Giáo Lý Chuẩn Bị Hôn Nhân

1. Tại sao phải chuẩn bị hôn nhân?

Trong tin mừng Chúa phán không có ai toan làm điều gì mà không tính toán trước, huống hồ việc hôn nhân là việc chung thân đại sự. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau lẹ, không sửa soạn sau này dễ bỏ nhau hơn, cả trong trường hợp vì người vợ có thai mà lo hôn nhân, nhiều khi vì áp lực của cái thai mà làm đám cưới cũng sẽ đưa đến kết quả tai hại. Tại sao có tệ nạn ly dị và ly thân hay là gia đình xào xáo, sống với nhau như hoả ngục? Chỉ vì không sửa soạn hôn nhân trước. Vì thế tài liệu ngắn gọn cụ thể sau đây giúp bạn suy nghĩ trước khi đi vào cuộc sống lứa đôi. Giáo hội đòi bạn báo cho nhà thờ biết trước 4 hay 6 tháng, không phải chỉ để “giữ chỗ” nhà thờ, nhưng quan trọng là để hai người tìm hiểu nhau và học hỏi xem hôn nhân họ toan tính sẽ thành công hay không? Hơn nữa thời gian này để cho họ cầu nguyện xin Chúa soi sáng giúp đỡ tìm ra được người theo ý Chúa.

Trong lễ hôn nhân nào người ta thường đọc bài thánh kinh về chuyện Tobia. Hôn nhân của cậu này do Chúa “làm mai” và xếp đặt. Ðiều này cho thấy muốn thành công trong hôn nhân cần ơn của Chúa.

2. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là một bí tích, một khế ước giao hoán, một cam kết, một sự dấn thân.

Khi con người sinh ra trên trần gian chỉ có đàn ông trước. Sau đó Chúa thấy đàn ông ở một mình không tốt, nên tạo nên người nữ đầu tiên là Evà. Như thế hôn nhân nam nữ là tự nhiên như âm dương, như trời đất, như nước lửa, như proton và electron, để tạo nên sự sống. Trong nam và nữ có cái gì thu hút nhau để họ tìm đến nhau và kết hợp với nhau tự nhiên. Do đó trước khi Chúa ra đời đã có hôn nhân trong tình trạng tự nhiên. Và trong thời gian đó vì con người còn sơ khai nên không có qui luật cho hôn nhân: con người có thể ly dị dễ dàng, đàn ông có nhiều vợ như Salomon có 3000 mỹ nữ, hay những chuyện anh chết thì vợ anh lấy em… Tuy nhiên khi Chúa Giêsu xuống trần, ngài đã lập bí tích hôn nhân tại tiệc cưới Cana khi làm phép lạ đầu tiên cho vợ chồng nghèo khỏi mất mặt. Phép lạ là dấu chỉ Chúa là Thiên Chúa, là dấu chỉ nước Thiên Chúa đến, là dấu chỉ người ta không được sống như xưa nữa, và là dấu bên ngoài Chúa thiết lập qua dấu chỉ đó Chúa gặp ta, ban ơn cho ta. Phép lạ tiên báo những bí tích trong giáo hội trong đó có bí tích hôn nhân, trong đó cặp vợ chồng không còn là hai mà nên một như nước hoá thành ruợu và không vì lý do nào được bỏ nhau vì chính Thiên Chúa dùng quyền năng ngài liên kết họ với nhau. Hôn nhân là bí tích quan trọng nên giáo hội đòi con cái có sửa soạn và cử hành rất long trọng.

Hơn nữa hôn nhân là một khế ước trao hoán: đổi trao hai thân xác, hai cuộc đời. Từ nay thân xác anh là của em, thân xác em là của anh, như thế việc chiếm hữu thân xác chỉ dành cho vợ chồng. Như thế ngoại tình không những lỗi đức trong sạch mà còn lỗi đức công bình và một trong những lý do giáo hội cho ly thân là khi bắt gặp quả tang đang phạm tội ngoại tình. Ðây là khế ước như khế ước của pháp luật nên các chính quyền có ra qui luật cho hôn nhân và là công dân thì chúng ta phải tuân theo những luật lệ về khế ước hôn nhân đó. Chính vì thế muốn làm đám cưới tại nhà thờ hai vợ chồng phải xin marriage license nơi toà án đời trước ngày cưới 20 ngày.

