Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và việc dâng hoa

Vào những thế kỷ đầu, Hoa được coi là Nữ thần của mùa Xuân. Vì thế, tháng Năm, tháng khởi đầu Mùa Xuân, người Rôma có tập tục tổ chức ngày lễ tôn kính Hoa cũng là tôn kính Nữ thần mùa Xuân.


Ảnh: giaoxutanviet.com

1/ Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và
việc dâng hoa:

Vào những thế kỷ đầu, Hoa được coi là Nữ
thần của mùa Xuân. Vì thế, tháng Năm, tháng khởi đầu Mùa Xuân, người Rôma có tập
tục tổ chức ngày lễ tôn kính Hoa cũng là tôn kính Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo đã thánh hóa tập tục
trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Từ thế kỷ XIII, vào tháng Năm, một vài xứ
đạo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tổ chức những cuộc rước hoa đem đến dâng
kính Đức Mẹ. Nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác các bài ca dùng màu sắc và hương hoa
để diễn tả tâm tình con thảo ca tụng các nhân đức cao quý của Đức Mẹ.

Các linh mục dòng Tên tại Roma đã tổ chức
tháng hoa kính Đức Mẹ tại lưu xá các sinh viên của Hội Dòng. Khi trở về, các
sinh viên này đã đem truyền bá việc tổ chức Tháng Hoa tại quê hương của họ. Vì
thế, tập tục này được phát triển tại nhiều nơi.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng
Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt
và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe Nêri, vào ngày 1 tháng 5,
đã quy tụ các trẻ em chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân,
Người dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong
thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử
hành công cộng: Mỗi buổi chiều đều có chầu Mình Thánh Chúa và hát mừng Đức Mẹ.
Từ đó, việc tổ chức các hoạt động phượng tự đặc biệt trong tháng Đức Mẹ được
nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản
tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ
Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, tất cả các giáo xứ trong
Giáo Hội đều tổ chức long trọng việc mừng kính Đức Mẹ trong tháng Năm, tháng
kính Đức Mẹ. Các nhà thờ có các linh mục giảng thuyết về lòng sùng kính Đức Mẹ.
Cha Chardon đã có nhiều công trong việc này. Không những Người làm cho lòng sốt
sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công
giáo khác nữa.

2/ Giáo huấn của Hội Thánh về việc tôn
sùng Đức Mẹ:

Năm 1815, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã khuyến
khích việc tôn sùng Đức Maria trong tháng Năm.

Năm 1889, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã ban ơn
toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp
“Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm
là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ
võ”.

Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban
hành Tông huấn đề cao lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong tháng 5. Qua đó, Người
cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm:
“Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức
Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi
trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô
hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng
của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.
Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng
ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số
I).

Đức Giáo Hoàng mở đầu tông huấn bằng những
lời diễn tả tâm tình Tháng kính Đức Mẹ thật đáng để chúng ta ghi nhớ:

“Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi
thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính
Đức Trinh Nữ và mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì một
cách đúng đắn, Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng
ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể
không gặp gỡ Đức Kitô như vậy. Vì lý do nào khác mà chúng ta lại
không tiếp tục trở về với Đức Maria để tìm kiếm Đức Kitô trong cánh
tay của Mẹ, tìm gặp Đấng Cứu Độ chúng ta trong, qua và với Mẹ? Con
người cần phải trở về với Đức Kitô trong thế giới đầy lo âu và nguy
hiểm, thôi thúc bởi trách nhiệm và nhu cầu cấp bách của trái tim con
người hầu tìm thấy một nơi ẩn trú an toàn và một mạch nước sự
sống siêu việt”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã đặt lại
chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa là việc tôn kính Mẹ Maria phải
được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải
được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô. Việc tôn kính Mẹ
Maria trong tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với
Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa. Trong niềm hiếu thảo đối với
Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa.
Người Kitô hữu không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực,
một người tín hữu đã tiên phong trong cuộc hành trình đức tin.

Việc sùng kính Đức Maria còn bắt nguồn từ
Chúa Ba Ngôi vì: nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều
quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, những biểu hiện tỏ
lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

3/ Giáo huấn của Hội Thánh về việc đạo đức
bình dân:

Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao tầm
quan trọng của lòng đạo đức bình dân nhưng Người nói lòng đạo đức bình dân luôn
luôn phải được thanh tẩy.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8 tháng 4
năm 2011, dành cho Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, Ðức Thánh Cha Biển Ðức
16 đề cao lòng đạo đức bình dân như một yếu tố quan trọng trong công cuộc tái
truyền giảng Tin Mừng tại đại lục này.

