Sáng lòng

Chiếc xe đò đã cũ bạc mầu sơn, chạy bằng than của thời bao cấp ì ạch dời bến Long Xuyên để về bến Kinh B, trên một đoạn đường nhựa hẹp nhiều ổ gà dài hơn ba mươi cây số. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, nhiều lần xe dừng lại bên đường để đưa rước khách lên xuống và cũng để châm thêm than vào cái thùng bằng sắt tròn cao nghều đựng than ở phía cuối xe.

Cuối cùng, xe cũng đến được bến Kinh B.
Lúc đó đã xế chiều, bầu trời có những đàn cò trắng kết theo hình cánh cung vỗ
cánh mải miết bay về tổ, trước khi trời kịp tối. Hành khách từ trong xe và cả
trên mui xe đều vội vã xuống, ai nấy như mong về maí ấm gia đình sớm sau một
ngày ngược xuôi vất vả lo cơm áo, trước khi màn đêm ập đến.

Đó là những ngay đầu năm 1980, cái thời
bao cấp, “ngăn sông cấm chợ”. Hà đã xuống xe thật sớm và đang đón bó bao gai của
nàng khoảng gần 20 chiếc. Hà vội kéo bó bao vào vỉa hè, ngay trước nhà dì nàng,
sau khi bác lơ xe thả từ mui xe xuống. Thoáng nhìn bó bao, lòng Hà đã thót lại,
lo lắng, sinh nghi… Bó bao của nàng đã bị xộc xệch khác nhiều so với lúc nàng
đưa lên mui xe. Hà vội mở bó bao ra xem. Ôi! mười mấy khúc vải, đủ loại, mỗi
khúc dài ba, bốn mét, nàng vừa mua được và đã cẩn thận độn trong từng chiếc bao
không, rồi bó lại để tránh trạm kiểm soát Lỗ Tẻ, nay đã biến mất. Hà buồn bã rũ
rượi, ngồi nép vào góc nhà của dì vừa khóc nức nở vừa than thở:

– Dì ơi! Thế này thì chết con rồi di ơi!
gia đình con đã mất hết… chỉ còn một chút này để kiếm gạo qua ngày, nay mất nữa
thì lấy gì mà sống được dì ơi! Tránh được vỏ dưa (trạm kiểm soát) con lại gặp vỏ
dừa (kẻ cắp) rồi dì ơi!

– Chị cứ bình tĩnh xem sao nào! Từ từ rồi
liệu, sao lại chết được! dì của Hà an ủi. –  
Ngày nào con cũng làm như vậy dì ạ. Con cho mỗi miếng vải mua được vào
trong một cái bao, con xếp lại, rồi buộc chặt bó bao gởi trên mui xe. Như thế
qua trạm an toàn. Vậy mà đứa nào nó biết, nó lấy hết của con, chỉ còn lại bó
bao không thôi. Gia đình con chết mất dì ơi!

Ngày đó, dì của Hà đã gần năm mươi, mắt
dì tuy vẫn mở bình thường trên khuôn mặt đầy đặn xinh xắn, cái miệng luôn nói
cười thật tươi, mà dì không nhìn thấy gì nữa. Dì đã bi lòa ngay từ khi mới hai
mươi tuổi. Dì thường kể: do uống quá nhiều thuốc quinin để chữa bệnh sốt rét mà
dì bị lòa đấy.

Tiếng chuông chiều của nhà thờ Ngọc Thạch
từng hồi vang lên, thánh thót như thúc dục bao ngườì mau đến với Chúa. Dì của
Hà ôn tồn nói:

 –
Không sao đâu cháu ạ. Cháu chỉ mất có một chút của, mấy chục mét vải thôi. Cháu
còn nguyên một gia đình hạnh phúc. Cháu vững lòng cậy trông vào Chúa. Chắc chắn
Chúa sẽ ban ơn cho gia đình cháu. Dì có một chút để giúp cháu bắt đầu làm lại
nhé.

Dì của Hà vừa nói vừa tháo cái ruột tượng
bằng vải mầu nâu đã bạc mầu được quấn kĩ quanh người dì từ nhiều năm nay, rồi dì
mở cái gói ở giữa ruột tượng lấy ra  đưa
cho Hà hai chiếc nhẫn vàng, dì nói:

– Dì cho cháu mượn hai chiếc, bao giờ
cháu làm ăn khá thì trả lại cho dì, dì không lấy lời đâu. Lỡ mà cháu thua thiệt
thì không phải trả lại dì nữa.

