Các bài suy niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A

Các bài suy niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A

 Chúa Nhật VI Thường Niên A
 
Chúa Giêsu thường dùng cụm từ: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (x. Mat-thêu 5,43). Đây là một trong những lý do khiến cho một số người lầm tưởng rằng Chúa Giêsu muốn hủy bỏ lề luật, cụ thể là luật của Môsê truyền. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa độc giả ra khỏi tầm hữu hạn của chính lề luật và việc áp dụng luật lệ nặng hình thức, nhất là nơi giới lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời đó. Chiêm nghiệm cách hành xử và lời giảng dạy của Chúa Giêsu sẽ thấy Người đang kiện toàn lề luật hơn là thách thức giới lãnh đạo, hoặc đổi khác Lề Luật.
“Lề Luật” được hiểu là luật chi phối đời sống đạo của người Do-thái. Chúa Giê-su đến không phải để “phá hủy”, hay “nới lỏng” nghĩa vụ tuân hành các quy tắc thiết định trong đời sống đạo, mà là “để kiện toàn” hay là đưa luật tới đúng tầm thước ảnh hưởng – nghĩa là sâu bên trong tâm hồn, tận cùng ước muốn và ý chí hơn là chỉ có chi phối hoạt động về mặt hình thức. Chính Chúa, về mặt giáo huấn, đã trình bày Lề Luật một cách đầy đủ, và đưa ra ý nghĩa và sức ảnh hưởng thực sự của nó. Vậy, trên thực tế, bằng cách phục tùng hoàn toàn mọi mệnh lệnh của Lề Luật, Người “kiện toàn đến cuối cùng” nội dung chính yếu của Lề Luật, đưa mọi người tới cách hành xử viên mãn của Lề Luật. “Lời ngôn sứ” có nghĩa là giáo huấn từ các ngôn sứ trong Kinh Thánh, minh họa và giải thích luật Mô-sê; đôn đốc các nhiệm vụ; khuyến khích bằng những lời hứa; và hướng dẫn mọi người đến với Đấng Mê-si-a, và mong đợi những phước lành từ Người: tất cả những lời giải thích, lời hứa và lời ngôn sứ, đều không bị Đấng Ki-tô làm cho vô hiệu, đến nỗi chúng nhận được sự hoàn thành trọn vẹn trong Người.
Thánh Phao-lô khẳng định: “Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà hủy bỏ Lề Luật chăng? Không phải thế! Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật” (x. Rô-ma 3,31 ). Lề luật của Thiên Chúa ban qua Mô-sê và các ngôn sứ có giá trị tối thượng. Trong Đệ Nhị Luật viết: “Khi lên ngôi trị vì, vua phải sao lại cho mình một bản thứ hai của luật này vào một cuốn sách, sao y bản các tư tế Lê-vi truyền lại. Luật này sẽ ở bên vua, vua phải đọc mọi ngày trong đời mình, để học cho biết kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, biết giữ mọi lời trong Luật này và mọi thánh chỉ ấy, và đem ra thực hành. Như vậy lòng vua không kiêu ngạo với anh em mình, và vua không trệch khỏi mệnh lệnh mà qua bên phải bên trái, để vua và con cháu được trị vì lâu ngày ở giữa Ít-ra-en” (x. Đệ Nhị Luật 17,18-20). Trong lời khẳng định của Đức Ki-tô, phù hợp với ngôn ngữ của người Do thái, là tuyên bố rằng không phần nào của luật, không một điều răn nhỏ nhất nào trong đó bị lược bớt được; tất cả phải được hoàn thành dầu cho “trời đất qua đi”. Điều đó thể hiện tính vĩnh viễn của luật, và tính không thể qua đi của nó, và tính ưu việt vượt trội của nó đối với trời và đất. Vì lề luật được xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa. Và những gì là Thánh ý Chúa thì không được xem là nhỏ bé, tầm thường “cho đến khi mọi sự hoàn thành”.
