Tiếng Chuông

Trong kiến trúc Công giáo, tháp chuông là một công trình hết sức quan trọng và không thể thiếu đối với một Ngôi Thánh đường.

Người Công giáo nói riêng và có thể rằng, đại đa số người Việt Nam
nói chung trong đời mình đã từng rất nhiều lần được nghe tiếng chuông nhà thờ.
Xúc cảm và nỗi niềm của từng người về tiếng chuông có thể sẽ tỉ lệ thuận với
thời gian mà đến một lúc nào đó, khi ta sống ở nơi không có tiếng chuông thì ta
mới ngộ ra rằng mình đang bị thiếu vắng một âm thanh mang nhiều ý nghĩa của
cuộc sống mà bấy lâu nay ta ít để ý tới bởi vì nó quá đỗi quen thuộc; Với người
Công giáo, âm thanh của tiếng chuông nhà thờ đã trở thành một yếu tố đã được
mặc định trong đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta. 

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa những thông điệp, những sắc
thái, những giá trị văn hóa và mặc nhiên trở thành đối tượng mang lại sự hứng
khởi để nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa…làm nên những tác
phẩm hoặc những đề tài nghiên cứu của mình.

Lời tâm sự của một người ngoại đạo tuy đơn sơ nhưng lại tha thiết
trong bài thơ ‘Khấn Nguyện” của Thi sĩ Khánh Quỳnh có đoạn:

…“Dưới tượng Người con thì thầm nho nhỏ

Xin ngôi cao minh chứng tấm lòng yêu

Chuông nhà thờ vọng vang mỗi buổi chiều

Chúa Nhật lễ sóng vai vào khấn Chúa”…

Và trong nhạc phẩm “Và Như Cơn Gió Thoảng” nhạc sĩ Bảo Chấn viết
như sau:

“Và như cơn gió thoảng

Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga ngân nga

Ðể em trong giấc mộng cầm tay anh

Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh sao sáng”…

Có lẽ là không quá khi chúng ta cho rằng tiếng chuông nhà thờ được
ví như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò trung gian, kết nối và chỉ lối
cho mọi người đến với Chúa mà bất kể họ là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, học
cao hay thấp… thì cũng chỉ thế thôi! Và không một ai có thể độc quyền sở hữu
tiếng chuông nhà thờ cho riêng mình, mà tất cả mọi người đều được sự đồng hưởng
âm thanh tiếng chuông trong một không gian thiêng liêng tha thiết, nhẹ nhàng,
thanh thản để gửi gắm tiếng lòng và niềm tin yêu của mình vào Thiên Chúa. 

+ Tiếng chuông nhắc nhở mọi người đến với Chúa qua việc đến Nhà
Thờ tham dự Thánh Lễ:

Thiên Chúa luôn thương yêu chúng ta và Ngài luôn muốn mọi người
chúng ta được sống hạnh phúc và được muôn ơn lành do Thiên Chúa trao ban. Tuy
nhiên, lắm khi chúng ta tự đánh mất những sự quí giá ấy khi chúng ta không thể
chế ngự được cái bản năng thấp hèn của mình, chúng ta để cho cái tôi xấu xí của
mình lên ngôi, làm hoen ố bầu khí yêu thương mà Chúa luôn mong muốn ở mỗi người
chúng ta. Thiết nghĩ, những lúc gặp khó khăn như vậy, chỉ cần một phút lắng
lòng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, để rồi chúng ta chạy đến cùng Chúa và
thân thưa với Ngài để được nhận sự bao dung từ Người Cha chung duy nhất của mỗi
chúng ta. Chúng ta xác tín rằng, khi đến với Chúa, dù thế lực của bóng tối và
sự dữ có tầm khuynh loát như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải dừng
bước trước ánh sáng tình yêu của Chúa khi soi rọi vào tâm hồn của mỗi chúng ta.
Và khi đó, sự lành sẽ lên ngôi!

+ Tiếng Chuông Chào Mừng Đấng Cứu Thế: 

Tiếng chuông ấm cúng sưởi ấm mỗi người chúng ta trong đêm đông giá
lạnh, là niềm vui, là niềm hy vọng không chỉ riêng cho tín hữu Công giáo mà đến
nay sự lan tỏa của niềm vui Giáng sinh đã bao trùm ở cả cấp độ thế giới:

“Mừng ngày chúa sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười 

Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui 

Mừng ngày giáng sinh an hòa ,mừng hạnh phúc cho muôn nhà ! 

Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng

Đêm noel đêm noel ta hãy cùng vui lên!

Đêm noel ơi đêm ta xin ơn trên ban hòa bình cho trần thế

Đêm noel! chuông vang lên! chuông giáo đường vang lên

Đêm noel đêm noel ta hãy chúc nhau câu cười!”… (James S. Pierpont)

+ Tiếng Chuông Mừng Chúa Phục Sinh:

Tiếng chuông hoan hỉ, vỡ òa niềm vui trong đêm Đại Lễ mừng Chúa
Phục sinh đã cho chúng ta biết:

“Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa đã sống lại thật rồi người ơi vui
lên tiếng ca. Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa chiến thắng tử thần rồi đem nguồn
hạnh phúc khắp nơi

Vì đêm qua đã tàn rồi. Giờ vinh quang Chúa rạng ngời. Ngày tươi
lên ánh vui. Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời. Ngài ban cho khắp trần đời. Mừng hát
lên người ơi”…
.( Nguyễn Duy).

+ Tiếng chuông cho biết một đôi uyên ương lãnh nhận Bí tích Hôn
phối:

Thật là đẹp đẽ và Thánh thiêng biết bao khi: 

Chú Rể: “em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và
trung thành của anh, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Cô Dâu: “anh hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và
trung thành của em, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Tiếng chuông nhà thờ rộn rã vang lên báo hiệu niềm vui và cho biết
rằng đại gia đình của Giáo hội vừa có thêm một thành viên gia đình mới. Đây
chính là đặc điểm khác biệt và chỉ có ở trong hôn nhân Công giáo! Và nền tảng
của hôn nhân Công giáo chính là tình yêu trong Chúa và bất khả phân ly.

+ Tiếng chuông cho biết cuộc sống của một người đã có Sự Thay Đổi:

Tiếng chuông sầu, từng nhịp buồn, lặng lẽ… Tiếng chuông nhân từ
báo hiệu 7 tiếng cho biết người nam, 9 tiếng cho biết người nữ vừa mới qua đời.

Với người công giáo thì hẳn nhiên luôn có niềm tin và hy vọng lớn
lao vào sự sống mai sau và vĩnh cửu:

“Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên
giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn
nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn,
đẹp mãi niềm vui”…
 (Phanxico).

Vì thế, tiếng chuông sẽ thôi thúc chúng ta mau chóng chạy đến với
anh chị em của mình, bằng câu kinh tiếng hát dâng lên Chúa, xin Chúa thương xóa
tội để linh hồn của những anh chị em ấy sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

+ Tiếng chuông của những sự kiện khác:

Tiếng chuông trong Thánh Lễ giao thừa, cộng đoàn tạ ơn Chúa qua
một năm được nhận lãnh những ơn lành Chúa ban và cầu xin một năm mới bình an;
Tiếng chuông báo hiệu cho các vị phụ huynh đưa con đến nhận lãnh Bí Tích Rửa
tội; Tiếng chuông của những giờ chầu Thánh Thể… tất cả mang âm hưởng thánh
thiện, kết nối chúng ta đến với Chúa.

+ Tiếng chuông Nhà thờ Duyên Lãng – Xuân Lộc quê tôi:

Giáo xứ Duyên Lãng, Xuân Lộc quê tôi có truyền thống đạo đức tốt
đẹp và đời sống đức tin bấy lâu nay được chăm sóc bởi một vị Mục Tử Nhân Lành –
đáng kính!

Tiếng chuông nhà thờ Duyên Lãng đều đặn ngân vang thường nhật hai
lần vào ngày thường, buổi sáng sớm lúc 03g45, buổi chiều lúc 16g30; Ngày Chúa
nhật ba lần, buổi sáng lúc 03g45 và 06g30, buổi chiều lúc 15g00; Tiếng chuông
báo hiệu giờ đọc kinh Mân Côi và chầu Thánh Thể vào lúc 18g30 mỗi tối thứ năm
hàng tuần; Tiếng chuông buổi chiều thứ năm đầu tháng báo hiệu sinh hoạt giới
Hiền Mẫu, sau đó là Thánh Lễ; Tiếng chuông buổi chiều thứ sáu đầu tháng báo
hiệu giờ Đền Tạ Thánh Tâm Chúa, sinh hoạt Giới Gia Trưởng, Thánh Lễ… và những
tiếng chuông vang vọng tự khắc khơi gợi sự Thánh thiện của mỗi giáo dân, đã tự
vẽ ra khung cảnh lúc bình yên, lúc sinh động trong xứ đạo khi thực thi đời sống
đức tin.