Ngỏ lời với gần 50 Hồng Y, Giám Mục và
các Linh Mục chuyên gia, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng lòng đạo đức bình dân là
một môi trường gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và là một hình thức biểu lộ đức tin của
Giáo Hội. Vì thế, “không thể coi yếu tố này như một cái gì phụ thuộc trong đời
sống Kitô, vì nếu làm như thế có nghĩa là quên mất tầm quan trọng tối thượng hoạt
động của Chúa Thánh Linh và sáng kiến nhưng không của tình yêu Chúa”.

Trong bài diễn từ, Đức Giáo Hoàng đã nhắc
đến việc đạo đức bình dân như “một nơi chốn gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, và một cách
để bầy tỏ đức tin của Giáo Hội.” Đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nếu việc
đạo đức này được “quy hướng cẩn thận và được kèm theo đầy đủ” bằng các lối diễn
tả khác của lòng mộ đạo bình dân “sẽ cho phép có một cuộc gặp gỡ có kết quả tốt
với Thiên Chúa, một sự tôn thờ Thánh Thể, một lòng sùng kính Đức Trinh Nữ
Maria.” Điều này cũng cho phép trau dồi một “lòng ái mộ người kế vị Thánh Phêrô
và một ý thức mình thuộc về Giáo Hội.” Tất cả những điều ấy cũng giúp ích cho
việc rao giảng Tin Mừng, thông truyền đức tin, để đưa các tín hữu đến gần các
bí tích, củng cố những liên hệ bằng hữu, đoàn kết gia đình và cộng đoàn, cũng
như gia tăng tình liên đới và thực thi bác ái”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “cần
làm sao để đức tin là nguồn mạch chính của lòng đạo đức bình dân, để những việc
đạo đức này không phải chỉ là một biểu lộ văn hóa của một miền nào đó. Hơn nữa,
lòng đạo đức bình dân cần ở trong quan hệ chặt chẽ với Phụng vụ thánh, phụng vụ
này không thể bị thay thế bằng một biểu hiện tôn giáo nào khác.”

Ðức Thánh Cha không quên ghi nhận “có một
số hình thức sai trái của lòng đạo đức bình dân, chúng không cổ võ sự tham gia
tích cực trong Giáo Hội, chúng tạo nên sự xáo trộn và có thể chỉ giúp thực hành
các việc đạo đức hoàn toàn bề ngoài mà không ăn rễ sâu nơi đức tin nội tâm sinh
động”. Trong một bức thư gửi cho các chủng sinh, Người viết: “Lòng đạo đức bình
dân có thể đi tới thái độ vô lý và chỉ hời hợt bề ngoài. Tuy nhiên, nếu hoàn
toàn loại bỏ lòng đạo đức bình dân thì thật là điều sai lầm. Qua lòng đạo đức
này, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tình cảm, phong phục
và cảm thức sống chung của họ. Vì thế, lòng đạo lức bình dân luôn luôn là một
gia sản lớn của Giáo Hội, nhưng chắc chắn cũng luôn phải thanh tẩy lòng đạo đức
này…”

4/ Việc dâng hoa tại Việt Nam:

Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Mẹ,
người tín hữu Việt Nam thực hành nhiều việc đạo đức bình dân như: rước kiệu Đức
Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa…

4.1) Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Mẹ.

Để bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng hoặc
biết ơn, người ta thường tặng hoa cho nhau. Cũng vậy, người công giáo cũng dâng
hoa để tỏ lòng yêu mến, tôn kính và biết ơn đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các
thánh…

4.2) Ý nghĩa các mầu hoa:

Các màu hoa vừa tượng trưng cho các nhân
đức của Đức Mẹ vừa diễn tả các tâm tình, các ước nguyện của con cái muốn dâng
lên Mẹ.

– HOA TRẮNG:

+ Ý 
nghĩa: biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ.

+ Tâm tình: Xin Mẹ giúp ta gìn giữ tâm hồn
luôn trong trắng, sạch tội.

– HOA HỒNG:

+ Ý 
nghĩa: diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa.

+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy ta biết yêu Chúa
hết lòng và yêu anh chị em như Chúa đã yêu ta.

– HOA VÀNG:

+ Ý 
nghĩa: tượng trưng niềm tin sắt đá của Mẹ.

+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy chúng ta sống phó
thác, tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

– HOA XANH:

+ Ý 
nghĩa: tượng trưng cho niềm cậy trông và hy vọng.

