CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B

Mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta đã kể lại câu chuyện sau đây: Ngày nọ, có một thiếu phụ và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con đã không có gì ăn. Mẹ Tê-rê-sa trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà cám ơn và chia ra làm hai phần. Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Tê-rê-sa hỏi tại sao lại chia làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: “Tôi dành lại một phần cho người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn”.
Mẹ Tê-rê-sa kết luận: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.
Mùa Vọng cũng còn là mùa nhắc nhở chúng ta nhìn lại lối sống của mình. Những khúc quanh co, những chỗ lồi lõm mà chúng ta đã tạo nên trong quan hệ và xử thế. Làm cho thẳng lại con đường và san phẳng lối đi cũng chính là kiến tạo hòa bình, là quảng đại và yêu thương anh em, là chia sẻ cho những người thiếu thốn và khổ đau.
“Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền!”. Chỉ có tiền mới bác ái sao? Bác ái bằng thông cảm, bác ái bằng thăm viếng, bác ái bằng cầu nguyện.
 
KHỞI ĐẦU TIN MỪNG ĐỨC GIÊ-SU
Hàn Mặc Tử cho rằng giây phút khởi đầu ngày là giây phút thiêng liêng. Kinh Thánh cũng mở đầu bằng câu: “Khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng…”. Câu mở đầu Tin Mừng theo thánh Mác-cô cũng được trịnh trọng xướng lên: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Initium Evangelii Jesu Christi, Filii Dei). Từ Evangelium, mà các tín hữu Việt Nam xưa gọi là Evan, có nghĩa là Tin Mừng, loan báo một biến cố trọng đại. Trong Cựu Ước, từ Tin Mừng được dùng để nói về việc dân Do Thái trở về quê cha đất tổ sau thời gian lưu đày tại Ba-by-lon. Từ Tin Mừng còn được dùng để chỉ việc Đấng Thiên Sai đến.
Tin Mừng này không chỉ là một thông điệp hoặc những lời nói suông, mà là một biến cố, cụ thể là một con người (là chính Đức Ki-tô). Khi thánh Mác-cô viết Tin Mừng của ngài vào năm 70, hai thế hệ đã ra đi, nhưng chưa thấy ai trở lại cả. Với thời gian, càng ngày các tín hữu tiên khởi càng ý thức sâu sắc hơn về tính chất mới mẻ của biến cố đang “khởi sự” diễn ra, đó là biến cố Giê-su. Biến cố Giê-su không phải là một câu chuyện cũ, mà là câu chuyện của ngày hôm nay, không ngừng “khởi sự”. Bởi vì Tin Mừng là gì, nếu không phải là được gặp gỡ và sống với Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai, Đấng đã được xức dầu phong vương với danh hiệu trên mọi danh hiệu là: Con Thiên Chúa.
Chỉ với một câu mở đầu, Mác-cô đã gói ghém được điều cốt lõi nhất của Đạo Ki-tô.
Chúng ta đang ở trong sa mạc với ông Gio-an Tẩy Giả.
Trong Cựu Ước, sa mạc là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, Ngài nói thì thầm với con tim họ trong cảnh hoang vắng tiêu sơ. Nhận được thông điệp từ sa mạc, ông Gio-an đã hô to thông điệp của mình lên: “Hãy dọn đường cho Chúa đến!”. Và bây giờ, ông đang đứng đó, vẻ người khắc khổ nhưng lôi cuốn. Ông đề nghị, từng người một, rồi cả nhân quần xã hội, hãy thay đổi, hoán cải tận gốc rễ tâm can mình. Để đón một “Đấng khác” đang đến. Còn ông, ông đơn thuần chỉ là người dẫn đường dắt nẻo. Đấng ấy quyền uy hơn ông bội phần. Ngài không rửa mọi người bằng nước sông, nhưng sẽ dìm họ vào dòng sông Thần Khí. Dân chúng nghe ông mà vẫn không ngừng kinh ngạc. Trong cõi lòng băn khoăn trăn trở của họ, đang “khởi đầu” một sự hồi tâm, ăn năn, sám hối, một quyết tâm quay trở lại.

