Linh Mục đồng tế có nên chụp hình hay không?

Linh Mục đồng tế có nên chụp hình hay không?

Xin giới thiệu với quý độc giả bài viết và cũng là ý kiến riêng của tác giả Kim Ân về vấn đề “Linh mục đồng tế có nên chụp hình hay không?”. Tác giả là một linh mục đang học ở Rôma.

Từ khoảng
mươi năm trở lại đây, máy ảnh kĩ thuật số trở nên rất phổ biến và ở trong tầm
tay của khá nhiều người. Việc lưu giữ hình ảnh của những khoảnh khắc đặc biệt
trong cuộc đời vì vậy cũng thành ra dễ dàng hơn rất nhiều. Đây dĩ nhiên là một
điều tốt. Tuy nhiên, cũng như mọi thứ của cuộc sống muôn mặt, việc chụp ảnh
cũng có những hệ lụy mà những người sử dụng cần phải lưu ý. Trong khuôn khổ bài
viết này, tôi xin đề cập đến một vài điểm liên quan tới chuyện các linh mục đồng
tế chụp ảnh trong thánh lễ.

Vài điều mắt thấy tai nghe

Có lần,
khi tới hiệp dâng thánh lễ đồng tế tại một nữ đan viện Biển Đức, chúng tôi được
Bà Bề Trên nhắc trước: Hiện
có cha Benoît là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đang nghỉ tại nhà dòng chúng con
vậy trong thánh lễ, xin các cha chớ ngạc
nhiên khi thấy ngài đi đi lại lại chụp hình
. Mặc dù đã được nhắc
trước như thế, nhưng khi trở lại phòng thánh, vị linh mục chủ tế đã nói ngay một
cách không hài lòng: Trop
c’est trop!
 (xin tạm dịch: Thái quá vẫn là thái quá). Tôi cũng rất đồng ý
với vị linh mục chủ tế, vì trong thánh lễ, cha Benoît mặc alba và đeo dây
stola, đi đi lại lại chụp hình trong cung thánh như chỗ không người! Dường như
ngài nhập vai nghệ sĩ nhiếp
ảnh
 “đạt” tới mức ngài quên hẳn mình là một linh mục đồng tế.

Một dịp
khác, khi hiệp dâng thánh cùng khá nhiều linh mục tại một cuộc họp mặt, tôi
nghe một vị đức cao vọng trọng nhắc nhở các linh mục đồng tế rằng: Thưa các cha, việc chúng ta cử hành
thánh lễ nhân danh Chúa Kitô là việc rất cao trọng, tôi tha thiết xin các cha đừng
bỏ việc cao trọng đó để tranh công việc của các phóng viên!
 Một
lần kia, tôi nghe một linh mục nhắc một linh mục khác: Hoặc cha là linh mục đồng tế, hoặc cha
là phóng viên, cha chỉ nên chọn một thứ, cha đừng diễn một lúc cả hai vai!

Ai đã từng
tham dự các cuộc cử hành tại Roma, nếu lưu ý, hẳn đều thấy rằng trước thánh lễ
bao giờ cũng có lời nhắc các linh mục đồng tế không nên quay phim, chụp hình. Một
lần, khi tham dự thánh lễ truyền chức linh mục do Đức Bênêđíctô XVI cử hành,
chúng tôi thấy Đức ông trưởng nghi đã rời bàn thờ, đi xuống phía hàng ghế dành
cho các linh mục đồng tế, để nhắc nhở một vị linh mục không chụp hình khi đồng
tế.

Lỗi vị trí

Những
điều chúng tôi vừa nêu ra ở phần trên cho thấy phần nào vấn đề cần đặt ra ở đây.

Trong
cuốn Miền thơ ấu, ở
chương 10, nhà văn Vũ Thư Hiên có lí giải tại sao ở tuổi ấu thơ ông thích đi dự
lễ: “Tôi mê tính chất sân
khấu của đạo Thiên Chúa đến mức lập tức biến nó thành trò chơi.”
 Câu
nhận xét này dễ bị người hiểu giáo lí cho là một nhận xét hời hợt, vì chỉ nhận
ra được sức hấp dẫn bề ngoài của các cuộc cử hành phụng vụ. Tiếc thay, cung
cách cử hành, đặc biệt việc các linh mục chụp hình khi đồng tế, dường như lại
phản ảnh cách hiểu nông cạn này.