Hôn nhân còn là sự cam kết yêu nhau, trung thành với nhau cũng như cam kết chung sống. Không bao giờ vợ chồng được phép xa nhau quá 6 tháng. Nếu vì lý do nào phải xa nhau thì nên di chuyển đến chung sống với nhau, vì sự xa cách nhau dễ mang lại cám dỗ cho hai người cũng như làm cho đời sống lứa đôi bị thương tổn dễ mang đến ly dị hay ly thân. Riêng người chồng cam kết nuôi nấng vợ và con cũng như cung ứng những nhu cầu vật chất cho gia đình. Người vợ muốn đi làm, trong tình trạng hiện nay, chỉ là để tăng ngân quĩ trong gia đình chứ không phải để được tự do hơn, lại càng để tìm độc lập trong đời sống lứa đôi và tệ nạn ly dị cũng do việc các bà muốn chối bỏ quyền nội trợ tề gia, ở nhà lo cho chồng con. Là người Việt nam trọng văn hoá gia đình, chỗ của người phụ nữ chính là trong gia đình lo cho chồng con. Gia đình nghèo nhưng hạnh phúc vẫn hay hơn giàu có mà xa nhau. Cam kết đây còn là sự âu yếm săn sóc dành cho nhau. Nhiều anh chàng chỉ lo đưa tiền về cho vợ mà không “care” không săn sóc, vẫn không hiểu tại sao vợ mình ra đi với người khác. Tiền bạc không mang lại tình yêu. Người ta thường nói một túp lều tranh hai trái tim vàng, cho thấy tình yêu thương nhau là cam kết chính yếu của hôn nhân và yêu nhâu đòi sự dấn thân hi sinh cho nhau.

Hôn nhân còn là dấn thân, là việc của hai người trưởng thành. Ngườiưởng thành là người làm gì có suy tính kỹ lưỡng và đã làm không bao giờ bỏ và đã nói không bao giờ sai lời, đã cam kết thì giữ mãi cho đến chết. Thế hệ chúng ta được coi là văn minh cao độ nhưng hình như thiếu trưởng thành và người ta biết nhiều chuyện trên trời dưới đất nhưng nhiều khi quên chuyện chính đó là chuyện làm người trưởng thành có trách nhiệm và bổn phận, sống bằng suy tư và hữu lý. Sự dấn thân trong hôn nhân đòi hỏi can đảm, cuộc sống nào cũng có thử thách gai chông, chúng ta đã dấn thân thì phải chấp nhận, như người bước chân xuống tàu vượt biên là chấp nhận tất cả, đang ở giữa biển khơi không thể nào đòi quay trở lại. Hơn nữa là người công giáo chúng ta chấp nhận hi sinh chính là cuộc đời, những hi sinh trong cuộc sống hôn nhân sẽ là những hi sinh công giáo, đó là bảo đảm hạnh phúc và tình yêu của những người con Chúa.

3. Trước khi đi vào hôn nhân bạn phải làm gì?

Dĩ nhiên bạn phải suy nghĩ chín chắn, cầu nguyện và bàn hỏi những người khôn ngoan hay cha mẹ anh em bạn bè thân thiết. Cái hiện tượng trai thừa gái thiếu bên Mỹ làm cho nhiều bạn trai không suy nghĩ chín chắn cưới vợ như “ăn cướp” cuỗm cho nhanh kẻo người khác lấy mắt, sẽ mang đến tai hại bỏ nhau nhanh chóng. Hơn nữa chúng ta tin Chúa xếp đặt mọi sự ngay cả trong việc hôn nhân nên chúng ta cầu nguyện Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta lựa chọn được người bạn đời đúng ý Ngài, và việc hỏi cha mẹ hay những người khôn ngoan sẽ giúp ta đánh giá người bạn đời.

Thường người ta chọn bạn đời theo ba tiêu chuẩn:

1) Gia đình
2) Tính nết
3) Tinh thần đạo giáo.

1) Gia đình: Yếu tố gia đình rất quan trọng. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Ai cũng công nhận cha mẹ nào con sẽ như thế do đó nếu gia đình không tốt thì con cái cũng bị ảnh hưởng. Rất hiếm người tốt trong một gia đình lôi thôi. Do đó cha mẹ khi chọn vợ chồng cho con thường để ý chuyện này vì đó là bảo đảm hạnh phúc cho con. Tuy nhiên tiêu chuẩn gia đình cũng chỉ là tương đối chúng ta đừng qúa đặt nặng. Cha mẹ thường theo tiêu chuẩn gia đình danh giá hay giàu, tiêu chuẩn này hoàn toàn sai lạc, mang đến cho bao cặp hôn nhân phải đau khổ.

2) Tính nết: Các cụ ta thường nói cái nết đánh chết cái đẹp, do đó khi chọn bạn trăm năm chúng ta nên để ý tới tính nết của người phối ngẫu. Tính nết đây dựa theo cách sử sự, trưởng thành, lòng đạo đức, biết kính trên nhường dưới, đảm đang, hiền thục. Trong thời gian tìm hiểu nhau có nhiều địa phận đưa ra trắc nghiệm tâm lý giúp cho vợ chồng hiểu nhau rõ hơn, tuy nhiên khi nhìn bạn mình chúng ta cũng dễ nhận xét ra người nào tính nết tốt như thế nào.

