Các bài Suy Niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên C (2)

Các bài Suy Niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên C (2)

TRUYỀN GIÁO BẰNG YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ
Suy niệm Tin Mừng: Mt 28, 16-20; Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo

M. Lasan Châu Sơn

Ngày 6-1-2022, Lễ Chúa Hiển Linh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay.
Khánh Nhật Truyền Giáo là một ngày dành riêng cho Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới để đổi mới dấn thân của mình cho sứ mệnh truyền giáo. Khánh Nhật Truyền Giáo được tổ chức vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10 hàng năm. Mỗi năm Đức Thánh Cha sẽ công bố một chủ đề cho Khánh Nhật Truyền Giáo của năm đó. Chủ đề của năm 2022 này, là “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).
Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo được Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 thiết lập vào năm 1926 và được cử hành lần đầu tiên vào năm 1927. Như Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích vào năm 2001, Đức Thánh Cha Piô “chấp nhận yêu cầu của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin về việc thiết lập một ngày cầu nguyện và quảng bá cho việc truyền giáo ‘sẽ được cử hành vào cùng một ngày ở mọi giáo phận, giáo xứ và các cơ cấu trong thế giới Công Giáo… và khuyến khích việc dâng hiến cho sứ mệnh truyền giáo.” (Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An 07/Jan/2022).
Mỗi người chúng ta là một nhà truyền giáo. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Giáo hội đã ủy thác cho chúng ta sứ mạng cao cả này. Sứ mạng mà chính Chúa cứu thế đã sai các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mt 28,16). Chính thánh Phaolô đã cảm nếm hồng ân được Thiên Chúa ơn cứu độ. Cho nên, ngài xác tín: khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng. Tin Mừng mà ngài đã lãnh nhận từ Chúa. Tin Mừng đó là: Chúa muốn cho mọi người được biết Chân lý và được ơn cứu độ; Đức Kitô đã tự nguyện chịu chết để cứu chuộc mọi người (X. 1Tm 2,1-8).
Vâng, chính Đức Kitô đã chết để cứu chuộc mỗi người chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, của hình phạt đời đời. Chúng ta tín thác vào Chúa, vào Giáo hội đó là một bảo đảm chắc chắn cho chúng ta: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”. Và mỗi chúng ta có trách nhiệm loan báo niềm vui ơn cứu độ ấy cho mọi người ngay trong cuộc sống thường ngày.
Thành ra, truyền giáo không chỉ là chuyện của các giám mục, linh mục, tu sĩ, mà là của tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người mỗi cách, mỗi thánh mỗi thể theo ơn Chúa đã kêu gọi. Với các linh mục, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến làm chứng cho Chúa qua đời sống khiết tịnh, vâng phục, nghèo khó. Còn với anh chị em sống đời hôn nhân gia đình làm chứng cho Chúa khi vợ chồng con cái sống chung thủy, hiền hòa yêu thương nhau, sống kính mến Chúa và bác ái với hết mọi người. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất để người ngoại nhận biết chúng ta là con cái Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. Sống yêu thương là đang truyền Đạo thánh. Muốn truyền đạo thì cần hi sinh có khi phải hi sinh cả tính mạng mình.
Đất nước ấn Độ, có 6 tôn giáo, trên 80% dân chúng theo Ấn độ giáo, còn lại theo các tôn giáo khác, chỉ có 2% dân chúng theo Công giáo. Có một cô gái theo đạo Công giáo, cô xin giúp việc cho một gia đình Ấn giáo. Người này chỉ bằng lòng nhận cô vào làm việc với điềug kiện cô không được có bất cứ biểu hiện nào của Công giáo: dù là ảnh tượng, tràng hạt. kinh sách… không có một biểu hiện nào. Vì hoàn cảnh gia đình có nguy cơ chết đói, nên cô miễn cưỡng chấp nhận. Cô nhận nhiệm vụ dọn nhà và chăm sóc 2 đứa con nhỏ của gia chủ. Cô chu toàn bổn phận, nhưng vẫn âm thầm cầu nguyện.
Một hôm, ngôi nhà đó bị cháy lớn, vợ chồng gia chủ đều đi làm, chỉ còn cô và 2 đứa nhỏ. Chúng hoảng loạn la hét. Phải vất vả lắm cô mới đưa được đứa chị ra ngoài an toàn. Khi cô quay lại đón đứa em thì ngọn lửa đã lan mạnh. Người dân khuyên cô không thể cứu đứa bé nữa. nhưng cô vẫn lao lên lầu bế đứa nhỏ xuống. khi cô vừa bế đứa bé xuống đến cửa dưới thì một thanh gỗ rớt ngay trên lưng cô. Cô được người dân đưa đi cấp cứu vì vết thương nặng và nhiều vết bỏng khắp người, khó mà qua khỏi.
Vợ chồng chủ nhà đưa 2 đứa con đến gặp cô lần cuối. họ hỏi cô, sao cô không lo đến mạng mình mà nhất quyết cứu con họ. cô thều thào tôi là người công giáo, chúa dạy tôi phải yêu thương mọi người như chúa đã yêu tôi. Tôi không muốn 2 cháu phải thiệt mạng. Tôi không muốn ông bà phải đau khổ vì mất con… vài giờ sau cô trút hơi thở.
Đám tang của cô được cả làng đưa tiễn. Sau đó cả gia đình người Ấn độ giáo kia đã xin gia nhập đạo Công giáo.
Vâng, chúng ta yêu thương phục vụ quên mình là cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Xin cho chúng con biết làm mọi công việc bình thường hằng ngày với một tình yêu phi thường vì lòng kính mến Chúa và yêu thương mọi người như Chúa đã yêu chúng con. Amen
 
