Các bài Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên A

Các bài Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên A

 
BẢN CHẤT VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ THEO CHÚA
(Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16)
 Viết Trung
 Có một nhà tu đức nói rằng: „Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt. Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Kitô hữu tốt“. Nếu chúng ta muốn làm thánh, hay muốn trở thành những con người siêu phàm, làm được nhiều chuyện lớn lao, phi thường thì trước hết và trên hết chúng ta phải là một con người hoàn hảo, một con người biết sống đúng bổn phận của mình. Bổn phận của người Kitô hữu, người môn đệ Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến là trở nên muối và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13).
 Sử gia Pliny viết: “Không gì hữu dụng bằng muối và ánh sáng“. Không có ánh sáng, cỏ cây sẽ úa tàn. Không có muối, sơn hào hải vị cũng sẽ ra nhạt nhẽo.
 Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã ví các môn đệ của Ngài như muối và ánh sáng cho trần gian. Đây là một vinh dự cho các môn đệ vì họ được mời gọi tham dự vào sứ mệnh làm muối và ánh sáng của Chúa Kitô.
 Muối là thứ gia vị tượng trưng cho giao ước được thêm vào các lễ phẩm dâng tiến Đức Chúa (x. Lv 2,13). “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5,13). Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải được thấm nhuần Lời Chúa, trở nên muối mặn đậm đà, có thể không biến chất trong môi trường ô nhiễm, độc hại, đầy cạm bẫy của thế gian. Đồng thời, họ phải trở nên sinh động, hữu ích, bình an, tràn đầy niềm vui và hy vọng để thoát khỏi vòng kiềm toả của vật chất phàm trần. Như vậy, người môn đệ của Chúa Giêsu phải luôn mang nơi mình vị mặn của tình yêu thương vị tha, của lòng bác ái khiêm nhường, nghĩa là phải làm gương tốt, bảo vệ và gìn giữ môi trường mình sống khỏi những xấu xa tội lỗi. Trái lại, nếu người môn đệ không sống đúng bản chất của mình, là tự đánh mất ơn gọi Kitô hữu cao quý của mình: “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13b).
 Cũng vậy, Chúa Giêsu nói:“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Ngài đã xác định vai trò và tính chất của những người theo Ngài. Qua đó, Chúa muốn nói về hiện hữu thâm sâu nhất của những ai ở trong Ngài. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nên đồng hình đồng dạng với Thầy mình (x. Pl 3,10).
 Chúng ta đã đón nhận ánh sáng qua Phép rửa, trở thành ánh sáng qua Bí tích Thêm Sức, làm một với ánh sáng qua Bí tích Thánh Thể. Trong ánh sáng Chúa Kitô, chúng ta trở nên ánh sáng để đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Chúa không đòi ta tạo ra ánh sáng cho mình mà chỉ cần ta phản chiếu ánh sáng của Ngài. Ánh sáng đó tỏa ra do sự hiện diện của Chúa trong lòng mình. Ai đã quen chiêm ngắm Chúa và chìm sâu trong Ngài, thì cũng thấm nhuần lối sống và cách hành động của Ngài. Đó là điều phản chiếu tự nhiên và cũng rất siêu nhiên, vì tình yêu sẽ làm cho chúng ta nên giống Chúa. Hãy để cho tình yêu Chúa thấm nhập vào lòng mình và dâng trào cách tự nhiên thì tự động ta trở thành ánh sáng của Chúa. 
 Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải tự ý thức đời mình như cây đèn cháy sáng. Vị trí của cây đèn là phải đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người nhìn thấy đường đi (x. Lc 8,16-18). Kitô giáo tự bản chất là một điều gì phải nêu cao, phải phô diễn trong đời sống các tín hữu. Nếu đời Kitô hữu chỉ dừng lại ở cửa nhà thờ thôi thì chẳng ích lợi cho ai. Ánh sáng của chúng ta phải biểu lộ trong tương quan với mọi người, mọi sự: trong thái độ, cung cách, lời ăn tiếng nói, giao tiếp, ứng xử, v.v.
 Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
 Như vậy, muối và ánh sáng là hai hình ảnh cùng diễn tả về bản chất và sứ mệnh của người môn đệ theo Chúa Giêsu. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 cũng đã cho chúng ta thấy rõ những phương cách để giữ cho muối khỏi nhạt và ngọn đèn luôn cháy sáng: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục, bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58,7- 8). Vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu, hơn ai hết, chúng ta phải là người trở nên những hạt muối nhỏ và những giọt dầu nhỏ bé. Là muối, là ánh sáng cho trần gian, người môn đệ phải thể hiện giá trị thực của mình, cần phải hiện diện gần gũi với kẻ khác, không phân biệt họ là ai. Nơi càng có nhiều bóng tối tội lỗi, thì họ cần phải đốt lên ngọn lửa của Chúa Kitô, để nhờ vào công việc họ làm mà Thiên Chúa được tôn vinh.
