Tại sao cần phải xưng tội với Linh Mục?

Hỏi : Nếu Chúa đầy lòng thương xót, và hay tha thứ, thì cần gì phải đi xưng tội với ai nữa ?

Trả lời :

Trước khi trả lời câu hổi trên, thiết tưởng cần nói qua về thực trạng
của tội và hậu quả của tội.

I-
 Thực trạng của tội

Theo Thánh Phaolô dạy thì “ vì một người duy nhất mà tội lỗi
đã xâm phập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế , sự chết đã lan
tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội
.” ( Rm 5: 12)

Nói khác đi, vì Adong bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa khi ăn trái cấm nên tội
và sự chết đã xâm nhập trần gian và để lại hậu quả khốc hại cho toàn thể nhân
loại sinh ra trong trần thế này.

Như thế, tội là nguyên nhân chính gây ra sự chết cho con người. Sự chết này
không những chỉ về mặt thể lý mà nghiêm trọng hơn là chết về mặt thiêng liêng
trong viễn ảnh phải xa lìa Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc hoan
lạc…Thiên Chúa là Cha nhân lành đã quá yêu thương khi tạo dựng con người và
còn yêu thương hơn nữa khi cứu chuộc con người nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu, 
Đấng đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người
”.( Mt 20
:28).

Nhưng cái chết của Chúa Giêsu chỉ có mục đích cứu con người khỏi chết về mặt
thiêng liêng chứ không cứu con người khỏi chết về mặt thể lý, cũng như
không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội lỗi có trên trần gian này. Nghĩa là dù
Chúa đã chịu khổ hình thập giá và đã thực sự chết vì tội lỗi loài người,
nhưng Chúa không biến đổi con người đến mức không còn biết tội là gì nữa. Trái
lại, tội vẫn là một thực thể (entity) và một thực tế ( reality)trong trần gian
cũng như trong bản thân mỗi người chúng ta , một sự thật mà không ai có
thể chối hay phủ nhận như Thánh Gioan đã quả quyết :

“ Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội
  Chúng ta tự lừa dối mình
  Và sự thật không ở trong chúng ta
.” ( 1 Ga 1:8)

Sở dĩ còn tội vì con người vẫn còn ý chí tự do ( free will) mà Thiên Chúa vẫn
luôn tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc chọn lựa xa lánh tội hay cứ buông
chiều theo tính xác thịt mà phạm các thứ tội như thánh Phaolô đã liệt
kê trong thư gửi tín hữu Galat như sau :

“ Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ . Đó là : dâm ô, ô
uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng
giận, tranh chấp, chia rẽ ,bè phái, ganh tỵ, say sưa , chè chén, và những điều
khác giống như vậy. Tôi bảo cho mà biết như tôi đã đã từng bảo : những kẻ
làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng nước Thiên Chúa
.” ( Gl 5:
19-21)

Danh sách tội trên đây không bao gồm tất cả mọi tội con người ngày nay đang
phạm ở khắp mọi nơi như trộm cướp , bất công, bóc lột, hà khắc, gian
ác, giết người, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm vô cùng
khốn nạn, cờ bạc, gian dâm, ngoại tình, phá thai, không có thì giờ lo
việc thờ phượng ( dự lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng) nhưng lại có dư
giờ đi du hí ở những nơi tội lỗi , nhẩy nhót, nhậu nhoẹt, cờ bạc hoặc đi thi
“đôi chân ngà” ( khiêu vũ của những người xồn xồn no cơm dửng
mỡ, vui chơi dâm dật mất nết…)

Tất cả các tội trên đây đều chống lại Thiên Chúa là tình thương, là sự thật, là
công minh chính trực, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối.Tội lỗi cũng xúc
phạm đến tha nhân cũng như chống lại chính lý trí và lương tâm của bản thân
mình như giáo lý Giáo Hội dạy. ( x. SGLGHCG, số 1849-50)

Đó là thực trạng của tội lỗi con người đã và đang phạm từ xưa đến nay ở khắp
mọi nơi..

II-
 Tại sao phải xưng tội theo Giáo Hội dạy ?

