NÓI BẰNG TRÁI TIM – THÔNG TRUYỀN SỰ THẬT TRONG TÌNH YÊU

NÓI BẰNG TRÁI TIM – THÔNG TRUYỀN SỰ THẬT TRONG TÌNH YÊU

Sống trong thời đại ngày nay, ta có thể thấy truyền thông và mạng xã hội có một sức mạnh và quyền lực rất lớn, ảnh hưởng trên cá nhân và toàn xã hội: Một nữ doanh nhân PH có hàng triệu người theo dõi, những clip của bà đạt hàng triệu lượt xem; một MC nổi tiếng cũng có hơn 18 triệu người theo dõi… Tuy nhiên trong truyền thông, có những thứ truyền thông sạch, đẹp, nhưng cũng có những thứ truyền thông giả và bẩn. Truyền thông tự nó không xấu, nhưng tốt hay xấu là do người sử dụng dùng với mục đích nào. Có người dùng truyền thông để chuyển tải những giá trị tốt đẹp, lan toả sứ điệp yêu thương đến cho cộng đồng, có người dùng truyền thông để gieo rắc chia rẽ, hận thù, gieo rắc cái xấu, cái tiêu cực. Có những người (có cả các linh mục, tu sĩ và người tín hữu) tự cho mình là “những anh hùng”, coi mình như “trọng tài của nhân loại”, như “thầy của thiên hạ”, nhân danh đạo đức và tôn giáo, dùng truyền thông để thể hiện bản thân, để công kích, mạt sát và lên án người khác cách cay nghiệt. Còn nhiều người khác thì tham gia truyền thông trên mạng bằng tay mà không có não và không có trái tim. Những người này không biết phân định đúng sai, tốt xấu, không kiểm chứng thông tin. Họ viết comment theo cảm tính mà không suy nghĩ, sẵn sàng “ném đá” vùi dập người khác cho dù không quen biết và không liên quan đến mình.
Ngày lễ Chúa Giêsu Lên Trời được Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Năm nay 2023, Đức Thánh Cha chọn chủ đề ngày Thế giới Truyền thông: “NÓI BẰNG TRÁI TIM – THÔNG TRUYỀN SỰ THẬT TRONG TÌNH YÊU.” Điều này giúp chúng ta nhìn lại suy gẫm và hướng dẫn chúng ta cách sử dụng phương tiện truyền thông trong thời hiện đại hôm nay. Sở dĩ Giáo Hội chọn ngày lễ Chúa Giêsu Lên Trời là ngày Thế giới Truyền thông vì các bài đọc trong lễ này nhắc đến sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội và cho mỗi tín hữu, đó là: “Hãy đi và nói cho mọi dân tộc về Tin Mừng của Chúa Kitô, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người truyền dạy.”
Sách Công Vụ kể về khung cảnh Chúa Giêsu được đưa lên trời bốn mươi ngày sau sự kiện Phục sinh. Sách Công Vụ cũng cho thấy, mặc dù sự kiện này xảy ra sau ngày Chúa sống lại, vậy mà tông đồ dường như vẫn chưa bắt được nhịp sống mới với Chúa Giêsu. Trong lúc sắp sửa chia tay và trao ban sứ vụ, có những vị còn đang bàn đến chuyện: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi, nhưng Ngài mở ra cho các tông đồ thấy một viễn tượng lớn hơn, không giới hạn tại vương quốc Israel mà là khởi đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất. Chúa cho các ông thấy, chính các ông sẽ đón nhận được sức mạnh của Thánh Thần và cùng với Thánh Thần, các ông sẽ làm nên vương quốc Nước Trời trên trần gian. Vương quốc này sẽ không được xây dựng bằng vũ lực, quân đội, nhưng bằng “nói và làm chứng” về Chúa, tức là thông truyền, nói cho mọi người biết về Chúa Giêsu Phục Sinh và Tin Mừng của Ngài, qua đời sống của các tông đồ, họ sẽ làm chứng cho những điều họ loan truyền.
“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây bao phủ khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Tác giả Luca cho thấy rằng, Chúa Giêsu trở về trong vinh quang của một vị Thiên Chúa có mây bao phủ và có các sứ thần áo trắng xuất hiện. Chúa được đưa lên trời, nhưng Ngài không biến mất khỏi thế gian này. Ngài vẫn đang hiện diện bằng quyền năng và tình yêu, chỉ có điều, mắt thường chúng ta không thấy được Ngài, vì bị “mây mù” che phủ. Trong khi các tông đồ đang mải nhìn lên trời, thì lúc đó, sứ thần đã nói với họ: “Hỡi những người Galilê, sao cứ mãi nhìn trời?” Và còn nói cho các ông biết rằng: “Chúa sẽ trở lại trong vinh quang như khi Ngài lên trời.” Như thế, điều quan trọng đối các tông đồ không phải cứ mải nhìn trời, nhưng phải trở về với thực tại cuộc sống, để nói về Chúa Giêsu và làm chứng về những gì các ông đã được thấy. Đó là sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ và cũng là sứ mạng của chúng ta.
