Truyền giáo: Còn đó những nỗi lo

Thực tế, đối diện với những cơn dịch bệnh, để giữ tròn đạo nghĩa quả là vấn đề nan giải và lắm gian nan. Và, với sứ mạng truyền giáo, giáo dân ở vùng truyền giáo em chừng ra còn gian nan gấp mấy …

Thật vậy, như câu cửa miệng mà ta thường nghe nói : “Có thực mới vực được đạo” quả không sai. Khi con người đối diện với cơn đói, cơn khát thì chuyện nhà thờ nhà thánh quả là quá khó. Đó là chưa nghĩ hay nói đến chuyện “bần cùng sinh đạo tặc”.

Là người, bất cứ là ai và trong hoàn cảnh nào, để theo đạo và giữ đạo thì cuộc sống của họ phải an yên. Một khi còn lo no lo đói thì lòng của họ làm sao đến với Chúa hay theo Phật được ?

Và, cuộc đời nó đưa đẩy để rồi không ai có thể nghĩ đến hay dám nhớ đến chữ “ngờ” trong cuộc sống.

Cơn bão cuồng phong của dịch bệnh phá banh biết bao nhiêu dự án cũng như ước muốn của con người. Đơn giản nhất là chỉ đến với nhau và thăm nhau thôi cũng còn ngăn sông cách trở chứ huống hồ gì nói chuyện cao xa.

Đời sống con người ngày mỗi ngày đối diện với bao nhiêu cái khó. Cái khó, cái khổ nhất vẫn là đối diện với cơm áo gạo tiền để rồi tự nhiên bởi lòng người, người ta nghĩ ngay đến chuyện chia cơm sẻ áo. Dĩ nhiên chia cơm sẻ áo là chuyện rất cần và cần lắm trong cuộc sống hay như trên con đường truyền giáo. Thế nhưng rồi cạnh chuyện cơn áo đó còn biết bao nhiêu điều phải lo lắng như ngôn ngữ, văn hóa, tập tục của người bản xứ. Để truyền đạt giáo lý đức tin cho những người có nền văn hóa tín ngưỡng hoàn toàn khác với nhà truyền giáo không phải chuyện dễ ăn.

Và bao nhiêu kinh nghiệm của bao thế hệ cha ông để lại về vật chất. Vật chất xem chừng là con đường ngắn nhất nhưng lại là con đường xấu nhất khi vật chất không còn trao tay nữa.

Truyền giáo đâu hẳn chỉ là bì gạo hay thùng mì gói kèm theo khuyến mãi chai nước mắm bì bột nêm. Nếu cứ nghĩ truyền giáo đơn giản như vậy chắc có lẽ người ta theo đạo hết rồi.

Dù không sống hay chả biết đời ông Diệm nhưng câu nói “Đạo Ông Diệm” quả không sai.

Mới đây, sau bữa cơm chiều với những người gạo cội, những người đó không ngần ngại bộc bạch thao thức của mình khi nhìn cánh đồng truyền giáo ngay tại nơi đây. Người thao thức hồi ức về viễn cảnh của linh mục ngày xa xưa lắm. Rồi sau đó là sự hiện diện của vị Hòa Thượng dễ mến đáng yêu. Và sau đó là thời của anh em Tin Lành. Đến giờ coi như chấm một dấu chấm tròn cay đắng.

Cha Tr ! Ngài miệt mài với người nghèo. Ngài mua từng cái chăn, cái gối và cái mùng để nâng niu người cơ nhỡ. Họ theo Cha một thời gian. Tiền hết, bạc cũng chẳng còn để rồi người ta không đến với Nhà Thờ nữa.

Hòa Thượng TTY ! Người tiếp nối công việc của cha Tr. Hòa Thượng cũng đã cưu mang, ấp ủ họ bằng cả tấm lòng và cốt cách của người tu. Thế nhưng khi hơi tàn sức kiệt họ cũng giũ áo ra đi.