 Lời mời gọi trở nên muối và ánh sáng cho trần gian có ý nghĩa đặc biệt dành cho những người môn đệ Chúa Giêsu sống trong ơn gọi thánh hiến, là một hướng dẫn cụ thể cho người tu sĩ sống sứ mạng là muối và ánh sáng trong thế giới hôm nay. Để chuẩn bị cho ngày đời sống thánh hiến 02 tháng 2, hôm thứ 6 ngày 27 tháng 1 năm 2023, Đức Hồng Y Joao Braz de Aviz, Tổng trưởng và Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký của bộ tu sĩ viết: “Mỗi ngày người tu sĩ được tiếp xúc với ơn cứu độ của Thiên Chúa, vi thế phải sống sứ vụ như một món quà vô điều kiện cho người khác. Những người chạm đến thân thể đau khổ và vinh quang của Chúa Kitô trong lịch sử hàng ngày, vì thế cần mở rộng căn lều của mình để chia sẻ niềm hy vọng cho người khác, không thể giữ Chúa cho riêng mình. Giáo hội thể hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng một cách công khai và toàn thể trong việc biến đổi thế giới và chăm sóc thụ tạo” (Vatican News Tiếng Việt).
 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện trong mỗi người chúng con, xin Chúa giúp mỗi người chúng con là những người môn đệ của Chúa luôn sống đúng phẩm chất và sứ mệnh của mình, là luôn luôn giữ được giá trị thực của mình như ngọn đèn luôn cháy sáng và muối luôn được mặn nồng cho trần gian. Amen

“Anh em là muối, là ánh sáng cho trần gian”
(Mt 5,13-16)
Tùng Linh
 Một ngày nọ, có một vị khách đến thăm ngôi nhà mà Mẹ Têrêsa dành cho người nghèo và người hấp hối ở Calcutta. Khi ông vừa tới thì các nữ tu đưa vào một vài người đang hấp hối từ ống cống về, mình dính đầy bụi đất và đang đau đớn. Một chị đang chăm sóc cho người sắp chết mà không để ý đến người đang quan sát mình. Chị tắm rửa và mỉm cười với người ấy.
 Nhìn thấy thế, ông khách quay lại với Mẹ Têrêsa và nói: “Hôm nay, khi đến đây, tôi đã không tin Thiên Chúa, vì lòng tôi đầy thù hận. Nhưng giờ đây, tôi ra về với lòng tin Thiên Chúa. Tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua sự dịu dàng, qua cử chỉ đầy thương yêu của chị đối với người bất hạnh ấy, tôi đã nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa xuống trên người ấy. Bây giờ thì tôi tin.” Chị nữ tu đã làm đúng như lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay là trở thành Muối và Ánh sáng cho trần gian.
 “Các con là ánh sáng thế gian“, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Bài Tin Mừng Mt 5,13-16, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phản chiếu một phần ánh sáng của Người qua chứng tá việc lành phúc đức của chúng ta. Người nói như sau: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Những lời nói này làm nổi bật sự việc người ta có thể nhận biết chúng ta là môn đệ đích thật của Đấng là ánh sáng trần gian, không phải bằng lời nói, mà bằng các việc chúng ta làm.
 Việc lành phúc đức của chúng ta là gì? Theo ngôn sứ Isaia, đó là: “Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,7).
 Chúa Giêsu nói: “Các con là muối cho đời” (Mt 5,13). Như chúng ta đã biết, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, không ai nói là tôi không cần đến muối. Vì muối rất quan trọng trong cuộc sống, người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối và tăng hương vị. Muối làm cho thức ăn thêm đậm đà; người ta cũng dùng muối để trị bệnh, sát trùng và diệt khuẩn; muối còn có chức năng giúp tiêu hóa tốt, dung hòa i-ốt trong cơ thể, và ngăn ngừa bệnh tật. Muối là một trong những khoáng chất quan trọng của con người và súc vật.
 Khi ví người môn đệ như là muối ướp, Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của người môn đệ là phải mặn. Người môn đệ phải mang trong mình vị mặn của tình yêu, tha thứ, bao dung và liên đới. Nếu không có vị mặn như thế thì không còn đóng giữ vai trò của mình nữa.[1] Nếu nó không còn mặn thì chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta chà đạp lên mà thôi.