3) Tinh thần đạo giáo: Chính là căn bản cho hôn nhân. Như trên đã nói hôn nhân là bí tích chúng ta sẽ bảo tồn hôn nhân nhờ hồng ân của Chúa, do đó gia đình đạo đức thánh thiện là bảo đảm sau cùng cho việc chọn bạn trăm năm. Chính vì lý do này mà giáo hội khuyến cáo chúng ta trong vấn đề hôn nhân với người không cùng tôn giáo có rất nhiều nguy hiểm cho niềm tin và mất niềm tin thì hôn nhân không bao giờ hạnh phúc cả.

4. Mục đích của hôn nhân?

Một cô bé nhà quê được hỏi: cháu lấy chồng làm gì ? Cô trả lời để làm ruộng cho nhà chồng. Cô không biết hôn nhân để làm gì mà khi đi xưng tội lại còn xưng cả tội “làm tình” với chồng.

Như thế hôn nhân có mục đích bảo tồn nòi giống nhân loại. Nhiều cha mẹ lo hôn nhân cho con với mong ước có cháu nội hay ngoại. Như thế mục đích thứ nhất của hôn nhân chính là để sinh sản và giáo dục con cái. Do đó hai người lấy nhau mà không muốn có con là đi ra ngoài mục đích của hôn nhân và trong khi điều tra hôn nhân linh mục thường hỏi về ý định này.

Mục đích thứ hai của hôn nhân là giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Yêu thương nhau trung thành với nhau để cùng nhau chung sống trong cuộc đời. Chúa phán trong thánh kinh: “Ðàn ông ở một mình không tốt ta phải tạo cho nó một người giống như nó để trợ lực cho nó” Như thế Eva đã xuất hiện để làm người bạn đường giúp đỡ cho Adam trong cuộc sống. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Vợ chồng phải là người bạn thân nhất của nhau.

Mục đích thứ ba của hôn nhân là giải quyết tình dục, chữa bịnh tình dục do tội tổ tông làm cho nó thành lăng loàn, và nhiều khi đưa đến sa đoạ. Hôn nhân giúp quân bình cuộc sống sinh lý, tránh bịnh tật, cũng làm cho tâm lý hài hoà và tạo nên hạnh phúc cho đủ can đảm mang trách nhiệm sinh ra và nuôi dưỡng con cái. Ba mục đích này không cái nào hơn cái nào cho nên phải làm sao hài hoà đời sống hôn nhân để không phải chỉ lo sinh son, hay chỉ lo tìm khoái lạc, nhưng chính yếu là tạo hạnh phúc cho hai người.

5. Giáo lý hôn nhân gồm mấy phần?

– Giáo lý đạo
– Bí tích hôn nhân
– Những điều cần tin, làm và giữ.

5.1. Giáo lý đạo

Khi sửa soạn hôn nhân bạn nên ôn lại về giáo lý. Sau đây là tóm tắt về giáo lý.

Ðạo là con đường dẫn lên Chúa. Chỉ có con đường chính nhất là con đường Chúa mạc khải cho ta qua Thánh Kinh, qua Chúa Giêsu, qua Giáo hội sau khi Chúa về trời. Theo đạo chính là đến gặp Chúa chấp nhận lời Chúa mạc khải qua lý trí là tin theo những gì Chúa dậy và hội thánh truyền, qua ý chí là sống đạo theo qui luật của Chúa và qua tâm hồn là chấp nhận Chúa là tất cả trong cuộc sống của mình. Sự chấp nhận đó chính là niềm tin: Ai tin và chịu phép rửa tội thì được sống đời đời. Khi ta sống sự sống của Chúa là ta sống đời đời và cuộc sống này chỉ là sửa soạn cho cuộc sống mai sau. Tin chưa đủ mà còn phải thể hiện qua cuộc sống. Nghi lễ rửa tội cụ thể hoá niềm tin và sự chấp nhận Chúa trong cuộc sống.

