Nhớ những “cửa hàng rong”

Dù không còn xa lạ, nhưng mỗi khi nghe bài hát Gánh hàng rong của Lê Quốc Dũng, tôi lại càng thấm thía hơn và cảm nhận mỗi lần khác hơn, mới hơn về sự vất vả, nhọc nhằn, nắng mưa, mồ hôi và sức nặng của những gánh hàng rong.

Bởi trong
tôi không dừng lại chỉ như đang thưởng thức một bản nhạc, mà như đang dâng lên
niềm yêu mến và cảm phục dành cho những anh chị em dù nghèo, dù tảo tần nhưng
luôn muốn sống bằng chính sức lao động và bằng sự lương thiện của mình qua
những bước chân giữa phố thị đầy nhộn nhịp, đầy tiếng ồn, đầy nắng mưa sương
gió, hay những tiếng rao có lúc nghe như khản giọng, như khàn đục nơi cổ
họng…

Lời
bài hát còn đưa tôi về lại ký ức của chính mình, dẫu đã mấy chục năm trôi xa,
nhưng vẫn hằn trong tôi vô cùng sống động. Vì thế, đã có lúc tôi rung lòng đến
rưng rưng khóe mắt…

Ngày
ấy, sau khi hết phổ thông trung học, một mình từ chốn quê vào Sài Gòn, tôi
chẳng khác “thằng khờ ra tỉnh”. Mọi thứ xa xôi, lạ lẫm…

Đến ở
trọ trong một hẻm nhỏ gần ga Sài Gòn, quận 3, mà hàng ngày trên đường đi học,
bắt đầu từ căn gác trọ đến trường, không ngày nào là tôi không gặp những khuôn
mặt bán hàng rong quen thuộc.

Đó
chính là những thân gầy phải cất từng bước chân, từng tiếng hát lạc lỏng và vất
vả vì cuộc mưu sinh dường như rất mệt mỏi, có lúc tôi cảm nhận như những đôi chân
ấy bước đi xiêu vẹo, nhưng họ lại không dám thể hiện sự mệt mỏi. Mỗi ngày bàn
chân người bán hàng rong đi bao nhiêu cây số? Có lẽ chính họ cũng không thể đếm
nổi. Chỉ biết là nhiều lắm. Ngày lại ngày họ cứ đi và đi. Đi giữa biển người
chen lấn, ồn ào, đầy bụi khói…

Hoặc
những người đàn ông, đàn bà đứng tuổi từng ngày oằn lưng đẩy hay đạp những
chiếc xe thô sơ có mặt trên khắp đường phố, băng qua những ngã phố, nhấp nhô
cạnh những quán xá ầm ĩ, bóng liêu xiêu dưới những tòa cao ốc, rồi lại có lúc
đi sâu trong từng con hẻm hay băng qua mọi khu xóm dù hẻo lánh nhất… Họ vẫn
miệt mài với gánh nặng mưu sinh, bất kể nắng mưa, lạnh ấm…

Họ chỉ
dừng bước khi tiếng rao có người đáp lại. Ai đó gọi giật phía sau lưng, không
phải bằng danh xưng “ông”, “bà”, “anh”,
“chị” mà bằng tên một món hàng nào đó. Như biết số phận của mình, người
bán rong không bao giờ phiền hà về điều đó. Được gọi để trao đi một món hàng và
nhận lại một số tiền, niềm vui của người bán rong đã đủ lớn. Họ chỉ có nụ cười
trên môi, cám ơn người vừa gọi mình, dẫu nhiều mệt nhọc, thậm chí có lúc bụng
đang cồn cào vì đói.

Nơi
cái “cửa hàng bán rong” ấy có đủ mọi thứ. Trên cùng một chiếc xe đẩy
hay một quang gánh người ta có thể dễ dàng chọn lựa từ miếng thịt, con cá đến
bịch chè, cục kẹo…, Những món hàng rong họ bán rất khác nhau, rất đa dạng. Chúng
chẳng khác cái chợ thu nhỏ.

Số lớn
trong những chủ nhân của những cái “cửa hàng rong” ấy là những người
tha phương. Họ đến từ nhiều miền đất khác nhau. Hàng ngày với mớ hàng rong của
mình nuôi sống cả nhà, lo cho con cái đến trường và chắc bóp gởi về quê nhà như
gởi cả tình yêu, gởi cả nỗi nhớ sâu đậm dành cho chốn quê, nơi mà từ đó họ
trưởng thành và ra đi.

 Chính tôi, đời sinh viên mà, nhiều khi đi ngang
những quán xá to, sang trọng, những nhà hàng đầy những người ôm cặp táp, chân
đi giày hiệu… mà vội đạp xe nhanh, không dám nhìn… Sợ phải thèm những thứ
chưa từng dám mơ…

Và như
thế, thằng sinh viên năm nào trở thành “bạn hàng” trung thành của các
chị, các mẹ đẩy những xe hay gánh những quang gánh hàng rong.

Đời
sinh viên gần gũi người bán hàng rong, tôi thấm thía nỗi vất vả của họ. Họ phải
rời nơi trọ qua đêm của mình từ khi còn tối mịt, và cũng đến tối mịt mới lặn
lội trở về nơi gác trọ.

Suốt
mấy năm gần gũi những người bán hàng rong, nhìn nhịp điệu bàn chân mỗi khi quay
về xóm trọ của họ giữa lúc phố xá đã lên đèn rực sáng tự bao giờ, tôi có thể
biết suốt ngày hôm ấy, họ có mua may bán đắt hay không!

