Đức Mẹ Maria Trong Bộ Giáo Lý

Trong toàn bộ giáo lý mới (Catechism of the Catholic Church), với 688 trang và 2865 tiểu đoạn, Ðức Maria chỉ chính thức được nhắc tới cách hết sức khiêm nhượng trong hai nơi: Thứ nhất là ở Ðoạn hai, Chương hai, Phần thứ nhất về Kinh Tin Kính: “Sinh bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria,” trang 122-128. Thứ hai là ở Ðoạn sáu, Chương ba, cũng trong Phần thứ nhất, “Ðức Maria – Mẹ Thiên Chúa” trang 251-254.

Tuy nhiên, nếu đọc hết toàn bộ cuốn giáo lý, người ta sẽ thấy giáo
hội còn nhắc đến Ðức Mẹ ở nhiều nơi khác nữa. Vì vậy, khi nói đến Ðức Maria
trong bộ giáo lý mới, người đọc cần chia thành những tiểu đề về cả cuộc đời của
Ðức Mẹ, để qui tụ những tiểu đoạn, nơi Ðức Mẹ đã được giáo hội cung kính nhắc
đến.

ÐỨC MARIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU CHUỘC CỦA THIÊN CHÚA

Ðể trở thành Mẹ của Ðấng Cứu Thế, Ðức Maria đã được Chúa làm “phong phú
với những ơn cần thiết cho sứ mệnh của Mẹ.” Thiên Sứ Gabriel tại giây phút
của cuộc truyền tin đã chào Mẹ là “đầy ơn phúc.” Thực sự, để Ðức
Maria có thể được tự do nói lên sự bằng lòng trong đức tin của Mẹ vào sự loan
tin về sứ mệnh của Mẹ, việc Mẹ được hoàn toàn sinh ra trong ơn sủng của Chúa là
điều cần thiết. (Tiểu đoạn 490 và xem thêm trong các tiểu đoạn 2676, 2853 và
2001)

Ðức Maria đã được Chúa chọn trước từ thuở đời đời. “Chúa sai Con Trai của
Ngài,” nhưng để chuẩn bị một thân xác cho Thiên Chúa Con, Ngài đã muốn sự
tự do hợp tác của một thụ tạo. Về điều này, từ thuở đời đời Chúa đã chọn người
Mẹ cho Con Trai của Ngài, một người nữ thuộc chủng tộc Israel, một thiếu nữ Do
Thái ở làng Nazareth trong vùng Galilêa,” một trinh nữ đã “đính
hôn” – betrothed – (1) với một thanh niên tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua
David, và tên của trinh nữ là Maria. (488) cũng tương tự trong (493) và (508).

Lần đầu tiên trong chương trình cứu rỗi, và bởi vì Thánh Linh của Ngài đã chuẩn
bị Mẹ, Thiên Chúa Cha đã tìm thấy “nơi ngự trị” cho Con Trai của Ngài
và Chúa Thánh Linh cũng có thể ngự giữa loài người. Trong ý nghĩa này, Truyền
Thống của Giáo Hội đã thường đọc những văn bản tươi đẹp nhất về sự khôn ngoan
trong tương quan với Ðức Maria. Ðức Maria đã được tung hô và trình bày trong
phụng vụ như “Ngai Tòa Khôn Ngoan.” Trong Mẹ, những “mầu nhiệm
của Chúa” mà Chúa Thánh Linh sẽ hoàn tất trong Ðức Kitô và Giáo Hội đã
được biểu hiện.” (721 và 484).

Chúa Thánh Linh đã chuẩn bị cho Ðức Mẹ qua ơn thánh của Ngài. Thật là phù hợp
khi Mẹ của Ðấng mà trong Bà “đấng thiêng liêng toàn mỹ ngự trị bằng cả
thân xác của ngài” nên được “đầy ơn phúc.” Chỉ qua ơn sủng, Mẹ
đã được thành thai mà không nhiễm tội truyền như một thụ tạo khiêm nhượng nhất,
người có khả năng nhất để đón nhận ơn thiêng không thể diễn tả của Ðấng Toàn
Năng. Thật là chính xác khi thiên sứ Gabriel chào mừng bà là “Con Gái dân
Sion”: “Hãy vui mừng.” Ðó là sự tạ ơn của toàn thể Dân Chúa, và
vì vậy của cả Giáo Hội, mà Ðức Maria trong lời ngợi khen đã dâng lên Thiên Chúa
Cha trong Chúa Thánh Thần khi đang mang người Con muôn thuở trong lòng Mẹ. (722
và 489, 2676).

ÐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Qua bao thế kỷ, giáo hội đã càng ngày càng trở nên rộng hiểu rằng Ðức Maria,
“đầy ơn phúc” qua Thiên Chúa đã được cứu rỗi từ giây phút thành thai
của Mẹ. Ðó là tín lý của sự Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được Ðức Giáo Hoàng Piô IX
công bố vào năm 1854. (491 và 411).

“Ánh quang của sự thánh thiện hoàn toàn duy nhất” theo đó Ðức Maria
được làm cho “phong phú từ khoảnh khắc đầu tiên của sự thành thai của
Mẹ” đến hoàn toàn từ Ðức Kitô: Mẹ đã được “cứu rỗi, trong một cách
đáng ngợi khen hơn, bởi lý do của những công lênh của Con Mẹ.” Thiên Chúa
Cha chúc lành cho Ðức Maria, nhiều hơn bất cứ thụ tạo nào khác, “trong Ðức
Kitô với từng ơn lành thiêng liêng ở những nơi chốn thiêng liêng” và chọn
Mẹ “trong Ðức Kitô trước khi thế giới được thành hình, để nên thánh và
không vương tội trước (nhan thánh) Ngài trong tình yêu.” (492 và 2011,
1077).

Trong suốt thời Cựu Ước, sứ mệnh của bao nhiêu phụ nữ thánh thiện đã chuẩn bị
cho sứ mệnh của Ðức Maria. Ngay từ thuở ban đầu đã có Bà Evà; mặc dù bất tuân,
Bà đã nhận được lời hứa (của Thiên Chúa) cho bà một dòng dõi sẽ chiến thắng sự
dữ, cũng như lời hứa rằng Bà sẽ là Mẹ của mọi loài thụ tạo. Qua hiệu lực của
lời hứa này, bà Sarah (vợ tổ phụ Abraham) đã thụ thai một người con trai mặc dù
đã đến tuổi gìa. Ngược với sự dự đoán loài người, Chúa chọn những người yếu kém
về quyền hạn cũng như sức lực để nói lên sự trung tín trong những lời hứa của
Ngài: Hannah, mẹ của Samuel; Deborah; Ruth; Judith; và Esther; cũng như bao
nhiêu phụ nữ khác. Ðức Maria “nổi bật trong những kẻ nghèo và khiêm nhượng
của Chúa, những người cậy tin và nhận được sự cứu rỗi từ Ngài. Sau một thời
gian dài mong đợi, mọi thời đại đã hoàn thành trong Mẹ, người Con Gái được tán
dương của dân Sion, và chương trình cứu rỗi mới đã được thành lập.” (489
và 722, 410, 145)).

ÐỨC MARIA VÀ GIÁO HỘI

“Trong khi giáo hội đã thực sự đạt được mức hoàn hảo trong Ðức Ðồng Trinh
Phúc Lạ, bởi Mẹ hiện hữu không tì vết hay nếp nhăn, thì các tín hữu vẫn phải cố
gắng khắc phục sự tội và thăng tiến trong sự thánh thiện. Và vì vậy họ hướng
mắt nhìn lên Ðức Maria”: Trong Mẹ, giáo hội đã được “toàn hảo.”
(829 và 1172, 972)).

Trong sự kết hợp mầu nhiệm giữa con người và Thiên Chúa, Giáo hội hiện hữu
trong cả sự hữu hình lẫn siêu nhiên, đã nhận thêm một chiều kích nữa: Chiều
kích Maria. “Hệ thống (của giáo hội) được hoàn toàn xếp đặt cho sự thánh
thiện của các chi thể (các tín hữu) Ðức Kitô. Và sự thánh thiện được đo lường
theo một ‘mầu nhiệm vĩ đại,’ theo đó nàng dâu đáp lại bằng qùa tặng tình yêu
đối với qùa tặng của chàng rể.” Ðức Maria đã đi trước tất cả chúng ta
trong sự thánh thiện, mà sự thánh thiện đó chính là mầu nhiệm của giáo hội như
“nàng dâu không tì vết hay nếp nhăn.” Ðiều này đã giải thích tại sao
chiều kích (Ðức) “Maria” của giáo hội đã đi trước chiều kích (Thánh)
“Phêrô.” (773 và 671, 972).