Mạc khải cho ta hay Chúa là Ðấng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình như con người với vũ trụ vật chất và vô hình như thiên thần. Lý chứng hay nhất cho thấy phải có Chúa chính là nhìn xem trời đất muôn vật liền biết có Chúa tạo thành. Chúa có ba ngôi Cha Con và Thánh Thần đã được mạc khải do Chúa Giêsu trong kinh thánh. Hai lần ta thấy nói về Chúa Ba Ngôi khi Chúa chịu phép rửa trên sông Hoà giang thì có tiếng phán từ trời (Ngôi Cha) nói về Chúa Giêsu (Ngôi Con) “Này là con ta” và hình chim bồ câu (Thánh Thần). Khi đi giảng đạo Chúa Giêsu nói về Ba Ngôi nhiều lần như :”Ðấng an ủi do Cha sai đến nhân danh Ta sẽ dậy các con mọi điều” và khi sai môn đệ đi giảng đạo ngài nói: “Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Mạc khải cũng cho ta hay trong ba ngôi có ngôi thứ hai ra đời làm người. Maria được truyền tin chịu thai không có sự can thiệp của người nam và Mẹ đã sinh hạ Chúa Giêsu tại Bethlehem. Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh vì Mẹ đồng trinh trọn đời: trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh Mẹ luôn đồng trinh. Do công nghiệp Con Mẹ nên khi Mẹ sinh ra Mẹ được giữ gìn không mắc tội tổ tông và vì thế Mẹ lên trời cả hồn xác, cũng như vì sinh ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà bản tính Thiên Chúa kết hợp mật thiết với xác thể Chúa Giêsu nên cũng gọi Mẹ là Mẹ Ðức Chúa Trời. Chúa Giêsu như thế có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, trong một nhân vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa. Có ba mầu nhiệm, là điều có thực nhưng vượt qua hiểu biết của nhân loại, là Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Màu Nhiệm Chúa ra đời và màu nhiệm Chúa cứu chuộc. Ðó là ba mầu nhiệm chính, nhưng ta tin không phải vì ta hiểu nhưng dựa vào Chúa là Ðấng thông minh vô cùng, không sai lầm và cũng không đánh lừa ta. Ba Ngôi cùng một bản tính một quyền phép nên ba ngôi bằng nhau. Khi ta làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba ngôi đồng thời muốn hiến dâng cuộc sống cho Thiên Chúa: những gì ta nghĩ nơi đầu óc (trán) những gì ta yêu mến (nơi trái tim) và những hành động của ta (nơi hai vai).

Chúa ra đời cách đây 1992 năm tại Do thái, miền trung đông, tại Bethlehem miền nam nước Do thái. Mẹ Ngài là Maria và cha muôi là Giuse thuộc hoàng gia David. Sau khi ẩn dật 30 năm, ngài giảng đạo trong 3 năm cuối cùng và chịu chết trên thập giá đời Pontius Pilatus là tổng trấn. Sau khi chết ba ngày ngài sống lại và lên trời. Ngài sẽ trở lại trần gian trong ngày tận thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tuy nhiên trước khi về trời ngài lập ra Hội Thánh khi chọn 12 môn đệ đầu tiên và chọn Peter là thủ lãnh. Những người tin Chúa cùng nhóm 12 lập thành Giáo hội với thủ lãnh là các tông đồ (các giám mục hiện nay) với các trưởng lão giúp việc (các linh mục hiện nay) và các thày sáu và những tông đồ giáo dân khác. Nhưng theo thánh ý của Chúa thì Peter chiếm địa vị độc đáo thủ lãnh các tông đồ và giáo hội nên người kế vị thánh Peter (Ðức Giáo Hoàng) là thủ lãnh hữu hình của Giáo hội và là cha phó của Chúa Kitô ở trần gian. Qua dòng lịch sử các Giáo Hoàng đóng trọn vai trò này và ngài có ơn không sai lầm khi phán quyết từ ngai toà thánh Phêrô (ex cathedra) về những vấn đề liên quan đến đức tin và phong hoá. Các tín hữu phải vâng lời ngài mới là tín hữu đích thực. Khi rao giảng Chúa còn lập ra bí tích như rửa tội, thêm sức, giải tội, Mình Thánh Chúa, truyền chức, hôn phối và sức dầu bịnh nhân. Các bí tích là dịp cho ta gặp Chúa để ngài ban ơn tuỳ hoàn cảnh và giai đoạn cuộc sống như trong bí tích hôn phối ngài ban ơn cho hai vợ chồng yêu thương nhau và chu toàn trách nhiệm và bổn phận của hôn nhân.

Sau khi về trời Chúa cũng ban Thánh Thần là ngôi ba tiếp tục công việc của Ngài trong Giáo hội ngài là ngôi Thiên Chúa cùng bản tính và quyền phép như hai ngôi kia, trong bí tích hôn phối cũng như trong các bí tích chính ngài hiện diện ban Chúa Giêsu hay nối kết con người trong tình yêu nhau (như trong bí tích hôn phối) vì ngài có danh hiệu là Tình Yêu của Thiên Chúa, là Sức mạnh, là Trạng Sư, là Ðấng An Ủi.