Không “ngoa” khi cho rằng tiếng chuông buổi sáng sớm tại xứ đạo
Duyên Lãng vô hình trung đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức chung của cả địa
bàn xã Nhân Nghĩa, một phần của xã Long Giao và Hàng Gòn. Khi tiếng chuông ngân
vang, những giáo dân đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, những cư dân địa phương là
người lao động hay những tiểu thương, viên chức…thức giấc để chuẩn bị bắt tay
vào công việc của một ngày mới, những học trò thức sớm ôn bài vở trước khi đến
trường,… 

Một lúc nào đó khi bạn muốn rời khỏi nơi ồn ào náo nhiệt, mời bạn
về thăm xứ đạo Duyên Lãng của chúng tôi; Để mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ,
bạn sẽ được trải nghiệm về một vùng quê êm đềm; tiếng chuông thanh bình sẽ giúp
mỗi chúng ta thức tỉnh, đưa chúng ta trở về với thực tại trong vòng tay yêu
thương của những giáo dân hiền hòa và sự quan phòng của Chúa. 

+ Lời kết:

Vấn đề đô thị hóa tại những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… và
những âm thanh từ những nhà máy, xí nghiệp cộng với cuộc sống xô bồ đã và đang
làm mờ dần đi những tiếng chuông nhà thờ. Dẫu biết rằng tiếng chuông nhà thờ
trong thành phố vẫn đổ nhưng hiệu ứng âm thanh của tiếng chuông đã không còn
vang vọng đến tai của giáo dân do tác động của những âm thanh hỗn tạp. 

Đối với những người hoài cổ thì việc nghe được tiếng chuông nhà
thờ hiện nay tại các thành phố lớn sẽ là điều sa sỉ, và với họ miền kí ức về
tiếng chuông nhà thờ ngân nga bấy lâu nay bất chợt lại hiển hiện quay về.

Khi hỏi một giáo dân rằng âm thanh nào quen thuộc, ấm áp và dễ
chịu nhất đối với họ thì tôi tin rằng, họ sẽ trả lời đó là tiếng chuông nhà
thờ!

Không biết từ bao giờ, tiếng chuông đã đi vào tiềm thức của mọi
người như là một âm thanh thiêng liêng và không thể thiếu trong cuộc sống đời
thường. Với nhiều người, tiếng chuông đã không thể tách rời với ký ức tuổi thơ,
với những kỷ niệm khó quên và luôn mãi gắn liền cho đến khi họ trưởng thành và
cả khi tuổi của họ đã về chiều xế bóng. Quay về ký ức tuổi thơ thì không ít
người trong chúng ta đã từng được đu theo sợi dây chuông và từng hân hạnh được
nhận những “ nhát roi tình thương” của cha mẹ khi đã chuông nhất rồi mà vẫn
chưa tắm rửa để đi Lễ!

Không cần phải tranh luận làm gì mà phải khẳng định luôn rằng mỗi
nhà thờ chắc chắn sẽ có một tháp chuông. Nhưng chúng ta lại ít khi nghĩ tới
rằng ai sẽ là người đảm nhiệm việc giật chuông. Công việc tưởng chừng như đơn
giản nhưng không hề đơn giản tí nào. Đây là công việc chỉ thực hiện được bởi
những người có tâm huyết, siêng năng, đạo đức, biết hy sinh và lặng thầm với
công việc của mình. Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành để họ luôn hoàn thành phần
việc của mình một cách tốt đẹp nhất, để âm thanh từ tiếng chuông nhà thờ được
liên tục ngân vang trong mỗi xứ đạo của chúng con, để những người con xa quê
hương vẫn cứ mang một nỗi nhớ và tìm về ./.

Joseph Nguyễn

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.