Sự trở lại của Phao-lô có ý nghĩa gì?

25 tháng 01
THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Cầu Cho Các Ki-tô Hữu Hợp Nhất
 
 
Suy niệm Tin Mừng Mc 16:15-18

 
 
          Sự kiện một trong những người Biệt Phái gương mẫu nhất, nhiệt tình nhất trong việc nắm giữ lề luật Do Thái, môn sinh ruột của các bậc thầy dạy luật danh tiếng nhất thời đó như Ga-ma-li-en, đột nhiên thay đổi tận căn nhận định và niềm tin của mình để ôm ấp triệt để Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su, thì quả là một hiện tượng đáng được tìm hiểu cách căn kẽ.
            Trước hết ta có thể khảng định rằng: việc trở lại của Phao-lô không hề mang ý nghĩa cải đạo; ông không hề chuyển đổi từ Do Thái giáo qua Ki-tô giáo. Với anh em đồng đạo, ông không ngừng khảng định và tự hào rằng mình vẫn là một Do Thái chính hiệu, trong tất cả nội dung xã hội chính trị và tôn giáo của nó (Rm 11:1; 1 Cr 9:20), việc trở lại đó lại càng không thể được coi như một cuộc cải tà qui chính, như việc một người từ bỏ nếp sống tội lỗi để quay về đường ngay nẻo chính; nếu vậy ta cần cặn kẽ tìm hiểu xem việc trở lại của Phao-lô thực chất là gì.
Cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô trên đường đi Đa-mát hôm đó đã làm mắt ông mở ra để lần đầu tiên phát hiện ra một điều hết sức quan trọng, đó là: trung thành với giao ước không hệ tại ở việc giữ trọn lề luật cho bằng tin vào Đức Giê-su Ki-tô để có thể thâm tín được rằng, Thiên Chúa là Đấng đầy yêu thương đã muốn cứu độ hết thảy mọi người bằng cái chết thập giá của Người Con (Cv 9:17). Phao-lô đương nhiên vẫn tiếp tục tuân giữ cặn kẽ luật pháp Do Thái, nhưng điều mà ông cực lực lên tiếng phản bác chính là: coi việc giữ luật như phương thế tối ưu để được cứu thoát. Đối với ông: Đức Ki-tô chết trên thập giá phản ảnh tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mới là tất cả. Kể từ ngày lãnh phép rửa trong Thánh Thần qua tay của Kha-na-ni-a ông thậm chí không còn muốn biết tới một hình ảnh Thiên Chúa nào khác hơn là ‘Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá’ (1 Cr 2:2). Cuộc trở lại của Phao-lô chính yếu hệ tại ở điểm này, và đây cũng là lý do khiến ông khiêm tốn lãnh nhận phép rửa trong Thần Khí; kể từ ngày đó Phao-lô không những xác tín mà còn quyết liệt đấu tranh để duy trì tính tuyệt đối của Tin Mừng cứu độ. Đối với ông, Tin Mừng phải vượt lên trên mọi tôn giáo và luân lý, Do Thái Giáo giữ trọn lề luật để được Đức Chúa hùng mạnh bảo vệ, cũng như ngoại giáo nói chung giữ luân thường đạo lý để nhận được sự chở che của các thần linh. Đối với Phao-lô, việc chấp nhận Tin Mừng, tuy không nhất thiết đòi phải dứt bỏ mối quan hệ với tôn giáo này hay tôn giáo khác (xem diễn từ của Phao-lô trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô Cv 17:22-31), nhưng điều tiên quyết là phải đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa cứu độ giầu lòng xót thương. Đối với ông, cả trong lãnh vực luân lý, Tin Mừng cũng phải có tính vượt trội: người tốt hay xấu cũng đều có thể chấp nhận Tin Mừng để rồi chính sức mạnh của Tin Mừng chứ không gì khác mới là động lực để tín hữu vươn lên. Sự trở lại của Phao-lô cơ bản là như thế! nó khởi động từ nội tâm sâu thẳm của ông một chuyển dịch cơ bản ngay trong chính quan niệm về Đức Chúa. Kể từ nay, tâm điểm niềm tin của ông chỉ là: Thiên Chúa yêu thương và cứu độ được trình bày nơi Thập Giá Đức Ki-tô.