Ai tin và chịu phép rửa thì là tín hữu. Người tín hữu có bổn phận phải tuân giữ 10 giới răn của Chúa đã được Chúa ban cho dân Do thái xưa và 6 điều răn hội thánh giải thích và cụ thể hoá những gì phải làm để tuân theo 10 giới răn trên. Cách cụ thể người công giáo phải lo tránh tội lỗi vì tội nghịch lại niềm tin, tội chính là ngoan cố chống lại Thiên Chúa. Khi có tội trọng thì con người không còn hiệp thông với Chúa nữa, đánh mất sự sống siêu nhiên và xa lìa thiên đàng. Muốn trở lại họ phải thống hối tức là ghét tội vì tội phạm đến Chúa là đấng nhân lành. Kinh ăn năn tội diễn tả tâm tình thống hối đích thực: ghét tội vì yêu mến Chúa. Nếu không xưng thú tội kịp mà chết thì nguyên việc ăn năn tội cách trọn có thể giúp cho ta lên thiên đàng. Mỗi ngày trước khi đi ngủ nên có thói quen ăn năn tội cách trọn. Tuy nhiên còn phải xưng thú tội với linh mục là đại diện giáo hội. Phải xưng thú rõ ràng bao nhiêu lần, tội gì và hoàn cảnh mang đến tội. Sau khi xưng thú linh mục sẽ khuyên ta và ra việc đền tội chúng ta phải lo chu toàn ngay kẻo quên.

Ngoài ra, người công giáo còn phải lo việc phụng thờ Thiên Chúa qua việc dự và dâng thánh lễ mỗi ngày chủ nhật cũng như trong những lễ buộc và lễ trọng. Khi dự lễ cần phải hiện diện vật lý và chú ý, nhất là nên chịu lễ để việc thờ phượng Chúa nên trọn vẹn. Bài giải thích Phúc âm trong lễ là cần thiết cho việc sống đạo nên cần phải hiểu và thi hành, nếu bỏ không nghe, nghe mà không hiểu, hiểu mà không thực hành thì việc tham dự thánh lễ của mình rất thiếu sót. Ngoài ra mỗi năm có hai ngày ăn chay kiêng thịt là ngày thứ sáu tuần thánh và thứ tư lễ tro chúng ta phải chu toàn. Ăn chay là ăn một bữa no mà thôi và kiêng thịt là kiêng mọi thứ thịt trong ngày đó. Từ 18 đến hết 60 phải ăn chay và từ 14 đến hết 60 phải kiêng thịt.

Người công giáo phải siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, nên không phải là đọc kinh vì kinh chỉ là những mẫu giúp ta cầu nguyện với Chúa. Có ba mẫu kinh quan trọng là kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu dậy ta cầu nguyện, kinh Kính Mừng là lời tung hô Mẹ Maria trong kinh thánh và của Giáo hội. Kinh Sáng danh là kinh các Thiên Thần hát trên thiên đàng. Muốn cầu nguyện chúng ta cần phải học hỏi, đọc kinh thánh, biết cách suy tư theo kinh thánh, nhưng trên hết là lắng nghe Chúa nói trong lòng ta. Tội lỗi, đam mê và tính xấu là những tiếng ồn ào trong linh hồn làm cho ta không nghe được lời Chúa nữa và không giúp ta cầu nguyện. Khi cầu nguyện không phải chỉ xin ơn mà ta còn cám ơn thờ lậy, dâng hiến, xin cha tha tội lỗi và xin những ơn cần cho linh hồn nữa chứ đừng chỉ xin những ơn vật chất.

Thánh Lễ Misa là lời cầu nguyện tốt đẹp nhất trong đó ta thờ lạy, ca tụng, cám ơn Chúa cũng như xin ngài ban những ơn cần cho cuộc sống và linh hồn. Khi chịu các bí tích nhất là khi xưng tội rước lễ là lúc ta kết hợp cầu nguyện với Chúa, đừng làm những việc ấy với tính cách máy móc hay chiếu lệ. Muốn rước lễ ta phải sạch tội trọng, có ý ngay lành và không ăn uống gì trước một tiếng đồng hồ. Ngoài ra là người công giáo chúng ta có bổn phận truyền giáo và xây dựng hội thánh trong việc đóng góp cho nhà thờ, tuỳ theo khả năng vì quên lãng là lỗi công bình với giáo hội.

Nhưng trên hết người công giáo phải giữ công bình và bác ái. Công bình đòi ta phải trả cho người khác cái mà họ có quyền có, đó là tôn trọng quyền tư hữu. Như thế chúng ta không được lấy của ai, làm thiệt hại của ai, gian lận bóc lột người khác và quên lãng để cho anh em phải túng đói.