+ Tâm tình: Xin đừng để ta thất vọng
chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

– HOA TÍM:

+ Ý 
nghĩa: tượng trưng những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn.

+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy ta biết vui lòng
chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

5/ Cấu trúc một buổi dâng hoa truyền thống:

Nghiên cứu lại vãn Hoa Đức Mẹ ngày xưa,
ta thấy bố cục của buổi dâng hoa rất rõ ràng. Thông thường cấu trúc một buổi
dâng hoa gồm 3 phần.

Phần I: Sau khi cộng đoàn rước tượng Đức Mẹ vào
nhà thờ (hoặc lễ đài – nếu cử hành thánh lễ ngoài trời), đặt tượng lên toà thì
bắt đầu cất tiếng hát.

+ Bái vịnh: Ngũ bái thờ lạy Ba ngôi
Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thiên thần và các Thánh.

Phần II: Gồm:

+ Ca ngợi các nhân đức của Đức Mẹ.

+ Tiến hoa ngũ sắc: Từng đôi con hoa đỏ,
trắng, vàng, tím, xanh.

+ Dâng 7 loài hoa quí (quì, sen, lê,
cúc, mai, mẫu đơn, lan) để ca tụng Đức Mẹ.

Phần III: Cảm tạ – Tạ ơn Chúa. Tạ ơn và cầu khẩn
với Đức Mẹ

6/ Một mẫu Vãn Hoa Dâng Kính Đức Mẹ

Nghiên cứu lại vãn Hoa Đức Mẹ tháng năm
xưa, ta thấy bố cục của buổi dâng hoa rất rõ ràng : Khởi đầu là phần khai mạc,
rồi đến ngũ bái (Chúa Cha, Chúa Con, Thánh Thần, Đức Mẹ và chư thánh), Năm Sắc
Hoa (Đỏ, Trắng, Vàng, Tím, Xanh) rồi Bảy Hoa (Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu
Đơn). Sau đó là phần diễn ý và Kết hoa.

I. Khai Hoa

Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu,

Chúng tôi trông cậy cùng kêu van Bà.

Xin hằng bầu cử trước toà,

Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con.

Trong nơi khổ ải chon von,

Cách xa mặt Mẹ hãy còn lầm than.

Chúa Con xưa xuống thế gian,

Chẳng từ bỏ kẻ gian ngoan tội tình.

Lại cam chịu khổ chịu hình,

Vì loài người thế liều mình đền xong.

Mẹ thương cũng hợp một lòng,

Vâng theo ý Chúa thông công như vầy.

Con xin Mẹ rất nhân thay,

Chớ bao ngoảnh mặt làm khuây chẳng nhìn.

Xin hằng dạy dỗ con liên,

Cùng hằng yên ủi giữ gìn thương yêu.

Con trông Mẹ có phép nhiều,

Muôn vàn thần thánh cũng đều ngửa trông

Chúng con còn chốn long đong

Như người vượt bể mênh mông giữa vời.

Mẹ như sao ngự giữa trời,

Chính bên phương bắc các ngôi sao chầu.

Xin soi dẫn để con theo,

Kẻo con lạc lối sa vào trầm luân.

Đến sau qua khỏi cõi trần,

Con trông cậy Me rộng phần lòng thương.

Liền đem vào cửa thiên đàng,

Được xem thấy Chúa cực sang cực lành.

Cùng xem thấy Mẹ đồng trinh

Hưởng muôn muôn phúc thần hình thảnh
thơi.

Gồm đầy mọi sự tốt vui,

Chẳng cùng chẳng hết đời đời. Amen.

II. Ngũ Bái

Chúng tôi mọn mạy phàm hèn,

Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ.

Ngửa xin tràn xuống ơn thừa,

Rộng ban giãi tấm lòng thơ trước toà.

1. Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ

Đã giữ lời phán hứa rủ thương.

Dựng nên rất thánh Nữ vương,

Gây nền mọi phúc treo gương muôn đời.

2. Chúng tôi lạy Ngôi Hai xuống thế,

Cứu loài người chẳng để cho hư.

Lại thương trối Mẹ nhân từ,

Để loài con mọn được nhờ mọi ơn.

3. Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa cả.

Cho Đức Bà phúc lạ ơn đầy,

Cùng lòng rộng rãi nhân thay.

Để con mọn được ăn mày phần thương.

4. Chúng tôi lạy Nữ vương Thánh mẫu,

Chúa Ba Ngôi yêu dấu cách riêng.

Trên trời dưới đất cầm quyền,

Mọi loài đáng phải không khen bội phần.