 
Khi nói người môn đệ phải có trách nhiệm ướp đời, Đức Giêsu ngầm muốn nói đến một xã hội đang bị hư hỏng vì sự bê tha, suy đồi và trụy lạc về luân lý… Vì thế, để khỏi hư thối, người môn đệ phải trở nên muối mặn của nhân đức: Để ngăn ngừa cho thế gian bớt cảnh bất công, người môn đệ phải có vị mặn của sự công chính; để ngăn ngừa cho thế gian bớt sa đọa, người môn đệ phải có vị mặn của lòng trong sạch; để cho thế gian đỡ phải chứng kiến những cảnh thương đau, người môn đệ phải có vị mặn của lòng thương xót. Và nhất là phải mang trong mình “vị mặn Giêsu” thì mới mong ướp cho đời được. Có thế, người môn đệ mới hy vọng đem lại cho xã hội một mùi vị thơm ngon… thay cho lạt lẽo, gian dối.[2]
 Cũng như những hạt muối được làm từ một khối nước biển tràn vào ruộng muối thế nào, thì người môn đệ cũng phải biết đón nhận nguồn “vị mặn Giêsu”, để rồi trở nên muối và góp phần ướp cho đời như vậy. Nếu hạt muối phải tan chảy ra thấm nhập vào từng thớ thịt, con cá… để tăng hương vị, để khỏi hư thối thế nào, thì người môn đệ cũng phải hòa mình vào trong cuộc sống nhân loại như vậy.[3]
 Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.[4] Đó là cách thức hiện diện của muối: tác động một cách ẩn giấu, không thể quan sát được, nhưng có chức năng rất quan trọng.
 Giống như muối, chúng ta hiện diện khiêm tốn, hòa nhập, tác động từ bên trong, biến đổi âm thầm. Cũng như muối, người môn đệ Chúa sống trong xã hội, có sứ mạng giữ gìn xã hội cho sạch, tẩy xóa những xấu xa, dơ bẩn và biến xã hội, đời sống con người nên tốt hơn, nhân bản hơn, lành mạnh hơn theo các giá trị Tin Mừng. Sự ảnh hưởng này không nhìn thấy, nhưng lại rất cần thiết. Đây là sự biến đổi nên tốt lành và công chính từ bên trong lòng con người và xã hội[5].
 Hình ảnh của ánh sáng đi song song với hình ảnh muối, vì ánh sáng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Không có ánh sáng, thì không thể có sự sống, mọi sự sẽ chìm vào trong bóng tối và trở nên hỗn độn (x. St 1,1). Frank Mihalic đã viết rất hay về ánh sáng như sau: Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Thiên Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại.
 “Các con là ánh sáng thế gian“, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Thiên Chúa.
 Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119,105).
 Ánh sáng đây không phải là ánh sáng của các lời nói, cũng chẳng phải là ánh sáng của chân lý lý thuyết, nhưng là ánh sáng của “các việc tốt”, như Đức Giêsu đã đề cập đến (Mt 4,23-25) và đã làm (Mt 5,3-11) và sẽ còn nhắc đến (Mt 7,23; 25,31-46) trong các diễn từ của Người[6].
 Từ ánh sáng Chúa Kitô, đến lượt chúng ta cũng được mời gọi trở nên ánh sáng cho người khác, để soi chiếu cho họ thấy ánh sáng sự thật, ánh sáng ơn cứu độ và hạnh phúc đích thực; đồng thời chúng ta phải giúp họ chống lại những bóng tối tội lỗi, sai lạc và bất hạnh của con người[7].
 Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta sống biến chất Kitô, chúng ta không còn vị mặn của muối, ánh sáng của chúng ta đã tắt tự bao giờ. Như Gandhi đã nói về cách sống đạo của những Kitô hữu trong xã hội của ông: “Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Ðức Kitô, thì họ chẳng cần phải mất công rao giảng, toàn Ấn độ sẽ trở thành Kitô hữu hết”.
 Thật vậy, còn biết bao người như Gandhi rất mộ mến Ðức Giêsu, nhưng cứ nhìn thấy cách sống của những người Kitô hữu chung quanh họ, là họ cảm thấy chẳng cần phải vào Kitô giáo làm gì. Vì người Kitô hữu nói chung cũng chẳng hơn gì họ: cũng ích kỷ, cũng ăn gian nói dối, cũng bất công, cũng lặng im trước bất công, cũng sống chẳng có tình nghĩa bao nhiêu. Làm sao họ có thể tin được những người chẳng tốt hơn họ, đôi khi kém họ lại được Thiên Chúa ân thưởng chỉ vì là Kitô hữu, còn họ cũng sống như vậy thậm chí tốt hơn thì lại bị phạt. Chẳng lẽ chúng ta lại giới thiệu với họ một Thiên Chúa bất công và vô lý như vậy qua cách sống của chúng ta?[8]
 Cuộc sống hôm nay đang trở nên nhạt thếch vì thiếu tình người. Xã hội hôm nay có những khoảng tối do lòng ích kỷ, gian dối và bạo lực. Những ai theo Chúa hãy cố gắng mỗi ngày để đem cho cuộc đời vị mặn của tình thương và ánh sáng của lòng tốt.[9] Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã nói: “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người Kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người Kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới” (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm của Sắc Lệnh Về Truyền Giáo “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).
