ĐỊA ĐIỂM CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA LÀ Ở GIÓCĐAN, KHÔNG PHẢI Ở ÍTRAEN

 
J-P Mauro
“Bêtania bên kia sông Giócđan” được công nhận là  nơi Chúa Kitô chịu phép rửa và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
 
Đức Thượng Phụ La Tinh của Giêrusalem đã tái xác nhận địa điểm Chúa Giêsu Kitô được rửa tội là ở phía đông sông Giócđan, thuộc đất nước Giócđan. Giáo Hội Công giáo đã xác định “Bêtania bên kia sông Giócđan”, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, là nơi mà thánh Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu Kitô.
 
Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa đã đưa ra tuyên bố để giải tỏa sự nhầm lẫn về vị trí của địa điểm Kitô giáo quan trọng này. Trong một bản tin gần đây, Ítraen thông báo đã hoàn thành dự án rà phá bom mìn tại một “địa điểm rửa tội” ở bờ Tây sông Giócđan. Địa điểm này của Ítraen nằm ở phía bên kia con sông “Bêtania bên kia sông Giócđan.”
 
Đức Tổng Giám mục Pizzaballa nói với Catholic News Service :
“Rõ ràng từ các quan điểm lịch sử, khảo cổ học, và trong thực tế thì địa điểm thực sự nơi Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa (ở sông Giócđan) là ở phía Giócđan. Theo truyền thống, lịch sử và theo Kinh thánh, nó nằm ở phía này”.
 
Bêtania bên kia sông Giócđan.” được khai quật hơn 25 năm trước, cho thấy nền móng nhà thờ từ thời La Mã và Byzantine. Người ta tin rằng những tòa nhà này được xây dựng để ghi nhớ địa điểm nơi Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa. Kể từ đó “Bêtania bên kia sông Giócđan” đã trở thành một điểm rất thu hút khách hành hương, đón hơn 100.000 du khách mỗi năm.
 
Một mối lợi cho ngành du lịch
Trong cuộc phỏng vấn với CNS, Đức Tổng Giám mục Pizzaballa tiếp tục gọi nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả, ở bên phía Ítraen, một điểm thu hút khách du lịch. Đức Tổng Giám mục gợi ý rằng dù là vùng tiếp giáp với “Bêtania bên kia sông Giócđan” nhưng nhà nguyện đó không phải là địa điểm nơi Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa.
 
Đức Tổng Giám mục nói: “Có hàng triệu khách hành hương ở phía bên kia (tức là phía Ítraen và Bờ Tây) và họ muốn khám phá địa điểm nơi Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa. Cơ sở lý luận của họ là chúng tôi có hàng triệu khách hành hương không thể đến Giócđan, vì vậy chúng tôi mới đến phía bên này. Bây giờ, sau khi rà phá bom mìn ở nơi này, và tôi cho rằng,  họ đã nhìn thấy tiềm năng kinh doanh”.
 
Cuộc tranh luận về địa điểm phần lớn đã dừng lại vào năm 2015, khi UNESCO công nhận “Bêtania bên kia sông Giócđan” là Di sản Thế giới. UNESCO đã đi đến quyết định sau khi tuân theo sự hướng dẫn của hai Đức Giáo Hoàng. Vào năm 2000 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có mặt tại lễ khai mạc “Bêtania bên kia sông Giócđan”, lúc đó Đức Giáo Hoàng đã công nhận địa điểm này như thế. Tình cảm này càng được Đức Giáo Hoàng Biển Đứct XVI ủng hộ, khi Ngài đến thăm địa điểm này vào năm 2009.
 
Về phía Ítraen, các bãi mìn vốn đã được gài đặt vào giữa thế kỷ 20 cuối cùng đã được gỡ bỏ. Nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả gần đây cũng đã được trả lại cho các tu sĩ của dòng Phanxicô, là những người trước đây đã chăm sóc nhà nguyện và các thánh lễ đã được cử hành trở lại. Khu vực này, ngay bên kia sông Giócđan, đối diện với địa điểm rửa tội ở phía Giócđan, dự kiến ​​sẽ có thêm một số công trình xây dựng nhà thờ và trở thành một điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch.
 
Thánh lễ được cử hành trở lại tại nhà thờ Bờ Tây sau khi rà phá bãi mìn.
 
 
Nhà nguyện đã bị bỏ hoang hơn 50 năm trước. Bây giờ các tu sĩ của dòng Phanxicô, là những người trước đây đã chăm sóc nhà nguyện, đã trở lại.
 
Nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả, ở Bờ Tây, đã thông báo sẽ mở cửa trở lại để tổ chức Thánh lễ vào tháng 1 năm 2021. Trong hơn 50 năm, địa điểm này đã không thể tiếp cận được vì bị gài mìn rải rác khắp nơi. Bây giờ, sau khi dọn sạch mìn khỏi khu vực, khu di tích lịch sử này sẽ lại bắt đầu đón khách du lịch và những khách hành hương. Thánh lễ đầu tiên sẽ được cử hành trùng với Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả.
 
Theo tạp chí Crux Now, địa điểm này là địa điểm diễn ra cuộc giao tranh giữa Ítraen và một số quốc gia Ả Rập vào năm 1967. Được gọi là Chiến tranh 6 ngày, quyết định cuối cùng của cuộc xung đột đặt quyền giám hộ vùng đất này vào tay Ítraen, nhưng cả hai bên đã chôn mìn trong khu vực. Địa điểm này đã từng chứng kiến ​​thêm một số cuộc xung đột trong suốt những năm 1960 và 1970, nhưng ngay cả khi giao tranh đã dừng lại, khu vực này đã được rào lại vì người ta sợ các bãi mìn.
 
Một quá trình dài và nguy hiểm
Việc rà phá bom mìn là một quá trình diễn ra chậm chạp, bắt đầu bằng việc ký kết một thỏa thuận quốc tế về rà phá bom mìn vào năm 1999. Giócđan là quốc gia đầu tiên hoàn thành việc rà phá bom mìn. Các nỗ lực rà phá bom mìn của Ítraen ở Bờ Tây bắt đầu vào năm 2016, và một trong những địa điểm đầu tiên được rà phá là Qasr-al-Yahud, một điểm dọc theo sông Giócđan mà một số người theo Thiên Chúa Giáo tin rằng là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả  làm phép rửa cho Chúa Giêsu.
 
Các tài sản khác của Nhà thờ, bao gồm các tu viện và Nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả, vẫn bị cấm không được lui tới trong suốt quá trình 5 năm. Bây giờ thực địa đã được dọn sạch mìn, Dòng Phanxicô Giám hộ Đất Thánh, các tu sĩ trông coi nhà nguyện trước đây, đã có thể lấy lại tài sản.
 
Linh mục Ibrahim Faltas dòng Phanxicô, Chưởng ấn Dòng Phanxicô Giám hộ Đất Thánh thông báo rằng Thánh lễ đầu tiên sẽ được cử hành trở lại vào ngày 10 tháng 1 năm 2021. Ngài nói:
 
“Đó sẽ là một ngày rất đặc biệt. Sau ngần ấy thời gian, chúng tôi đã trở lại. Điều này cho chúng ta hy vọng về hòa bình. Đối với chúng tôi, đây là một dấu hiệu không để  mất hy vọng, không mất hy vọng hòa bình”.
 
Bảo tồn lịch sử
Báo cáo tiếp tục lưu ý rằng tòa nhà, vẫn còn nguyên vẹn kể từ khi nó bị bỏ hoang vào năm 1967, sẽ không được sửa chữa. Những bức tường, được đánh dấu bằng những lỗ đạn, sẽ sừng sững như một minh chứng cho sự bền bỉ của Giáo Hội và những trận chiến đã diễn ra trên vùng đất này. Tuy nhiên, người ta có kế hoạch làm mới lại các khu vườn để làm đẹp cho cơ ngơi.
 
Leonardo Di Marco, một kỹ sư xây dựng và là giám đốc văn phòng kỹ thuật của Ban Giám hộ, nhận xét:
 
“Đây là lịch sử đã qua của nơi này, bạn không thể hủy bỏ những điều đó. Cánh cửa đầy lỗ đạn, bên trong những cánh cửa gỗ. Đây sẽ là một phần trải nghiệm của khách hành hương. Bản thân nơi này đang nói lên một điều gì đó quan trọng,” Di Marco nói. “Điều đó quan trọng; đây là một địa điểm tôn giáo, nhưng không chỉ như vậy. Đó cũng là một nơi đã từng chúng kiến một cuộc chiến”.
 
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.
 
https://aleteia.org/2021/01/25/jesus-baptism-site-in-jordan-not-israel-catholic-archbishop-clarifies/?utm
 

Nguồn: http://tinvui.org/vi/news/Tim-hieu-Song-dao/dia-diem-chua-giesu-chiu-phep-rua-la-o-giocdan-khong-phai-o-itraen-19849.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.