Chúa còn dậy ta phải yêu thương người khác như chính mình nghĩa là phải yêu thương như yêu mình. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, nguyên tắc này đã được Chúa nói đến cách tích cực hơn trong tin mừng: “Hãy làm cho người khác điều con muốn làm cho con.” Yêu thương theo tinh thần công giáo là yêu như Chúa, yêu vì Chúa, yêu mà nâng cao nhân vị con người, yêu mà hi sinh mạng sống, yêu mà muốn tốt, nói tốt và làm tốt cho người khác, yêu mà tha thứ cho cả kẻ thù, yêu mến kẻ thù và nhìn mọi người như là Chúa Giêsu đang hiện diện. Muốn thi hành điều này cần cầu nguyện, năng chịu bí tích nhất là xa lánh tội lỗi.

10 giới răn Chúa tóm lại trong hai điều: bổn phận với Chúa và bổn phận với tha nhân.

Với Chúa phải yêu mến ngài hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực trong việc dự lễ ngày Chúa nhật, cũng phải kính trọng Thiên Chúa, đừng kêu tên ngài vô ích, nói lộng ngôn. Không được thờ ma quỉ khi tin dị đoan bói toán theo kiểu tin những điều vô lý. Còn việc tôn kính chứ không phải thờ lạy ông bà như thờ Chúa thì không cấm đoán mà còn khuyến khích. Phải phân biệt sự tôn thờ và tôn kính, tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa, và tôn kính dành cho ông bà cha mẹ những người trên của ta.

Với tha nhân Chúa đòi ta phải kính trọng có hiếu với cha mẹ, kính trọng thân xác, giữ sức khoẻ đừng hạ thấp nó, giữ mạng sống và cơ thể của mình cũng như của tha nhân, kính trọng bản năng tình dục và của cải, lại phải thành thực trong lời nói, tôn trọng danh giá kẻ khác cũng như biết sử dụng tiền bạc cho đúng ý Chúa. Tiền bạc là tên đầy tớ có ích và ông chủ độc tài. Hãy dùng tiền của mua thiên đàng khi đóng góp, bố thí và tiêu pha cho hợp lý.

Tình dục là bản năng cần phải sử dụng với lý trí vì mục đích của nó cao cả nên không được coi nó là mục đích của hôn nhân. Nó chỉ là phương tiện để bày tỏ tình yêu chứ không phải mục đích. Như thế tình dục chỉ được sử dụng để sinh sản, vì tình yêu vợ chồng, còn sử dụng cho những trường hợp khác là dùng sai ý Chúa là có tội. Mọi cử chỉ âu yếm nhau, nếu là trong tình yêu vợ chồng, đều hợp pháp còn ngoài ra đều sai lầm, tội lỗi. Những việc sử dụng tình dục trái thiên nhiên như thủ dâm, với người cùng phái, đều là trọng tội theo lời lên án của Kinh Thánh, tức là theo phán quyết của Chúa. Những tư tưởng tội lỗi vì sẽ đưa đến tội lỗi và cả những ý định tội lỗi, cũng là tội phạm, như lời Chúa phán: “Nhìn người nữ mà ước ao phạm tội với nó cũng là phạm tội ngoại tình rồi”.

Vấn đề thành thật trong lời nói cũng rất quan trọng. Chúa phán: có có, không không, thêm bớt là do ma quỉ. Không bao giờ được phép nói dối dù nói có hại hay không có hại, nói để bảo vệ mình hay người khác.. tóm lại không bao giờ được phép nói dối.

Về công bằng nếu ta lấy hay làm thiệt hại hay mắc nợ ai điều gì chúng ta phải trả vì không trả bây giờ sẽ phải trả sau này. Như thế khi đi xưng tội này, dù cha không nói gì, phải hiểu ngầm là ta phải trả đền nếu không biết cách trả hay trả cho ai, thì có thể hỏi linh mục.

Các tội lỗi có 7 nguyên nhân thường kêu là bảy mối tội đầu là kiêu ngạo, hà tiện, tà dâm, mê ăn, ghen ghét, lười biếng, hờn giận. Muốn diệt tội chúng ta phải tiêu diệt những nguyên nhân tội trên. Ta xét xem mình có nguyên nhân tội nào thì lo diệt nguyên nhân tội đó.

Ðể xét tội Chúa cho ta lương tâm là phán đoán thực hành tính cách đạo đức của những hành vi nhân linh. Lương tâm có thể quá rộng rãi hay chật hẹp, phải huấn luyện cho mình có lương tâm chính đáng, ngay thẳng, lương tâm tốt để có thể xét tội hay việc lành. Tội chỉ là tội khi có luật cấm, biết rõ có luật cấm lại còn ngoan cố và trong tình trạng tự do không bị áp lực bên ngoài hay nội tâm để phạm tội. Ðó mới là có tội thôi, còn tội nặng nhẹ tuỳ theo chất liệu, hoàn cảnh và những hậu quả của tội ấy.

Những phương pháp để tránh tội là đừng bao giờ ở nhưng, say sưa, lại phải năng cầu nguyện và chịu các bí tích.

