BÍ TÍCH THÁNH THỂ: MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ

BÍ TÍCH THÁNH THỂ: MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ

“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống”. Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12/1987.
 Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ. Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu. Câu truyện trên giúp ta hiểu phần nào bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, Chúa Giêsu cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì thế mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
 Theo truyền thống từ thế kỷ XIII, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Lễ này do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, còn gọi là lễ của Chúa, lễ Mình Máu Thánh Chúa[1]. Cả 3 bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều cho chúng ta cái nhìn về Bí tích Thánh Thể.
 Trong bài đọc I, Dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và được đào luyện để trở thành dân riêng của Chúa. Suốt bề dày lịch sử của dân riêng, tức là dân Do Thái, Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với họ. Ngài ở bên họ để chúc lành, hướng dẫn. Sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài là niềm tự hào của dân được tuyển chọn. Ông Môsê đã nói với người Do Thái: “Anh em hãy xem, có dân nào được các vị thần linh ở gần như Thiên Chúa ở gần chúng ta không?” Sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài nuôi dưỡng họ trong hành trình sa mạc. Ông Môsê đã nhắc lại những lần Thiên Chúa làm phép lạ để nuôi dưỡng dân Ngài: Manna, chim cút, nước từ tảng đá…
 Trong bài đọc II, thánh Phaolô đã khẳng định: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. 
Trong bài Tin Mừng, khi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Cả bốn Phúc âm đều kể lại sự kiện biến hóa 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Chúa Giêsu đã cầm bánh và cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn và bẻ ra trao cho các tông đồ và các tông đồ trao cho hơn năm ngàn người ăn no nê và còn dư thừa. Sau đó, Ngài khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Ngài nói tiếp: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,53-56).
 Trước khi về trời, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cũng để lại cho chúng ta một món quà tình yêu, đó là việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể để lưu lại cho loài người một bằng chứng tình yêu vĩ đại. Thật vậy, món quà mà Thiên Chúa để lại cho chúng ta không giống như món quà mà con người để lại cho nhau. Món quà mà Chúa Giêsu lưu lại cho loài người hết sức đặc biệt, đó chính là bản thân Ngài, chính Mình Ngài.
Nếu trong lịch sử, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài qua các biểu tượng như đám mây, cột lửa, sấm sét… thì hôm nay, Chúa Giêsu lại đang hiện diện giữa Giáo hội và giữa trần thế qua Thánh Thể. Công đồng Tridentinô đã khẳng định: “Trong Bí tích Thánh Thể, có trọn vẹn Mình và Máu, Thiên tính và Nhân tính, linh hồn và thân xác của Đức Giêsu”.
Chúa Giêsu cũng khẳng định, bánh hằng sống là chính bản thân Người. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Theo giáo lý của Hội thánh, “bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ”.
Bí tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong bí tích này, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và tất cả các chi thể của Người vào hy tế chúc tụng và tạ ơn được dâng lên Chúa Cha trên thập giá một lần cho mãi mãi. Qua hy tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh[2].
 Thánh Thể liên kết các tín hữu và làm cho họ trở nên những người thân thiết, đến nỗi được so sánh như những chi thể của một thân thể, cùng chung chia vui buồn và cùng cảm thông nâng đỡ nhau. Như vậy, nhờ Thánh Thể, không còn ai là người xa lạ, nhưng đều là anh chị em với nhau trong gia đình Giáo hội, để cùng nhau liên kết làm nên vẻ đẹp của tình mến và tình hiệp thông[3]. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ để qua đó chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn. Vậy thánh lễ là gì?
Theo giáo lý của Hội thánh, Thánh lễ, một cách không thể tách biệt, vừa là việc tưởng niệm Hy tế thập giá muôn đời tồn tại, vừa là bàn tiệc thánh thiêng để hiệp thông với Mình và Máu Chúa. Nhưng việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự kết hợp mật thiết của các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta[4].
Thánh lễ là diễn lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự; là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô.
 Khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô[5].
 Thánh Augustino đã kêu gọi: “Chúng ta hãy đến hiệp lễ, với lòng xác tín hiệp thông Mình và Máu Chúa Kitô. Vì dưới hình thức bánh, chính thân xác Người được ban cho bạn, còn dưới hình rượu thì có Máu Người, bạn chỉ còn là một Mình và một Máu với Người”[6].
 Thánh Phaolô viết: “Hãy siêng năng nâng chén lễ tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, để dự phần vào máu Đức Kitô. Hãy sốt sắng cùng nhau bẻ bánh thánh, để dự phần vào thân thể Người” (x. 1Cr 10,16).
 Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”[7].
 Xin trích Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1419, để kết thúc bài viết này: “Trước khi lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha, Đức Kitô ban cho chúng ta, trong bí tích Thánh Thể, bảo chứng vinh quang nơi Người: việc tham dự Thánh lễ uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, nâng đỡ sức lực chúng ta trên đường lữ thứ trần gian, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và ngay từ bây giờ kết hợp chúng ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ diễm phúc và với tất cả các Thánh”.

 Tùng Linh

____________________________
 [1] giaophanlongxuyen.org, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 
[2] GLHTCG, số 1407.
[3] giaophanlongxuyen.org, ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
[4] GLHTCG, số 1382.
[5] giaophanlongxuyen.org, Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
[6] giaophanlongxuyen.org, Anmai
[7] giaophanlongxuyen.org, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 

Nguồn: tinvui.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.