Qua việc nói lên lời “Xin vâng” (Fiat) trong cuộc Truyền Tin và sự
bằng lòng trong cuộc Nhập Thể, Ðức Maria đã chính thức hợp tác với toàn diện
công trình mà Con Mẹ sẽ hoàn tất. Ngài là Mẹ bất cứ nơi nào Ðức Giêsu là Ðấng
Cứu Chuộc và là Thủ Lãnh của Nhiệm Thể. (973).

Từ thuở giáo hội sơ khai, sau khi Con Mẹ đã về trời, Ðức Mẹ đã “hỗ trợ
giáo hội bằng những lời cầu nguyện của Mẹ.” Qua việc Mẹ kếp hợp với các
thánh Tông Ðồ và nhiều phụ nữ khác, “chúng ta cũng nhìn thấy Ðức Maria qua
những lời cầu nguyện của Mẹ khẩn xin ơn Chúa Thánh Thần, Ðấng đã bao trùm lấy
Mẹ trong cuộc Truyền Tin.” (965).

Trong mầu nhiệm của giáo hội, vị thế của Ðức Maria đã thật tỏ tường: “Ðức
Trinh Nữ Maria… được công nhận và tôn vinh thật sự là Mẹ của Thiên Chúa và
của Ðấng Cứu Chuộc… Ngài tỏ tường là Mẹ của các chi thể của Chúa Kitô… Vì
qua lòng từ tâm Mẹ đã hòa nhập trong việc đem đến cuộc tái sinh của những kẻ có
lòng tin trong giáo hội, là những chi thể của thủ lãnh của giáo hội (Ðức
Kitô).” “Ðức Maria, Mẹ của Ðức Kitô, Mẹ của Giáo Hội.” (963 và
484-507, 721-726).

Vai trò của Ðức Mẹ trong giáo hội không thể tách biệt sự kết hợp của Mẹ với Ðức
Kitô và từ đó tuôn chảy. “Sự kết hợp này của Mẹ và Con trong công trình
cứu chuộc đã được biểu lộ từ thuở Chúa Kitô vô nhiễm trinh thai cho đến khi
Ngài chịu tử nạn.” (964 và 534, 618).

Qua sự kếp hợp của Mẹ với thánh ý của Thiên Chúa Cha, với công trình cứu chuộc
của Con Mẹ, và với mọi linh ứng của Chúa Thánh Linh, Ðức Trinh Nữ Maria là
gương mẫu cho giáo hội về đức tin và đức ái. Vì vậy Mẹ, là một “thành viên
tuyệt hảo và… hoàn toàn đặc biệt của Giáo Hội; thực vậy, Mẹ là “gương
mẫu” (typus) của Giáo Hội. (967 và 2679, 507).

Vai trò của Mẹ trong tương quan với giáo hội và toàn thể nhân loại còn đi xa
hơn nữa. “Trong một cách hoàn toàn đơn thuần, Mẹ đã hợp tác qua sự vâng
lời, đức tin, niềm hi vọng, và đức ái bừng cháy trong công trình của Ðấng Cứu
Thế mang lại đời sống siêu nhiên cho các linh hồn. Với lý do này Mẹ là Mẹ của
chúng ta trong trật tự của ân sủng. (968 và 494)).

“Thiên chức làm Mẹ của Ðức Maria trong trật tự của ân sủng tiếp tục không
gián đoạn từ sự ưng thuận mà Mẹ đã tuyên xưng cách trung thành tại cuộc Truyền
Tin và Mẹ vẫn kiên trung chịu đựng dưới chân thánh gía, cho đến sự hoàn thành
viên mãn của mọi người được chọn. Ðược đưa lên thiên đàng, Mẹ đã không ngưng
chức năng cứu rỗi này nhưng qua những lời cầu bầu, tiếp tục trao ban những ân
sủng của sự cứu rỗi đời đời… Vì vậy, Ðức Trinh Nữ đã được giáo hội tuyên xưng
là Ðấng Bênh Vực, Trợ Giúp, Ban Ơn, và Trung Gian.” (969 và 149, 501,
1370).