Thánh Matthew nói rõ hơn cho ta về sự kiện quan trọng này. Các tông đồ được Chúa Phục Sinh hẹn sẽ gặp lại họ tại Galilêa. Tuy nhiên khi thấy Người, trong các tông đồ cũng có hai phản ứng, một số người hoài nghi và những người còn lại thì tin. Vì thế, các tông đồ đã tin và bái lạy Người như bái lạy Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã củng cố đức tin của các tông đồ khi quả quyết với các ông: “Thầy được trao toàn quyền trên trời và dưới đất.” Với quyền năng của Thiên Chúa như vậy, Chúa Giêsu đã truyền cho các học trò: “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Đây chính là nội dung và công việc chính yếu của các tông đồ và của mỗi chúng ta. Đó là giúp cho mọi người trở thành môn đệ của và làm phép rửa cho họ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Làm cho họ trở thành môn đệ là làm thế nào? Tức là phải giúp họ đón nhận Chúa Giêsu là Chúa là Thầy của cuộc đời; trở nên những học trò đích thực và là học trò ngoan của Chúa; lắng nghe và thực hành những gì Chúa truyền dạy trong Tin Mừng. Là môn đệ, tức là phải chấp nhận thay đổi, uốn mình theo khuôn mẫu của Thầy Giêsu và còn sẵn sàng vác thập giá mình để bước theo Ngài. Khi muôn dân đã tin nhận Đức Giêsu và sẵn sàng trở nên môn đệ, thì khi đó, họ mới có thể sẵn sàng lãnh nhận phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, được đưa vào sống trong gia đình của Ba Ngôi, trở thành con cái trong Nhà của Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, như vậy sứ mạng loan truyền Tin Mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa, là sứ mạng Chúa trao phó cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải là những con người đáng tin. Chúng ta chỉ có thể loan truyền sự thật, tình yêu và nói về Thiên Chúa khi chúng ta có Chúa, có sự thật và tình yêu trong tâm hồn, “Vì trong có đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Trái lại, nếu ta không có Chúa trong tâm hồn, thì chúng ta chỉ là những kẻ phao tin giả. Nếu chúng ta không có tình yêu thương và sự thật trong lòng, chúng ta chỉ có thể nói những điều gian dối và những lời đưa đến oán thù.
Để có thể nói sự thật, nói lời yêu thương và nói về Chúa, ĐTC Phanxicô dạy rằng: “Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng một trái tim trong sáng, ta mới có thể biết phân định cách chính xác và nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài.” Sống trong một xã hội đầy tràn gian dối, lọc lừa liệu chúng ta có thể sống và làm chứng cho sự thật được không? Chúng ta có thể nói những lời từ trái tim được không? ĐTC dạy rằng: “Đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim. Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình, nhìn họ với lòng thương cảm, đón nhận những yếu đuối của họ với sự tôn trọng, thay vì phán xét họ qua tin đồn rồi gieo rắc bất hòa chia rẽ.”
Các bạn trẻ và nhiều người lớn ngày nay đã rất quen với việc vào mạng, đăng hình, viết caption và cũng rất quen với việc bấm like hoặc share. Có những nội dung xấu, người ta không hề đọc nhưng vẫn chia sẻ. Làm như thế, họ đang biến mình thành kẻ loan truyền những điều dối trá. Có người bấm like với những điều vớ vẩn, xằng bậy và sẵn sàng viết comment để chửi bới, lên án người khác. Sử dụng mạng như thế là đang góp phần tạo ra một thế giới vô cảm, tạo ra tin giả, tạo ra những kẻ sống ảo. Chính ta cũng có thể trở thành kẻ sống ảo, sống bằng những cái view và những cái bấm like của người khác. Sử dụng mạng cách vô tâm, vô tình như thế, ta đang biến mình thành kẻ gian dối, độc ác, giết người không bằng vũ khí nhưng bằng bàn phím trên máy.
Xin Chúa giúp chúng ta biết nói với nhau bằng trái tim, nói sự thật và nói bằng tình yêu, bắt đầu từ trong gia đình đến những người chung quanh: cha mẹ, con cái, anh chị em, xóm giềng lắng nghe nhau với trái tim rộng mở, để cảm thông thay vì những lời cọc cằn, chửi bới hoặc rủa xả nhau. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức được sứ mạng Chúa trao là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa, là người thông truyền tình yêu và sự thật bằng cả trái tim. Vì chỉ khi biết nghe bằng trái tim thì mới có thể nói bằng trái tim và chỉ những gì phát xuất từ trái tim mới có thể chạm vào trái tim người khác. Amen.
 

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.