Khi cháu là bà nội của ông bà ngoại!

Vô tình, được gần gia đình nọ và cảm thấy chua chát cho lối dạy con.

Đứa bé tầm hơn 3 tuổi. Dĩ nhiên là chưa có trí khôn nhưng đi và nói được như bao trẻ bình thường. Và có lẽ hơn bình thường đó là biết đòi điện thoại và chơi điện thoại.

Có lẽ vì thương cháu nên ông bà ngoại cứ chiều cháu đến mức quá đỉnh. Có thể nói là cháu đòi cái gì là chiều theo cái đó chứ không hề bỏ sót.

Thật vui vẻ khi ông ngoại kể thành tích của cháu mình. Chi tiết độc đáo nhất đó chính là câu nói : “Ở nhà nó là bà nội của ông bà ngoại !”.

Dĩ nhiên đó là cách giáo dục của gia đình họ. Tôn trọng và rất tôn trọng cũng như chả dính dáng gì mình để mình phải bận lòng hay góp ý. Mà có khi góp ý thì họ lại phật lòng khen mình vô duyên nữa thì cũng khổ ! Vốn dĩ đã vô duyên đến ế ai cũng biết mà được khen vô duyên nữa thì căng !

Trộm nghĩ cách giáo dục bây giờ sao lạ quá ! Hở chút là đưa cho con, cho cháu cái iphone và ipad. Và, hình như vô hình chung đây là cách giáo dục phản giáo dục. Đứa trẻ dường như nó sẽ chẳng biết iphone và ipad là cái gì trừ khi cha mẹ nuông chiều trao cho nó. Và có lẽ là hiệu ứng dây chuyền phát sinh từ khi iphone ipad phát triển thịnh hành.

Bản thân tôi nhiều lần nhìn những đứa trẻ mân mê chiếc điện thoại trên tay mà đau đớn lòng. Ông bà cha mẹ đưa cho cháu chiếc điện thoại ở cái độ tuổi không cho phép đó không hề nghĩ được hậu quả phía sau lưng. Có nhiềy khi còn đi khoe rằng cháu của tôi mới có nhiêu đó tuổi thôi mà rành rọt sử dụng và có khi còn giỏi hơn tôi.

Thử nghĩ nếu như ngay từ ban đầu người lớn cấm ngặt cái iphone hay ipad thì có lẽ sẽ không phải trả lẽ cho những hậu quả khôn lường như người ta vẫn thấy.

Đâu đó học trò tát cô giáo khi cô giáo thu điện thoại của học sinh.

Đâu đó cháu đánh bà vì bà không cho cháu giữ điện thoại.

Như thế, hậu quả sinh ra từ đâu ? Từ chính cách giáo dục phi giáo dục của không ít gia đình ngày hôm nay.

Còn khi nghĩ về câu nói “ở nhà nó là bà nội của ông bà ngoại” thì quả thật theo ngôn ngữ của ngoại giao một cách nào đó mỉa mai là thật đáng quan ngại ! Quan ngại lắm chứ vì đứa bé chỉ 3 hay 4 tuổi mà đã được làm đến bà nội của ông bà ngoại. Như thế thì đứa bé với vai trò và vị thế là cháu thôi bỗng dưng được ông bà tôn lên đến bà nội !

Vậy đó ! Khởi đi từ sự nuông chiều quá đáng để rồi đến khi con hay cháu vừa lớn cũng là lúc mà cả gia đình phải lãnh nỗi đau. Có khi mình trách con cháu nhưng có lẽ người cần trách trước tiên đó là chính từ người lớn đó là ông, là bà, là cha, là mẹ.

Một người mẹ không ngần ngại kể chuyện về con mình. Bà đã cay đắng để dạy con bỏ game. Tưởng chừng quá khó đến độ bà ngoại và dì ruột của thằng bé xót xa nhưng đến giờ nó đã bỏ game và thành người ham học và chuyên so điểm với bạn cùng trang lứa.

Thế đó ! Chuyện giáo dục con không phải là quá khó nếu như người lớn không cương quyết cũng như làm gương sáng. Một khi người lớn đã có những hàng vi phi nhân bản hay quái dị trong gia đình thì dường như chẳng thể nào dạy con như nghiện thuốc mê rượu và suốt ngày cầm điện thoại chát chít. Nếu như người lớn không buông cái điện thoại ra được thì e rằng cũng chẳng có cách nào răn bảo được con.

Chuyện gì cũng có 2 mặt. Chiếc điện thoại cũng thế ! Nó cũng sẽ đưa cho con người đến chỗ phát triển tốt nếu biết cách sử dụng và ngược lại. Và, cơ bản nhất là ở độ tuổi nào thì con cái mới cầm trên tay chiếc điện thoại thì chính cha mẹ là người hiểu biết nhất kèm theo trách nhiệm. Đừng bao giờ đổ thừa cho con cháu khi nó như tờ giấy trắng chưa in bất cứ điều gì lên trang giấy đó.

Thế cho nên cách lối dạy của người xưa đến giờ vẫn đúng : “Dạy con từ thuở còn thơ ! Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về !”.

Tiếc thay cách thương con cháu không đúng chỗ và đúng cách đã làm hư đi biết bao nhiêu con người. Tưởng chừng quăng cho con cho cháu cái điện thoại là giải pháp hay nhất để cho cháu im không khóc nhưng đó chính là con dao đâm vào người bé tự khi nào không hay biết.

Vẫn là sự tự do giáo dục con cái trong gia đình của mỗi bậc cha mẹ. Có khi dạy con nó chua xót và có khi còn cay dắng nhưng con cái sẽ nên người. Ngược lại, khi nuông chiều con cháu thì hậu quả thật cay đắng và phải chuốc lấy hậu quả thật khôn lường mà ngay như hiện tại không bao giờ cân đo đong đếm được.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.