Xét dưới
khía cạnh sân khấu,
vị linh mục đồng tế ở trong tình trạng “chân
không tới đất, cật không tới giời”,
 không thuần túy là diễn
viên mà cũng chẳng hoàn toàn là khán giả. Tình trạng nửa vời này có lẽ khiến
các ngài cảm thấy rỗi rãi, nên việc các ngài tham gia vào việc chụp hình có lẽ
là việc trám chỗ trống: không
làm diễn viên chính thì đành làm phóng viên vậy.

Tuy
nhiên, xét ở góc cạnh khác, chuyện này có thể phản ảnh một vấn đề trầm trọng
hơn, vì nó cho thấy rằng vị linh mục đồng tế dường như thiếu hiểu biết và thiếu
ý thức về việc mình làm, do vậy rơi vào một kiểu khủng hoảng căn tính, crise d’identité. Hiến chế
Giáo Hội, số 11, khẳng định rằng thánh lễ là nguồn mạch và đỉnh cao của toàn bộ
đời sống Kitô giáo. Trong cuộc cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế cũng như đồng
tế cử hành nhân danh Chúa Kitô, là hiện thân của Chúa Kitô, in persona Christi. Việc các
linh mục đồng tế quay phim chụp hình không chỉ sân khấu hóa thánh lễ, mà còn
cho thấy dường như các vị thiếu hiểu biết về vị trí của mình, thiếu ý thức về
tính cách thánh thiêng của buổi cử hành Thánh Thể. Các vị đã tầm thường hóa một
việc mà Hội Thánh xem là nguồn mạch và đỉnh cao trong đời sống của mình.

Đôi điều cân nhắc

Chúng
tôi nghĩ rằng nhiều vị linh mục sẽ phản bác lại ý kiến của chúng tôi với vô vàn
lí do: có những thời khắc quí giá trong cuộc đời trôi qua và không bao giờ trở
lại, việc ghi lại hình ảnh của các thời khắc đó là cần thiết; linh mục ngày nay
cần thích ứng với thời cuộc, với các phương tiện hiện đại và không nên suốt
ngày cứ chăm chú cầu nguyện, xỏ tay lỗ mũi; không cần thiết phải nâng cao quan điểm, trầm trọng
hóa vấn đề v.v…

Chúng
tôi cho rằng các vị linh mục nên nhường việc ghi lại hình ảnh của những thời điểm
đáng nhớ cho những người khác. Dù các vị có là những phóng viên báo chí thực thụ
đi nữa, các vị cũng không nên tranh giành công việc chụp hình của người khác,
khi các vị đã có phận vụ rõ ràng ở nơi trung tâm của cuộc cử hành phụng vụ. Việc
thích ứng với thời cuộc không có nghĩa là các vị linh mục có thể sử dụng các
phương tiện hiện đại mọi nơi mọi lúc, có những ranh giới trong cuộc sống đôi
khi không nên, thậm chí không được phép bước qua.

Ngoài
ra, khi ở vào khu vực trung tâm của cuộc cử hành phụng vụ, việc chụp hình của
các linh mục đồng tế vừa gây chia trí cho cộng đoàn tham dự, vừa làm mất đi phần
nào sự trang trọng cũng như vẻ đẹp của phụng vụ. Chúng tôi cho rằng mất mát lớn
nhất của việc này là thay vì hiệp thông và tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm thánh, các vị
“phóng viên đồng tế” lại gây khó chịu và góp phần làm mất đi sự thánh thiêng của
cuộc cử hành.

Ở đây,
chúng tôi không dám đưa ra một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi đặt ra ở tiêu
đề bài viết. Tuy nhiên, xét tới những thiệt hại có thể thấy được của các phóng viên đồng tế, chúng
tôi mạnh dạn cho rằng các vị linh mục đồng tế không nên quay phim chụp hình. Đó
có lẽ là một ranh giới mà các vị không nên bước qua.

KIM ÂN

Nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.