Mẹ!

Cảm ơn nhạc sĩ Y Vân đã viết lên tâm tình : Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào !

Vâng ! Biển Thái Bình lớn và dạt dào lắm ! Lòng Mẹ cũng như vậy thôi.

Cảm ơn những ai đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn vì lẽ mai này Mẹ hiền có mất đi thì cũng như đóa hoa không mặt trời như trẻ thơ không nụ cười.

Trưa nay, nói chuyện với người bạn, bạn chỉ biết là mẹ của bạn (bỉ nhân) mất sớm chứ không ngỡ rằng Bà mất chỉ khi mới 51 tuổi tròn và đứa con trai út (bỉ nhân) chưa kịp lớn. Nỗi khắc khoải nhất vào giờ phút Mẹ ra đi đó là Mẹ lo cho đứa con ăn chưa no, ngủ chưa yên và đến mãi bây giờ vẫn khù khờ lắm !

Lòng Mẹ là như vậy đó ! Sâu lắng lắm và dạt dào lắm. Tất cả tình yêu thương, Mẹ đã dành cho “nó”. Có thể Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc để lo cho nó không chỉ là bữa cơm mà là những bộ quần áo. Những cái quần Jean Levis, những sợi dây thắt lưng da cá sấu và nhất là những chiếc áo thun cá sấu mà vào thời bao cấp ai cũng nhớ nó đắt đến mức nào nhưng tình Mẹ còn đắy hơn những thứ ấy. Không để cho con phải thua thiệt chúng bạn nên Mẹ cứ mua và cứ mua.

Còn nhớ, năm đầu cấp III thời đó cũng chính là lúc mà phong trào hay nói đúng hơn là bắt học trò mang dép có quai hậu nghĩa là sandal. Bà chơi sang ! Bà không mua sandal mà Bà mua cả đôi giày Adidas. Giày sang, giày đẹp đến độ hễ có đám tiệc là mấy đứa bạn “mang về mang chung”.

Dễ thương lắm ! Cái thời nghèo đó hình như cục đường chia đôi, viên muối bẻ làm tám chứ không phải như cái thời bây giờ mà tình nghĩa nó xem ra hiếm quá !

Còn về sự giáo dục. Lòng Mẹ bao la cũng như mua sắm đồ cho con vậy. Cứ đi học về muộn như là 7 giờ tối thì y như rằng trước 7 giờ Mẹ ra trước ngõ … chờ !

Cách giáo dục có lẽ là lạ hơn ai hết đó là chuyện chơi với bạn. Cứ hễ đứa nào tranh thủ nhanh chân về méc nghĩa là lúc đó thằng nhỏ ăn roi mây trước đã trước khi phân giải. Cách dạy con của Mẹ là thế ! Mẹ dạy con ra đường không được hơn thua, không được tranh giành với chúng bạn.

Và, còn như in cái câu Mẹ dặn mấy đứa con : “Ngậm máu phun người dơ miệng mình”

Với câu dạy đó, ý thức và nhớ Mẹ cho nên đến mãi bây giờ trong đầu chưa bao giờ mảy may có ý định hãm hại người khác.

Lần nọ, khi viết bài nói về chuyện đừng làm hại người khác. Bỉ nhân có lấy lại câu Mẹ dạy khi xưa. Thế là được một người “ta ru” sỉ vả là bà cố dạy con thế này thế kia và chơi luôn là viết thư tố cáo vào Nhà Dòng là tu sĩ viết như vậy.

Cũng may, có một nhà giáo chân chính đã cải biên về bài viết “Người đàn bà ngoại tình thời hiện đại” để muốn nói về sự tha thứ cũng như đừng xét đoán mà bỉ nhân viết. Kèm theo đó, nhà giáo nói lại với người công kích về chuyện giáo dục của người xưa khi dạy con cái.

Câu nói “ngậm máu phun người thì dơ miệng mình” cũng na ná như câu nói “bạn đừng lấy bùn ném vào người khác” thôi mà. Câu nói giáo dục này đại loại dạy con của Mẹ đừng bao giờ thóa mạ, nói hành nói xấu người khác. Lời Mẹ dạy vẫn còn văng vẳng cho đến bây giờ để không bao giờ bỉ nhân thóa mạ hay làm hại ai đó dù người đó có vu khống hay chà đạp mình.

Chuyện viết lách, chuyện suy nghĩ … đều là của cá nhân để rồi đừng lấy ý của mình áp đặc cho người khác. Cũng thế ! Cách giáo dục của người Mẹ hiền gốc Huế nó khác hơn những người khác nhưng tựu trung vẫn là muốn con nên người.

Không bao giờ quên lời của Mẹ khi làm điều gì đó sai trái. Có gì lớn đâu. Đi xem đánh bi da hay trốn đi đánh banh bàn thôi mà chứ có trộm cướp hay chọc ghẹo ai đó đâu mà Mẹ phán : “Mẹ luôn cầu xin Chúa nếu như con nên người thì Chúa cho con sống. Còn không thì con chết trước mặt Mẹ !”

Sau này lớn lên mới hiểu đó là câu nói của Mẹ thánh Monica khi nói về cậu bé Augustinô.

Ôn lại chút kỷ niệm, ký ức như thế để phần nào đó thấy khuôn mặt của Mẹ trong sự nghiệp sinh dưỡng cũng như giáo dục của Mẹ. Và mãi tận đến bây giờ, dẫu là linh mục của Chúa nhưng đường lối, cung cách giáo dục của Mẹ vẫn còn in trong tâm trí. Và hơn tất cả, lòng của Mẹ, tình của Mẹ, sự ủ ấp của Mẹ, sự quan phòng của Mẹ, sự che chở của Mẹ vẫn còn đó trên bước đường đời và nhất là đường đời linh mục.

Tình Mẹ tha thiết quá ! Tình Mẹ bao la quá ! Biết nói sao cho vừa. Chỉ biết qua Thánh Lễ, qua lời kinh tiếng hát cầu nguyện cho Mẹ cũng như cho những bà Mẹ khác. Đơn giản là thế giới này không có Mẹ, vắng bóng Mẹ thì coi như vắng tất cả.

Mẹ an giấc Mẹ nhé ! Xin tiếp tục đồng hành với anh chị em chúng con trong cuộc lữ hành trần thế ! Hẹn gặp nhau trong Nước Trời

Ngày của Mẹ 2021

Lm. Anmai, CSsR

Mục nhập này đã được đăng trong Cảm Nhận và được gắn thẻ .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *