KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA

KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA

Nhìn lại 10 năm triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ta thấy có nhiều điều Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh cho Giáo Hội. Nhưng nổi bật trong lối sống của ngài đó là sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài muốn dẫn Giáo Hội trở về với đúng nếp sống của Tin Mừng đó là sống nghèo khó. Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, ngài khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho Ngài. Trong một lần, Ngài kể rằng: khi thấy số phiếu bầu chọn ngài trong mật nghị Hồng Y tăng cao, vị Hồng Y ngồi bên cạnh ngài ghé tai nói: “Xin đừng quên người nghèo nhé!” Lời này như một lời nhắc nhở và là động lực thúc đẩy ngài chọn danh hiệu Giáo hoàng của ngài là Phanxicô – vị thánh được mệnh danh là “Người nghèo thành Assisi”. Cách sống của ngài và con đường ngài muốn dẫn Giáo Hội là trở về đúng với tinh thần của Tin Mừng, đó là sống nghèo, sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu.
Tin Mừng Luca hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cất lời tạ ơn Thiên Chúa vì Thiên Chúa thực hiện những điều lớn lao nơi những con người bé mọn, tức là những con người nghèo hèn, khiêm nhường trước mặt Chúa.
Người bé mọn trong Tin Mừng cũng chính là những người sống khiêm nhường, trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và mọi người. Trước mặt người đời, kẻ sống khiêm nhường, bé mọn nhiều khi bị khinh chê, loại trừ, bị coi là không đáng kể và không đáng giá. Nhưng trước mặt Thiên Chúa đó lại là những kẻ được Chúa yêu thương. Người khiêm nhường, bé mọn, là người biến mình trở nên trống rỗng như một cây sáo trúc, để cho Thiên Chúa thổi làn hơi của Ngài vào tâm hồn, biến nó thành dụng cụ phát ra những âm thanh du dương.
Hôm nay, Chúa Giêsu chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã dùng những con người khiêm nhường bé nhỏ để chuyển tải, mặc khải mầu nhiệm cao vời đó là Nước Trời. Điều này Thiên Chúa không thực hiện nơi những người được thế gian coi là khôn ngoan. Vì khôn ngoan theo kiểu người đời, đó là những kẻ chỉ biết cậy dựa vào khả năng cá nhân bản thân mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Người được người đời coi là khôn ngoan thì đầy ắp trong lòng những toan tính, suy nghĩ và mưu kế của thế gian, vì thế họ không thể đón nhận sự “nghịch lý” của mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm Nước Trời mà người khiêm nhường, bé mọn được đón nhận, không phải là những lý thuyết, lý luận mà là chính Con người, Sứ mạng và Tin mừng của Chúa Giêsu. Ai đón nhận Chúa Giêsu là đón nhận Nước Trời. Và, Chúa Cha rất vui lòng với những ai đón nhận Chúa Giêsu: “Vì đó là điều đẹp ý Cha.”
Đón nhận Chúa Giêsu là đón nhận Nước Trời và là đón nhận chính Thiên Chúa và sự sống của Ngài. Chúa Giêsu quả quyết rằng: “Cha tôi đã trao cho tôi mọi sự. Không ai biết rõ Chúa Con trừ Chúa Cha, không ai biết rõ Chúa Cha trừ Chúa Con và kẻ Chúa Con mặc khải cho.” Như thế có nghĩa là, những kẻ khiêm nhường bé mọn khi đón nhận Chúa Giêsu thì được Chúa Giêsu tỏ cho biết Chúa Cha và đón nhận cả Chúa Cha vào trong cuộc đời, tức là đón nhận cả Nước Trời vào trong tâm hồn. Thiên Chúa thực hiện điều này vượt quá sự mong đợi, hình dung và giải thích của ngôn ngữ con người. Vì thế, người thông thái theo kiểu thế gian sẽ không thể hiểu được, chỉ có người khiêm nhường bé mọn mới có thể đón nhận và hiểu được mà thôi.