SỐNG CÔNG CHÍNH TRƯỚC TÔN NHAN THIÊN CHÚA
(Lc 18,9-14)
Trong cuộc sống, từ những sinh hoạt đời thường, con người dần hình thành nên những phân biệt đối xử: giàu nghèo, thiện ác, tri thức, bình dân…vv. Từ đây, não trạng của con người cũng hình thành cách đánh giá và phân biệt đối xử, không chỉ trong đời sống thường nhật mà cả trong đời sống nhân cách và tâm linh. Dĩ nhiên, người ta sẽ kính trọng và nể phục người giàu hơn người nghèo, người tri thức hơn người bình dân, người lương thiện hơn kẻ ác nhân. Sự chọn lựa đối xử này dường như là một sự chọn lựa đối xử bình thường của con người. Tuy nhiên, cũng từ cách thức chọn lựa và phân biệt đối xử này nhiều khi chính những người được đối xử lại tự cho mình cái quyền được nể trọng và vô tình hay hữu ý đi tới chỗ kiêu căng tự mãn.
Bài Tin Mừng hôm nay mang đến cho chúng ta một hình ảnh tương phản giữa người Biệt phái và người thu thuế. Trong xã hội Do Thái ngày xưa tồn tại nhiều giai cấp phân biệt đối xử, trong đó nổi bật có hai hạng người đối nghịch nhau mà Thánh Kinh thường đề cập, đó là giới luật sĩ, biệt phái và những người thu thuế. Giới biệt phái là những người tuân giữ luật Môsê cách nghiêm ngặt, họ là mẫu gương cho mọi người và được mọi người kính trọng; còn người thu thuế bị dân chúng khinh miệt và xa lánh như tránh xa những người phung hủi, tội lỗi. Trong đời sống thường nhật, giới biệt phái gắn liền với đền thờ, với lề luật và Thánh Kinh, nên mỗi khi bước vào đền thờ, người biệt phái bước đi hãnh diện trước những cặp mắt ngưỡng mộ và thán phục của mọi người. Trong khi đó, đời sống của những người thu thuế gắn liên với nhịp sống thương mại liên quan đến tiền bạc và sự gian lận, nên trong cuộc đời họ thường phải sống lén lút dưới cái nhìn nghi kỵ và khinh bỉ của người đời. Hai lối sống trái ngược nhau không chỉ trong bản chất hay nơi ánh nhìn của người đời mà còn cả trong đời sống cầu nguyện.
Người biệt phái vào đền thờ cầu nguyện, ông bước lên gần cung thánh, đứng thẳng người, cất tiếng: “Con không như kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia” (c.11).  Lời cầu nguyện của ông đầy hãnh diện. Ông khoe sự đạo đức của mình cho mọi người thấy, đồng thời chê bai người thu thuế tội lỗi. Một cách nào đó cho thấy lời “trình bày” của người biệt phái với Thiên Chúa là rất thật, nhưng sự thật ở đây xem ra hợp với người đời hơn là với Thiên Chúa. Đạo đức là điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ. Vì cho rằng sự thánh thiện của mình làm nên sự công chính. Coi sự cố gắng của mình trên cả ân sủng. Chính sự thánh thiện của mình che lấp ơn thánh tuôn trào hồng ân của Thiên Chúa. Ông tự hào, cái tự hào tự mãn làm cho ông cảm thấy không cần nhu cầu ân thánh và tình thương của Thiên Chúa, không cần cậy dựa vào Ngài. Tin tưởng tự mình có thể công chính hóa cho mình. Chính lúc tự hào, đóng kín với ân sủng, ông biệt phái đã mất ơn Chúa và không còn công chính nữa (Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá).