 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Lời Chúa trong những ngày đầu năm mới này thực sự là ánh sáng soi đường cho mỗi người chúng ta trong suốt năm nay. Lời Chúa cũng mời gọi mỗi người ý thức bổn phận phải trở thành ánh sáng và muối cho chính họ và những người xung quanh được bước vào vùng ánh sáng thật. Và phải quyết tâm hướng đến những giá trị linh thánh và sống bác ái yêu thương một cách cụ thể.
 1] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A. 
[2] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A.
[3] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A.
[4] Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt, Muối Cho Đời.
[5] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Muối Cho Đời, tr. 189.
[6] Lm. Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, tr. 125.
[7] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Muối Cho Đời, tr. 191.
[8] www.simonhoadalat.com, Nguyễn Chính Kết, Suy niệm Chúa Nhật V Thường Niêm, Năm A.
[9] Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Thương Người Như Thể Thương Thân.
 
 
 

Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật V Thường Niên, Năm A
Lm Ga Phan Tiến Dũng
 
Hãy sống và làm cho muôn dân nhận biết, tin và tôn vinh Thiên Chúa qua cách sống cùng với những việc lành của chúng ta. Đây chính là sứ điệp mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay minh chứng và chỉ dạy.
Trong bài đọc một (Is 58, 7-10) Ngôn sứ Isaia minh chứng rằng: Những con người đau khổ, đói nghèo, đang ngồi trong bóng tối sẽ nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa nếu như dân Israel làm những điều tốt, việc tốt. Khi nói đến gương sáng qua những việc thiện, tốt lành, nó vượt lên trên cả những phong tục của lễ hội và lề luật: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi”. Thật vậy, khi chúng ta là con cái của Thiên Chúa thực hành những việc tốt lành mà Chúa soi sáng chỉ dạy, thì ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trên chúng ta hầu lan tỏa cho ACE mình.
Thánh Phaolo trong bài đọc hai (1 Cr 2, 1-5) với chính kinh nghiệm sống chứng tá đã giúp cho chúng ta ý thức rằng: Ơn gọi của Ngài và của tất cả chúng ta chính là quà tặng, là ơn ban được đón nhận và làm lan tỏa ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, sứ vụ của Thánh Phaolo chính là loan báo Tin mừng của Chúa cho những người nghèo, những người đang sợ hãi, hay dân ngoại. Khi tin và thực thi sứ vụ, Phaolo đã đem ánh sáng của Chúa đến cho ACE mình. Ánh sáng đó chính là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết trên thập tự giá và đã sống lại vì tình yêu thương. “Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. Khi Phaolo sống và minh chứng với sứ vụ tông đồ, Ngài đã làm cho ánh sáng của Tin mừng được lan tỏa đến cho mọi người. Giờ đây, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi là hãy khiêm tốn để Chúa làm cho trở nên những “Phaolô mới” cho ACE mình qua sứ vụ chứng tá, qua đời sống bác ái yêu thương phục vụ của mỗi người.
Tin mừng hôm nay (Mt 5, 13-16) chính Chúa Giêsu đã soi dẫn cũng như trao ban quà tặng cho chúng ta, đồng thời, Ngài cũng ủy thác cho chúng ta sứ vụ để làm chứng tá về Chúa và ơn thánh của Ngài cho tha nhân: “Các con là muối đất… Các con là sự sáng thế gian”. Qua hình ảnh muối đất và ánh sáng, Đức Kitô Giêsu mong muốn những người tông đồ, người môn đệ của Chúa cũng phải làm chiếu giải, lan tỏa ánh sáng tình thương và sức mạnh của ân sủng Chúa đến cho ACE của mình. Sự sáng ân sủng trước hết đến từ tình thương thập giá của Đức Giêsu, từ đồi cao Canve Thiên Chúa đã chiếu tỏa ánh sáng ơn thánh của Ngài cho những ai tin và chấp nhận Ngài, để từ đây những người môn đệ Chúa qua chính sứ vụ yêu thương, qua hành động bác ái của họ cũng sẽ được lan tỏa và chiếu sáng cho tha nhân.
Có hai điều rất thú vị và tinh tế khi chúng ta suy niệm về lời dạy và mẫu gương của Chúa Giêsu. Trước hết: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Đây chính là cốt lõi, là căn tính của người tông đồ, người môn đệ của Chúa. Sự sáng không đến từ con người mà đến từ Thiên Chúa, sự sáng được lan tỏa từ những việc tốt lành của con người không phải để cho chúng ta được tôn vinh nhưng là để cho Thiên Chúa được tôn vinh, chúc tụng. Do đó, chúng ta chẳng có gì để có thể tự hào về con người hay cái tôi của mình. Chính thái độ khiêm tốn trước ơn thánh và sứ vụ Chúa ban mới giúp con người chúng ta làm lan tỏa và chiếu giãi những ơn thánh của Chúa cho ACE.