“Tác động làm Mẹ muôn người của Ðức Maria không thể làm mờ hay giảm đi sự
trung gian đặc biệt của Ðức Kitô, nhưng minh chứng sức mạnh sự trung gian của
Ngài. Nhưng ảnh hưởng hữu ích của Ðức Maria trên mọi người… tuôn chảy từ sự
sung mãn của công trạng của Ðức Kitô, dựa trên sự trung gian của Ngài, tùy
thuộc hoàn toàn vào đó, và nhận được tất cả sức mạnh từ đó.” Không tạo vật
nào có thể được xếp ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc, nhưng chỉ
như thiên chức linh mục của Ðức Kitô được chia sẻ qua nhiều cách, qua các linh
mục và các giáo hữu của Ngài, và như một điều từ tâm của Chúa được tỏa sáng
trong nhiều cách giữa các thụ tạo của Ngài, nên cũng vậy sự trung gian đặc biệt
của Ðấng Cứu Chuộc không gạt bỏ nhưng thực sự làm gia tăng một sự hợp tác bội
phần một sự chia sẻ từ nguồn mạch này. (970 và 2008, 1545, 308).

“Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc”: “Sự tôn kính của giáo hội đối
với Ðức Maria là bản chất cho sự thờ kính Kitô giáo.” Giáo hội tôn vinh
cách chính đáng “Ðức Trinh Nữ với một sự tôn kính đặc biệt. Từ những thời
kỳ xa xưa nhất, Ðức Mẹ đã được tôn vinh với danh hiệu “Mẹ Thiên
Chúa,” qua sự bảo vệ của Mẹ, các tín hữu vẫn tung tăng trong những hiểm
nguy và nhu cầu của họ… Sự tôn kính đặc biệt này… hoàn toàn khác biệt với
sự tôn thờ dành cho Ngôi Lời Nhập Thể và ngang hàng với Ðức Chúa Cha và Ðức
Chúa Thánh Thần, và khuyến khích mạnh mẽ sự tôn thờ này.” Những nghi thức
phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúa và lời cầu nguyện riêng về Ðức Maria, như chuỗi
mân côi, một “lược yếu toàn bộ Phúc Âm,” diễn tả sự tôn kính này đối
với Ðức Trinh Nữ Maria. (971 và 1172, 2678).

Sau khi đã nói về sự nguyên thủy, sứ mạng, và vận mạng của Giáo Hội, chúng ta
không còn cách nào để kết luận hơn là việc nhìn vào Ðức Maria. Trong Mẹ, chúng
ta suy ngắm điều giáo hội đã nằm trong mầu nhiệm của Mẹ, trên cuộc “hành
hương đức tin” của chính Mẹ, và Mẹ sẽ là gì trên quê hương tại cuối cuộc
hành trình của Mẹ. Ở đó, “trong vinh quang của Ðấng Cực Thánh và Bất Khả
Phân Ba Ngôi Thiên Chúa,” “trong sự hiệp thông với tất cả các
thánh,” Giáo Hội đang mong đợi Ðấng mà Giáo Hội tôn vinh là Mẹ của Thiên
Chúa và là Mẹ của chính Giáo Hội. (972 và 773, 829).

Qua giáo hội, người Kitô hữu học được gương thánh thiện và nhận ra được gương
sáng và nguồn mạch trong Ðấng toàn thánh Maria; người Kitô hữu nhận chân được
điều đó qua sự minh chứng chân chính của những người đã sống điều ấy; người
Kitô hữu khám phá được điều đó trong truyền thống thiêng liêng và lịch sử lâu
dài của các thánh những người đã đi trước anh/chị ta và phụng vụ cử hành họ
trong những âm nhịp ở mức độ chuyên biệt (hay chu kỳ nội cung – sanctoral
cycle). (2030 và 828).