Chúa Giê-su đề nghị việc tuân giữ Lề Luật phải khởi đi từ bên trong tâm hồn. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà nội tâm đầy bóng tối tội lỗi thì cũng vô ích, khả năng sẽ gây ra phiền toái hay hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Vậy nên: “Đã đến lúc người ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (x. Gioan 4,23). Rất nhiều lần Chúa Giê-su phê phán nhiều lãnh đạo Do thái giáo, cách riêng nhóm Pha-ri-sêu về việc giữ luật bên ngoài cách giả hình này. Người không ngại ngần dùng những lời quở trách gay gắt “khốn cho các ngươi…” (x. Mat-thêu 23,27-32).
Chúa Giêsu đâu phải là người vô kỷ cương và bất chấp luật pháp bao giờ. Từ thơ ấu, Người đã hấp thụ một hoàn cảnh giáo dục thuần thành của một người Do thái, nghĩa là tuân giữ cặn kẽ luật lệ của Mô-sê truyền lại. Chúa Giê-su không chỉ cách “lách” luật đâu, Người dạy tuân giữ lề luật trong tinh thần kiện toàn, theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các ngôn sứ liên quan đến Người, trang bị cho Lề Luật một tinh thần mới, tức là Tình Yêu đó chứ.
Hành trình đức tin là hành trình thực hiện Thánh Ý Chúa và tìm kiếm sự thực hành trọn hảo Giới Luật của Chúa đã ban qua Mô-sê và các ngôn sứ, nói rộng ra là Mạc Khải của Kinh Thánh. Xin Chúa cho mỗi người đang thực thi Giới Luật của Chúa được ơn kiên trung, được con tim mới, để mặc dầu giữa hoàn cảnh nào đi nữa vẫn luôn gắn bó với Chúa Giê-su, Đấng mà toàn bộ Lề Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ quy về. Vậy, một khi trung thành với Thánh Ý Chúa, chắc chắn đời sống Ki-tô hữu sẽ là lời chứng xác đáng về sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa.
 L.M. P. X. Nguyễn Văn Thượng
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ là phải sống công chính hơn những người Pharisieu. Chúng ta biết những người Pharisieu lo giữ luật một cách nhiệm nhặt, nhưng việc giữ luật của họ là theo kiểu công bằng, theo khuôn mẫu, chứ không áp dụng tùy hoàn cảnh mục vụ, nên nó thiếu cái tâm cái tình. Còn Chúa Giêsu dạy các môn đệ giữ luật nhưng phải giữ trong tình yêu, và ngày nay Giáo hội diễn tả qua câu nói đó là tùy hoàn cảnh mục vụ.
Nhưng vấn đề đặt ra là sống công chính để làm gì? Chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói với môn đệ: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như vậy, sống công chính để trở nên hoàn thiện, để trở nên giống Chúa hơn, và nhờ đó mà chúng ta được ơn cứu độ. Đó là cái nhìn đức tin, còn trong đời sống thực thế, chúng ta cũng thử đặt câu hỏi sống công chính để làm gì?
Một người phụ nữ đang mang thai lo lắng tìm gặp bác sĩ sản khoa và nói:
– Thưa bác sĩ, tôi có vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết. Con tôi còn chưa đủ một tuổi và tôi lại có thai lần nữa, tôi lại không muốn sinh con gần nhau quá.
– Vậy cô muốn tôi phải làm sao? Vị bác sĩ hỏi.
– Bác sĩ làm ơn phá bỏ cái thai giúp tôi, tôi sẽ biết ơn ông lắm.
Ông bác sĩ lặng im suy nghĩ một hồi và trả lời rằng:
– Thưa cô, tôi có một giải pháp tốt hơn cho cô và nó ít nguy hiểm cho cô hơn.
Sản phụ mỉm cười và nghĩ rằng vị bác sĩ kia sẽ giúp mình phá thai nên cô cảm thấy yên tâm hơn.
