ: Ông là một người trong chúng ta, làm sao ông có thể nói chuyện với chúng ta như thế này? Một số nhà chú giải nói rằng sự đón nhận ban đầu của họ là rất hời hợt. Một số người khác tin rằng họ chống lại Người vì câu châm ngôn mà Người trích dẫn.
Mối liên hệ giữa sự ngạc nhiên của họ và câu châm ngôn của Chúa Giêsu không rõ ràng. Người dân Nazareth có lẽ muốn Chúa Giêsu thực hiện những điều kỳ diệu ở giữa họ như những điều họ đã nghe Người làm ở nơi khác. Câu tục ngữ sau đó sẽ có nghĩa là: Hãy thực hiện phép lạ chữa bệnh ngay tại nhà. Chúa Giêsu dường như đã hiểu điều đó như vậy, vì Người tiếp tục cho thấy rằng những người ở nhà không có lợi thế hơn những người thuộc về nơi khác. Người dẫn vào các ví dụ của mình bằng từ ngữ “Amen,” câu cảm thán quen thuộc về sự bảo đảm, nhưng Chúa Giêsu sử dụng nó như một biểu hiện của sự tự khẳng định. Người phụ nữ trong câu chuyện Êlia (1 V 17,1-16) và người phong hủi trong Êlisê (2 V 5,1-14) đều là dân ngoại. Chúa Giêsu đã đưa những ví dụ của Người về ơn cứu độ phổ quát của mình đến cực điểm. Người dân Nazareth có lẽ đã ghen tị với các thành khác của Do Thái đã được hưởng lợi từ quyền năng của Chúa Giêsu khi mà chính họ lại không được hưởng, nhưng Chúa Giêsu gợi ý rằng Thiên Chúa thậm chí còn vượt ra khỏi giới hạn của Israel để đi vào lãnh thổ của dân ngoại. Giống như người phụ nữ Sarepta, dân ngoại mở lòng đón nhận các tiên tri của Thiên Chúa; cũng như người phong ở miền Syria, quyền năng chữa lành của Thiên Chúa đến với họ.
Đây là điều khiến những người trong hội đường đầy giận dữ. Việc nghĩ rằng lời hứa tiên tri về sự ứng nghiệm hoặc quyền năng cứu độ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng cho các dân ngoại, theo họ, là một sự báng bổ hoàn toàn. Trong sự phẫn nộ, họ đã đứng dậy chống lại Chúa Giêsu. Vì hành quyết một người nào đó trong thành là bất hợp pháp, họ đã lôi Người ra ngoài giới hạn của thành và tìm cách xô Người xuống, có lẽ để ném đá Người (x. Lv 24,14). Cách phản ứng này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc thứ hai về một Đấng Messia mà Chúa Giêsu sẽ đảm nhiệm. Người không những sẽ hoàn thành vai trò của một vị tiên tri, thông báo về sự khai mở của thời đại hoàn thành, mà Người còn bị từ chối, cũng như các tiên tri khác. Chúa Giêsu không được dân Người chấp nhận vì Người rao giảng rằng Người đến không chỉ vì họ mà còn cho bất cứ ai mở lòng đón nhận giáo huấn của Người. Quả thật, điểm mà Người nêu ra trong mỗi ví dụ của mình không phải là dân ngoại sẽ cùng với người Do Thái trải nghiệm lòng tốt của Thiên Chúa, mà là sự tốt lành này đến với dân ngoại chứ không phải người Do Thái. Họ đã bị bỏ qua. Đây là một sứ điệp cay đắng cho dân được tuyển chọn nghe thấy, và họ đáp lại bằng sự phẫn nộ.

   

  


THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 436, 1241, 1546 : Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ
+ GLHTCG 904-907 : sự tham dự của chúng ta vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô
+ GLHTCG 103-104 : đức tin, khởi đầu cho sự sống đời đời
+ GLHTCG 1822-1829 : đức mến
+ GLHTCG 772-773, 953 : hiệp thông trong Giáo Hội
+ GLHTCG 314, 1023, 2519 : những người được diện kiến Thiên Chúa, mặt giáp mặt, trên Trời
 
 
 
 

Nguồn: Tin vui.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.