Anh em Tin Lành lại đến ! Có những quy luật cay nghiệt như từ bia bỏ rượu nhưng họ vẫn theo. Theo để được hưởng chút tư lợi vật chất. Đến khi vật chất không còn thì họ cũng từ chối ra đi. Giờ đây họ cũng trở lại cái nếp cũ thói xưa là nhậu nhẹt vô tư thoải mái.

Bao nhiêu chuyện băn khoăn như không lối thoát đang được chấn vấn với mọi người trong nẻo đường truyền giáo. Rồi những ngày tới đây nhân tình thế thái và đạo nghĩa sẽ ra sao khi  cuộc sống của những người vốn đã nghèo mà nay bế tắt.        

Đó là chưa nói đến chuyện một số anh hùng hảo hớn ngồi tranh nhau ngôn ngữ : Tôi không chịu chữ này, tôi không thích chữ kia … Hay như là Giáo Phận này không được dùng câu này mà phải dùng câu nọ. Chuyện quan trọng nhất là dân có hiểu mình nói cái gì và từ bấy lâu nay dân hấp thụ được những gì khi mình nói hay như là mình tự sướng rằng mình nói mà dân đã hiểu. Cần kiểm chứng lại thì sẽ thấy được thực trạng bi thương. Không nên ăn mày quá khứ cũng như tự sướng để nhìn một mái nhà đang sụp đổ vì không chân.

Dân có hiểu điều mình nói đâu mà la lớn. Những kẻ tai to mặt lớn nói nhiều trong những lần làm chứng cần phải xem lại đời sống thật của ông ta, chị ta.

Bỉ nhân không ngần ngại chia sẻ công khai với nhiều người rằng giờ đây có mở cửa bình thường trở lại đi chăng nữa thì lượng người đến với Chúa cũng giảm thôi. Nhiều và nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nhạt nhẽo nhưng chính yếu nhất vẫn là kế sinh nhai. Mình thấy họ thiếu mình vun đắp nhưng liệu rằng mình mãi đủ sức để chu cấp cho họ không ? Hay như là hết tiền hết bạc hết chức hết thầy tôi ! Đến khi không còn khả năng chu cấp nữa thì chuyện chuyện tình chia hai lối cũng là chuyện đã xảy ra.

Ai nào đó muốn biết thực hư hay nghiên cứu thì xin mời đến, ở lại và nghiền ngẫm. Bởi lẽ nhìn từ xa cũng như phán từ “trển” thì mãi mãi cũng như câu chuyện cười thầy mù bói sờ voi thôi.

Thế cho nên nên chăng bớt nói lại,bớt bàn lại và bớt hội nghị lại. Và nên chăng càn đến để nhìn thấy những thực tại khó khăn và cùng tìm ra giải pháp.

Bao nhiêu năm rồi theo đuổi chủ nghĩa hình thức và vỏ bọc bên ngoài cũng đủ làm tê tái công cuộc truyền giáo. Phải có một bước ngoặc mới, một hướng đi mới phù hợp với sở tại hơn chỉ là đưa ra lý thuyết.

Cần và cần lắm sự hiện diện của các nhà truyền giáo học, của những tiến sĩ truyền giáo đến và ở lại với những con người nghèo và tìm ra lối thoát cũng như dạy những người đang hiện diện với người nghèo nơi người nghèo sinh sống. Một khi cứ chạy theo hình thức và chữ nghĩa như hiện nay thì trăm năm nữa truyền giáo vẫn chỉ ở mặt chữ mà thôi vì chỉ là trên lý thuyết.

Và, đơn giản nếu như vốn liếng Kinh Thánh hay giáo lý được “đào sâu cuốc bẫm” e có lẽ sẽ không rụng rời theo con số kinh khủng ngày hôm nay. Bởi thế cho nên cần thêm lời cầu nguyện cũng như đường hướng từ những chuyên viên, những tiến sĩ giáo sư về truyền giáo học hầu giúp cho việc truyền giáo được mở ra tốt đẹp cũng như được đơm hoa kết quả nhiều như lòng Chúa mong muốn.

Lm. Anmai, CSsR

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.