Những khi nào cần cất Mình Thánh Chúa khỏi nhà thờ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Rôma.

Hỏi: Trong những điều kiện nào, Mình Thánh Chúa phải được cất khỏi
nhà thờ? Ví dụ, khi một buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thế tục được tổ chức trong
nhà thờ, hoặc khi một buổi cầu nguyện đại kết được tổ chức, Mình Thánh Chúa
phải được cất khỏi nhà thờ không? – J.L., Pittsfield, New Hampshire (Mỹ).


Ảnh: thejustmeasure.ca

Đáp: Có nhiều dịp Mình Thánh Chúa phải hoặc nên được cất khỏi nhà
thờ.

Tình huống chính khi việc này xảy ra là khi một buổi hòa nhạc được
tổ chức trong nhà thờ. Năm 1987, Thánh bộ Phụng tự phổ biến một tuyên bố về các
buổi hòa nhạc trong nhà thờ (Prot. 1251-1287).

Mặc dù được tập trung vào chủ đề của các buổi hòa nhạc, tài liệu
này nói rõ một số nguyên tắc về tính chất và mục đích của nhà thờ, vốn có thể
áp dụng cho các tình huống khác:

“5. Theo truyền thống được thể hiện trong nghi thức về sự
cung hiến một nhà thờ và bàn thờ, nhà thờ chủ yếu là nơi mà dân Chúa tập họp,
và “trở nên một như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, và là
Giáo Hội, đền thờ của Thiên Chúa được xây dựng bằng các viên đá sống động,
trong đó Chúa Cha được tôn thờ trong tinh thần và chân lý”. Đúng như vậy, từ
thời cổ đại, danh từ “nhà thờ” đã được mở rộng thành một tòa nhà,
trong đó cộng đồng Kitô hữu đoàn kết để nghe lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện,
nhận lãnh các bí tích, cử hành Hy tế Tạ ơn và kéo dài thời gian cử hành Thánh
Lễ trong việc chầu Mình Thánh Chúa (x. Qui định cung hiến một nhà thờ, ch. II,
1).

“Tuy nhiên, các nhà thờ không thể được coi đơn giản như là
nơi công cộng cho bất kỳ loại hội họp nào. Nhà thờ là nơi thánh, nghĩa là “được
tách riêng ra” một cách thường xuyên cho việc thờ phượng Chúa, qua việc cung
hiến và làm phép.

“Là công trình xây dựng hữu hình, các nhà thờ là dấu chỉ của
Giáo Hội lữ hành trên trần thế; nhà thờ là hình ảnh công bố Giêrusalem trên
trời, là nơi mà trong đó được hiện thực hóa mầu nhiệm của sự hiệp thông giữa
con người và Thiên Chúa. Ở thành thị cũng như nông thôn, nhà thờ vẫn là nhà của
Thiên Chúa, và là dấu chỉ của việc Người hiện diện ở giữa loài người. Nhà thờ
vẫn là một nơi thánh thiêng, ngay cả khi không có cử hành phụng vụ.

“Trong một xã hội bị xáo trộn bởi tiếng ồn, đặc biệt là ở các
thành phố lớn, nhà thờ cũng là một ốc đảo, nơi người ta qui tụ, trong thinh
lặng và cầu nguyện, để tìm kiếm sự bình an của tâm hồn và ánh sáng đức tin.

“Điều đó sẽ chỉ có thể có được khi nhà thờ duy trì căn tính
đặc biệt của mình. Khi nhà thờ được sử dụng cho các mục đích khác với các mục
đích mà nó được xây dựng, vai trò của nó như là một dấu chỉ của mầu nhiệm Kitô
giáo sẽ gặp nguy hiểm, với ít hay nhiều tổn hại lớn cho việc giảng dạy đức tin
và sự nhạy cảm của dân Chúa, theo lời Chúa nói: “Nhà ta là nhà cầu nguyện”
(Lc 19, 46)”.

Tài liệu cũng nêu ra một số chỉ thị thực tế:

“8 Luật sử dụng nhà thờ được quy định bởi Điều 1210 của Bộ
Giáo Luật: “Trong nơi thánh, chỉ được nhận điều gì giúp vào sự thi hành hay
tăng gia việc thờ phượng, đạo đức, và tôn giáo; phải cấm những gì trái nghịch
với sự thánh thiện của nơi thánh. Tuy nhiên, Bản Quyền có thể cho phép xử dụng
vào những sinh hoạt khác, nhưng chỉ từng lần một, miễn là không trái với sự
thánh thiện của nơi thánh”.