Bác sĩ nói tiếp – Để tránh việc cô phải cực khổ nuôi hai đứa trẻ cùng một lúc, cô hãy giết chết đứa con đang ẵm trên tay đi. Cô sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi sinh. Nếu cô muốn giết một đứa trong hai thì giết đứa nào chẳng được. Sẽ không có nguy hiểm gì cho cơ thể nếu cô giết đứa đang bế trên tay thay vì phá thai!
Người phụ nữ hoảng hốt và nói:
– Không được bác sĩ à! Thật tàn nhẫn khi giết một đứa trẻ.
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Ông bác sĩ trả lời – Vậy mà tôi cứ nghĩ cô đã sẵn sàng cho việc giết con của mình nên tôi nghĩ đó là cách tốt nhất.
Ông bác sĩ mỉm cười và nhận ra mình đã đạt được mục đích. Ông đã thuyết phục được người phụ nữ rằng không có sự khác nhau giữa việc giết đứa con trong bụng hay giết đứa con đã sinh ra. Đó là lợi ích của việc sống công chính thánh thiện để giúp cho người khác nhận ra được sai lầm của mình mà sửa chữa, cũng như để làm chứng cho Chúa.
Như vậy, phải chăng khi đi theo Chúa, khi sống công chính hơn, và kết quả là sẽ có được sự sống đời đời, thì đó có phải là một kiểu tương quan công bằng có qua có lại hay không?
Chúng ta không nên hiểu như vậy, nhưng chúng ta phải hiểu đó là sự cộng tác của con người, con người sống theo Lời Chúa dạy là để đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình.
Chúng ta biết, trong tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Michelangelo trên trần Nhà nguyện Sistine ở Vatican, tại sao ngón tay của Thiên Chúa và Adam không chạm vào nhau không?
Trong bức tranh, ngón tay của Chúa được vươn ra tối đa, nhưng ngón tay của Adam là điểm cuối. Chỉ cần Adam giương ngón tay lên là con người và Thiên Chúa chạm vào nhau.
Người ta giải thích rằng Chúa luôn ở đó, nhưng quyết định đến gần Ngài hay không lại chính là con người. Nếu một người muốn chạm vào Thượng Đế, người đó sẽ muốn giương ngón tay của mình ra, nhưng bằng cách thu lại ngón tay, con người có thể sống cả đời mà không cần tìm kiếm Thượng Đế.
Điều này tượng trưng cho ý chí tự do của con người, họ có thể khước từ hoặc mở lòng để đón nhận Chúa. Nói như thánh Augustine: “Chúa dựng nên con không cần ý con, nhưng để cứu độ con, chúa cần sự cộng tác của con.” Và chúng ta cũng có thể hiểu, khi con người giương ngón tay ra để chạm vào ngón tay Thiên Chúa, là con người đang đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình, chứ không có thể hiểu theo nghĩa công bằng được.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như thế để sống công chính thánh thiện như Lời Chúa đã dạy, bởi vì khi sống công chính thánh thiện là chúng ta đang làm chứng cho Chúa, đang đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình, đang trở nên hoàn thiện mỗi ngày như Lời Chúa mời gọi, và như vậy chắc chắn trong ngày sau hết Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho chúng ta. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Lưỡi không xương

(Suy niệm Tin mừng Mát-thêu chương 5, trích đọc vào Chúa nhật 6 thường niên)
 
Ngụ ngôn Ê-dốp kể rằng: Một hôm, chủ sai Ê-dốp ra chợ chọn mua món gì sang quý nhất để thiết đãi bạn quý đến nhà. Ê-dốp tìm mua đủ thứ lưỡi của gia súc đem về khiến ông bực bội và hỏi tại sao thì Ê-dốp đáp: “Thưa ông, ông truyền cho con mua thứ gì sang quý nhất đãi bạn và con nghĩ rằng trên đời nầy không gì quý bằng lưỡi. Nhờ lưỡi, người ta có thể nói năng và truyền đạt những điều khôn ngoan; nhờ lưỡi người ta ca tụng tình yêu, thắt chặt tình huynh đệ, mang lại hòa thuận, an vui, hạnh phúc cho mọi người…”
Thế rồi, lần khác, chủ nhà sai Ê-dốp ra chợ mua thứ gì tồi tệ nhất để đãi những người khách xấu nết không mời mà đến. Ê-dốp cũng lại mua về toàn là lưỡi. Chủ nhà bực tức, quát hỏi: Tại sao mầy không mua món gì tồi tệ về cho tao? Ê-dốp trả lời: “Con thiết nghĩ: trên đời chẳng có gì tồi tệ như lưỡi: Lưỡi gây nên bất hòa bất thuận, lưỡi phun ra những lời cay đắng độc địa, lưỡi tạo nên hận thù ghen ghét chiến tranh…
Đúng là “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.” Lưỡi có thể là một bộ phận tốt đẹp để xây dựng hòa bình nhưng cũng lắm người sử dụng lưỡi để gây chiến tranh, đau thương khốn khổ cho người khác.
