Cho tất cả

Cho tất cả

Gương dâng cúng của một bà góa
– “Bà góa” : xã hội Do Thái không có những qui định bảo vệ quyền lợi các góa phụ, cho nên họ rất thiệt thòi : tài sản của chồng họ không được hưởng (con cái họ hưởng). Vì thế trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Dnl 24, 17-22).
– Bà góa nghèo này đã dâng vào hòm tiền đền thờ “hai đồng tiền kẽm” : đồng tiền Kodrantes tức là một loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.
– Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, vì những người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.

Vào thời xưa cũng như thời nay, có những giai tầng bị loại ra bên lề.

Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa, nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel. Phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết mọi tài sản thuộc về con cái, và vì thế, mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị ¼ xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống.
Vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn : Thứ nhất, liệu chúng ta có phải nghèo khó về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? Thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả nhu yếu phẩm nếu họ muốn được khen ngợi chăng?
Đã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giàu có khó vào được Nước Trời.
Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên Thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi tất cả từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa mới làm cho những người nghèo trở nên giàu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã công đức vào đền thờ.
Bà cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế thật rất quí, vì cũng chẳng khác gì là sự cho đi chính bản thân mình.
Cho nên Chúa Giêsu đã khen lòng quảng đại của bà. Lòng quảng đại hệ tại ở chỗ cho mà không tính toán..
Vào mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng.
Em đã dành dụm mọi chi tiêu ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố.
Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió bấc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn gặp đang đợi ở phòng khách.
Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiền chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó.
Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, Đấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.Của cho không bằng cách cho
Câu nói “của cho không bằng cách cho” nhắc nhở mọi người khi trao cho ai cái gì, điều cần thiết là phải có tấm lòng, là tình yêu đặt để vào đó. Hình ảnh bà goá trong trình thuật Tin Mừng hôm nay diễn tả điều đó. Chính Đức Giêsu đã khen ngợi “cách cho” của bà: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21,3).
Qua câu chuyện đồng tiền dâng cúng, Đức Giêsu đã làm nổi bật lên “cách cho” giữa một bên là những người giàu đã bỏ rất nhiều tiền, còn bên kia là bà góa nghèo với chỉ vỏn vẹn hai đồng tiền kẽm mà thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng làm nên sự khác biệt là “người giàu thì rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà dâng cúng, còn bà góa nghèo thì rút từ cái túng thiếu của mình” (Lc 21,4). Hai đồng tiền kẽm tuy nhỏ nhưng là tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân. Thế nên, khoảnh khắc bà bỏ hai đồng tiền kẽm vào thùng, cũng chính là khoảnh khắc bà dâng cả mạng sống mình cho Thiên Chúa, phó thác mọi sự trong tay Ngài. Quả vậy, bà đã cho đi với tất cả lòng yêu mến và niềm tín thác. Điều đó làm nên giá trị lễ dâng của bà.
Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi, con người trao cho nhau nhưng lại quá đặt nặng đến “của cho”, cho bao nhiêu mà thôi. Lắm lúc, cách người ta trao cho nhau chẳng khác gì một thứ hình thức ban phát ân huệ hoặc người ta cho đi nhưng phải có điều kiện, phải được đáp lễ,… Thánh Phaolô từng nói: “Tôi có là gì, cũng là nhờ Thiên Chúa” (x. 1Cr 15,10). Quả vậy, chỉ khi nhận ra tất cả những gì chúng ta sở hữu đều được Thiên Chúa ban cách nhưng không, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa trong việc cho đi. Mỗi người được mời gọi học lấy mẫu gương của bà goá trong Tin Mừng hôm nay biết phó thác đời mình cho Thiên Chúa và cho đi với tất cả tình yêu.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con mọi điều tốt đẹp trong đời sống. Xin Chúa cho chúng con luôn biết quý trọng và sẵn sàng mở lòng để san sẻ cho mọi người. Amen.
 

 
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.