“Nguyên tắc rằng việc sử dụng nhà thờ không xúc phạm sự thánh
thiêng của nơi này, xác định các tiêu chuẩn, mà qua đó các cửa nhà thờ có thể
được mở ra cho một buổi biểu diễn thánh ca hay hòa nhạc thánh ca, nhưng cũng có
thể loại trừ đồng thời các loại âm nhạc khác. Ví dụ, âm nhạc giao hưởng đẹp
nhất tự nó không có tính chất thánh thiêng. Định nghĩa của thánh nhạc hoặc nhạc
đạo rõ ràng phụ thuộc vào việc sử dụng ban đầu của các bản nhạc hoặc bài hát,
và tương tự như vậy vào nội dung của chúng. Như vậy không là hợp pháp khi cho
trình diễn trong nhà thờ âm nhạc, vốn không từ cảm hứng tôn giáo và được sáng
tác nhằm trình diễn trong một bối cảnh thế tục chính xác, không phân biệt đó là
âm nhạc cổ điển hay đương đại, chất lượng cao hoặc nhạc bình dân. Một mặt, các
trình diễn như vậy sẽ không tôn trọng tính chất thánh thiêng của nhà thờ, và
mặt khác, sẽ làm cho âm nhạc được trình diễn trong một bối cảnh không thích
hợp.

“Nó liên quan đến giáo quyền được tự do hành sử quyền bính
của mình trong các nơi thánh (x. Giáo luật, Điều 1213), và do đó điều chỉnh
việc sử dụng nhà thờ trong cách thức duy trì tính chất thánh thiêng của nhà
thờ.

“9 Thánh nhạc, tức là âm nhạc được sáng tác dành cho phụng
vụ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau không còn có thể được thực hiện trong một cử
hành phụng vụ, và âm nhạc tôn giáo, tức là âm nhạc lấy cảm hứng từ bản văn Kinh
Thánh hoặc Phụng vụ, và nhắc đến Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, các thánh hay Giáo
Hội, cả hai có một vị trí trong nhà thờ, nhưng bên ngoài sự cử hành phụng vụ.
Việc chơi đàn organ hoặc các trình tấu âm nhạc khác, dù là thanh nhạc hay khí
nhạc, có thể “giúp thúc đẩy lòng đạo đức hay việc thờ phượng”. Đặc biệt, chúng
có thể:

“a.chuẩn bị cho các ngày lễ phụng vụ lớn, hoặc giúp một tính
cách lễ hội hơn vượt ra ngoài thời điểm của buổi cử hành hiện tại;

“b.mang lại tính cách đặc biệt của các mùa phụng vụ khác
nhau;

“c.tạo ra trong nhà thờ một khung cảnh thẩm mỹ thuận lợi để
suy niệm, để khơi dậy cho cả những người ở xa nhà thờ một sự cởi mở cho các giá
trị tinh thần;

“d.tạo ra một bối cảnh, vốn cổ vũ và giúp tiếp cận việc công
bố Lời Chúa, chẳng hạn, việc đọc Tin Mừng theo cung điệu.

“e.làm sống động các kho báu của âm nhạc Giáo Hội, mà không phải
bị mất đi; các đoạn nhạc và thánh ca sáng tác cho Phụng vụ, nhưng không thể sát
nhập cách thuận lợi vào việc cử hành phụng vụ trong thời đại mới; âm nhạc
thiêng liêng, chẳng hạn các oratorio (thanh xướng kịch) và cantata (đại hợp xướng)
tôn giáo, vốn vẫn có thể phục vụ như là phương tiện để giao tiếp tâm linh;

“f.hỗ trợ du khách và khách du lịch để nắm bắt đầy đủ hơn
tính chất thánh thiêng của một nhà thờ, qua buổi trình diễn đàn organ trong
thời gian chuẩn bị trước.

”10. Khi có đề nghị sẽ có buổi hòa nhạc trong một nhà thờ, Đấng
Bản Quyền sẽ cấp phép per modum actus (từng lần một). Các buổi hòa nhạc này là
sự kiện không thường xuyên. Điều này loại trừ việc cấp phép cho cả một loạt
buổi hòa nhạc, ví dụ, trong trường hợp của một lễ hội hoặc một chu kỳ của các
buổi hòa nhạc.

“Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử
dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham
khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi
hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn
là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn” (Điều 1222, đoạn
2).

“Để tính cách thánh thiêng của một nhà thờ được bảo tồn trong
vấn đề của buổi hòa nhạc, Đấng Bản Quyền có thể qui định rằng:

“a.các đơn xin phải được thực hiện bằng văn bản, trong thời
gian thuận tiện, nói rõ ngày giờ của buổi hòa nhạc, chương trình, cho biết các
tác phẩm và tên của nhà soạn nhạc.

“b.sau khi đã nhận được sự cho phép của Đấng Bản Quyền, các
quản lý và cha xứ của các nhà thờ nên sắp xếp chi tiết với đội hợp xướng và dàn
nhạc, để các qui định được chấp hành tốt.

“c.việc vào nhà thờ là miễn phí và mở cửa cho mọi người.

“d.các ca viên, diễn viên và cử tọa phải mặc y phục xứng hợp
với tính cách thánh thiêng của địa điểm.