Ðức Maria còn là gương mẫu tối thượng của đức tin chân chính. Chỉ đức tin đó
mới thấu hiểu được những phương cách nhiệm mầu của quyền năng vô tận của Thiên
Chúa. Ðức Maria đã tin rằng “chẳng có sự gì mà Chúa không làm được,”
và Mẹ đã có thể tán dương Thiên Chúa: “Vì Ngài là Ðấng Cao Trọng đã làm
cho tôi những điều trọng đại, và danh Ngài là Thánh.” (273 và 148).

Ðiều mà đức tin Công Giáo có về Ðức Maria đặt căn bản trên sự tin tưởng vào Ðức
Kitô, và điều mà giáo hội dạy về Ðức Maria sẽ trở lại làm tỏa sáng đức tin của
giáo hội trong Chúa Kitô. (487 và 963).

THỤ THAI VÀ SINH CON MỘT CỦA THIÊN CHÚA

Sứ mệnh của Chúa Thánh Linh luôn luôn được liên kết và nhận lệnh từ Thiên Chúa
Con. Chúa Thánh Linh, “là Chúa, Ðấng ban sự sống,” được sai đi để
thánh hóa cung lòng của Ðức Trinh Nữ Maria và làm phong phú cách linh thiêng
cung lòng ấy, làm cho Bà thụ thai Con Một đời đời của Thiên Chúa Cha trong một
nhân tính đến từ chính Mẹ. (485 và 689, 723).

Ðức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” vì Bà là Mẹ của Con Trai đời đời
của Thiên Chúa mặc lấy tính người, Ðấng tự Ngài cũng chính là Chúa. (509).

Trong Ðức Maria, Chúa Thánh Linh hoàn tất chương trình nhân hậu thương yêu của
Thiên Chúa Cha. Với và qua Chúa Thánh Linh, Ðức Thinh Nữ thụ thai và sinh Con
Trai của Thiên Chúa. Bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần và đức tin của Mẹ, sự
trinh nguyên của Mẹ đã trở nên đươm hoa kết trái cách độc nhất vô nhị. (723 và
485, 506).

NHỮNG TƯỚC HIỆU CỦA ÐỨC MARIA

Mẹ Ơn Thiêng: Vai trò của Ðức Maria trong tương quan với Giáo Hội và toàn thể
nhân loại còn đi xa hơn vì Bà là Mẹ của ơn thiêng, đem lại mạch sống thánh
thiêng cho mọi linh hồn. (xem thêm trong 968 và 494).

Ðấng Trung Gian (tuy không là nguồn mạch) của Ơn Chúa: Xin xem lại trong các
tiểu đoạn 970 và 2008, 1545 ở trên.

Ðấng Bầu Cử (cho nhân loại) trước nhan Chúa qua Ðức Kitô: Trong 969 và 970.
975: “Chúng ta tin tưởng rằng Ðức Mẹ Chúa Trời, Eve mới, Mẹ của Giáo Hội,
trên thiên đàng vẫn tiếp tục vai trò hiền mẫu của Mẹ nhân danh mọi chi thể của
Chúa Kitô.” (ÐGH Paul VI, CPG 15).

Mẹ Giáo Hội: Vì vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm của Ðức Kitô và
Chúa Thánh Linh đã được minh giải; hiện tại, thật là phù hợp để bàn tới vai trò
của Mẹ trong mầu nhiệm của Giáo Hội. “Ðức Trinh Nữ Maria… được công nhận
và tôn vinh thật sự là Mẹ Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Ðộ… Ngài thật sự là Mẹ
những chi thể của Chúa Kitô… Bởi vì, qua tình thương, Mẹ đã hợp tác (với Thiên
Chúa) để đem lại cuộc tái sinh của các tín hữu trong Giáo Hội, những thành viên
của thủ lãnh của Giáo Hội.” “Ðức Maria, Mẹ Ðức Kitô, Mẹ của Giáo
Hội.” (963 và 484-507, 721-726).

“Panagia”: Các thánh phụ trong truyền thống của Giáo Hội Ðông Phương
đã gọi Mẹ Thiên Chúa là Ðấng “Toàn Thánh” (the All-Holy hay Panagia)
và chúc tụng Mẹ là “không nhiễm bất cứ tội gì, như được làm cho thích nghi
bởi Chúa Thánh Thần và tạo hình tượng như một thụ tạo mới.” Qua ơn Chúa,
Ðức Maria đã tránh được mọi tội cá nhân trong suốt cuộc đời của Mẹ. (493).