Trong khi đó, người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, anh ta tự biết mình là kẻ tội lỗi nên không dám ngẩng đầu lên, không tiến về cung thánh nhưng ẩn khuất cuối Đền thờ, và cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (c.13). Ý thức mình là tội nhân không xứng đáng đến gần Chúa, anh đấm ngực xin Thiên Chúa thứ tha, tẩy rửa tâm hồn. Lời cầu nguyện của anh xứng với tâm tình sách Huấn Ca: “Lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35,16-17). Quả thật, Thiên Chúa đã cúi xuống với người thu thuế và đáp lại lời nài xin của anh, vì anh chỉ biết dựa vào lòng thương xót đầy tình yêu của Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào công trạng của mình.
Trách nhiệm và bổn phận luôn phải được thực thi và thực thi một cách nhiệt tâm. Thế nhưng một khi đã chu toàn mọi bổn phận thì đừng lấy đó làm hãnh diễn khoe khoang hay kiêu căng tự mãn, vì “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Đời sống và những thực hành đạo đức của người biệt phái tự bản chất không xấu. Thật ra họ cũng có nhiều đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên nơi họ, những điều tự bản chất là tốt đã bị nhiễm độc bởi lòng tự mãn và tính kiêu căng. Họ tự thoả mãn với chính mình, tự coi mình là hơn kẻ khác và tự đặt mình làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo.
 Một chiếc ly đã đầy nước thì người ta không thể đổ thêm nước vào được, nếu có đổ vào thì nước cũng tràn ra bên ngoài. Cũng vậy, không thể có ơn tha thứ cho một kẻ tự mãn. Thiên Chúa chỉ có thể làm no đầy người đói khát, còn những người coi mình là no đầy thì vô phương cầu cứu. Thiên Chúa đành để họ về tay không vì ơn tha thứ không có lối để vào một tâm hồn khép kín. Những ai tự biết mình không công chính và chạy đến cầu xin nơi Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm cho họ nên công chính, còn những ai tự nhận mình là công chính thì họ không còn là công chính nữa. Thiên Chúa không phân chia nhân loại làm hai hạng người có tội và không có tội, bởi vì tất cả nhân loại đều là tội nhân. Nhưng Ngài phân chia cách khác thành người có tội biết hối cải và người có tội không nhận tội. Người có tội mà biết hối cải ăn năn thì được tha thứ, còn người có tội mà không tự nhận mình có tội thì chẳng bao giờ được thứ tha.  (Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá).
 Hai người lên đền thờ cầu nguyện, khi ra về một người được nên công chính còn người kia thì không, nguyên nhân là bởi đâu? Thiết nghĩ câu trả lời đã rõ.
 Là Kitô hữu, qua Lời Chúa và những gợi ý chia sẻ trên đây, hẳn chúng ta sẽ biết chọn cho mình lối sống nào để phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời đem lại lợi ích cho mình và tha nhân.
Luân An
 
