Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được hát lúc nào?

Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được hát lúc nào?

Quy chế tổng quát sách lễ Roma số 83 có nói: “…Đang khi linh mục bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh, thì thông thường, ca đoàn hay ca viên hát hay ít là đọc lớn tiếng kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, và cộng đoàn đáp lại. Kinh này đi kèm với việc bẻ bánh, vì thế có thể lặp đi lặp lại, nếu cần, cho đến khi bẻ xong. Lần cuối cùng được kết bằng câu Xin ban bình an cho chúng con.


Creator: Iknuitsin Studio | Credit: Getty Images/iStockphoto

Như vậy, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được hát đi kèm theo hành vi bẻ bánh của vị tư tế, chứ không phải kinh Lạy Chiên Thiên Chúa đi kèm với hành vi chúc bình an. Trong phụng vụ, có những nghi thức không kèm theo lời (nghi thức hôn bàn thờ chẳng hạn), có những nghi thức kèm theo lời đọc (nghi thức truyền phép chẳng hạn), Nghi thức chúc bình an đối với người giáo dân là nghi thức không kèm theo lời đọc nào được quy định sẵn trong phụng vụ*, trong khi nghi thức bẻ bánh thì lại đi kèm với lời đọc (hay hát) của kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Tuy nhiên, như đã nói, nhiều người đánh đàn bắt cung cho ca đoàn ngay khi chủ tế xướng “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Có lúc còn dở khóc dở cười hơn, ở những nơi người ta giữ thói quen chúc bình an cho nhau trong một khoảng thời gian đáng kể (có thể gần 1 phút) thì khi vị tư tế chúc bình an cho mọi người thì ca đoàn hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, sau đó khi vị tư tế bẻ bánh thì cả cộng đoàn lại đứng im phăng phắc mà chờ. 

Thực ra, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa mà Giáo Hội dạy chúng ta đọc giải thích cho chúng ta ý nghĩa sâu xa của hành vi bẻ bánh, tượng trưng cho cái chết hy tế đổ máu của Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), Đấng xóa tội trần gian (qui tollis peccata mundi), và nhờ cuộc hy sinh ấy, mà chúng ta nài xin Đức Kitô thương xót chúng ta (miserere nobis), và cụ thể là xin ban bình an cho chúng ta (dona nobis pacem). Hành vi bẻ bánh là hành vi quan trọng của chính Chúa Cứu Thế đã làm, và hành vi này trở nên đặc trưng đến mức nó trở thành một thứ tên gọi của Thánh Lễ thời Giáo Hội sơ khai: Lễ Bẻ Bánh. Nếu việc bẻ bánh lâu, Giáo Hội trù liệu cho phép chúng ta lặp lại nhiều lần lời kinh Agnus Dei này (chứ không nhất thiết cứ chỉ 3 lần như chúng ta vẫn quen cử hành), tuy nhiên bao giờ cũng kết bằng câu “Xin ban bình an cho chúng con”. Thử ghép kinh này vào hành vi chúc bình an, chúng ta sẽ chẳng thấy chúng chẳng có kết nối gì với nhau cả. Cho nên vội vã hát kinh này ngay khi mọi người đang lúi húi chúc bình an cho nhau, thì không đúng.

Như vậy, những người đánh đàn trong Phụng Vụ cần để ý những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ này để chính họ ý thức và tạo ý thức cho ca đoàn và cộng đoàn. Họ cần quan sát xem cộng đoàn đã chúc bình an gần xong chưa rồi hãy bắt cung cho ca đoàn. Ca đoàn cũng không cần phải nóng ruột, tưởng nhạc công quên sót hay chia trí mà sốt sắng hối thúc họ phải bắt cung khi mọi người còn đang chú tâm chúc bình an. Về việc chúc bình an, chúng ta cũng nên chúc bình an một cách “có tâm” một chút, thay vì “gục gặc” cho xong việc. Việc chúc bình an cho người khác cần kèm theo ý thức, cũng như đặt tâm tình hòa giải, thương mến vào đối tượng được chúc bình an chứ không phải chỉ là một nghi thức chiếu lệ làm cho qua, cho xong. Khi vị tư tế đã chúc bình an xong và bắt đầu cầm bánh trên tay để bẻ ra thì nhạc công và ca đoàn hãy cùng cộng đoàn hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. 

Con chiên nhỏ

24/08/2022

* Tại Việt Nam, để chúc bình an cho cộng đoàn, chủ tế dang hai tay, quay về phía cộng đoàn và nói: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em. Cộng đoàn đáp lại Và ở cùng cha, và không làm cử chỉ gì khác nữa. Sau câu kêu mời của chủ tế hoặc phó tế: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau, thì: Chủ tế quay sang vị đồng tế hoặc phó tế, hoặc thừa tác viên đứng bên, cúi mình và nói: Bình an của Chúa ở cùng cha (hoặc thầy). Vị đồng tế hay thừa tác viên đứng kế bên cũng cúi mình và nói: Bình an của
Chúa ở cùng cha (Thầy). Các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng bên nhau cũng làm như vậy. Giáo dân hai bên lòng nhà thờ cũng quay vào nhau cúi mình để chúc bình an cho nhau mà không cần nói gì. (Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, 82) Còn ở các nước ngoài, việc chúc bình an tùy thuộc theo phong tục tập quán địa phương và cần được thống nhất và chuẩn nhận bởi Giáo Hội địa phương.

Nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.