Nhân Cách Hóa của Giáo Hội: Cùng một lúc là nữ trinh và là mẹ, Ðức Maria là
biểu tượng và là hiện thực hoàn hảo của Giáo Hội: “Giáo Hội thực sự… qua
việc nhận lãnh lời của Chúa trong đức tin đã tự trở nên một người mẹ. Trong
việc rao giảng và làm phép Rửa, Giáo Hội đem lại những người con, được Ðức Chúa
Thánh Thần cưu mang và sinh bởi Thiên Chúa, đến cuộc sống mới vĩnh cửu. Tự Giáo
Hội cũng là trinh nữ gìn giữ trong sự hoàn toàn và trong sạch đức tin mà nàng
đã đoan thệ cùng phu quân của nàng. (507 và 967, 149).

“Theotokos”: Ðược các Phúc Âm gọi là “Mẹ của Chúa Giêsu,”
Ðức Maria được thánh Isave (Elizabeth) tung hô qua sự linh ứng của Chúa Thánh
Linh và trước khi hạ sinh con trai của Bà, là “mẹ của Chúa tôi.” Thực
sự, Ðấng mà Mẹ đang cưu mang như con người qua Chúa thánh Thần, sẽ hoàn toàn
trở nên Con Mẹ theo xác thể (loài người), không ai khác mà chính là Con Trai
đời đời của Thiên Chúa Cha, ngôi hai của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì vậy Giáo Hội
tuyên xưng rằng Ðức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos. 495
và 466, 2677).

Ngai Tòa Khôn Ngoan: Xin xem lại các tiểu đoạn 721 và 484 ở trên.

Khuôn mẫu (typus) của Giáo Hội: Xin xem lại các tiểu đoạn 967 và 2679, 507 ở
trên.

NHỮNG NHÂN ÐỨC CỦA MẸ MARIA

Sự vâng lời trong đức tin của Ðức Maria: Vâng lời, theo tiếng La tinh obaudire:
lắng tai nghe, trong đức tin là tự do phục tùng lời nói đã nghe thấy, vì sự
thật của lời nói đã được Chúa bảo đảm, Ðấng tự mình là Sự Thật. Ông Abraham đã
là gương mẫu của sự vâng lời này mà Kinh Thánh đã cống hiến cho chúng ta. Ðức
Trinh Nữ Maria là hiện thân hoàn hảo nhất của sự vâng lời này. (144 và 494,
511).

Lời cầu nguyện của Ðức Maria: Lời cầu nguyện của Ðức Maria mạc khải cho chúng
ta trong buổi bình minh của thời đại hoàn hảo. Trước khi có sự nhập thể của Con
Thiên Chúa, và trước khi Chúa Thánh Linh dào dạt ban ơn, lời cầu nguyện của Mẹ
hợp tác trong một cách đặc biệt với chương trình yêu thương trọn vẹn của Thiên
Chúa Cha: tại cuộc truyền tin, khi Chúa Kitô được thành thai, ở lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống, cho cuộc hình thành của Giáo Hội, nhiệm thể của Ngài. Trong đức tin
của người nữ tì khiêm nhượng của Ngài, Ơn Thánh của Chúa nhận được sự ưng thuận
mà Ngài đã chờ đợi từ thuở khai nguyên. Người nữ tì mà Ðấng Toàn Năng đã làm
cho “đầy ơn phúc” đáp lại qua việc phó dâng hoàn toàn con người của
Bà: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời Thánh Thiên Thần
truyền.” “Xin vâng” (fiat): đây là lời cầu nguyện Kitô giáo:
theo thánh ý Chúa hoàn toàn, bởi vì Ngài hoàn toàn thuộc về chúng ta. (2617 và
148, 494, 490).

Sự trinh nguyên của Ðức Maria: Từ những hình thức đầu tiên của đức tin, Giáo
Hội đã tuyên xưng rằng Ðức Giêsu được thụ thai hoàn toàn bởi quyền năng của
Chúa Thánh Thần trong cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria, cũng xác định phương diện
hữu hình của sự kiện này: Ðức Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Linh,
không bởi mầm sống của con người.” Các Thánh Phụ nhìn thấy trong sự thụ
thai trinh nguyên dấu chỉ thực sự là Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm như
thân xác của chúng ta. (496-507 và 510, 506, 502-6, 499, 497-8, 500).

ÐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

Cuối cùng, Ðức Trinh Nữ Không Mắc Tội Truyền, được gìn giữ khỏi những tì ố của
tội nguyên tổ, khi cuộc sống thế trần chấm dứt, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn lẫn
xác lên vinh quang nước Trời và được Chúa cho vinh hiển là Nữ Vương của mọi
loài, để Mẹ có thể hoàn toàn hòa hợp với Con Mẹ, Chúa các chúa và là Ðấng đã
chinh phục tội lỗi và sự chết. Việc Ðức Mẹ hồn xác lên Trời là một sự tham dự
đơn thuần vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ và đi trước việc Phục Sinh của những
Kitô hữu khác. (966 và 484-507, 721-726; cũng tương tự trong 974).

Lm Phaolô Nguyễn Văn
Tùng

—————————————————Ghi chú:(1): Theo truyền thống của dân Do Thái (Israel) nghi thức
“betrothal”, được dịch qua những ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Việt là
“hứa hôn.” Điều này đã gây nhiều hiểu lầm vì ý nghĩa của chữ
betrothal rất khác với ý nghĩa của chữ hứa hôn (engagement) theo truyền thống
Việt Nam cũng như nhiều nước khác.

Hứa hôn theo ý nghĩa chung không đòi hỏi ràng buộc nhiều, đó thực sự chỉ là một
lời… hứa. Đôi trai gái có thể dễ dàng “trả nhẫn” cho nhau, nếu
không muốn tiếp tục đi đến hôn nhân, mà không gặp trở ngại nào của xã hội. Khi
đó, họ chưa phải là vợ chồng.

Ngược lại, betrothal trong truyền thống Do Thái vào thời của Đức Mẹ và thánh
Giuse (trong thời kỳ Tamuldic, khoảng từ thế kỷ thứ I B.C. cho đến thế kỷ thứ
VI A.D.), hầu như bắt buộc đôi trẻ phải đi tới hôn nhân. Nếu họ phá bỏ
betrothal thì sẽ bị luật phạt. Thứ hai, sau khi betrothed hay espoused, người
con trai đã có thể đưa cô gái “về nhà mình” và đã được người đời coi
là vợ chồng. Đám cưới chỉ đến như một sự “chính thức hóa” đôi hôn
phối. Thứ ba, khoảng thời gian của betrothal không có giới hạn, thường là một
năm và một ngày, theo truyền thống Do Thái; nhưng có khi lâu hơn vì một bên còn
quá nhỏ, tương tự như tục “tảo hôn” ở Việt Nam xưa; hoặc sớm hơn –
chỉ một tháng – như trường hợp cả hai ông bà cùng “góa.”

Điều này đã giải thích những nghi vấn về cuộc hôn nhân giữa thánh Giuse và Đức
Mẹ. Theo Phúc Âm thánh Matthêô 1:18, thì hai đấng đã “betrothed”
nhưng chưa về sống chung với nhau. Tuy nhiên, theo truyền thống Do Thái, hai
đấng đã được người đời coi là “vợ chồng” rồi (Matt. 1:19). Vì vậy,
khi biết Đức Mẹ đã mang thai, nếu thánh Giuse tố cáo Đức Mẹ có thai mà hài nhi
không phải là con của ngài, Đức Mẹ sẽ bị kết án là ngoại tình và bị xử tử, theo
cách ném đá cho đến chết! Là một người chính trực, nhưng thánh Giuse đã không
nhẫn tâm đến như vậy, ngài chỉ muốn “âm thầm” bỏ Đức Mẹ mà không tố
cáo thêm điều gì, điều này sẽ khiến người đời nghĩ rằng con trẻ Giêsu chính là
con của thánh Giuse, do đó Đức Mẹ sẽ không bị “rắc rối” gì với
“làng nước.” Dĩ nhiên, sau đó Chúa đã can thiệp làm cho thánh Giuse
hiểu về Hài Nhi Thánh và ngài đã đưa Đức Mẹ về nhà mình.

(Theo “JewishEncyclopedia.com và Wikipedia.com)

nguồn: conggiao.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.