Lời nói phát xuất từ miệng lưỡi con người có thể gây nhiều tổn thương cho người khác nặng nề hơn cả việc dùng tay chân để đấm đá, đâm chém.
Người ta dùng lời để chê bai, nói xấu, gièm pha, phỉ báng, chửi mắng… gây đau buồn, tổn thương cho người khác rất nhiều. Ngày nay, người ta còn dùng cả mạng xã hội để tha hồ chửi bới, bôi bác nhau cho cả triệu người khắp nơi được nghe biết! Thật là chuyện hết sức đau lòng.
Thánh vịnh 64 nói về hạng người nầy như sau: “Chúng mài lưỡi như mài gươm sắc, lời thâm độc tựa tên lắp vào cung, bắn trộm người vô tội, bắn thình lình mà chẳng sợ chi…”.
Để ngăn ngừa thói xấu tệ hại nầy, qua bài Tin mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su răn dạy chúng ta đừng sử dụng miệng lưỡi để gây tổn thương cho người khác. Ngài nói: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng hội đồng; còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5,22).
Còn đối với những người hay “nổ” hoặc dối trá, Chúa Giê-su dạy phải nói lời chân thật. Ngài nói: “Hễ có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu miệng lưỡi chúng con thốt lên những lời xây dựng sinh ích cho người khác thì đó là phương tiện giúp chúng con đạt tới hạnh phúc thiên đàng. Trái lại, nếu dùng miệng lưỡi để gieo rắc đau khổ và thiệt hại cho người khác thì đó là duyên cớ đưa xuống hỏa ngục.
Xin cho chúng con biết khôn ngoan sử dụng miệng lưỡi mình theo đúng ý Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
ĂN Ở CÔNG CHÍNH
SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Chúa Giêsu đến trần gian để tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Dân chúng nghe Người giảng thì ngạc nhiên và nhận định đây là một giáo lý mới. Nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn chấn chỉnh để những giáo huấn của Cựu ước được hiểu đúng và được tôn trọng. “Thầy đến không phải là để bãi bỏ (Luật Môisen và các ngôn sứ), mà để kiện toàn”. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế.
Khi Chúa Giêsu yêu cầu những ai muốn theo Người phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, điều đó có nghĩa là có hai thứ công chính, hoặc hai cách hiểu khác nhau về khái niệm công chính. Một là công chính theo cách hiểu của các kinh sư và của người Pharisiêu; hai là công chính mà Chúa Giêsu đề nghị cho các môn đệ và cho những ai sẽ tin vào người.