HÃY SỬA LỐI CHO THẲNG ĐỂ CHÚA ĐI!
Xưa, vào dịp đầu xuân mới, hoàng đế triều Nguyễn lên tế Trời tại tế đàn Nam Giao, Huế. Cả mấy tuần trước, quân dân tất bật sửa con lộ từ Bến Ngự đến Nam Giao để hoàng đế ngự qua cùng bá quan văn võ.
Nhưng hoàng đế triều Nguyễn làm sao sánh ví được với Vua Cao Cả Đất Trời. Do đó, từ mấy trăm năm trước, ngôn sứ I-sai-a đã kêu mời: “Hãy dọn lối cho thẳng để Chúa đi”. Lối đi mà ngôn sứ nói đây có những đặc điểm như sau:
Trước hết, xưa lối đi nằm trong sa mạc hoang vu, nơi hiếm người đi lại. Vì thế, ngàn năm một thuở mới có cuộc sửa đường và công việc sẽ rất khó khăn, vì thường đó là những lối đi ngoằn ngoèo hiểm trở.
Thứ đến, con đường lên Nam Giao là con lộ bằng đất. Đường dành cho Vua Trời ngự đến nằm trong lòng người và nơi cuộc sống con người: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Credo). Nói khác đi, con đường cần được sửa chữa và chỉnh trang là lòng con người.
Cuối cùng, việc dọn đường cho Chúa khởi đi từ việc hoán cải: bỏ tội làm lành, dẹp bỏ gian trá để xây dựng Sự Thật. Đối với Thiên Chúa, không gì cần cho việc cứu rỗi bằng sự thật “Vì sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Ga 8,32). Đây cũng là mục tiêu Con Thiên Chúa đã nhắm thực hiện khi xuống thế làm người (Ga 18,37).
Sứ điệp Tin Mừng
Do ác thần xui khiến, các tổ tiên A-đam và E-và đã chối bỏ sự thật: Họ muốn làm Thiên Chúa hơn là chấp nhận thân phận thụ tạo. Vì bị lệch hướng ngay từ điểm xuất phát, Nguyên Tổ đã kéo luôn nhân loại đi vào những lối ngoằn ngoèo. Cuộc sống bắt đầu lươn lẹo mưu xảo để lừa gạt nhau. Thật ra, đây không phải chuyện thời xưa. Ngày nay, xem chừng lối sống gian xảo như thế càng mọc lên như cỏ lùng trong ruộng lúa.
Khi đến trần gian, Chúa Giê-su rất ghét hạng người giả hình. Tội gì, Ngài cũng khoan dung tha thứ, nhưng những người “đóng kịch” như bọn Pha-ri-sêu thì Ngài vạch mặt thẳng tay. Chúng ta là môn đệ của Đấng Chân Thật, không thể nào không hưởng ứng lời kêu gọi của thánh Gio-an Tiền Hô: “Đấng Cứu Tinh sắp đến. Hãy uốn thẳng đường đi để đón Người”.
Lời cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng: “Chúa là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đi theo Chúa, chúng con không sợ lạc đường. Học với Chúa, chúng con vững tin mình đang kín múc chân lý nơi nguồn mạch khôn ngoan; miệt mài tìm sự sống nơi Chúa, chúng con chắc chắn đạt được Sự Sống Trường Cửu. A-men.
 
LẠ LẮM, RA MÀ XEM
Có gì mà lạ? Ra mà xem cái gì?
Kia kìa, thấy chưa? Có một người, không biết gọi là ông hay là anh nữa, vì tuổi xấp xỉ ba mươi mà lại chưa có vợ. Người ấy mặc một chiếc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da; ăn uống thì rất quái dị, bụi đời: châu chấu với mật ong rừng. Nghe giọng nói thôi, chứ chưa cần đọc lý lịch, cũng biết ông là con tư tế Da-ca-ri-a và bà I-sa-ve.
Ông đi đâu và làm gì?
Ông này lạ thật; toàn làm chuyện ngược đời. Ông mang một sứ vụ đến cho mọi người, vậy mà, ông lại đi vào trong hoang địa. Muốn cho mọi người nghe, đúng ra, ông phải vào phố chợ, nơi ấy mới đông người, chứ vào hoang địa làm gì! Không! Ông có lý của mình. Ông vào hoang địa rao giảng, như muốn nói rằng: Ông muốn nói vào vùng đất hoang vắng của lòng người. Những tâm hồn khô khan chết chóc, những tâm hồn cô đơn lạnh lẽo, những tâm hồn xơ cứng đá sỏi. Ông muốn những vùng đất ấy xanh tươi, tràn đầy sự sống. Ông muốn thổi vào đó một luồng gió hy vọng mới. Ông bảo: có một Đấng vô cùng quyền thế sắp đến, Đấng Cứu Độ nhân gian sắp bước vào.
Nhưng sứ vụ của ông là gì? Ông xác nhận về mình: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc”. Là tiếng kêu thôi, chứ không phải là Lời.