Chúa Giêsu đến thế gian là để đem Tin Mừng cứu độ và đem cả Nước Trời đến cho nhân loại. Ngài mong muốn và mời gọi mọi người hãy đến với Chúa, đón nhận Chúa: “Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Như vậy là Chúa mời tất cả mọi người, tuy nhiên có nhiều người đang mang gánh nặng vất vả, đang làm nô lệ nhục nhã, nhưng họ không biết hoặc cố tình ở trong tình trạng nô lệ vất vả gánh nặng đó, nên họ từ chối không đến. Còn tất cả những ai thấy mình vất vả, biết mình cần sự đỡ nâng mà đến với Chúa, thì đều được Chúa nâng đỡ, bổ sức cho.
Gánh nặng nề là những gánh nào? Thưa, đó là gánh nặng của tội lỗi, của sự chết, đó là gánh nặng của thân xác kiếp người, của thế gian và cuộc sống, gánh nặng của trách nhiệm gia đình, công việc và nhiều áp lực khác. Chúa muốn chia sẻ gánh nặng đó với chúng ta, Chúa sẽ kề vai gánh đỡ và cùng bước đi bên cạnh để an ủi, trợ lực cho ta. Những ai dám đặt gánh lo đời mình cho Chúa, Chúa sẽ giảm tải và làm cho gánh nặng cuộc sống trở nên gánh niềm vui. Chúa sẽ lấy đi gánh tội lỗi và thay vào đó là tình thương và tha thứ; Chúa sẽ lấy đi gánh của thế gian và thay vào đó là niềm vui Nước Trời. Chúa sẽ biến những gánh nước mắt, mồ hôi, vất vả, trách nhiệm của cuộc sống, trở nên gánh hoa trái của tình yêu và ân sủng.
Thưa quý OBACE, điều quan trọng Chúa muốn mỗi chúng ta là: “Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Nhìn lại lịch sử từ tạo dựng vũ trụ cho đến nay, Thiên Chúa luôn chọn cách hành động và thể hiện sự hiền hậu và khiêm nhường nơi Ngài: Chúng ta có thể thấy công trình tạo dựng vũ trụ và muôn vật thật lớn lao kỳ diệu, vậy mà Thiên Chúa để nó xuất hiện cách khiêm nhường, hiền hoà như rừng cây mọc lên, đến độ nhiều người cho rằng nó tự nhiên mà có; Chúa Giêsu chọn bước vào thế gian cách âm thầm, khiêm nhường đến độ người ta không muốn tin và không nhận Ngài; Cuộc khổ hình thập giá của Chúa Giêsu gây chấn động thành Giêrusalem, thế nhưng khi Ngài phục sinh lại thật âm thầm, hiền lành không ai thấy cũng không ai biết; Chúa Giêsu đã dành hết cuộc đời để thiết lập Giáo Hội, vậy mà khi Chúa về Trời, Ngài trao lại Giáo Hội cho những con ngươi hiền lành, khiêm nhường, bình dân ít học, đến độ người ta tưởng rằng mấy ông tông đồ là những kẻ say rượu.
Chúng ta cũng được mời gọi để chọn và sống cách hiền lành, khiêm nhường như Chúa Giêsu. Khiêm nhường nhìn nhận thân phận bé mọn, bất xứng của mình trước tình yêu của Chúa để được tha thứ và chữa lành; khiêm nhường để đón nhận Tin Mừng của Chúa và đón nhận chính Chúa là Nước Trời vào trong tâm hồn. Chúng ta còn cần phải khiêm nhường trước mặt nhau, trước mặt mọi người. Sự kiêu căng, cao ngạo gây ra bất hoà bất an cho cuộc sống, sự khiêm nhường đem đến bình an và niềm vui cho gia đình.
Chúng ta hãy sống khiêm nhường và hiền lành trong gia đình, cư xử với vợ chồng, con cái cách hiền lành và khiêm nhường, biết tôn trọng phẩm giá của nhau, đón nhận sự khác biệt, khả năng và giới hạn của nhau. Chúng ta hãy cư xử hiền lành và khiêm nhường với vợ chồng, con cái, lấy tình yêu, sự nhân hậu để đối đãi với nhau thay vì nóng giận. Sự nóng giận sẽ gây đổ vỡ, bất an; sự hiền lành, khiêm nhường sẽ nối kết và đem lại bình an.
Sống hiền lành khiêm nhường trong xã hội hôm nay là một thách đố. Vì sống hiền thì dễ bị bắt nạt, coi thường, sống khiêm nhường thì bị coi là cù lần, nhu nhược. Vì thế gian cư xử theo cách khác với Tin Mừng, khiến cho nhiều tín hữu cũng bị cuốn theo cách cư xử của nó. Xin Chúa cho chúng ta can đảm mang lấy ách của Tin Mừng, để cho Tin Mừng hướng dẫn và nhất là xin cho chúng ta trở thành những học trò ngoan của Chúa Giêsu và là môn đệ trung tín của Ngài, thấm nhuần sự hiền lành, khiêm nhường và đem ra thực thực hành mỗi ngày. Amen

 

Lm. Giuse Đỗ ĐứcTrí – Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.