CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN C

“Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: ‘Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’. Ông Si-môn đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’”.
(Lc 5,1-11)
Một cuộc đối thoại ngắn gọn đã xảy ra giữa Đức Giê-su và ông Si-môn. Chúa nói lời của Người với ông Si-môn và ông đáp lại. Hơn nữa, ông Si-môn không chỉ đáp lại lời Chúa nói với ông, nhưng ông còn làm theo lời Chúa: “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”.
Trước khi trao đổi với Chúa, ông Si-môn đã làm gì? Ông đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào cả. Ông đã cố ý thức rằng bao nhiêu sức lực, tài khéo cũng như hiểu biết mà ông đã dùng tới, chẳng đem lại một kết quả nào. Bấy giờ Chúa dạy bảo ông, ông nghe lời Chúa và tin vào lời Người, nên ông làm theo. Niềm tin của ông Si-môn vào lời Chúa lúc này rất đặc biệt! Để tin vào lời Chúa mà ra khơi thả lưới bắt cá, ông Si-môn phải bỏ hết mọi sự. Trước tiên, ông phải bỏ những hiểu biết chuyên môn của ông trong nghề đánh cá, nhất là kinh nghiệm vất vả thận trọng của đêm vừa qua. Cả một đêm đã làm hết sức mà không bắt được một con cá nào! Có nghĩa là ở vùng biển này, lúc này không có cá. Thế rồi, ai cũng biết rằng và dĩ nhiên những người thuyền chài như ông Si-môn còn biết rõ hơn, người ta chỉ thả lưới về đêm chứ thả lưới ban ngày thì làm sao bắt được cá! Vậy mà lúc này, ở trước mặt Chúa, ông Si-môn không còn tin vào mình nữa, không còn tin vào khả năng chuyên môn của mình nữa và sẵn sàng gạt ra một bên kinh nghiệm còn nóng hổi của một đêm vất vả vô ích, ông đặt hết niềm tin vào lời Chúa và chỉ tin vào lời Chúa mà thôi, nên ông đã làm theo: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Kết quả vượt quá lòng mong ước lẫn niềm tin của ông Si-môn. Ông đã bắt được rất nhiều cá! Mẻ cá lạ lùng vượt quá sức tưởng tượng, là kết quả niềm tin của ông Si-môn vào lời Chúa, chứ không phải do tài khéo, công sức hay khả năng nghề nghiệp của ông!
Ngày nay cũng vậy, Ki-tô hữu nếu không nghe lời Chúa và làm theo, thì không có chuyện gì xảy ra nơi con người cũng như cuộc sống của họ. Bao lâu Ki-tô hữu còn sống theo tính tự nhiên, còn hành động chỉ bằng suy tính và sức lực của loài người, thì không có đổi mới lòng dạ, không có thay đổi cuộc sống. Ki-tô hữu là người lắng nghe lời Chúa, tin vào lời Chúa và đem ra thực hành. Lắng nghe lời Chúa thì nhiều người chúng ta cũng đã chú tâm để ý, tin vào lời Chúa thì cũng đã tin; nhưng còn việc đem lời Chúa ra thực hành thì rất khó khăn và ít người làm nổi! Tại sao vậy? Làm theo lời Chúa có nghĩa là phải từ bỏ chính mình: bỏ quan niệm của mình, bỏ cái khôn ngoan tự nhiên, bỏ những tính toán trần tục, bỏ cả những gì chính đáng và hợp lý của con người tự nhiên. Bởi vì lời Chúa đưa người ta ra khỏi mình, vượt lên trên tự nhiên. Lúc đó chỉ có sức mạnh Thần Linh chi phối, chỉ có sự khôn ngoan thượng trí hướng dẫn và những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Nhiều Ki-tô hữu không hoàn toàn tin vào lời Chúa, không tuyệt đối sống theo lời Chúa, cho nên họ muốn bắt cá hai tay, vừa tin vào lời Chúa vừa tin vào sức mình, vừa làm theo lời Chúa đồng thời cũng làm theo sự khôn ngoan tính toán tự nhiên. Không có gì xảy ra, không có biến đổi thật sự, nơi những Ki-tô hữu nước đôi như thế. Gương của ông Si-môn, cách thức xử sự và hành động của ông là một lời mời gọi cho tôi lúc này. Tôi có muốn bắt chước không? Và tôi có muốn thực sự thay đổi con người và cuộc sống của tôi không? Phải lắng nghe lời Chúa thường xuyên và phải quyết tâm làm theo lời Chúa mỗi ngày.
“Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”.
Ông Si-môn đã gặp Chúa trước đó, Chúa đã lên thuyền của ông, nhưng lúc đó ông chưa nhận ra Chúa. Bấy giờ ông nhận ra Chúa và đồng thời cũng nhận ra chính mình. Nhận ra Chúa và nhận ra chính mình là hình thành mối quan hệ đích thật và sâu xa giữa Thiên Chúa và con người. Trước đó ông Si-môn nhận ra nơi Đức Giê-su là một “Rap-bi”, một bậc thầy như các kinh sư và có thể là hơn cả kinh sư, hơn mọi ông thầy khác. Bây giờ thì Đức Giê-su được nhận biết là Chúa và ông Si-môn bộc lộ niềm tin ra ngoài bằng cử chỉ: “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su”, một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Khi tin nhận Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng duy nhất thánh thiện, thì ông Si-môn cũng nhận ra quan hệ của mình với Thiên Chúa cùng với khoảng cách vô cùng vô tận: “con là kẻ tội lỗi”. Trước đó, ông Si-môn vẫn như lúc này, nhưng lúc này ông mới biết rõ thân phận đích thật của mình mà trước đó vì không biết Chúa nên ông cũng chẳng biết mình. Vậy trong trường hợp ở đây, ông Si-môn nhận biết mình là người tội lỗi, thì đó là ân huệ của Chúa, là do Chúa soi sáng. Kết quả là ông Si-môn đã “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Việc ông Si-môn nhận ra mình là người tội lỗi xấu xa trước mặt Chúa Chí Thánh, không những không làm cho ông thất vọng chán chường, mà trái lại, đã làm cho ông hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và quyết định bỏ lại tất cả để đi theo Chúa, gắn bó với Người và làm môn đệ của Người. Khi Thiên Chúa ban ơn cho một người nhận ra và ý thức sâu xa về tội lỗi của mình, là Người chuẩn bị người đó làm môn đệ, là khởi đầu của hành trình dấn thân theo Chúa. Lúc này đang ở trước mặt Chúa, tôi có nhận ra và ý thức về tội lỗi của mình không? Có bao giờ tôi nhận được tín hiệu của Chúa mời gọi tôi dấn thân bước theo Người chưa?

Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng

Nguồn: Tin vui.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.