CÔNG CHÍNH DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA
(Lc 18,9-14)
Trong cuộc thi hoa hậu, có nhiều tiêu chuẩn như chiều cao, sắc đẹp, kiến thức…để chọn ra người đạt vị trị cao nhất. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có các tiểu chuẩn để đánh giá người nào ‘công chính’. Thường thì các tiêu chuẩn này dựa trên nền luân lý và luật pháp được xã hội đó chấp nhận. Bất cứ ai giữ luân lý và luật pháp, hay duy trì trật tự mà xã hội đó đề ra, đều được coi là công chính, là lương thiện, là mẫu mực; còn ngược lại thì bị coi là thành phần bất lương, phản động, gây gương mù gương xấu. Còn Chúa Giêsu có tiêu chuẩn riêng để đánh giá ai là “công chính” trước tôn nhan Thiên Chúa. Vì tư tưởng của Ngài không phải là tư tưởng của con người, và đường lối của con người không phải là đường lối của Thiên Chúa (x. Is 55,8).
Theo tiêu chuẩn vừa nêu, xã hội Do Thái thời Đức Giêsu cũng có sự phân định rõ giữa người Pharisêu và người thu thuế: Pharisêu là những người sống theo tiêu chuẩn luân lý và lề luật Môsê; còn người thu thuế, dựa trên cùng một tiêu chuẩn đó, rõ ràng là người bất chính.
Trước mắt người đời, người Pharisêu thuộc người công chính. Người thu thuế là người tội lỗi. Người Pharisêu khi cầu nguyên thưa với Chúa: “Con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Theo chú giải của Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Người Pharisêu này thật sự chu toàn các bổn phận mà giáo phái của ông buộc phải làm (x. 5,33; 11,42), và cho đó là một bảo đảm để được coi là người công chính. Ông không trông chờ điều chi từ nơi Thiên Chúa nữa.”
Người thu thuế bị coi là người tội lỗi, bị dân chúng gạt ra khỏi sự công chính vì 3 lý do[1]: Thứ nhất, họ làm tay sai cho đế quốc Rôma. Thứ hai, họ phản bội tổ quốc và đồng bào ruột thịt. Thứ ba, khi đụng đến tiền bạc, chắc chắn họ dễ rơi vào tham nhũng hay hối lộ. Những người thu thuế thường hay thu quén tiền bạc cách bất chính trên xương máu và mồ hôi nước mắt của người khác.
 
