Chúa Nhật IV Mùa Vọng B

Chúa Nhật IV Mùa Vọng B

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”.
Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho loài người tội lỗi. Từ ngàn xưa các ngôn sứ đã tiếp theo nhau loan báo Tin mừng về Đấng Cứu Thế nhằm nuôi dưỡng niềm mong chờ của dân Chúa qua những bước thăng trầm của lịch sử dân Ít-ra-en. Dân Ít-ra-en được chọn để nghe lời hứa, được nuôi dưỡng lời hứa và được chứng kiến tận mắt việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa. Đường lối thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa thật là kỳ diệu, con người không ai ngờ trước và hiểu được. Người ta cứ tưởng rằng khi chọn Ít-ra-en làm dân riêng, Thiên Chúa sẽ làm cho dân này nên hùng mạnh, bá chủ các dân các nước khác và trở nên thịnh vượng phát triển về mọi mặt. Nhưng Thiên Chúa lại nghĩ khác, đường lối của Chúa vượt xa những tính toán khôn ngoan nhất và những suy nghĩ sâu xa nhất của con người. Chúa đã để cho dân Chúa suy yếu sau thời hoàng kim của vua Đa-vít và của vua Sa-lô-môn, rồi đất nước bị chia cắt làm hai: Nước Ít-ra-en ở miền Bắc và nước Giu-đa ở miền Nam. Sau một thời gian, cả hai vương quốc Ít-ra-en và Giu-đa đều rơi vào tay ngoại bang, rồi dân Chúa phải đi đày khoảng nửa thế kỷ ở Ba-bi-lon. Sau cuộc lưu đày là một cuộc xuất hành mới trở về Đất Hứa. Cuộc xuất hành thứ hai này không mang tính chất huy hoàng chiến thắng bên ngoài như cuộc xuất hành từ Ai Cập, nhưng mang tính nội tâm sâu xa. Đạo Do Thái của Cựu Ước sau những bước đi thăng trầm và nhất là sau cuộc lưu đày Ba-bi-lon, đã bớt đi rất nhiều những yếu tố bên ngoài, mà đã được nội tâm hóa từng bước. Những bước nội tâm hóa này chỉ có một số ít người Do Thái đạo đức hiểu được và sống theo. Họ là một nhóm nhỏ còn sót lại, vẫn một lòng trung thành với Lề luật và một niềm trông đợi Đấng Cứu Tinh đã được hứa từ bao thế hệ. Cho đến những năm tháng gần kề Đấng Cứu Thế xuất hiện, số người sót lại còn ít hơn nữa, thu gọn lại thành một nhóm nhỏ mà Kinh Thánh gọi là: những người nghèo khó của Đức Chúa. Họ là những người kiên tâm chờ đợi ơn Cứu độ, không nao núng trước những hoàn cảnh thử thách khó khăn bên ngoài. Họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để đón nhận Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng họ vua Đa-vít. Trong số những người nghèo đó, Kinh Thánh cho thấy một vài khuôn mặt tiêu biểu, đó là ông Si-mê-on và bà An-na nơi đền thờ và song thân của thánh Gio-an Tẩy Giả là ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Nhưng vượt lên tất cả và nổi bật hơn hết là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, người thiếu nữ khiêm hạ thành Na-da-rét. Đức Ma-ri-a là tập trung mọi niềm hy vọng của dân Chúa, là kết tinh của lòng đạo đức thánh thiện của các thánh nhân qua mọi thời đại và là đền thánh xứng đáng Thiên Chúa đã gây dựng để Đấng Cứu Thế đến ngự trị. Vì thế, Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm được gọi là trung tâm và đỉnh cao của Mùa Vọng. Hơn nữa, Mẹ Ma-ri-a không chỉ tiêu biểu cho dân Ít-ra-en trong niềm khát vọng ơn cứu độ, mà Mẹ còn là đại diện cho toàn thể nhân loại đón nhận Tin Mừng cứu độ. Khi sứ thần Gáp-ri-en đến với Mẹ trong lời chào đầu tiên đã quả quyết như vậy: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”.