Thế nào là “công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu?”. Chính Chúa Giêsu giải thích sự khác biệt này. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Luật mà Chúa Giêsu nói tới, tức là Luật Chúa ban cho người Do Thái qua ông Môisen. Luật này được truyền cho các thế hệ nối tiếp nhau. Vào thời Chúa Giêsu, cũng như nhiều giai đoạn khác của lịch sử Do Thái, Luật này đã bị lạm dụng theo cách cắt nghĩa của các kinh sư và của người Pharisiêu. Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần dùng công thức này, để người nghe thấy rõ sự công chính mà Người đề nghị. Và, khi thực thi những gì Người dạy, thì sự công chính của các môn đệ sẽ trổi vượt hơn sự công chính của các kinh sư và người Pharisiêu. Hơn và kém ở đây không thể hiện mức độ gây âm vang sôi nổi, nhưng ở chất lượng và tinh thần của người thực thi đức công chính.
Như vậy, theo giáo huấn của Chúa, không chỉ giết người mới là tội, mà những ai nguyền rủa anh em mình đã là tội rồi; không phải những người ngoại tình mới là tội, mà chỉ nhìn người phụ nữ với lòng ước muốn thì đã là tội rồi; không phải bỏ vợ mới là tội, nhưng tạo cớ cho người vợ phạm tội thì đã là tội rồi. Người cũng khuyên chúng ta đừng thề thốt chi cả, nhưng cứ sống trung thực “có thì nói có, mà không thì nói không”, đó là sự công chính. Đức Giêsu chứng tỏ Người là Đấng canh tân Lề Luật. Như trên đây đã nói, đúng hơn là Người muốn trả lại cho Lề Luật ý nghĩa nguyên thuỷ của nó.
Công chính là gì: trong Kinh Thánh, chữ “công chính” được dùng nhiều lần. Theo nghĩa thông thường, “công chính” đôi khi đồng nghĩa với “công bằng”. Tuy vậy, “công bằng” thường chỉ có nghĩa là sòng phẳng về tình cảm, danh dự hoặc vật chất; trong khi đó công chính còn mang ý nghĩa chính nghĩa, công nghĩa, chính trực, thánh thiện. Trong Kinh Thánh, ông Abraham và thánh Giuse được gọi là “người công chính”. Như vậy, “công chính” còn có nghĩa là tin và tín thác cậy trông nơi Chúa, luôn vâng phục Chúa và trung thành với giáo huấn của Ngài.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta thấy “công chính” cũng đồng nghĩa với “hoàn thiện”. Tác giả sách Huấn Ca giải thích cho chúng ta thế nào là hoàn thiện: đó là người khôn ngoan chọn lựa Thiên Chúa như lý tưởng cùng đích của cuộc đời. Bởi lẽ có Chúa là có tất cả. Việc chọn lựa Chúa phải đi đôi với những cố gắng nỗ lực thực thi giáo huấn Ngài truyền dạy. Cùng chung một ý tưởng ấy, tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) ca tụng hạnh phúc của những ai cố gắng sống đời hoàn thiện. Họ sẽ được gặp Chúa và được Ngài soi sáng cho đường đi nước bước, nhờ đó mà những hành động của họ sẽ đem lại những hoa trái tốt lành cho bản thân và cho xã hội.
Theo thánh Phaolô (Bài đọc II), ăn ở công chính còn là sự thận trọng để không rơi vào cạm bẫy thế gian. Bởi lẽ sự khôn ngoan theo kiểu thế gian chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ diệt vong. Sự khôn ngoan của người tín hữu là chính Chúa Giêsu. Người là trường dạy chúng ta về sự khiêm nhường, về đức yêu thương cũng như những đức tính tốt lành khác để giúp chúng ta nên hoàn thiện. Thánh Luca thuật lại, khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng quân đội Rôma đã cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Như thế, suy cho cùng, ăn ở công chính, chính là noi gương Đức Giêsu, Chúa chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN A
SỰ KHÔN NGOAN TỪ THIÊN CHÚA
—————–
Ngày nay người ta thường khen nhau khi thấy ai đó có đời sống vật chất ngày càng sung túc là “khôn ngoan, biết làm ăn” hay “anh/chị đó khôn ngoan, biết đầu tư vào chứng khoán, vào vàng hay ngoại tệ… không phải vất vả mà tiền bạc cứ chảy vào đầy nhà”. Những lời khen ngợi đó xuất phát từ sự khâm phục lẫn nhau và được nhìn dưới góc độ vật chất, của cải. Thế nhưng đó có phải là sự khôn ngoan đích thực mà Thiên Chúa muốn những ai tin Chúa chọn lựa và theo đuổi?