            Hiểu khái quát sự trở lại của Phao-lô như thế tôi mới thấy việc Hội Thánh chọn ngày này để cầu cho ‘Các Ki-tô Hữu Hợp Nhất’ là chí lý lắm thay! Kể từ Công Đồng Va-ti-can II, người ta nói nhiều tới phong trào ‘đại kết’ (oecumenism), tới nỗ lực xích lại gần nhau giữa những kẻ tin vào Đức Ki-tô để thiết lập trở lại sự thống nhất và hiệp nhất trong niềm tin. Tuy nhiên ngay chuyện hiểu được ‘Đại kết’ hay ‘Hợp nhất các Ki-tô hữu’ là gì, thì không phải mọi người đều đã nắm bắt. Điển hình: khi cầu nguyện cho hợp nhất giữa các Ki-tô hữu, trong thâm tâm chúng ta thật sự đang mong ước điều gì? Có lẽ là cầu mong sao: do một phép mầu nào đó, tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô một ngày kia có thể… loại bỏ những dị biệt và chia rẽ của lịch sử để cùng nhau hình thành trở lại một khối duy nhất trong tổ chức của Hội Thánh Công Giáo duy nhất, thánh thiện và tông truyền… Hoặc cầu mong sao cho các nhà thần học, thánh kinh, phụng vụ và luân lý… thuộc các nhóm Ki-tô hữu khác nhau biết ngồi lại giải quyết các bất đồng hay dị biệt. Chỉ cần nhìn sâu hơn vào biến cố Phao-lô trở lại, chúng ta đã có thể nhận ra rằng: sự ‘hợp nhất Tin Mừng’ thực chất không phải là như thế.
            Nếu sự trở lại của Phao-lô chính là: khám phá và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa qua Thập Giá Đức Ki-tô Giê-su, thì ‘Đại kết’ phải là: khởi động lại cùng một tiến trình đó nơi tất cả những ai xưng mình là môn đệ Người. Mục tiêu của đại kết chính là tái khám phá Tin Mừng Đức Ki-tô, là quay trở về với tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người. Hợp nhất giữa các Ki-tô hữu không phải là nhìn chằm chằm vào nhau xem ai đúng ai sai, ai phải trở về và ai là trung tâm qui tụ! Đại kết chính là cùng nhìn về một hướng, hướng Tin Mừng cứu độ; và cơ bản là đáp lại lời mời gọi khẩn thiết: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chính vì thế mà nó liên quan tới hết thảy mọi Ki-tô hữu, cho dầu là Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành hay Anh Giáo…, và mọi tầng lớp môn đệ: giáo phẩm, tu sĩ hay giáo dân. Do đó, đại kết liên quan tới từng người môn đệ của Đức Ki-tô không trừ một ai; và vì thế ta không cầu nguyện cho hợp nhất như cho một ước mơ cao đẹp nhưng xa vời, không liên quan gì tới mình. Cầu nguyện cho hợp nhất đòi mỗi Ki-tô hữu phải phát huy nội lực (tức Thần Khí Chúa), phải xây dựng một đức tin chân chính đặt trọn nơi Đức Ki-tô Giê-su Cứu Chúa, phải tin tưởng phó thác tuyệt đối vào lòng từ nhân và hay thương xót của Cha Trên Trời hơn là vào các nỗ lực luân lý và đạo đức bản thân, và phải phá tan cơn mê hoặc như Phao-lô đã từng lên tiếng cảnh cáo giáo đoàn Ga-lát ngày xưa, tức là rời bỏ sự khởi động của Thần Khí để quay trở về với luật lệ (xem Gl 3:1-5).
            Như vậy, ngay cả một linh mục như tôi, hôm nay cũng phải trở lại như Phao-lô, để rồi qua các nỗ lực mục vụ, tôi có thể giúp các tín hữu mà tôi có trách nhiệm dẫn dắt tiến tới sự hiệp nhất trong Thần Khí và trong Tin Mừng cứu độ, đồng thời cũng xích lại gần các anh em Ki-tô hữu khác trong niềm tin chân chính vào Thiên Chúa từ nhân cứu độ.
 
            Lạy thánh Phao-lô, khi xưa cuộc ‘trở lại’ của cha đã là một cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô làm biến đổi toàn diện niềm tin của cha vào Thiên Chúa, từ niềm tin của một Pha-ri-sêu chân chính đặt nơi Thiên Chúa quyền uy của luật pháp cha đã, trong tác động của Thánh Thần, gắn bó trọn đời mình vào Thập Giá Đức Ki-tô – mạc khải tình yêu thứ tha của Chúa Cha. Xin cho con và mọi Ki-tô hữu hôm nay cũng được như cha gắn bó keo sơn với mầu nhiệm Thập Giá, để nhờ đó chúng con có thể xây dựng thành công sự hiệp nhất trong niềm tin, khi phong trào đại kết đang dâng cao trong Hội Thánh; nguyện xin cha chúc lành cho nỗ lực xây dựng hiệp nhất của chúng con. A-men
Lm Gioan Ty SDB

 
 
 
 
 

Nguồn: Tin vui.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.