Là con người ta có thân xác và linh hồn, nên nhớ thân xác cao quí và sau này sẽ chung hạnh phúc với linh hồn trên thiên đàng chúng ta phải kính trọng thân xác khi ăn mặc nết na, săn sóc sức khoẻ, nuôi nấng bằng những tư tưởng lành mạnh và đừng phí phạm sức khoẻ trong rượu chè cờ bạc hay lao động quá sức. Việc nghỉ ngơi trong ngày chủ nhật cũng là một bổn phận nên giáo hội dậy ta kiêng việc nặng nhọc trong ngày của Chúa.

Linh hồn ta là hình ảnh Chúa nên bất tử. Khi chết linh hồn ra khỏi xác đến trước toà Chúa để nghe phán xét về cuộc đời mình. Nếu đã chối bỏ Chúa thì việc đó được chính thức hoá trong hoả ngục không bao giờ thay đổi tình trạng. Nếu chỉ là những yếu đuối Chúa cho thời gian thanh tẩy trong luyện ngục và khi thanh thoát hoàn toàn sẽ lên thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Chúng ta có thể cầu cho những người trong luyện ngục bằng việc xin lễ hay cầu nguyện, làm các việc lành để cầu cho họ. Còn ai thánh thiện hoàn toàn sẽ lên thiên đàng. Lâu lâu giáo hội dùng quyền bất khả ngộ tuyên bố người nào chắc chắn lên thiên đàng thì đó là ghi tên người đó vào sổ bộ (canon) của các thánh và những vị đó được cả giáo hội tôn kính sau khi Ðức Giáo Hoàng phong thánh (canonisation) cho các ngài.

Bốn sự sau là chết, thiên đàng hoả ngục, phán xét chung hay riêng. Phán xét chung là khi tận thế, mọi người đều chết, lúc đó Chúa sẽ phán xét chung và chia thế giới thành hai: nơi hạnh phúc đời đời và chốn khổ đau đời đời. Những điều này đã được nói tới trong thánh kinh do Chúa mạc khải.

Việc lành chính là những hành động đạo đức làm trong tình trạng không mắc tội trọng. Muốn thế cần phải có thiện ý và những phương tiện dùng phải tốt hay ít là dửng dưng, còn nếu phương pháp xấu thì làm cho việc ra xấu. Người công giáo phải lo làm việc lành và việc tránh tội cũng là một việc lành tuy nhiên bác ái yêu thương chính là việc lành quan trọng và đáng kể nhất. Việc lành cũng là tập các nhân đức là những tập quán tốt do ta tập được đến chỗ thành thói quen tốt. Cũng có những nhân đức Chúa ban cho ta, cho ta thói quen yêu mến cậy trông vào ngài. Phải làm cho những nhân đức đó lớn lên bằng bác ái và cầu nguyện nhiều.

5.2. Giáo lý hôn nhân

Muốn chịu bí tích hôn phối cần những điều kiện sau:

1) Hai người đã chịu phép rửa tội. Một bên công giáo một bên không phải có phép chuẩn của bản quyền địa phương hay vị được uỷ quyền. Muốn có phép chuẩn này bên không công giáo phải được thông báo về lời cam kết của bên công giáo sẽ rửa tội và giáo dục con theo đạo công giáo và bên kia phải kính trọng và giúp cho bên có đạo giữ được lời cam kết.

2) Phải đủ tuổi theo giáo luật nam 16 nữ 14 nhưng nên theo luật pháp quốc gia, không nên lập gia đình trước năm 18 tuổi.

3) Tự do ưng thuận lấy nhau không lầm lẫn hay bị đe doạ nặng nề, vì thế cha mẹ không được ép duyên con cái trong việc hôn nhân.

4) Tuyên bố lấy nhau theo nghi thức giáo hội, trước mặt linh mục cùng hai người chứng.

5) Không mắc ngăn trở nào về bí tích như họ hàng không được lấy nhau từ ba đời trở lên, họ thân quyến không được lấy nhau từ hai đời trở lên, họ thiêng liêng như con đỡ đầu không được lấy bố mẹ đỡ đầu. Khi điều tra linh mục sẽ cho biết bạn có ngăn trở nào và giúp bạn giải quyết nên phải làm giấy điều tra trước khi làm hôn phối. Linh mục có thẩm quyền là linh mục đàng trai hay đàng gái theo lời xin và đàng trai hay gái phải cư ngụ và ghi danh vào cộng đoàn không quá 6 tháng.