Hà rưng rưng nước mắt, tay run run cầm lấy
hai chiếc nhẫn rồi nói:

– Con cám ơn dì! Mà dì ơi! con biết làm
gì bây giờ…?

 Hai dì cháu ngồi tần ngần một lúc lâu như đang
suy tính một điều gì đó, bỗng dì của Hà lên tiếng:

– Hà này: Dì thấy ở đây có nhiều người
đâu có chữ nghĩa nhiều như vợ chồng cháu, mà họ buôn bán khá lắm. Chiều họ đi
Long Xuyên mua ít thuốc tây về, sáng đem ra chợ bán, công việc nhẹ nhàng mà lại
lời nhiều, cháu bàn với chồng cháu thử tính xem sao.

– Vâng, con sẽ bàn, nhưng có điều anh
Phúc nhà con lúc này, khi nào không đi dạy là mải mê với việc xây dựng nhà thờ
của họ đạo. Anh ấy chán không màng đến buôn bán nữa dì ạ.

– Thôi cháu về đi, muộn rồi, kẻo nhà
mong.

– Vâng, con xin phép dì con về, việc đó
con sẽ tính sau dì ạ.

Hà lặng lẽ bước xuống con đò ngang. Ông
lái đò chèo con đò  tròng trành qua sông,
trong lúc nàng miên man nghĩ về ngày mai, bao câu hỏi cứ đặt ra trong đầu Hà… Rồi
đây gia đình mình sẽ ra sao…?

 

– Đò tới bến rồi, lên đò đi cô Hà, ông
lái đò nói.

– Xin lỗi chú con lên đây. Hà đáp

Trời đã chạng vạng tối, tiếng chó của
nhà ai đó đang sủa từng tiếng; một vài ánh đèn dầu le lói trong những căn nhà
bên đường vừa được thắp lên như cố sua đi bóng đêm đang dần xuống. Lòng Hà quặn
đau, bước thấp bước cao trên con đường đất mòn trơn trượt do chiều nay mưa nhiều.
Con đường dẫn về nhà cách bến đò gần hai cây số, nàng đã quen đi lại nhiều lần,
nhưng hôm nay sao ngao ngán thế! Thoáng có một tia hy vọng lóe lên trong đầu.
Hà lẩm bẩm một mình: mình sẽ làm theo lời dì chỉ. Thế rồi, nàng bước mau về nhà
như mọi khi.

Trong bữa cơm tối hôm đó, cả nhà quây quần
quanh mâm cơm trên một chiếc chiếu trải ở góc nhà, Hà nhiều lần muốn đem câu
chuyện chiều nay kể cho gia đình cùng biết, nhưng rồi nàng lại thôi. Nàng cố gắng
hòa với niềm vui của chồng đang say sưa kể về việc chuẩn bị tổ chức lễ Đặt Viên
Đá Đầu Tiên của nhà thờ Trinh Vương. Phúc nói:

– Thầy Bốn và ban Kiến Thiết chỉ mong có
được 10 chỉ vàng trong ngày lễ Đặt Viên Đá, thì nay bà con đã dâng cúng tới hơn
100 chỉ, gấp 10 dự kiến ban đầu. Số bà con xa gần dâng cúng vẫn còn đang tiếp tục.
Có lẽ tạm đủ tiền xây gian Cung Thánh. Đúng là việc của Chúa, Chúa sẽ làm mà.
Câu Kinh Thánh thầy bốn đã chọn: “Tình yêu Chúa Ki-Tô thôi thúc tôi” (2Cr 5-14)
đã được ứng nghiệm. Ai có thể ngờ trong lúc “gạo châu củi quế” như hôm nay, mà
lại được như thế.

 Ba của Phúc đang làm trưởng ban vận động xây dựng
nhà thờ nói tiếp:

 –
Anh Phúc này, ba tính cắt khẩu hiệu treo vào dịp lễ này là:

                           Tôi trong xứ, bác
phương xa

                     Đan tay xây lại mai nhà
cha chung 

 anh thấy được và hợp không?

