TÌM HIỂU LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM B  

TÌM HIỂU LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM B  

 

Chúng ta đã bước qua quá nửa đường của Mùa Vọng. Theo truyền thống, Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng được gọi là “Chúa Nhật Laetare”, Chúa Nhật của Niềm Vui, xuất phát từ câu đầu của ca nhập lễ tiếng Latinh: “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui luôn trong Chúa). Niềm vui của Chúa nhật này đến từ sứ điệp của các bài đọc cũng như từ sự cảm nhận rằng Giáng Sinh đang đến gần. Các bài đọc hôm nay đưa ra lời đáp cho câu hỏi: Ai sẽ mang tin mừng của Chúa đến cho chúng ta? Ba chủ đề hướng vào các trọng tâm này: Đấng Messia chính là Tin Mừng; Đấng Messia mang đến những ơn lành đã hứa; Đấng Messia sẽ ở cùng chúng ta.
 
BÀI ĐỌC 1: Is 61,1-2, 10-11
Tin mừng cho người nghèo
 
Sách Isaia phản ánh những suy tư và lời cầu nguyện của dân Israel trong ít nhất 200 năm. Nguyên thủy ngôn sứ Isaia đã rao giảng tại Giêrusalem vào năm 740 TCN. Những lời ngôn sứ khác đã được thêm vào trong cuộc Lưu đày ở Babylon, và vẫn còn thêm nữa sau khi từ cuộc Lưu đày trở về. Thông qua họ, tất cả đều loan báo lời hứa rằng Đức Chúa sẽ gửi Thần Khí của Ngài đến Đấng được tuyển chọn. Trong cuốn đầu tiên, đó là lời hứa tuyệt vời về một Thần Khí gấp bảy lần được trao ban (Is 11,1-2) mà chúng ta cũng được liên kết với Ngài trong Bí tích Thêm sức. Trong những ngày đen tối của cuộc Lưu đày, lời ngôn sứ về “người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến. Ta cho thần khí ta ngự trên người” (Is 42,1), điều này đã được lặp lại khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Tiếp nữa, sau khi từ cuộc Lưu đày trở về, có lời ngôn sứ về người được xức dầu mà Thần Khí được trao ban để người đó có thể chữa lành (Is 61,1). Tất cả những điều này được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng ban Thần Khí cho những ai theo Người, và nhiệm vụ của chúng ta, khi sống nhờ Thần Khí, chúng ta chữa lành, mang tin mừng đến cho người nghèo và băng bó những tâm hồn đau thương dập nát.
 
ĐÁP CA: Lc 1,46-50, 53-54
Vui mừng trong Đấng Cứu Chuộc
 
Thánh vịnh đáp ca hôm nay trích từ lời kinh ca ngợi tuyệt đẹp của Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta gọi là “Kinh Magnificat.” Bài thánh ca này đáp lại lời cảm thán của bà Elizabeth là người chị họ, về niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa và sự tôn vinh mà Ngài đã thể hiện với Mẹ là “thân mẫu của Chúa tôi”, trong Luca 1,43.
 
Bài thánh ca ngợi khen của Đức Maria được chia thành ba phần, hai phần được sử dụng trong đáp ca hôm nay:
 

  • Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Ngài đã làm cho Mẹ (cc. 46b-49).
  • Mẹ ca khen lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người nghèo khó và khiêm nhường (cc. 50-53).
  • Mẹ ca ngợi lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dòng dõi Ápraham, dân tộc Israel (cc. 54-55).

 
Bài thánh ca ngợi của Đức Maria biểu tỏ lòng khiêm nhường và đức tin của Mẹ; đó là cách thức Chúa hoạt động nơi Mẹ. Trích dẫn sách GLHTCG số 722, Giáo hội dạy: “Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng ‘nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể’ (Cl 2,9), tất phải ‘đầy ơn phúc’. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần túy, không hề có tội, với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào Mẹ cách chính xác là ‘con gái Sion’: ‘Kinh mừng’- ‘Mừng vui lên’. Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình, đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa Con vĩnh cửu”.
 
BÀI ĐỌC 2: 1 Tx 5,16-24
Vui mừng trong Chúa
 
Viết cho tín hữu Thêsalônica, Phaolô ban phúc lành cuối cùng, ngài cầu xin cho họ được gìn giữ vẹn toàn trong ngày quang lâm của Chúa Giêsu Kitô. Có lẽ bây giờ chúng ta đang chờ đợi Chúa Kitô đến vào lễ Giáng Sinh. Nhưng Phaolô hiểu Chúa đến theo một nghĩa rất khác. Ngài chờ đợi sự tái lâm của Chúa Giêsu Kitô vào ngày tận thế. Sẽ diễn ra một cuộc rước khải hoàn, trong đó chúng ta sẽ nhập đoàn cùng với Chúa Kitô “ngự trên đám mây” khi Người trao lại toàn thể vũ trụ cho Cha mình như một vương quốc của Thiên Chúa đã hoàn thành. Chúng ta không nhìn mọi thứ bằng những từ ngữ biểu trưng, hình tượng như vậy, nhưng chúng ta biết rằng toàn thể vũ trụ đều được quy hướng về Thiên Chúa, và sẽ đạt được sự thành toàn chỉ khi quyền thống trị của Ngài hoàn tất, khi thế giới được biến đổi bởi sự sống Thần Linh của Thiên Chúa, sung mãn trong Đức Kitô. Chính Phaolô, trong thư 1 Côrintô 15, viết về sự Phục sinh mang ý nghĩa cá nhân hơn nhiều: đó là sự biến đổi một con người theo mô hình của sự Phục sinh của chính Chúa Kitô. Chúng ta sẽ được đưa vào khuôn khổ của Thiên Chúa, và theo một cách nào đó, được thông phần vào thần tính của Ngài, được mạnh mẽ thay vì yếu đuối, bất hoại thay vì hư hoại, vinh quang thay vì đáng bị nguyền rủa, và được sống sự sống Thần Linh của Thiên Chúa.
 