“e.nhạc công và ca sĩ không có chỗ trong cung thánh. Sự kính
trọng lớn nhất là dành cho bàn thờ, ghế của chủ tế và đài giảng kinh.

“f.Mình Thánh Chúa cần được lưu giữ càng xa càng tốt, trong
một nhà nguyện bên cạnh hoặc ở một nơi an toàn và trang hoàng đẹp đẽ. (x. Giáo
luật, Điều 938, đoạn 4).

“g.buổi hòa nhạc cần được giới thiệu hoặc trình bày, không
chỉ với các chi tiết lịch sử hay kỹ thuật, nhưng còn trong một cách thúc đẩy sự
hiểu biết sâu sắc hơn và sự tham gia nội tâm về phía thính giả.

“h.người tổ chức buổi hòa nhạc sẽ tuyên bố bằng văn bản rằng
ông chấp nhận trách nhiệm pháp lý cho các chi phí liên quan, cho việc sắp xếp
nhà thờ lại trật tự, và đừng có hư hại xảy ra.

“11. Các chỉ thị thực tế trên sẽ hỗ trợ cho các Giám mục và
Linh mục quản lý nhà thờ trong trách nhiệm mục vụ của mình, để duy trì tính
chất thánh thiêng của nhà thờ, vốn được thiết kế cho các cử hành thiêng liêng,
cầu nguyện và thinh lặng”.

Các quy tắc tương tự sẽ áp dụng cho các sự kiện thế tục được tổ
chức trong các nhà thờ, miễn là chúng được cho phép cách hợp pháp và không trái
với sự thánh thiện của nhà thờ.

Liên quan đến các cử hành đại kết, Chỉ Nam Đại kết chỉ nói ít vào
chủ đề này khi giải quyết khả năng chia sẻ quyền sở hữu của một không gian thờ
phượng của nhiều hơn một cộng đồng:

“139. Khi Đức Giám Mục giáo phận cho phép sự sỡ hữu hoặc việc
sử dụng nhà thờ, theo các qui định có thể được thiết lập bởi Hội đồng Giám mục
hoặc Tòa Thánh, sự xem xét đúng đắn cần được đưa ra cho việc lưu giữ Mình Thánh
Chúa, để cho vấn đề này được giải quyết trên cơ sở của một nền thần học bí tích
đúng đắn với sự tôn trọng phải lẽ, trong khi cũng quan tâm đến sự nhạy cảm của
những người sẽ sử dụng tòa nhà, ví dụ, bằng cách xây dựng một phòng riêng hoặc
nhà nguyện riêng”.

Tuy nhiên, khuyến nghị này, tức là vấn đề được giải quyết trên cơ
sở của một nền thần học bí tích đúng đắn, sự tôn trọng phải lẽ và sự nhạy cảm
của những người tham gia, có thể được áp dụng khi chuẩn bị một cử hành đại kết.

Trước đó, Chỉ Nam nói về vị trí của các khoảnh khắc cầu nguyện
chia sẻ:

112 Mặc dù một nhà thờ là nơi mà một cộng đồng thường quen với
việc cử hành phụng vụ riêng của mình, các cử hành chung được nói ở trên có thể
được cử hành trong nhà thờ của cộng đồng này hay của cộng đồng khác có liên
quan, nếu việc này được chấp nhận bởi tất cả những người tham gia. Dù nhà thờ
nào được sử dụng, nó cần được thỏa thuận của mọi người, có khả năng được chuẩn bị đúng cách và có lợi cho sự thờ
phượng”.

Ở đây, không đề cập đến việc lưu giữ Mình Thánh Chúa khi cho phép
một thỏa thuận như vậy.

Thật vậy, sự hiện diện Thánh Thể có thể là một yếu tố quyết định,
để xem liệu các cộng đồng Kitô giáo khác nhau sẽ tìm thấy sự đồng ý để cầu
nguyện trong một nhà thờ Công giáo hay không. Một số cộng đồng sẽ không gặp khó
khăn và sẽ tỏ ra sự tôn trọng đáng có với niềm tin Công giáo. Trong các trường
hợp khác, các nhóm vẫn có thể là xa nhau, nên tốt hơn là tổ chức nghi thức cầu
nguyện ở một địa điểm khác.

Tôi không tin rằng việc lưu giữ Mình Thánh Chúa nơi khác, để ủng
hộ một số hình thức cầu nguyện chung trong một nhà thờ Công giáo, là một ý
tưởng tốt về mặt đại kết. Dường như là khó tốt cho cuộc đối thoại hiệu quả, khi
một cộng đồng đặt qua một bên khía cạnh trung tâm của việc sống đạo để tỏ ra
cởi mở với cộng đoàn khác.

Tính cách đại kết thật sự thừa nhận sự khác biệt, cũng như nhấn
mạnh đến những điểm chung với nhau.

Nguyễn Trọng Đa(Vietcatholic 20.6.2012/ Zenit.org 19.6.2012)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.