Tín hiệu trăn trở từ vùng Truyền giáo

Sáng nay, dậy sớm vì phần đã cao tuổi cũng như lạ chỗ. Tưởng chỉ có mình mình, “đồng chí” bạn nằm cạnh cũng dậy luôn.

Rửa mặt xong, nhâm nhi ly cà phê đắng. Anh phì phà nhả từng vòng khói thuốc rất điệu nghệ. Không biết ai mới cho Anh điếu xì gà để rồi ngồi ngửi ké cũng thấy vui. Mà nghe đâu người hít xì gà thích hơn người hút. Hình như đúng chứ chả phải nghe khi hít phải xì gà.

Từng ngụm cà phê, từng cơn rít thuốc Anh “trút bầu tâm sự”.

Chuyện là vùng đất Anh được bài sai đưa đến trước đây là vùng đất “màu mỡ”. Thường thì cứ đến đêm Phục Sinh là vài trăm và có lúc cả ngàn người thanh tậy. Thế nhưng rồi những năm gần đây con số thanh tẩy vào đạo xem chừng ra xuống hẳn. Dịp Covid vừa qua cùng với những khó khăn trong thực tế thì con số ấy cứ nhỏ dần và nhỏ dần.

Anh nói nhiều khi Anh muốn nghĩ cũng nghĩ không ra luôn. Quý Cha vùng phụ cận cũng ngồi lại với nhau để bàn tính có cách nào đó để truyền giáo hiệu quả nhưng dường như chưa có lối ra. Có lẽ nguyên nhân chính vẫn là chuyện kinh tế.

Suy nghĩ một hồi Anh nói :

– Các cha trước dường như có tiền và các cha đã tiếp tế cho dân nhiều. Họ thường xuyên nhận phụ cấp như là thói quen để rồi khi mình về đây mình không có phát quà nữa nên số dân đến Nhà Thờ càng ngày càng ít. Kèm theo đó, quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ và văn hóa.

Nghỉ một chút, Anh nói tiếp :

– Đôi khi các cha bảo học ngôn ngữ để nói ngôn ngữ bản xứ nhưng ngay cả người trong làng họ nói còn chưa hiểu nhau. Chưa nói đến là vùng này nói vùng kia cũng không hiểu kiểu tiếng của người Huế nói với người miền Nam vậy. Cạnh đó là văn hóa. Văn hóa của người đồng bào hoàn toàn khác với người Kinh. Đây là trở ngại lớn trong việc truyền giáo. Người đồng bào luôn mặc cảm cũng như dễ giận và cái tôi cũng quá lớn.

Nghỉ một chút, Anh lại tiếp :

– Cạnh đó còn quá nhiều vấn đề của truyền giáo. Ngày nay, người đồng bào học đòi theo cách của người Kinh. Nhà dù nghèo nhưng cha mẹ vì thương con cái nên chiều theo con cái. Nhà nào cũng có xe máy đắt giá cũng như điện thoại đắt tiền. Con cái đòi mà cha mẹ không cho thì tự tử. Chính vì thế, có những gia đình đành bán đất để mua cho con.

Nghe xong, bỉ nhân hỏi :

– Còn gì khó nữa không Cha ?

– Còn chứ ! Bọn nhỏ đi học về thì không kiếm được việc làm nên nản chí và không muốn đi học nữa ?

– Còn chuyện Thánh Lễ, Thánh Kinh, Giáo Lý thì sao Cha ?

– Ồ ! Thánh Lễ thì ngày nay đi ít lắm ! Thánh Kinh thì phần lớn họ đâu có hiểu đâu. Bản dịch Kinh Thánh có đó nhưng chưa chắc họ hiểu. Giáo Lý thì càng bế tắt. Có những người theo đạo lâu năm khi được hỏi mùa Chay có mấy tuần thì họ không biết. Ngay cả Giáo Lý Viên cũng không biết Mùa Chay có mấy tuần. Và, có cả người trong ban hành giáo còn không biết Tuần Thánh là gì ?

– Các cha công nhận vất vả nhỉ ?

– Vất vả thì cũng không vất vả vì có Chúa lo. Có khó khăn chứ không có vất vả. Chuyện là một số người ngủ quên trên chiến thắng, ăn mày quá khứ về những chuyện đã qua. Ngày hôm nay dân đâu có đến Nhà Thờ, đâu chịu học Kinh Thánh và Giáo Lý đâu. Cũng cố dạy nhưng họ không hiểu và không nhớ những kiến thức cơ bản mà … Ngày nay đâu phải như ngày xưa đâu mà ngồi đó phán. Để dạy Kinh Thánh, Giáo Lý cho người đồng bào đâu phải dễ. Ngôn ngữ mà các cha biết chỉ là để giao tiếp thôi chứ chưa chắc người ta hiểu.

Đang say sưa tán về chuyện truyền giáo thì chuông đổ báo hiệu giờ Lễ sắp bắt đầu.

Thánh Lễ truyền Dầu kết thúc và anh em lên đường về nơi mục vụ.

Sau chút ít thời gian gặp gỡ đàn anh ở nơi tuyến đầu của truyền giáo xem chừng ra khó quá ! Vấn nạn lớn vẫn là vật chất. Ngày hôm nay, áp lực của vật chất, của công ăn việc làm quá nhiều để rồi họ dần dần không gắn bó với Nhà Thờ nữa.

Chiều đến, ngồi chờ rửa xe, gặp một giáo dân gần Xứ bèn hỏi chuyện về truyền giáo. Người đó cũng không ngần ngại nói về chuyện truyền giáo về vật chất. Đời trước, ở cái xứ mà anh biết dùng tiền quá nhiều đổ cho dân. Cho đến khi hết tiền hết quà thì họ bỏ đạo là điều không khó hiểu.

Lại một đêm trăn trở và không ngon giấc cho truyền giáo. Tưởng nghĩ những vùng truyền giáo cần và cần lắm những chuyên viên, những tiến sĩ và giáo sư về truyền giáo đến cũng như ở lại để truyền đạt những gì cần thiết cho những vị đang sống và truyền giáo tại xứ truyền giáo. Có như thế thì hy vọng sẽ có những lối ra cho truyền giáo.

Nói như kiểu một Cha đã ở cái vùng truyền giáo này xem ra thật đắng đót : “5 năm tới đây không biết tình hình truyền giáo ở vùng này sẽ ra sao ?”. Có anh đùa vui “Chỉ cần tính dự định của 1 hay 2 năm thôi. Tính 5 năm xa quá !”

Thế đó ! Vấn nạn truyền giáo thật không đơn giản. Những ước mong Giáo Hội có những thợ gặt lành nghề đến những cánh đồng để gặt lúa như lòng Chúa mong muốn.

Lm. Anmai, CSsR

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.