– Con thấy hay và hợp lắm rồi ba ạ,
nhưng phải trình qua Thầy Bốn đã, con nghĩ là được. Thầy Bốn chắc sẽ vui lắm ba
ạ! Thầy Bốn rất thích thơ mà.  Phúc nói

Thế là cả nhà vừa ăn cơm vừa phấn khởi
bàn việc xây dựng nhà thờ. 

Hà như quên hết nỗi đau ban chiều mà hòa
vào niềm vui của chồng, của gia đình, của họ đạo trong việc xây dựng lại ngôi
thánh đường. Hà lại lẩm bẩm: ngày mai mình sẽ bắt đầu…

                                                 

Thời gian đã trôi đi thật mau. Thế là đã
hơn ba mươi năm rồi, với bao  đổi thay!
Thầy Bốn sau ba năm không những xây dựng xong gian Cung Thánh, mà còn xây tiếp
sáu gian và cả tiền đường nhà thờ nữa. Thày đã đi thật xa, cách họ đạo cả nửa
vòng trái đất. Thầy đã được thụ phong Linh Mục, mấy lần trở về Việt Nam, người
có ghé thăm họ đạo và vẫn không quên đọc lại bài thơ: Quê Hương của ĐỗTrung
Quân đã được nhạc sỹ Giáp Văn Thạch phổ nhạc: “…Quê hương mỗi người chỉ một/
Như chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

Ngôi thánh đường Trinh Vưng vừa xong,
gia đình Phúc cũng chuyển về xứ đạo khác để tiện việc buôn bán và học hành cho
con cái. Phúc theo gương cha cũng nhận lãnh trách nhiệm: “Trưởng ban vận động
xây dựng nhà thờ mới” nơi xứ đạo mới đến. Phúc rất tâm đắc với câu: “Tất cả vì
vinh danh Chúa” mà cha xứ cũng như Ban Kiến Thiết đã chọn làm phương châm khi
xây nhà thờ. Đó chính là câu nói nổi tiếng của thánh Inhaxiô quan thầy của
Phúc.

Sau sáu năm ngôi Thánh đừơng mới được
Cung hiến trọng thể, gia đình Phúc lại chuyển về xứ đạo khác ở Cần Thơ. Nghe
nói đâu xứ đạo đó đang chuẩn bị xây nhà thờ…

Hơn ba mươi năm qua, gia đình Phúc vẫn
giữ nghề  thuốc tây, một nghề mà người dì
“sáng lòng” năm xưa đã “truyền miệng” và giúp vợ chồng Phúc hai chỉ vàng để làm
vốn ban đầu. Cũng từ đó, vợ chồng phúc mở mang ra những nghề khác. Vợ chồng
phúc thường kể cho các con nghe việc lập nghiệp của gia đình mình là thế.

Cách nay mấy tháng, trong một chuyến về
Sài Gòn, vợ chồng Phúc ghé thăm người dì “sáng lòng” năm xưa. Phúc nói:

– Chúng con từ miền Tây lên có chút qùa
biếu dì, một chút để dì ăn quà. Chúng con được như hôm nay là nhờ dì thương
giúp đỡ đó, “Miếng khi đói bằng một gói khi no” mà dì.

– Anh chị cứ cả nghĩ, tôi có giúp anh chị
được bao nhiêu đâu mà anh chị cứ bày vẽ thế, mỗi lần về thăm tôi lại qùa cáp, rồi
cho tôi tiền nữa. Anh chị làm tôi nghĩ ngợi quá. dì nói.

Một mình trong căn nhà yên tĩnh mới được
sửa lại, Phúc thường dậy thật sớm trước cả tiếng chuông nhà thờ ngân vang mời gọi
các tín hữu mau thức dậy để tạ ơn Chúa sau một đêm an lành Người đã ban cho. Tiếng
côn trùng đua nhau rả rích kết thành một bản hòa tấu tuyệt tác của Tạo Hóa
trong những đêm mưa lạnh gợi Phúc suy nghĩ miên man về quá khứ, về hiện tại, về
tương lai, về con nguời, về cuộc đời, về xã hội với những đổi thay khôn cùng.
Phúc càng xác tín lời Chúa đã phán: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ
không bao giờ qua đi”(Mt 24-35).

Inhaxiô Đặng Minh Phúc

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.