Sách Huấn ca cho chúng ta thấy sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người. Thiên Chúa đặt trước mặt chúng ta “cửa sinh và cửa tử, ai thích thì sẽ được cái đó”. Chúa cho chúng ta tự do chọn lựa. Nhưng Chúa cũng chỉ cho thấy đâu là sự khôn ngoan đích thật, để con người có sự cân nhắc, suy nghĩ trước khi quyết định chọn điều nào. Đó là  “không ăn ở thất đức” hay “không phạm tội”. Tức là không được làm hại ai hay pham đến luật của Chúa. Nếu ai đó có của cải dư đầy, có đời sống sung túc mà do làm ăn bất chính hay phạm đến luật công bằng, thì hẳn là người đó ít được ai yêu mến. Vì những việc họ làm là không minh bạch, có sự mờ ám. Nếu ai đó giầu có do chính công sức lao nhọc của mình, thì đó là điều chính đáng. Nhưng người đó cũng chưa thật sự chọn lựa theo đường khôn ngoan của Chúa. Vì của cải đích thật mà người đó cần tích lũy là những “của cải không hư nát” được cất giữ nơi kho tàng Nước Trời. Đó là lòng yêu thương người khác, nhất là những người bất hạnh. Đó là những hành động sẻ chia không chỉ vật chất mà còn mặt tinh thần nữa.
Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải sống công chính hơn các kinh sư và người pharisêu thì mới được vào Nước Trời. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ tuân giữ những gì luật dạy, mà con phải sống hơn thế nữa, tức là sống chia sẻ với người khác. Nói cách khác, Chúa đòi chúng ta sống triệt để luật yêu thương. Để sống luật yêu thương, chúng ta không chỉ dừng lại nơi những hành động từ thiện, những san sẻ một ít vật chất cho người cơ nhỡ khi bị thiên tai hay gặp hoạn nạn, mà con là sự đồng cảm, sự thấu hiểu tâm tư của họ nữa. Khi chúng ta giúp đỡ những người bất hạnh, chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức trả lại sự công bằng cho họ. Vì những gì ta có, cách nào đó, ta đã lấy đi phần của họ mà Chúa đã ban cho họ. Sống triệt để luật yêu thương phải là sự lo lắng, ưu tư cùng với những ai còn trong hoàn cảnh khó khăn để cùng với họ vượt qua những bế tắc đó. Ngoài ra, Chúa còn muốn ta phải yêu thương kẻ thù, người ganh ghét mình nữa. Nhưng tột đỉnh của sự yêu thương là phải yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương ta. Đó là yêu thương đến mức hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Chắc hẳn chúng ta khó làm được điều đó. Nhưng nếu cuộc sống của ta luôn vì người khác, luôn vì cộng đồng thì ta cũng đã đạt đến một mức độ khá cao trọng luật yêu thương của Chúa. Và đó mới chính là sự khôn ngoan đích thực mà Chúa muốn ta chọn lựa.