Ngược lại, trước mắt Thiên Chúa, người thu thuế là người công chính. Còn người Pharisêu được đề cập trong bài Tin Mừng là người không công chính. Vì người thu thuế bất luận tình trạng công chính xã hội của ông có là thế nào đi nữa, thì ông vẫn có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, một khi ông biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình và khiêm tốn khẩn cầu và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa. Còn người Pharisêu cứ khư khư tự tôn tự mãn về sự công chính của mình, để không cầu khẩn, không đón nhận lòng thương xót, thì ông trở thành bất chính trước mặt Thiên Chúa: “Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính, còn người kia thì không”. Chúa Giêsu khẳng định người thu thuế được nên công chính, người Pharisêu thì không. Tại sao vậy?
Kẻ tự tôn tự đại, cho dẫu có đạo đức thánh thiện (trước mặt con người) đến đâu, cũng sẽ không bao giờ được coi là công chính trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì “họ không đủ khiêm nhường để lắng nghe, không đủ can đảm để tự vấn, không đủ sức mạnh để thống hối”.[2]
Người Pharisêu không nhầm lẫn trong một vấn đề nào cả, nhưng ông lại nhầm trong cách sống và lối suy nghĩ trước mặt Thiên Chúa: trong lời nói và cùng với những người khác, ông là con người cứ khư khư giữ những tập tục phàm nhân, ông không có khả năng để hiểu rằng, cuộc sống theo ý Thiên Chúa là cuộc sống trên bước đường hành trình, và đòi hỏi ta phải khiêm nhường để mở rộng lòng, đòi hỏi ta phải khiêm nhường để thống hối ăn năn và để lại bắt đầu.[3]
Sự công chính theo luật pháp của con người không có mấy giá trị trước mặt Thiên Chúa; nắm giữ một nền luân lý cao đẹp tới đâu đi nữa, sẽ không bao giờ có thể là mục tiêu tối hậu của niềm tin Kitô hữu[4].
Ba điểm đáng trách của người Pharisêu[5] trong bài Tin Mừng hôm nay. Thứ nhất, anh đã coi những điều tốt lành mà mình làm được là những điều xuất phát từ chính bản thân anh ta, chứ đó không phải là những ân huệ của Thiên Chúa. Anh lấy mình làm trung tâm và tự tại ở nơi mình. Đó là sai lầm đáng trách thứ nhất.
 Thứ hai, anh quá tự cao tự đại, tự cho mình thuộc hàng cao quí trong phương diện tâm linh và coi thường những người khác.
Thứ ba, anh tưởng rằng mình đã hoàn thành mọi ý muốn của Thiên Chúa và mình có thể hoàn toàn hài lòng về chính mình. Anh tưởng rằng Thiên Chúa bị bắt buộc phải hài lòng về anh, bởi vì anh ta đã sống quá chuẩn, không thể chê trách vào đâu được.
Người thu thuế, ngược lại, có một sự hoán cải liên tục và tiệm tiến. Sự công chính nơi người thu thuế khởi đầu từ việc ông nhận ra lỗi lầm của mình và thực tình sám hối. Sám hối, theo nguyên ngữ Hy Lạp ‘metanoia’, có nghĩa là ‘trở về’[6]. Sám hối không phải chỉ là đấm ngực mình cách máy móc như nhiều khi chúng ta vẫn hay làm khi đọc kinh ‘tôi thú nhận’. Hành vi đấm ngực, cúi gầm mặt xuống vì xấu hổ nơi người thu thuế là bước khởi đầu của cuộc hành trình trở về.[7] Tin Mừng Lc 15 kể dụ ngôn đứa con đi hoang để nói về cách sám hối chúng ta cần biểu tỏ. Chàng thanh niên can đảm đứng lên, giã từ quá khứ để trở về nhà trong vòng tay yêu thương của Cha. Như vậy công chính đích thực trước mặt Thiên Chúa chỉ cần khiêm tốn đón nhận tình yêu cứu độ.
Câu kết luận trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm cho chúng ta bất ngờ: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Người thu thuế được Chúa Giêsu tuyên nhận là công chính nhưng người Pharisêu thì không. Chúng ta cũng biết noi gương người thu thuế sống khiêm nhường, sám hối những tội lỗi mình đã phạm. Qua hình ảnh người Pharisêu, chúng ta cũng rút ra bài học, tránh thái độ kiêu ngạo, tự cao tự đại. Và điều cần hơn hết là chúng ta hãy khiêm nhường và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa để nhận được ơn tha thứ của Ngài.
Tùng Linh
 
 ______________________________________________
 
[1] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-30-thuong-nien-c
[2] Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico dịp bế mạc Đại Hội Thánh Thể giáo phận Vận động trường Dall Ara 1-10-2017
[3] Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico dịp bế mạc Đại Hội Thánh Thể giáo phận Vận động trường Dall Ara 1-10-2017
[4] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-30-thuong-nien-c
[5] Lm Nguyễn Thể Hiện, Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN Năm C
[6] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-30-thuong-nien-c
[7] Lm Nguyễn Thể Hiện, Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN Năm C
 
 
______________________________________________
 
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.