Thứ đến: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?” Nhờ vị mặn của muối, làm cho hương vị của thức ăn được ngon và tốt hơn. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi để gẫm suy và nhìn lại xem: “Vị mặn của muối” nơi cuộc sống chứng tá của chúng ta có giúp ích và đem lại điều tốt lành, thiện ích gì cho ACE? Thực ra, “vị mặn của muối” dẫu không ai nhìn thấy, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ cảm nếm và nhận ra được qua cách sống khiêm tốn, đơn sơ và chân thành yêu thương phục vụ của người môn đệ Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh, luôn biết khiêm tốn để sống trong tâm tình cảm tạ và tôn vinh Chúa. Đồng thời, xin cho chúng con biết tin nhận qua sự hiện diện, đồng hành ban ơn của Chúa nơi sứ vụ mà Chúa đang ủy thác, trao ban cho chúng con để nhờ đó mọi người nhận ra tình Chúa yêu thương khi chúng con sống chứng tá bằng hy sinh, phục vụ. Amen.
 
Ánh sáng cho đời
Lời Chúa Giêsu vừa nói trong Tin mừng: “Các con hãy làm muối cho đời và làm ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14) thoáng qua, ta có cảm giác ngạc nhiên! Ngạc nhiên, là bởi vì ta đang được “làm người” một cách cao quý như thế này, mà Chúa lại bảo ta đổi sang: làm muối, làm ánh sáng. Ai mà chịu!
Nhưng mà, nếu ta hiểu “làm muối, làm ánh sáng” theo ý của Chúa, chắc có lẽ, cảm giác ngạc nhiên của ta sẽ không còn, nó sẽ chuyển sang một cảm giác khác: Đó là cảm giác vui mừng phấn khởi. Phấn khởi là vì Chúa muốn: ta làm người tốt, nêu gương sáng cho người khác, giống như muối ướp cho cuộc đời này, thêm hương vị đậm đà và hấp dẫn, giống như ánh sáng giúp cho đời thêm sắc màu tươi sáng hơn. Điều đó có nghĩa là: Hương vị muối “yêu thương” của ta nên phát huy tác dụng, và tính chất “trong sáng, tốt lành trong ta, cũng phải phát sinh mạnh mẽ, để bức tranh cuộc đời được tô đẹp bằng những lớp màu nhẹ nhàn và tươi sáng hơn.
Nếu hương vị muối “Yêu thương” và sắc màu “nhiệt thành” trong ta có hấp dẫn, thì chính ta, thực sự, sẽ trở thành một bài giảng sống động, thu hút được những người xung quanh, vì ông bà ta thường dạy rằng: “Lời nói thì lung lay, nhưng gương lành mới lôi cuốn.”
Nhưng vấn đề cần được đặt ra là: Để trở nên một gương lành, gương sáng, lôi cuốn người khác, thực sự không hề đơn giản chút nào, cực kỳ khó! (Khó: không có nghĩa là không làm được, nhưng đòi hỏi ta cần phải có một sự phấn đấu).
1. Khó là bởi vì: bản thân ta, phải biết sống vì người khác, tức là: yêu thương và quan tâm đến người khác nhiều hơn là lo cho bản thân mình. Sống theo kiểu sống “Mình vì mọi người, chứ không bắt: mọi người vì mình.”
2. Một khi ta sống “mình vì mọi người”, thì bao nhiêu “con tim băng giá của người khác” sẽ dần dần tan chảy và suôi dòng, để rồi cũng sống “mình vì người khác,” ai cũng sống như thế, cuộc đời sẽ nổi lên một bức tranh đẹp .
3. Còn ngược lại: Nếu cứ sống với cái “tình” nhạt nhẽo, không đủ vị “mặn mà,” hoặc gương sống của ta “bị lu mờ,” không đủ độ sáng, chắc chắn con người của ta chẳng có gì được gọi là hấp dẫn để thuyết phục người khác. Mà thực sự điều đó Chúa không muốn. Chúa không muốn ta sống khép mình như vậy.
Ta thử nghe câu chuyện kể về ông Mahatma Gandhi (1869-1948), để rồi ta có cảm nhận.  
Ở Ấn độ, ai cũng xem ông Mahatma Gandhi như là một vị thánh, vì ông đã đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, bằng bất bạo động,
Ông nói: “Nếu tôi gặp được một người Công giáo đích thực (tốt lành), có lẽ tôi sẽ trở nên một người Công giáo từ lâu rồi.” Ông còn nói tiếp rằng:“Phúc âm của Chúa Giêsu dạy rất là HAY nhưng người Công giáo sống không giống những gì Phúc âm dạy, cho nên, họ đâu có tốt hơn gì chúng tôi đâu.
Sống không giống những điều Chúa dạy khi nghe có khi ta cảm thấy nhột nhột,vì đâu đó, cuộc sống của ta giống như thế, sống khác với điều Chúa dạy.
 Thương người ư? Sao khó quá! Giúp đỡ người khác ư? Lại cực kỳ khó đối với ta.
Trở lại với câu chuyện: Sau khi ông Mahatma Gandhi qua đời, người ta bàn tán xôn xao với một chút nuối tiếc rằng: Phải chi ông Gandhi sống trễ hơn một chút, để được sống cùng thời với mẹ Têrêsa (cùng quê hương Ấn độ), có lẽ ông sẽ vào đạo Công giáo, vì tấm gương yêu người nghèo của mẹ Têrêsa, lúc bấy giờ, không chỉ vang ở Ấn độ, mà còn vang khắp cả thế giới. Ai cũng biết điều đó có thể cảm hóa được tâm hồn nhạy cảm như ông.
Chuyện kể: Một buổi chiều, Mẹ Têrêsa đi ngang qua một căn nhà ổ chuột, vùng ngoại ô Calcutta (Ấn độ). Một căn nhà tối om và từ bên trong có tiếng rên vọng ra. Mẹ Têrêsa đẩy cửa bước vào, sờ soạng, lần mò đến bên giường một cụ già đang đau yếu. Mẹ hỏi: – Nhà của cụ không có đèn đuốc gì sao?  – Cụ trả lời: Có có một chiếc đèn, nhưng  nó đã hết dầu từ lâu rồi. Thế là, Mẹ lục lọi tìm chiếc đèn, rồi lau chùi, mua dầu đổ vào rồi đốt lên. Lúc này, gương mặt cụ tươi tỉnh hẳn lên.
Ít lâu sau, Mẹ nhận được mấy dòng chữ cụ gửi: “Xin cám ơn Têrêsa, vì nhờ sự ghé thăm và nụ cười của Têrêsa, như là dầu, như là đèn đã thắp sáng đời tôi, xin cám ơn.”
Cứ như thế, mẹ đã tiếp tục bước đi, đến nhiều nơi, thắp sáng nhiều ngọn đèn bị hết dầu, cả những ngọn đèn bị lu mờ và những ngọn đèn tưởng chừng như hư hỏng, nay được thắp sáng lên một cuộc đời tươi mới, vì đã biết Tin vào Chúa. Thế giới rất cần nhiều gương sáng, như Mẹ Têrêsa Calcutta.
Vào ngày 1/2/2014, tại Nhà thờ Phaolô 6, ĐGH Phanxicô làm Nghi thức trao “Thánh Giá truyền giáo” cho 8.000 thành viên của Nhóm “Con đường Tân Dự Tòng”. Đặc biệt, đa số những người được ĐGH sai đi truyền giáo, là người Tây Ban Nha và người Ý, địa điểm nhắm đến là: Trung Quốc, Ấn độ, Mông Cổ, Đông Âu và Bắc Âu. Trong lời nhắn gởi trước khi họ ra đi, ĐGH cám ơn vì lòng nhiệt thành và niềm vui làm chứng Đức tin cho Chúa Kitô của Nhóm “Con đường Tân Dự Tòng” đồng thời ngài nhắn nhủ họ 3 điều:
– Thứ 1 là NHỚ hiệp thông với Giáo Hội địa phương nơi họ đến hoạt động.
– Thứ 2 là HÃY thích nghi với tập tục các gia đình nơi anh chị em tới hoạt động.
– Thứ ba là CHĂM SÓC NHAU với tình yêu thương, đặc biệt là với người bất hạnh.
Qua những điều chia sẻ, ta nhận ra rằng: có rất nhiều cách, để ta mang Chúa đến với người khác, vì mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Có người sống đạo âm thầm như hạt muối, có người tỏa lan ra như ánh sáng. Nhưng tất cả có chung một ơn gọi: “Nên Thánh” cho mình và cho anh em.
Mỗi người chúng ta có muốn nên thánh không? Nếu muốn, hãy  hòa mình làm muối men cho đời, hãy nhiệt thành làm ánh sáng cho trần gian, để ta thật sự là một người Kitô hữu, đúng như lòng Chúa ước mong.
 Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được vai trò làm MUỐI, làm ÁNH SÁNG như lời Chúa dạy hôm nay, để góp phần làm cho đời thêm ý nghĩa và giúp được nhiều người nhận biết Chúa hơn. Amen.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A
          Trong cuộc sống đời thường, cái chúng ta cần nhất không phải là những bữa tiệc thịnh soạn, cũng không phải là những cuộc bắn pháo hoa tưng bừng như trong dịp tết nguyên đán vừa rồi nhưng là những gì rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng hôm nay đó là muối và ánh sáng. Đời sống chúng ta không thể thiếu muối cũng không thể thiếu ánh sáng như lời Chúa Giêsu ủy thác cho người tin Chúa như sau : “Các con là muối đất”  … “Các con là sự sáng thế gian”.