Thiên Chúa là Cha rất nhân lành , Người “chậm bất bình và giầu tình
thương
”( Tv 103 :8) nhưng cho được hưởng tình thương ấy của Thiên Chúa, thì
điều kiện duy nhất là phải xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới tách con
người ra khỏi tình thương của Thiên Chúa. Tuy chê ghét tội lỗi, nhưng
Thiên Chúa lại yêu thương kẻ có tội biết sám hối để xin Người tha thứ. Đó là lý
do vì sao Chúa Cứu Thế Giêsu đã đến trong trần gian “.. để cứu cái
gì đã hư mất
” ( Mt 18: 11) Trong sứ mạng đó, Chúa đã đi tìm
kẻ tội lỗi, kêu gọi họ sám hối để được tha thứ, ví như thầy
thuốc đi tìm bệnh nhân để cứu chữa, chứ không tìm người khỏe mạnh không
cần thầy thuốc.( x Mt 9: 12). Và đó cũng là lý do vì sao Chúa Giêsu, sau khi từ
cõi chết sống lại, đã lập bí tích hòa giải để ban quyền tha tội trước tiên cho
các Tông Đồ và cho Giáo Hội ngày nay như ta đọc thấy trong Tin Mừng Thánh
Gioan:

“ Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha
  Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ
.” ( Ga 20: 21)

Đây là nền tảng của bí tích Hòa giải mời gọi mọi người chúng ta chậy đến để xin
Chúa tha thứ mọi tội lỗi chúng ta chót mắc phạm vì yếu đuối con người, vì gương
xấu của thế gian và nhất là vì sự cám dỗ tinh quái của ma quỉ, ví như
“ sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” mà Thánh Phêrô đã
cảnh giác.( 1 Pr 5: 8)

Giáo lý của Giáo Hội phân biệt hai loại tội năng và nhẹ như sau :

Tội trọng
( mortal sin) phá hủy hoàn toàn đức ái trong tâm hồn con
người do một vi phạm nặng nề đối với luật của Thiên Chúa.Tội trọng làm cho con
người quay lưng lại với Thiên Chúa là cùng đích tối hậu và là vinh phúc của con
người….tội nhẹ ( venial sin) vẫn để cho đức ái tồn tại mặc dù nó đã
xúc phạm và làm tổn thương đức ái” ( x SGLGHCG số 1855).

Cũng theo giáo lý của Giáo Hội, thì tội trọng có thể đưa đến hình phạt hỏa ngục
nếu hối nhân chết không kịp sám hối và chạy đến xin Chúa tha thứ qua bí
tích hòa giải (xưng tội) ( x. SGLGHCG số 1033-35)

Chúa nhân hiền luôn sẵn lòng tha tội cho con người, nếu kẻ có tội nhận
biết điều mình đã làm là sai trái là tội lỗi. Nhận biết rồi nhưng còn tin tưởng
nơi lòng khoan dung của Chúa để chậy đến xin Người tha thứ, thì chắc chắn
Người sẽ thứ tha cho..

Đàng rằng phạm tội mất lòng Chúa thì chỉ có Chúa tha thứ mà thôi. Nhưng
Người đã lập bí tích hòa giải để ban quyền tha thứ ấy trước tiên cho các Tông
Đồ và ngày nay cho Giáo Hội, nên không thể nói rằng chỉ cần xưng tội
với Chúa là đủ như anh em Tin Lành chủ trương.Nếu thế
là đủ, thì Chúa Giêsu đã không cần lập bí tích hòa giải làm gì nữa.
Nhưng vì Chúa đã lập bí tích này, nên ai muốn nhận ơn tha tội của Chúa thì phải
đến với bí tích hòa giải là phươnng tiện hữu hiệu duy nhất mà Chúa
Giêsu đã thiết lập để giúp con người nối lại tình thương với Thiên Chúa,
sau khi đã làm thương tổn hay cắt đứt tình thương ấy bằng các tội nặng nhẹ đã
phạm vì yếu đuối con người. Chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chinh Thống
Đông Phương có bí tích đặc biệt này mà thôi. Dĩ nhiên cả hai Giáo Hội còn có
tất cả các Bí Tích hữu hiệu khác như Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, xức dầu
bênh nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn phối, trong khi đa số các giáo phái chưa
hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo chỉ có Phép rửa mà thôi

Nhưng được tha tội qua bí tích hòa giải rồi thì phải cố gắng, quyết tâm từ
bỏ tội lỗi, để bắt đầu một tiến trình biến đổi (conversion) nội tâm để trở
nên hoàn hảo, nên thánh như Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng ta khi
Người kêu gọi: “ Anh em hãy nên hoàn thiên như Cha
anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
( Mt 5:48).

