Kịp… biết mình!

Vụn Vặt Suy Tư mùa bầu cử:

Em trai ‘cán bộ’ lãnh đạo ấp ghé vào Nhà xứ đưa Thẻ cử tri cho việc Bầu cử Quốc hội cấp trung ương- Hội đồng Nhân dân các cấp (Tỉnh- huyện- xã)

(Đúng là thể chế ‘đỉnh cao trí tuệ- dân chủ gấp vạn lần’ có khác, đại diện nhân dân khắp nơi- dàn trải khắp nơi, đi chỗ nào cũng ‘đụng’ đại diện nhân dân, bốn cấp lận (xã- huyện- tỉnh- đất nước); đấy là chưa kể bao tổ chức, đoàn thể đại diện nhân dân đặc thù, mỗi năm xả ngân hàng chục ngàn tỷ Hồ tệ tiền mồ hôi nước mắt của Chủ Dân…

Miễn bàn theo ‘con đường nhận thức chân lý’ của chính ý thức hệ mà Việt Nam đang bám theo- bắt cả nước phải theo (ghi trong Hiến pháp)- ‘từ trực quan sinh động…’- mẫu thể chế ấy quả là thiên đàng trong mơ, tụi tư bản chỉ có… khóc thét, giẫy chết và chết thèm)

Tớ để từ ‘cán bộ’ trong ngoặc kép, vì không biết cấp ấp có phải công chức chính ngạch hưởng lương cán bộ, hay chỉ hưởng trợ cấp. Nếu chỉ hưởng trợ cấp, không có lương, thì gọi ‘cán bộ’ hơi xa xỉ và phí…

Nhân tiện Em mời cha ra làm lễ khai mạc điểm bầu cử.

Thích quá, tớ oke !…oke!…

Nhưng khi Em về, tớ thấy cái gì đó nhột… nhột…

Bầu cử, công việc thuần chủng chính trị… Linh mục không có làm chính trị (Giáo luật cấm!), nghĩa là xét mình chẳng có vị trí nào trong đoàn- ban tổ chức bầu cử, chẳng có tý công trạng nào.

Làm chủ ‘khai mạc’ một vinh dự thường dành cho người có ‘chính danh’- có công trong tổ chức chính trị, hay ít ra ‘cán bộ’ nửa chừng xuân’ như Em…

Đàng này, tớ chỉ là Công dân bình thường như bao Công dân khác, không có chút nào- dù chỉ là chút bụi bám- hơi hám ‘đầy tớ’- theo kiểu nói Hồ Chủ tịch nói ‘chính danh’ về cán bộ với Chủ Dân (cái vụ này, tớ …thích, vì thuộc hàng ‘chủ dân’)

Tự dưng, tớ nhớ đến một vị có lẽ là quan lớn làm giáo dục, có tiếng, tầm cỡ học hàm học vị cao nhất- Giáo sư…. trong lần đội tuyền U.23 đạt chức vô địch quốc tế gì đó, được đi đón Đội tuyển về nước đã tranh dành vị thế quan trọng nhất, nổi bật nhất của các Em tuyển thủ, nhất là của Huấn luyện viên để hụp hình hí dị…; hay Bà quan to dễ thương thuộc tóp tứ trụ, mừng bằng cách ‘xoa’ đầu, chọn điểm đứng giữa, hàng đầu…

(Lần ấy, trong thế giới phẳng vị giáo sư dạy người bao thế hệ ấy đã bị ném đá tơi bời…cũng tội.

Có người bảo thông cảm vì làm vô thức, do sung sướng quá. Tớ cũng thông cảm! ‘Kiểu’ hí dị tranh công (dù ở vị trí đứng chụp hình) từ lâu đã thành chuyện thường thấy, mức phổ biến tăng triển trong xã hội còn lắm người hoang tưởng, huâng hoang.

Nhưng tớ vẫn ‘lấn cấn’, tiếp suy tư…

Làm trong vô thức, trong lúc ‘sướng quá’ mới là cái đáng bàn đáng nói, vì nó lột tả con người thật nhất mang tính bản chất, thói quen thuộc bản tính

(Còn làm trong ‘ý thức’ đã có lý trí- sự tự chủ xen vào, dễ thường… làm kiểng. Nhà Hướng đạo sinh từ kinh nghiệm tổ chức vui chơi, cho biết: khi các em vui chơi, chơi quên mình là lúc các em bộc lộ con người thật, thói quen nhất; tính xấu tính tốt…

Làm theo ‘vô thức’ cũng phần nào cho thất thói quen. Nhân đức chính là thói quen làm điều thiện- tốt. Mà khi đã thành thói quen, thấy rõ thói sống- cách sống.

Tớ nhớ không lầm, Đức Đạt La Đạt Ma còn nhấn mạnh: Thói quen tạo nên số mệnh, bắt nguồn từ trong tư tưởng (Ngài nói, đại ý: Hãy Suy Nghĩ cẩn thận, vì suy nghĩ đưa đến Lời Nói; hãy nói cẩn thận vì Lời nói đưa đến Hành động; hãy hành động cẩn thận vì hành động sẽ tạo ra thói quen, và thói quen làm nên số mệnh của Bạn).

Thầy Giê-su thì căn dạy: Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ Trung tín trong việc lớn; Ai bất tín trong việc rất nhỏ, sẽ bất tín trong việc lớn.

Việc tớ ra làm lễ khai mạc, như đã nói… té ra thật vô duyên, không chính danh, lại đi ‘cướp công’ vinh dự của người đáng hưởng.

Nghĩa là tớ xin.. rút cái vinh dự nếu tớ tham dự thành trò cười, vô duyên.

Thôi, hãy cho tớ trở về vị trí ‘chủ dân’ bình thường như bao chủ dân khác; còn cái vinh dự kia thuộc về anh em ‘đầy tớ’, không nên tranh công.

Vô duyên, thất đức lắm!

‘Biết mình’ đây là Chân Lý rất quan trọng.

Hơn 2500 trước, Hiền triết Socrate- người có công làm cuộc cách mạng vĩ đại trong dòng Lịch sử Triết học khi kéo Triết học từ Trời xuống Đất; một Nhà đạo đức- sẵn sàng chết vì lý tưởng đạo đức- ‘thà làm con người đau khổ hơn làm con heo sung sướng’; điều căn cốt dạy môn sinh chính là ‘Biết mình’. Phương pháp giáo dục tuyệt vời của Ông ‘Hộ sinh trí não’ không ngoài cách gợi hướng môn sinh biết mình. Ông còn để tấm bảng như pano tại nơi dạy: ‘Hãy Biết Mình’.

Thiếu biết mình, Con người có nguy cơ bước vào ranh giới vong thân.

Không biết mình kể như Con người bắt đầu vong thân!

Người vong thân- không biết mình- sinh kiêu ngạo, hoang tưởng, sợ Sự thật, hũng hăng…; nếu có quyền thích dụng bạo lực trấn áp (phần nào thấy nơi phu huynh quen thói gia trưởng, trấn áp con cái)…

Kiêu ngạo chính là đầu mối các thứ tội lỗi, tệ nạn!

Tớ chợt nhớ lời Thánh Giáo phụ Augustin, khẩn cầu:

 

‘Xin cho con Biết Chúa, xin cho con Biết con’

Tạ ơn Chúa cho tớ kịp Tỉnh thức… Biết mình.

Lm.Đaminh Hương Quất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.