 – Là muối đất: Đặc tính của muối là mặn. Chính vị mặn của muối đem lại  lợi ích cho đời sống con người chúng ta. Nếu không có gia vị mặn của muối, các món ăn sẽ trở nên lạt lẽo nhưng nhờ việc cho muối hòa tan vào thức ăn, chúng ta sẽ cảm thấy món ăn trở nên mặn mà hợp khẩu vị. Muối còn có khả năng bảo tồn thức ăn như câu tục ngữ chúng ta thường nói: “Cá không ăn muối cá ươn”. Người Kitô hữu có bổn phận giữ thế gian cho khỏi bị hư đi. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em và sống hòa thuận với nhau (Mc 9, 50)”.Thánh Phaolô nói: “Lời nói anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người (Col 4,6)”.
          Muối của đất: Nông dân Ai cập và Palestine cho muối vào phân vì muối có chất sodium nhờ đó phân tốt hơn để bón cho cây trồng. Trong ý nghĩa đó, Chúa muốn người kitô hữu phải làm cho nhân loại được trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu muối trở nên nhạt thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Cũng vậy Kitô hữu mà không có tinh thần Phúc âm thì sẽ không có giá trị gì cho thế giới.
          Là sự sáng thế gian: Chúa Giêsu đã nói: “Ta là ánh sáng thế gian (Ga 8, 23)”. Như vậy Chúa Giêsu chính là ánh sáng thế gian và Chúa cũng muốn chúng ta trở thành Ánh sáng thế gian khi chúng ta phản chiếu ánh sáng của Chúa. Do Ơn gọi, người kitô hữu trở thành ánh sáng cho người khác bằng đời sống đạo sinh ra được những hoa trái tốt lành là việc lành phúc đức. Mẹ Têrêsa Calcutta đã là ánh sáng cho dân Ấn độ bằng những việc làm bác ái của mẹ và của tu hội mẹ lập nên. Vì thế khi mẹ qua đời không phải chỉ người có đạo công giáo  khóc thương mẹ mà toàn thể đất nước Ấn độ không phân biệt tôn giáo đều thương nhớ biết ơn Mẹ. Chính phủ Ấn độ đã đứng ra tổ chức đám tang mẹ. Đám tang đó diễn ra còn lớn hơn đám tang của một nguyên thủ quốc gia. Chính quyền Ấn độ cho bắn 21 quả đại bác  và đám đông người dân đi đưa dài tới 11 km.
Với hai câu nói của Chúa Giêsu: “Các con là muối …Các con là sự sáng thế gian”, Chúa giao phó cho chúng ta một sứ mạng khó khăn nhưng cũng là rất vinh dự. Chúng ta hãy đáp lại lòng Chúa mong đợi ở nơi chúng ta: Muối thì phải ướp mặn. Ánh sáng thì phải soi chiếu. Muối phải hòa tan đi thì mới đem lại hiệu quả. Kitô hữu chúng ta phải hòa tan khi biết từ bỏ tính vị kỉ để sống vị tha giúp ích cho tha nhân. Đời sống tốt đẹp của người kitô hữu là ánh sáng làm tôn vinh Chúa Cha trên trời và là một cách truyền giáo hiệu quả nhất như lời Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là khi các con có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35)”
Câu chuyện : Trong địa bàn giáo xứ kia, có một người đàn ông bất toại nằm liệt một chỗ.  Buổi sáng bà vợ đặt ông vào một cái ghế bành ngồi ngoài hiên, bà cũng để bên đó một ấm nước và một cái li, rồi bà đi làm mãi tới trưa mới về. Ông không có con cháu. Cha xứ hay tin đến thăm ông, cha cũng nói ở nhà thờ khuyến khích bà con giáo dân tới thăm và giúp đỡ ông. Mấy em học sinh trong tiểu đội Junior khi nghỉ học tới thăm và đọc sách cho ông nghe. Hội đoàn Legio phân công tới thăm ông hằng tuần khi đi công tác và còn có một bác sĩ  tình nguyện thỉnh thoảng tới khám bệnh cho ông nữa. Ông rất vui và cảm thấy được an ủi nhiều. Gần ngày lễ Giáng sinh, ông thưa cha xứ: Xin cha cho con Rước lễ. Cha nói: Nếu ông muốn Rước lễ thì phải học giáo lí và Rửa tội trước đã. Ông xin học giáo lí và cha xứ cho giáo lí viên dạy giáo lí cấp tốc cho ông để rồi đúng như mong ước, ngày lễ Giáng sinh, ông đã được Rửa tội và Rước lễ. Ông nói: “Trước tôi chưa biết Chúa, nhưng nay nhờ các giáo hữu tốt nên tôi cảm thấy hạnh phúc như được gặp Chúa”.