  • Có giống không, ông là cái mõ, cóc cóc giữa đêm khuya của người bán hủ tíu dạo trong đêm.
  • Có giống không, ông là chiếc xe bồ câu có còi hụ của cảnh sát, chạy trước dẹp đường, khi phía sau có một quan chức lớn đang trên đường công tác. Chiếc xe cảnh sát hụ còi, người trên đường giật mình nhìn lại, ép vào mé đường. Vậy, rất rõ ràng, sứ vụ của ông là làm người ta giật mình nhìn lại và biết rằng: Đấng Cứu Thế đang gần tới.

Và vì Ngài là một Thiên Chúa cứu độ đầy cao sang, cho nên phải vội vã, mau mắn chuẩn bị để đón Ngài.
Nhưng làm gì để đón Ngài?
Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa chung chung của nhân loại, mà còn là một Thiên Chúa của từng người. Vì thế, Ngài đến với nhân loại, nhưng là để cứu rỗi từng người.
Ngài đến với từng người. Vì thế, nếu ai muốn được Ngài cứu, bắt buộc phải Sửa Đường. Sửa con đường bằng đất, bằng đá thì dễ; sửa con đường tâm hồn mới thật là chua, gay cấn. Đường tâm hồn thì vô hình. Vô hình nhưng có thật, chứ không phải do tưởng tượng.
Vậy sửa bằng cách nào? “Hãy chịu Phép Rửa để tỏ lòng sám hối”.
Như thế đã thật rõ. Sám hối sâu sắc trong linh hồn và làm một việc cụ thể bên ngoài diễn tả sự sám hối ấy theo lời dạy của Chúa.

  1. Sám Hối

Sám hối là gì? Là hối hận sâu xa trong linh hồn, vì những hành động, lời nói, hay tư tưởng mà mình đã thực hiện. Những sự thực hiện ấy bây giờ nhìn lại, mới thấy là thiếu sót, là ác độc, là tội lỗi.
Nhưng để có được sự sám hối, người ta phải có giờ yên lặng, để nhìn lại mình, để đối diện với chính cõi lòng mình. Điều này coi thì có vẻ là dễ nhưng thực tế thì không dễ tí nào. Bởi người ta rất ngại khi phải đối diện với linh hồn mình. Đối diện để thấy khuôn mặt thật của mình thì đành rồi, nhưng dựa vào tiêu chuẩn nào để biết là sai là đúng?
Dựa vào lương tâm? Không chắc lắm, vì có những lương tâm đã bị mờ nhòa vì thói quen phạm tội. Vì thế, chắc chắn, phải dựa vào giới răn của Chúa. Nhưng ai phải sám hối đây?
Thưa, mọi hạng người. Thánh Gio-an, không thiên tư cho ai cả: thanh niên, thiếu nữ, hiền mẫu, gia trưởng, công nhân, giáo viên, y bác sĩ, doanh nhân, tu sĩ nam nữ, linh mục, giám mục,…
Mỗi người một trách nhiệm, một lãnh vực, một thế giới. Có ai dám bảo mình không có lỗi lầm gì? Hãy xét lại, hãy sám hối, vì những sai phạm trong trách nhiệm Chúa trao.

  1. Và Chịu Phép Rửa

Thánh Gio-an đưa ra một hành động cụ thể. Nội dung không thôi thì không đủ. Ngài muốn người ta phải thể hiện sự sám hối ấy ra bên ngoài. Ngài bảo: ai thật sự sám hối thì đến với ngài, nơi một bờ của sông Gio-đan, một triền sông rất đẹp, để ngài làm phép rửa cho. Một hành động đầy tâm lý, để cho tội nhân có thể chắc chắn an tâm, là mình đã được sạch tội.
Ngày nay, phép rửa ấy, đi vào chiều sâu hơn, với tính chất Bí Tích Nhiệm Mầu, mời gọi những người có lòng sám hối, hãy thực hiện lòng sám hối nơi Bí Tích Giải Tội. Vào đây, hối nhân sẽ được rửa bàng Máu Châu Báu Cứu Độ Của Chúa Ki-Tô, và Sức Mạnh Tha Thứ Của Chúa Thánh Thần.
Đúng như thánh Gio-an nói: “Tôi sẽ rửa anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.
Lm. Đỗ Xuân Thiêm – Giáo xứ Thánh Gia kinh 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.