5. Chúng tôi lạy Thiên thần các thánh

Đang vui mừng trong tính Chúa Dêu.

Đẹp lòng Đức Mẹ thương yêu

Vốn hằng chầu chực xin điều ngợi khen.

III. Dâng Hoa

Chúng con bồ liễu phận hèn,

Ơn thương đã được bước lên lạy mừng.

Đoá hoa khóm nóm tay bưng.

Tấc niềm cần bộc xin từng tỏ ra.

Đền vàng quỳ trước dâng hoa

Trông lên tháp báu thấy toà Ba Ngôi

Mười hai nhân đức gương soi,

Kính dâng Đức Mẹ đời đời ngửa trông.

Vì xưa Thiên Chúa rủ lòng,

Chọn làm Thánh Mẫu bởi dòng thánh quân

Ngành vàng lá ngọc khác trần,

Sinh Ngôi Thánh tử đồng thân trọn đời.

Giúp công cứu chuộc đền bồi,

Ơn trên thông xuống cho loài sinh linh.

Tràng châu mở cảnh tràng sinh,

Trồng cây cực tốt cực lành Ro sa.

Đượm nhuần vũ lộ thi – a, (gratia)

Bốn mùa hoa nở rum ra lạ lùng.

3.1 Năm Sắc Hoa

Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,

Nhuộm thêm Máu thánh thơm chung lòng người.

Vì thương Con gánh tội đời,

Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

Xinh thay hoa trắng tốt lành,

Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.

Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,

Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.

Quí thay này sắc hoa vàng

Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.

Một niềm tin kính nhơn nhơn,

Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu,

Dịu thay hoa tím càng màu.

Ý trên bà những cúi đâu vâng theo.

Bằng lòng chịu khó trăm chiều,

Khiêm những nhịn nhục hằng yêu hãm mình.

Lạ thay là sắc hoa xanh.

Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.

Dờn dờn sau trước một màu,

Quản chi sương nắng dãi đầu ngày đêm.

Hoa năm sắc đã giãi niềm,

Lại trưng cổ điển dâng thêm kinh đề.

3.2 Bảy Loại Hoa

Đức Bà thờ Chúa một bề,

Hoa quì chăm chắm hướng về thái dương.

Tội Nguyên không nhiễm khác thường.

Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầy.

Lòng đầy thánh sủng giáng lâm,

Hoa lê tuyết đượm mầu thơm khác vời.

Tuổi cao phúc đức càng đầy,

Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu.

Toà cao thần thánh kính chầu,

Hoa mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.

Muôn loài cám mến âu ca,

Hoa đơn phú quý gần xa vui vầy.

Các ơn Chúa phó trong tay,

Hoa lan vương giả hương bay ngạt ngào.

3.3 Diễn ý hoa đã dâng

Bảy hoa mượn chỉ nghĩa mầu,

Hình dong ơn phúc kính tâu ngợi mừng.

Hợp cùng năm sắc điều dâng,

Dường mười hai ngọc kết tầng triều
thiên.

Còn muôn phúc cả ơn riêng,

Trăm hoa khôn khá sánh khen được nào.

Chúng con đang chốn phong đào,

Mong gieo hạt giống e vào bụi gai.

Cậy trông Đức Mẹ nhân thay,

Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa.

Lòng thốn thảo, đóa linh pha,

Xin điều dâng tiến trước toà Ba Ngôi.

Diện tiền cầu khẩn thay lời,

Đằm đằm mưa móc trên trời tưới liên.

Thêm ơn vun xới cách riêng,

Ruộng thiêng sạch cỏ mọc lên chốn lành.

Hoa nhân trái phúc đủ ngành,

Đời này dùng đủ lại dành đời sau.

IV. Kết Hoa

Tấc thành đã được giãi tâu,

Dám xin hợp ý khấu đầu tạ ơn.

Đội ơn Chúa rất khoan nhân,

Đã cho con mọn kính dâng hoa này.

Đội ơn Thánh tử ngôi Hai,

Đã cho con mọn được thay thảo thờ.

Đội ơn Đức Mẹ nhân từ

Đã cho con mọn ngây thơ ngợi mừng

Tấm lòng xin với hoa dâng,

Giãi niềm thảo kính vốn từng thần hôn.

Chúng con dâng cả xác hồn,

Xin thương chịu lấy chúng con đừng từ

Ban ơn cho chúng con nhờ,

Được lòng sốt sắng phượng thờ cho liên.

Đời này được sự bằng yên,

Đời sau lại được ngợi khen hát mừng.

Amen.

(Nguồn : gxdaminh.net)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.