Qua lời Chúa dạy và ủy thác sứ mệnh là muối đất và là ánh sáng thế gian, mỗi người chúng ta phấn đấu chu toàn sứ mệnh này bằng lời  nói và việc làm của mình để chúng ta luôn bước di như con cái sự sáng và sẽ được kết hợp với Chúa là nguồn hạnh phúc và ánh sáng cho cuộc sống trần gian và mai sau của chúng ta. Amen

 Lm GB Phạm Hồng Thái

 
CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT V-TN_A, 05-02-2023
֎
ÁNH SÁNG CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Tiên tri Isaia, tác giả thánh vịnh 111 (112) cũng như Chúa Giêsu diễn tả hạnh phúc và ảnh hưởng của những người công chính như là một ánh sáng chiếu soi giữa lòng thế giới: ánh sáng phát xuất từ ​​tình yêu họ dành cho người nghèo, người bất hạnh, người vô gia cư và người đói khát.
Bài đọc I: Isaia 58, 7-10
Isaia là vị tiên tri thường được trích dẫn nhiều nhất trong Tân Ước, và có lý để ông được trích như vậy, vì ông đã dự đoán một cách kỳ diệu sự giáng sinh của Đấng Emmanuel (Is 7, 14 ; 8,8), sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ (Is 52,13 – 53, 12), dụ ngôn của Chúa Giêsu về cây nho (Is 5, 1-7), và rất nhiều đoạn khác nữa. Diễn từ được sử dụng trong đoạn trích hôm nay cũng gợi nhớ đến diễn từ của Chúa Giêsu trong chương 25 Tin Mừng Mátthêu (Mt 25, 34. 45): sự công chính được đưa ra ánh sáng trong ngày phán xét là công chính đón nhận người nghèo và người vô gia cư, sự chia sẻ quần áo, trao tặng lương thực cho người đói và giúp đỡ những người bất hạnh.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 111 (112)
Thánh vịnh 111 (112) ca ngợi người công chính và hạnh phúc của họ. Đáng ngạc nhiên, đây là lần duy nhất trong Cựu Ước mà con người được gán cho một cách rõ ràng những phẩm tính tuyệt hảo của Thiên Chúa cuộc Xuất Hành (Xh 34, 6), “âu yếm và thương xót”. Và phải nói gì về ảnh hưởng của người công chính trên những người khác, khi người ấy được coi là “ánh sáng của những tâm hồn ngay thẳng” ? Tác giả thánh vịnh không thiếu từ ngữ để mô tả những phẩm chất của người công chính, người mà ông mô tả là “người biết cảm thương và cho vay mượn”. Con người đó “không sợ hãi” về tương lai, và sẽ được nhớ đến, đặc biệt là vì sự hào phóng của ông đối với người nghèo.
Bài đọc II : 1 Cr 2, 1-5
Ngay từ đầu bức thư của mình, Phaolô đã nhận lấy danh hiệu “tông đồ của Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1, 1) và Phaolô “tạ ơn Thiên Chúa … vì… mọi sự phong phú […] của Lời Chúa và vì sự hiểu biết về Thiên Chúa” được ban cho cộng đoàn Cô-rin-tô. Tuy nhiên, sau khi nói đến những chia rẽ giữa các thành viên trong nhóm, Phaolô đưa ra một hiệu chỉnh quan trọng về ngôn ngữ nghịch lý mà họ cần nắm giữ. Ngôn ngữ này thuộc về một “sự khôn ngoan” không liên quan gì đến sự khôn ngoan của loài người, hơn nữa, một sự khôn ngoan học được từ Chúa Thánh Thần. Bản thân Phaolô là một nhà thần học vĩ đại và là một nhà văn viết nhiều, nhưng Phaolô để cho mình được hướng dẫn bởi “sự khôn ngoan của mầu nhiệm Thiên Chúa” (1 Cr 2, 7) và “tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2,16) và Phaolô yêu cầu những người nhận thư của ngài xem xét mọi thứ dưới ánh sáng của Thánh Thần.
Tin Mừng : Mt 5, 13-16
Ơn gọi của các môn đệ Chúa Giêsu không thua gì ơn gọi của người công chính được mô tả trong thánh vịnh 111 (112). Ngay sau khi công bố chương trình Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu kết luận rằng các môn đệ của Ngài là “muối cho đời” và là “ánh sáng cho thế gian”. Thực thế, họ là muối và ánh sáng, trong mức độ họ thấm nhuần tinh thần của các mối phúc này và biến các mối phúc thành nguồn cảm hứng cho sự dấn thân phục vụ người khác của họ. Chúa Giêsu cũng xác nhận điều làm nên sự cao cả đích thực của các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em; và ai muốn làm đầu giữa anh em, thì hãy làm nô lệ cho anh em” (Mt 20, 26-27).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệchuyển ngữ.
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.