Giây phút truyền tin tại Na-da-rét vừa là giây phút chấm dứt niềm khát mong chờ đợi, vừa là giây phút khởi đầu cho niềm vui thần linh tràn ngập thế giới, mà người đầu tiên được hưởng trọn vẹn niềm vui đó là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”, Đây là niềm vui giải thoát, là Tin Mừng cứu độ. Sứ thần mời gọi Trinh Nữ Ma-ri-a mừng vui lên là vì Mẹ đầy ân sủng, mà đầy ân sủng là vì Mẹ được Đức Chúa ở cùng. Đây là niềm vui đầy tràn, là hạnh phúc vĩnh cửu mà muôn đời mọi người sẽ ngợi khen Mẹ: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.
Làm thế nào để Mẹ được hưởng niềm vui trọn vẹn của ơn cứu độ? Thưa là vì Mẹ đã hết mình phó thác cho Thiên Chúa, trong một niềm tin tuyệt đối và sự hạ mình khiêm nhường thẳm sâu: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Trước hết Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Chúa. Xác nhận mình là nữ tỳ của Chúa, Đức Ma-ri-a muốn tuyên xưng rằng: Mẹ là của Chúa, Mẹ hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Mẹ không thuộc về ai, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì trên trần gian, vì thế Mẹ hoàn toàn tự do để hiến mình cho Chúa và cho ý định nhiệm mầu của Người. Mẹ không thắc mắc, không lo lắng ưu tư, không tính toán trước sau và nhất là không hề nghĩ tới bản thân mình mà chỉ hướng về Chúa Toàn Năng, chỉ nghĩ tới Tình Yêu tuyệt vời của Chúa với đức tin mạnh mẽ vô song không gì lay chuyển được. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Cụ thể là Mẹ tin vào lời Chúa nói với mình, nói cho mình và bằng một thái độ vâng phục ngoan ngoãn, Mẹ để cho lời Chúa dạy dỗ, uốn nắn và biến đổi mình: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Tất cả cuộc đời Mẹ là lắng nghe Lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng và sống bằng Lời Chúa. Giờ phút này đạt tới cao điểm, Mẹ không chỉ cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn mà thôi, từ đây Mẹ cưu mang Lời Chúa trong thân xác tinh tuyền của Mẹ. Cả hồn xác Mẹ do Lời Chúa tác thành, tác sinh và thánh hóa. Mẹ trở thành con người diễm phúc có một không hai, vì đã tin và sống theo Lời Chúa. Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã khen Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiên những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Tuyệt đỉnh của niềm tin diễm phúc nơi Mẹ là đón nhận Chúa Cứu Thế cho mình và cho toàn thể loài người.
Mỗi người Ki-tô hữu đều được mời gọi chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Ma-ri-a diễm phúc và học đòi bắt chước đức tin của Mẹ, để cuối cùng cũng được kết quả tuyệt vời của đức tin là đón nhận Chúa Giê-su Cứu Thế Con Mẹ vào trong con người và cuộc sống của mình. Điều cần thiết là năng đọc và nghe Lời Chúa cùng với Mẹ, để thấy được và tin thật sự rằng mọi Lời Chúa trong Kinh Thánh đều nói với mình và cho mình. Như vậy, phải đón nhận Lời Chúa với tất cả lòng yêu mến và lòng biết ơn. Một khi đã đón nhận Lời Chúa, thì người tín hữu cùng với Mẹ Ma-ri-a phó thác hoàn toàn cho lời toàn năng của Chúa, để Lời Chúa thanh tẩy, tác sinh, tác thành bản thân và cuộc đời mình giống như bản thân và cuộc đời Mẹ Ma-ri-a. Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ, thì cũng sẽ ngự xuống trên các Ki-tô hữu, để hình thành Chúa Giê-su nơi con người và cuộc sống của họ.

Linh mục Gio-an Nguyễn Như Yêng

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.