Hiện nay sự chọn lựa lẽ khôn ngoan như vậy không dễ. Có thể nói, đó là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa danh vọng nơi trần gian và vinh quang trong Nước Trời. Nếu ta sống yêu thương, hết lòng vì người khác, chắc hẳn sẽ có người cho rằng ta là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay cho ta là “hâm”… Con người ngày nay tìm những lợi lộc cho riêng mình; tìm những danh vọng qua công việc, kể cả việc từ thiện; tìm những thú vui để hưởng thụ. Rất ít người dám hy sinh công việc, thời gian, sự hưởng thụ để lo lắng cho người khác, nhất là người mình không quen biết, người không có địa vị trong xã hội. Có thể nói, để sống luật yêu thương của Chúa, đòi tín hữu chấp nhận đi ngược dòng chảy của xã hội. Ai cũng tìm lợi lộc cho riêng mình, người tín hữu mưu tìm lợi ích cho người khác, cho cộng đồng. Ai cũng đi tìm danh vọng cho mình, người tín hữu tìm vinh danh Chúa. Ai cũng tìm sự hưởng thụ, người tín hữu tìm những hy sinh cá nhân mà dành cho người bất hạnh. Một cuộc lội ngược dòng chảy rất gay gắt, quyết liệt. Chỉ vì tín hữu Chúa Kitô tin rằng đó là lẽ khôn ngoan mà Chúa đã ban cho, đã chỉ dẫn. Vì đó là “Lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển”. Mà sự vinh hiển này lại ở đời sau, trong Nước Trời.
Sự tự do Chúa ban cho mỗi người để biết phân nhận đâu là lẽ khôn ngoan đích thật, đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu, đâu là sự bình an không bao giờ cùng. Người tín hữu Chúa Kitô đã chọn lựa con đường đó, vì “được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” mà “Thần Khí thấu suốt mọi sự”. Dĩ nhiên, sự chọn lựa này không chỉ có một lần, nhưng là sự chọn lựa mỗi ngày. Người đi theo con đường này tin rằng sự khôn ngoan đó phát xuất từ Chúa và Ngài sẽ luôn nâng đỡ để giúp ta đi trọn con đường tình yêu này.
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT VÌ NƯỚC TRỜI
—————–
Thiên Chúa không ngừng hướng con người đến một tương lai, một Nước Trời trọn lành. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” của người Do thái xa xưa đã bị đảo lộn. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ một bài học luân lý, một bài học đạo đức làm người mới “Ta đến không phải hủy bỏ lề luật mà để kiện toàn lề luật”. Ngài muốn lôi kéo mọi người đến chỗ công bằng, hòa thuận và nhân bản. Thiên Chúa thật là kinh khủng đối với con người. Ngài là sự từ bỏ chính mình hoàn toàn, Ngài toàn hướng về kẻ khác, trái lại con người là một hiện sinh luôn qui hướng về chính mình. Thế mà Ngài đòi hỏi con người phải từ bỏ mình: “Ai giân anh em thì cũng đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước thượng hội đồng. Nếu mắt phải của anh em làm cho anh em sa ngã thì hãy móc mà ném đi…” (Mt 5,17-37).
Vì Nước Trời, Đức Giêsu đã đến để kiện toàn lề luật, nhưng chính Ngài đã đụng phải những thực tế quá trần trụi vì những lời rao giảng “chói tai” của Ngài. Sau vài năm, Ngài đã bị còng tay điệu ra trước tòa án Philatô. Ở đây, Ngài tuyên bố “Nước của tôi không thuộc về thế gian này”. Nước Trời không thuộc về thế gian, thế nhưng người Kitô hữu đang sống trong thế gian, phải kiện toàn bản thân, xã hội ngay ở thế gian như lời kinh hằng ngày: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất…” Ảo tưởng ư? Thiên Chúa đã không ban cho con người một Nước Trời “làm sẵn”, nhưng là cái “đang được làm”. Nước Trời chưa được hoàn thành nhưng đang được hình thành với sự hợp tác của chúng ta. Ngài đã từng nói với chúng ta: Nước Trời giống như hạt cải người ta gieo vào lòng đất. Giống như men mà người đàn bà trộn vào ba đấu bột. Ngài cũng đã nói với chúng ta Nước Trời như viên ngọc giấu kín trong thửa ruộng, như mẻ lưới có cá tốt lẫn cá xấu, như một đồng ruộng trong đó cỏ lùng và lúa đều mọc lên… Ngài muốn nói với chúng ta Nước Trời có đó, gần bên ta, ở giữa chúng ta.