TIN MỪNG: Ga 1,6-8,19-28
Tiếng người hô trong hoang địa
 
“Ông là ai?”, đó là câu hỏi bản lề trong bài đọc Tin Mừng Gioan hôm nay. Đây không phải chỉ là một cuộc điều tra về tên tuổi hoặc nghề nghiệp của một người; đó là một câu hỏi rất cụ thể: Ông là ai trong mối quan hệ với Đấng Messia? Những câu đầu tiên của bài đọc làm rõ căn tính của Gioan Tẩy Giả liên quan đến Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Phần thứ hai bao gồm lời chứng của chính Gioan về mối tương quan giữa ngài và Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến sau ngài.
 
Trong phần thứ nhất (cc. 6-8), Gioan được mô tả bằng những từ ngữ về mối tương quan của ngài với ánh sáng sẽ đến trong thế gian. Ngài là nhân chứng được Chúa chọn để làm chứng về ánh sáng này. Ngài không phải là ánh sáng nhưng là để làm chứng cho ánh sáng. Một số người nói rằng bởi vì ngài không phải là ánh sáng và bởi vì ánh sáng chưa đi vào thế gian, nên chính Gioan cũng ở trong bóng tối. Ngài là giọng nói cất lên từ bóng tối, là tiếng nói cho biết rằng ánh sáng sẽ sớm xuất hiện.
 
Trong phần thứ hai (cc. 19-28), nhân chứng được kiểm tra chéo bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái từ Giêrusalem. Những câu trả lời của ngài cho những tra vấn của họ đều là tiêu cực: Ngài không phải là Đấng Messia; ngài không phải là Êlia; ngài không phải là vị ngôn sứ đã được hứa từ lâu. Tất cả những người này đều là nhân vật của thời thiên sai, và Gioan từ chối xác định danh tính với bất kỳ ai trong số đó. “Messia,” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, là một danh hiệu dùng để chỉ một số nhân vật của Thiên Chúa được xức dầu để phục vụ hoặc bảo vệ Israel. Các vua được xức dầu (x. 2 Sm 19,21), các tư tế cũng vậy (x. Xh 30,30) và một số ngôn sứ cũng thế (x. Is 61,1). Trong thời của Gioan, kỳ vọng về đấng thiên sai thật đa dạng nhưng đều đồng nhất. Cộng đồng Essene tại Qumran thì tìm kiếm ít nhất hai đấng cứu thế, một vị là tư tế và một là quân vương. Có thể một số môn đệ của Gioan Tẩy Giả tin rằng ông là người được xức dầu này. Việc Gioan từ chối làm tiêu tan những hy vọng đó.
 
Một quan niệm phổ biến khác cho rằng Êlia, vị ngôn sứ đã được đưa lên trời trong một cỗ xe rực lửa (2 V 2,11), sẽ trở lại vào cuối thời gian. Ông sẽ thanh tẩy chức tư tế (Mk 3, 2-4), sẽ khôi phục các chi tộc của Israel, và giảm nhẹ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Hc 48:,10). Nhiều truyền thống sau này coi ông là vị tiền hô (2 Et 6,26) hoặc là bạn đồng hành của Đấng Messia (Gen. Rab. về St 49,10). Cuối cùng, một số người tìm kiếm một vị ngôn sứ sẽ được Thiên Chúa sai đến, người hành động theo đường lối của Môsê, sẽ giải quyết các cuộc tranh chấp pháp lý của dân chúng (x. Đnl 18.15-18).
 
Sau khi phủ nhận mình là bất kỳ người nào trong số các vị thiên sai này, Gioan tự nhận mình là: “Tiếng người hô trong hoang địa” (x. Is 40,3). Lấy một đoạn văn quen thuộc của Isaia kể lại việc san bằng các miền đồi núi hoang vắng để những người lưu đày có thể an toàn trở về nhà từ Babylon, tác giả biến nó thành một đoạn mô tả về sứ vụ của riêng Gioan. Việc dọn dẹp thuở trước mở đường cho dân Chúa quay trở lại quê hương của họ, giờ đây trở thành một lối mở để Chúa đến với dân.
 
Vai trò của Gioan là chuẩn bị; ông giải thích điều này khi các quan chức hỏi lý do ông làm phép rửa. Ông nói thêm rằng Đấng mà ông chuẩn bị đã ở giữa mọi người nhưng họ không nhận ra Người. Nhân vật ít người biết đến này sẽ vượt xa bất cứ điều gì Gioan có thể làm chứng, bởi vì Người trổi vượt hoàn toàn con người Gioan. Gioan hài lòng được là nhân chứng đầu tiên và sau đó là người loan tin, và không có gì hơn thế nữa!
 
 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
+  GLHTCG  30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362: Niềm vui
+  GLHTCG  713-714: Những nét điển hình của Đấng Messia, Đấng được mong chờ
+  GLHTCG  772, 796: Giáo hội, hiền thê của Chúa Kitô
 
Lm. Giuse Ngô Quang Trung
 
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.