Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 07/03/2024: Làm phúc, bố thí

Có câu chuyện kể lại rằng, ngày xưa, hai gia đình là hàng xóm của nhau cùng chung sống vô cùng vui vẻ, không có thù oán gì, dù một bên thì vô cùng giàu có, một bên lại khá là nghèo nàn.

Bỗng một năm, khi ông trời giáng xuống thiên tai, hủy hoại hết ruộng đồng và nương lúa, mùa màng thất bát khiến gia đình nghèo không có gì để thu hoạch. Vào lúc này, nể tình hàng xóm qua lại bấy lâu, hộ nhà giàu đã lấy ra một thúng gạo trong số lương thực tích trữ của mình để cứu họ khỏi cơn nguy nan.

Sau khi trải qua thời gian khó khăn nhất, gia đình nghèo sang bày tỏ lòng cảm ơn với vị hàng xóm hào phóng của mình. Họ nhắc đến việc mùa màng năm sau không có hạt giống mà sầu lo, vì thế, những người giàu tiếp tục giúp đỡ bằng cách tặng họ một đấu thóc để gieo trồng.

Thế nhưng lần này, thứ mà những người nhà nghèo trả cho họ không phải là lời cảm ơn mà là sự trách móc. Hộ gia đình nghèo nói rằng: “Một đấu thóc này thì làm được gì chứ, gieo không được chục mét nữa là. Mấy người này giàu có mà sao lại keo kiệt và tệ bạc thế nhỉ?”.

Gia đình nhà giàu nghe vậy thì tức giận. Họ vốn có lòng tốt giúp đỡ hết lần này đến lần khác nhưng chỉ đổi lại được những lời oán than và đố kỵ. Từ đó, quan hệ giữa hai bên không khác gì kẻ thù, chỉ vì “một bát cơm có thể nuôi ân nhưng một thúng thóc có thể tạo oán thù”.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Tình huống trong câu chuyện trên dường như đang phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay, đặc biệt trong giới nhà đạo. Vào các dịp Mùa Vọng, Mùa Chay, nhiều người công giáo đáp lại lời mời gọi của Chúa ra đi thực hành việc tông đồ bác ái yêu thương. Bản chất công việc là tốt lành nhưng thực tế vào từng môi trường cụ thể đã nảy sinh nhiều vấn đề phản cảm. Cũng giống như câu chuyện trên hành động tốt của nhà hàng xóm tốt bụng vô tình đã trở thành thói quen cho gia đình nghèo. Khi sự giúp đỡ và cho đi đã trở thành thói quen thì người nhận sẽ không còn cảm thấy biết ơn nữa. Dục vọng giống như nước biển, uống càng nhiều thì chúng ta càng khát. Do đó, chúng ta có cho đi bao nhiêu thì cũng không thể thỏa mãn hết mọi ham muốn của người khác.

Khi một người ở trong hoàn cảnh đói khổ hiểm nguy, họ nhận được một chén cơm, một bát gạo đã có thể giải quyết được vấn đề sinh tử. Họ sẽ cảm thấy vô cùng cảm kích, biết ơn. Tuy nhiên, khi việc bác ái không đúng người, đúng hoàn cảnh thì sự giúp đỡ vô tình là cớ cho họ rơi vào tình trạng lười biếng, ỷ lại và dựa dẫm.

Từ đó, sự giúp đỡ trở thành một hành động đương nhiên. Lúc đó, một chén gạo không đủ, hai chén gạo vẫn không đủ, ba hay bốn chén hay thậm chí là cả thùng gạo vẫn chỉ như muối bỏ biển mà thôi.

Trong cuộc sống, sự cho đi và nhận lại chỉ nên xuất phát từ tình yêu thương và lòng trắc ẩn, sao cho thích hợp với hoàn cảnh của cả đôi bên. Không thể cho đi cách vô tội vã, cũng không thể chỉ đón nhận cách mặc nhiên, vô tình chúng ta biến hành động bác ái yêu thương thành việc bổn phận và trách nhiệm bắt buộc phải làm, không làm hay làm không vừa ý thì đâm ra oán trách, thù hằn.

Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng bị chống đối vì những việc tốt lành người làm cho dân Người. Sau khi trừ quỷ cho một người câm thì người câm nói được, thay vì dân chúng tạ ơn Người nhưng họ đã quay lưng lại dèm pha nói xấu, bảo Người dựa thế quỷ vương để phô trương, cùng phe với quỷ. Một số khác thì thách thức những dấu lạ khác để kiểm tra Người. Thái độ biết ơn được đổi lại bằng những cái nhìn soi mói, hoài nghi và phê phán. Đó là mặt trái của xã hội chúng ta, sự cám dỗ và tội lỗi len lỏi ở khắp nơi, ngay cả trong chính những việc tốt hay những người thánh thiện, nó tấn công chúng ta từ tứ phía tư bề. 

Mùa chay là thời gian chiến đấu chống lại những mưu chước của sự dữ còn chế ngự trong chúng ta. Một trong những phương thế sống Mùa Chay cách tích cực và cụ thể được liệt kê cho chúng ta đó chính là làm việc lành phúc đức, sống bác ái yêu thương với những người nghèo, những người cô thân cô thế, bản chất của những việc làm này không xấu, nhưng đôi khi bị biến chất bởi sự sai lệch về phía người cho hay suy nghĩ sai lầm về phía người nhận. Người cho vì muốn tìm kiếm hư danh, muốn được nổi tiếng, được khen chứ không phải vì lòng trắc ẩn, còn người nhận vì muốn thỏa sự ham muốn, chiều theo lòng tham của mình nên không ngừng đòi hỏi. Do đó, mỗi người chúng ta cần thực thi đức ái cách khôn ngoan và quảng đại.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con ngày nên giống Chúa hơn nơi tấm lòng bác ái yêu thương cách vô điều kiện, vô vị lợi, để chúng con quảng đại thi thố tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh theo như ý Chúa muốn. Đồng thời, xin cho chúng con cũng luôn biết đón nhận với tâm tình biết ơn qua đời sống tốt hơn mỗi ngày. Amen.

Bích Liễu

Nguồn: chanlyachau.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.