Nếu hôm nay Thiên Chúa muốn nói với chúng ta về Nước Trời, có lẽ Ngài sẽ nói đến các dụ ngôn về đói nghèo, bệnh tật, thất nghiệp. Ngài sẽ nói đến các nạn tham ô, cửa quyền, bất công xã hội… Và có lẽ Ngài khuyên chúng ta nên liều mạng sống như những hạt men bé nhỏ để cho Nước Cha mau đến.
 
 
 
 
 
 
Lời Nguyện Tín Hữu CN 6 TN A
 Lời Nguyện Cho Mọi Người
Chủ tế:    Anh chị em thân mến
Chúa ban lề luật để giúp những ai có niềm tin luôn bước đi trong ánh sáng của Người và được sống muôn đời. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Chúa Giêsu đã đón nhận niềm tin yêu của Thánh Phêrô / và trao cho ngài nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đấng kế vị ngài / cũng được lòng tin yêu như vậy.
2- Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra biết bao đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình / chính là sự gian dối và thiếu chung thuỷ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang sống trong bậc hôn nhân / được ơn trung thành với nhau đến cùng.
3- Ngày hôm nay / nhiều trẻ em và thanh niên hư hỏng / một phần do cha mẹ quá cưng chiều / một phần do cha mẹ bất hòa dẫn tới li dị / không ai quan tâm dạy dỗ con cái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / luôn sống hòa thuận thương yêu nhau / và hết lòng giáo dục đức tin / và nhân bản cho con cái của mình.
4- Sống trung thành / không gian dối / phải là lối sống thường ngày của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn sống ngay thẳng và chân thành như Chúa Giêsu đã dạy.
Chủ Tế: Lạy Chúa là Thiên Chúa trung thành, xin ban ơn trợ giúp để chúng con hiểu rằng nếu muốn đứng vững giữa muôn ngàn thử thách trên đường đời, cũng như muốn khỏi sa vào hố diệt vong, chúng con cần phải giữ trọn lề luật Chúa. Chúng con cầu xin…
 
Lời Nguyện Tín Hữu –  Manna Bảo Lộc
Chủ Tế: Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta: Hãy dùng tự do Chúa ban để yêu thương và tôn trọng nhau, đừng kỳ thị, đừng chỉ trích, hay phán xét ai. Lắng nghe Lời Chúa dạy, chúng ta hãy thành khẩn cầu xin:

  1. Yêu thương là dấu chỉ để nhận ra người môn đệ của Chúa. Xin cho các vị Mục tử trong Hội thánh, có một tâm hồn biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và đồng hành với đoàn chiên trước những khó khăn thử thách của thời đại này.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

  1. Thiên Chúa ban cho con người có quyền tự do định đoạt số phận của đời mình. Xin cho mọi người nơi xứ đạo chúng ta biết tuân giữ giới răn Chúa truyền, sống công bằng bác ái, và rộng lòng bao dung tha thứ cho nhau, để cũng được Chúa thứ tha trong ngày sau hết.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

  1. Chúa Giêsu dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ”. Xin cho mỗi người chúng ta luôn sống thật thà, ngay thẳng, biết giữ đúng lời hứa, luôn ý thức tránh xa dịp tội, để gìn giữ thân xác và tâm hồn được sạch trong, cao quý.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

  1. Mỗi một biến cố xảy ra chính là dấu chỉ Chúa đang mời gọi chúng ta thức tỉnh trở về. Xin cho các tín hữu trên khắp hoàn cầu, biết hướng về những người dân đang bị thiên tai động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Si-ry-a, bằng hành động thiết thực trong khả năng, nhất là bằng những lời cầu nguyện chân thành.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ Tế: Lạy Chúa Giêsu, khi chứng kiến những thiên tai hay trải qua bệnh tật, chúng con mới thấy kiếp người thật mong manh yếu đuối. Xin Chúa cứu rỗi các linh hồn đã chết vì động đất trong mấy ngày qua, và ban cho chúng con những ơn cần thiết, nhất là trung thành giữ trọn các giới răn, để xứng đáng được vào Nước Trời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.