Nếu
may mắn, đôi chân hớn hở của họ đi mà như những bước nhảy. Về đến nơi trọ, dưới
cái bóng điện tờ mờ chỉ đủ sáng một vùng đêm u uẩn, họ bỏ tất cả số tiền kiếm
được sau một ngày bươn bả ra nền nhà, chậm rãi đếm từng tờ như kiểm chứng thành
quả lao động lương thiện của mình.

Những
tờ bạc nhàu được những bàn tay thô ráp vuốt phẳng phiu một cách cẩn thận. Không
thể nhẩm tính được những tờ bạc đã thấm bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Chỉ biết,
những tờ bạc ít ỏi ấy, có thể giúp họ chống đỡ cho sự sống của cả gia đình qua
bao nhiêu năm tháng.

Nếu bị
lỗ hay phải gánh hàng về, đôi chân họ như nặng trĩu, như lê đi. Rồi ngày mai,
họ sẽ phải thức sớm hơn, sẽ rời gác trọ trong khi cả thành phố còn say giấc.

Nhất
là những ngày mưa dầm, họ ngồi thừ người dưới mái hiên nhà trọ, đôi mắt nhìn xa
xăm. Tôi hiểu họ đang lo cho bữa cơm của gia đình, tiền học phí của thằng cu
tí, tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà trọ đã gần hết tháng….

Cuộc
đời những người bán rong đáng được yêu thương, quý mến, đáng trân trọng. Họ
thanh bạch, đáng chúng ta học tập. Bởi dù nghèo, họ không bán rẻ lương tâm…

Rồi
những ngày thương đau của cả đất nước vì dịch giã, lệnh cấm ra đường được ban
ra. Ai cũng ngỡ, sau những ngày ấy, mọi thứ sẽ yên hàn, rồi những quang gánh,
những chiếc xe hàng rong lại tiếp tục lên đường…

Nhưng
không. Bệnh tật cứ tiến thẳng, đánh thẳng vào sự sống và đời sống của con người
tựa hồ vũ bão. So với ngày căn bệnh bắt đầu thâm nhập, nay nó đã lấy đi sinh
mạng của bao nhiêu đồng bào, và làm cho điêu đứng không trừ một ai.

Thế là
lệnh “bất xuất bất nhập” tăng dần thời gian. Niềm hy vọng được ra
khỏi nhà bị lung lay. Nay số ngày đôi chân bị chôn dính cứng trong căn nhà
chẳng những gia hạn mà còn xiết chặt. Thế là niềm hy vọng đã thực sự vỡ.

Biết
bao nhiêu người cha, người mẹ, người chị, người em với cái “cửa hàng bán
rong”, bình thường đã quá khổ sở, đã quá chật vật, nay sẽ nên khổ sở và khắc
nghiệt đến mức nào?

Trong
những ngày cả nước bệnh tật, nhất là ở những vùng tâm chấn lớn chưa từng có như
Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, quá nhiều những mãnh đời long đong
trở nên điêu đứng, trở nên thiếu thốn tàn khốc, có biết bao nhiêu những khuôn
mặt vốn thường ngày đã tất bật âu lo, nay càng như khắc sâu thêm nỗi hoan mang,
sợ hãi của những người cha, người mẹ, người chú, người chị bao năm dãi dầu với
những quang gánh, những chiếc xe hàng rong…

Miền
Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, kể từ năm 1954 đã không ngừng dang tay đón
nhận anh chị em đồng bào của mình từ khắp nơi đổ về, trong đó, Sài Gòn, Bình
Dương không chỉ đón nhận trong yêu thương và đùm bọc những con người từ miền
ngoài mà còn rất nhiều anh chị em phía Tây của mình. Thật nghịch lý, phía Tây của
miền Nam, dù là vựa lúa lớn của cả nước, nhưng người ở đây vẫn phải ra đi cầu
thực…

Rồi
những ngày qua, khi những sợi dây, những rào chắn không ngừng băng bó và cản
lối nhiều nơi, và ngày càng xiết chặt, mọi người bị “đông đặc” trong
chính nơi ở của mình, thì đoàn người tang thương vì khổ sở, vì hoang mang, dắt
díu nhau, bồng bế nhau tháo chạy khỏi Sài Gòn, khỏi miền Nam bằng đủ mọi cách,
thậm chí phải đi bộ nhiều ngàn cây số. Miền Nam, nơi tưởng chừng chỉ đến, nay
đành trơ mắt nhìn đồng bào mình thất thểu ra đi.

Trong
đoàn người tất ta tất tả ấy, chắc chắn không thiếu những người bán hàng rong.
Bình thường đã phải chạy cơm từng bữa, nay trong thời khắc đau thương, họ làm
gì có cái cho vào bụng, có cái để nuôi đám con như những chú chim non há mồm
chờ thức ăn… Nguy hiểm vì cái đói, cái khát dọc đường, nguy hiểm vì tai nạn,
vì bệnh tật, vì truyền nhiễm dịch tễ…, họ vẫn bất chấp. Ra đi về lại quê nhà
còn có thể có cơ may để sống. Chốn quê nhà, bên cạnh người thân, lay lất sống,
vẫn có thể cầm cự qua ngày…

Hình
ảnh người bán rong trên hè phố, một phần kỷ niệm thời trẻ trung của đời tôi.
Tôi nhớ họ. Tôi yêu họ. Giữa một hoàn cảnh đầy chết chóc, tôi muốn gọi tên họ,
gọi tên từng người một, như gọi chính người thân của mình…

Xin
cám ơn những anh chị em bán hàng rong. Một hình ảnh nghèo khó, chân phương, lam
lũ, bình dị, rất đời thường, rất gần gũi đã góp phần nuôi dưỡng trong tôi cả
một khung trời kỷ niệm triệu thương, triệu nhớ…

Anh
chị em ơi! Những người bán hàng rong ơi!…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.