Nói khác đi, ta không thể lấy cớ Chúa giầu tình thương và hay tha thứ để chỉ
xin Chúa tha thứ mà không cần xưng tội với một linh mục nào -hoặc tệ hại
hơn nữa- là cứ ngoan cố phạm tội vì nghĩ rằng Chúa rất nhân
từ nên sẽ Người tha thứ hết.. Chúa nhân hiền, đầy lòng thương
xót và hay tha thứ : đúng. Nhưng Chúa lại chê ghét tội lỗi vì mọi
tội đều xúc phạm đến tình thương, lòng nhân ái, sự thánh thiện và công bình của
Người. Người yêu thương kẻ có tội biết sám hối xin tha thứ , nhưng Người
cũng muốn kẻ có tội phải quyết tâm từ bỏ tội lỗi sau khi được tha. Bằng cớ là
khi bọn Pha ri-si dẫn một phụ nữ bị bắt đã phạm tội ngoại tình đến xin Chúa xét
xử, xem Chúa có cho ném đá chết theo luật Mai-sen hay tha bổng, Chúa Giêsu đã
không nói: Chị an tâm về đi, và lần sau còn phạm tội này, thì lại đến
với tôi, tôi sẽ tha cho. Ngược lại, Chúa đã bảo chị kia thế này :
“ Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị về đi 
từ nay đừng phạm tội
 nữa.” ( Ga 8 :11). Tôi
không lên ái chị như bọn Phari-si muốn ném đá chị, nhưng chị phải chừa tội,
đừng tái phạm nữa. Đó là ý Chúa muốn nói với phụ nữ kia và với mọi người chúng
ta ngày nay. Lại nữa, sau khi chữa lành cho một người đau ốm nằm bên hồ
nước Bết-da-tha, Chúa Giêsu sau đó đã gặp lại người này trong Đền Thờ và
Chúa đã nói với anh ta như sau : “ Này, anh đã được khỏi
bệnh.Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước.” ( Ga 5 : 14)

Như thế, những ai cứ đi hàng hai phạm tội rồi đi xưng tội và không
quyết tâm chữa tội để lại tiếp tục phạm tội nhiều lần nữa, thì hãy nghe
lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo như sau :

” Ta biết các việc ngươi làm : người ch
ẳng nóng mà cũng chẳng
lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn
 hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm
hâm chẳng nóng chẳng lạnh , nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta
.”
( Kh 3 :15-16)

Các lời Chúa trích dẫn trên đây đã rõ ràng nói cho chúng ta biết điều rất
quan trọng này : là phải chừa tội, không được tái phạm để tránh những hậu quả
lớn lao hơn nếu cứ quen phạm tội, vì tội lỗi có thể là nguyên
nhân gây ra những đau khổ bi thảm to lớn cho con người.

Kinh Nghiệm thực tế trong cuộc sống ngày nay cũng đủ chứng minh điều này: cứ
sống bằng nghề trộm, cướp sẽ có ngày bị bắn chết khi cướp nhà băng
hay vào nhà ai để ăn trộm. ( nhà người Mỹ thường có súng và chủ nhà
được phép bắn chết kẻ vô cớ đột nhập vào nhà người ta). Cứ ngoại tình cũng sẽ
có ngày mất mạng khi vợ hay chồng người ta khám phá ra và trừng phạt kẻ
dâm phu hay dâm phụ. ( chuyên rất thường xảy ra ở Mỹ) Lại nữa, cứ lái xe
ẩu, chạy quá tốc độ , hoặc vượt đèn đỏ sẽ có ngày gây tử vong cho chính mình và
cho người khác.

Tóm lại, Chúa là Cha cực tốt cực lành. Người yêu thương kẻ có tội và muốn kẻ có
tội ăn năn để được tha thứ. Nhưng Chúa đã ban quyền tha thứ này cho Giáo hội
nên chúng ta phải siêng năng chạy đến với Chúa qua bí tích hòa giải. Nghĩa là
không thể nói như anh em Tin lành rằng chỉ cần xưng tội với Chúa chứ không
xưng tội với người có quyền tha tội nhân danh Chúa ( in personna Christi) là
Giám mục và Linh mục.Cũng cần nói thêm là các tư tế này, vì là con người nên
không tránh được những khuyết điểm.Nhưng cho dù bất xứng đến đâu, mà
khi nhân danh Chúa Kitô để tha tội cho ai thì người đó vẫn được tha như Chúa đã
hứa.( cf. Ga 20:21).

Vậy người tính hữu chúng ta hãy siêng năng chậy đến với Chúa qua bí tích hòa
giải là phương tiện hữu hiệu giúp ta lấy lại tình thương của Chúa sau khi đã
đánh mất vì tội nặng nhẹ đã phạm.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.