Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 07/06/2024: Một trái tim yêu cho đến cùng

Trong tập hạt giống nảy mầm có kể rằng: vào năm 1597 lệnh cấm đạo Công giáo trên đất Nhật xảy ra gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng và giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto lấy từ trong đống ảnh đạo một bức ảnh Thánh tâm Chúa Giêsu. Ông nói: Người gì đâu lại để trái tim ra ngoài !
 Tsukamoto là một nhà nho uyên bác. Ông cầm bức ảnh trái tim Chúa coi qua rồi vứt vào trong sọt rác. Nhưng đến tối khi đi ngủ, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn phải có một ý nghĩa nào đó. Ông ra nhặt lại bức ảnh trên để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà ông vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ sau: ”đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.

Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim Chúa trên bàn làm việc cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy bức ảnh liền hỏi :

Này anh bạn, Anh lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi lại thấy rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình, hành động cùng lối xử thế của Kitô giáo. Tôi xin tạm giải thích như sau: Đối với tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên người theo đạo mới vẽ trái tim ra ngoài cơ thể… Nghĩa là phải đem hết tình yêu nơi trái tim mà phục vụ xã hội và giúp ích cho đời; còn về phần mình thì chấp nhận hy sinh, không lo riêng cho bản thân, diệt trừ cái ngã vị kỷ, đem hết tình thương ra giúp đời giúp người.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến!

Là một kitô hữu, chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh trái tim của Chúa Giêsu được đặt bên ngoài lồng ngực của Ngài nên không có sự thắc mắc nào. Thế nhưng, với một người ngoại đạo, Tsukamoto đã nhìn thấy điều bất thường: người gì đâu lại để trái tim ra ngoài. Chính sự bất thường này đã giúp ông ta vận dụng tất cả những kiến thức, sự uyên thâm của mình để khám phá một điều rất tuyệt vời đó là: “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”. Nghĩa là hình ảnh trái tim nằm bên ngoài cơ thể nói lên rằng phải đem hết tình yêu nơi trái tim mà phục vụ xã hội và giúp ích cho đời; còn về phần mình thì chấp nhận hy sinh, không lo riêng cho bản thân. Điều này thật đúng với Chúa Giêsu, một người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để yêu thương nhân loại.

Là Thiên Chúa nhưng Đức Giêsu từ bỏ uy quyền để mặc lấy thân phận kiếp người yếu đuối mỏng giòn. Đây không phải là một cuộc vi hành của Ngài đến trần gian xem thần dân của mình như thế nào nhưng là để “đồng cam cộng khổ” với con người. Ngài cúi xuống để con người được nâng lên. Để cứu chuộc con người, Ngài sẵn sàng cho đi tất cả, kể cả mạng sống của mình. Mặc dù vô tội nhưng Ngài đã mang lấy tội tụy của chúng ta để rồi chịu đóng đinh, chịu chết trần trụi và ô nhục trên thập giá. Ngài cho đi tất cả, hy sinh tất cả không giữ bất cứ điều gì cho mình. Thế nhưng dường như vậy, vẫn chưa đủ, Ngài còn hiến dâng thịt máu của mình làm của ăn, của uống để đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Đức Giêsu chấp nhận trở nên tấm bánh là chấp nhận bị bẻ ra, chấp nhận sự tan nát, vỡ vụn, chấp nhận chịu đau đớn, tan xương nát thịt vì con người. Ngài hy sinh tất cả chỉ vì yêu thương chúng ta. Con người không xứng đáng để đón nhận tình yêu vĩ đại và thẳm sâu của Ngài nhưng chính trái tim rực lửa mến yêu của Ngài đã phủ lấp tội lỗi của nhân loại. Ngài yêu con người vô điều kiện. Tình yêu của Ngài dành cho mỗi người luôn dư tràn dù họ có bội bạc vô ơn hay phản bội chối từ. Ngài yêu nhân loại cho đến cùng. Quả thật, tình yêu đến cùng của ngài đã lấn át sự bội phản trắng trợn của Giuđa khi Ngài nhẹ nhàng nói với ông: “chính con đó” và Ngài khát khao mong chờ sự quay trở lại của ông. Tình yêu đến cùng của Đức Giê su đã phủ lấp sự nhẫn tâm chối Chúa đến ba lần của Phêrô nên Ngài dùng ánh mắt trìu mến nhìn đến ông. Tình yêu đến cùng của Đức Giê su đã quên đi tất cả sự hèn nhát chạy trốn của các tông đồ khi Ngài bị người ta bắt, quên những làn roi đau đớn đến xé lòng của quân lính, quên những tiếng hô to đòi đóng đinh Chúa vào thập giá của người Do Thái, quên những tiếng búa chát chúa xé nát tâm can để rồi Ngài thưa với Cha: Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ, sự dấn thân yêu thương cho đến cùng của Đức Giêsu vẫn tiếp tục thể hiện khi trái tim của Ngài bị đâm thâu, máu và nước chảy ra để trao hết chút sinh lực cuối cùng của Ngài cho nhân loại. Điều tuyệt vời hơn nữa là chính nơi trái tim bị đâm thâu của Ngài đã ban cho Giáo hội suối nguồn ân sủng qua các Bí tích. Từ nơi trái tim bị đâm thâu ấy đã tuôn trào sự sống mới cho nhân loại.

Trái tim yêu cho đến cùng của Đức Giêsu chưa bao giờ ngừng yêu. Ngày hôm nay, con người đang đối diện với chiến tranh, hận thù, chết chóc, bạo loạn,….Ngài vẫn đang cúi xuống để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Những giọt máu và nước từ trái tim Ngài vẫn luôn tuôn trào để nâng đỡ và ban ân sủng cho những ai nương tựa trong cánh tay êm ái dịu dàng của Ngài. Quả là một nguồn an ủi, sự động viên khích lệ cho mỗi người chúng ta khi được trái tim yêu thương của Đức Giêsu bao phủ. Ngài vẫn luôn mời gọi chúng ta chạy đến nương tựa vào trái tim nồng ấm của ngài mỗi khi mệt mỏi vì: “ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng”. Chúng ta hãy nương tựa nơi Trái Tim Chúa để Ngài yêu thương, để Ngài sưởi ấm và để Ngài chở che.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, Trái Tim Ngài là nguồn suối tuôn trào muôn vàn ân sủng và cũng là nơi che lấp muôn vàn tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng với những yếu đuối lỗi lầm của mình nhưng biết chạy đến ẩn náu nơi trái tim yêu thương của Ngài. Amen.

Bích Liễu

Nguồn: chanlyachau.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.