5.3. Nghi thức hôn nhân là gì?

Ðôi tân hôn trước mặt linh mục và hai nhân chứng tuyên bố ưng thuận lấy nhau. Chính đôi bạn là kẻ cử hành bí tích hôn nhân khi trao đổi sự ưng thuận trước mặt linh mục. Linh mục và hai người chứng đại diện cho giáo hội chứng kiến hôn ước. Hai người bắt tay nhau chỉ sự hiến dâng trọn v-n cho nhau đồng thời nói lên sự ưng thuận làm vợ làm chồng trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Chiếc nhẫn là biểu hiệu tình yêu và lòng trung thành với nhau trong mọi trường hợp và mọi ngày trong cuộc sống vợ chồng, cũng là bảo vật vợ chồng tặng nhau để ghi nhớ ngày trọng đại. Tình yêu vợ chồng giống như tình yêu Chúa Kitô và giáo hội cũng như cộng tác với Chúa trong công cuộc sáng tạo.

6. Bổn phận vợ chồng là gì?

Bổn phận vợ chồng là yêu nhau, trung thành hoà thuận và giúp nhau. Họ phải yêu nhau vì cả hai nên một: kêu nhau “mình ơi” vì cả hai là xác thịt của nhau. Họ yêu nhau trong sạch thánh thiện khi làm theo ý Chúa và mục đích của hôn nhân như Chúa Giêsu yêu giáo hội. Yêu nhau thực tình không giả dối và trong mọi trường hợp. Hai người còn phải hoà thuận cùng nhau gánh vác nhiệm vụ gia đình. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Muốn thể vợ chồng phải nhịn nhau: một nhịn chín lành. Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười ngỏn nghẻn hỏi anh giận gì. Họ phải bàn hỏi nhau khi toan tính công việc hệ trọng và tiền bạc phải để chung tiêu dùng có sổ sách và có qui hoạch và ưu tiên: tuỳ theo nhu cầu, hữu ích hay giải trí. Hai người còn phải trung thành với nhau vì khế ước hôn nhân như lời thánh Phaolô: Thân xác vợ không còn thuộc quyền vợ, mà thuộc quyền chồng. Cũng vậy thân xác chồng không còn thuộc quyền chồng mà thuộc quyền vợ.” (1 Cor 7:4). Do đó khi phạm tội ngoại tình thì phạm hai tội lỗi trong sạch và lỗi đức công bình. Vợ chồng còn phải giúp nhau theo như Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt, hãy ban cho nó một người bạn để giúp nhau. “(Genesis 2:18). Họ phải giúp nhau nên thánh, phần hồn phần xác, tận tình thành thực vì Chúa và vì tình nghĩa vợ chồng nhất là khi yếu đau.

7. Bản tính hôn nhân là gì?

Là bí tích Chúa lập khi dự tiệc cưới Cana và khi tuyên bố: “Sự gì Chúa nối kết con người không được phân rẽ” buộc nhất phu nhất phụ và vĩnh hôn có nghĩa không bao giờ được ly dị.

Tại sao không được ly dị? Vì hôn nhân là bí tích, là hình ảnh Chúa Ba Ngôi, bảo đảm hạnh phúc gia đình, giúp cho việc dậy con cái hữu hiệu. Nhưng trên hết là vì Chúa đã nối kết hôn nhân và lời hứa của hai vợ chồng là hứa trước mặt Chúa không phải chuyện tầm thường.

8. Bổn phận cha mẹ chính yếu ở chỗ nào?

Dậy con về phương diện trí dục, đức dục và thể dục nhưng quan trọng hơn hết là giúp con sống đạo để đựơc hạnh phúc đời đời. Cho con ăn uống đàng hoàng giữ gìn sức khoẻ vệ sinh, tránh rượu chè hút xách chơi bời bê tha. Tránh bạn bè xấu. Dậy chúng biết nghề nghiệp làm ăn cho học tập tuỳ theo khuynh hướng, tránh học đường thiếu đứng đắn, nhất là dậy con biết sợ tội, yêu mến Chúa, biết những điều cần trong đạo, làm việc lành, tạo lương tâm đúng đắn, và bác ái yêu thương. Nhưng trên hết cần yêu con thực tình và làm gương sáng cho con cái.

9. Bổn phận con cái là gì?

Là yêu mến tôn kính vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Giữ trọn đạo hiếu theo tinh thần Việt nam chính là làm tròn bổn phận con cái.

10. Nên lưu ý những điều sau đây:

1) Việc vợ chồng ăn ở với nhau rất quan trọng, để bảo đảm hôn nhân hạnh phúc nên nếu không có lý do mà từ chối thì mắc tội.

2) Vợ chồng được hạn chế sinh sản theo phương pháp của giáo hội: những phương pháp ấy là Ogino-Knaus, chỉ ăn ở với nhau theo những chu kỳ không thể thụ thai được,

– Phương pháp nhiệt độ dựa trên sự kiện khi có thể có thai thì nhiệt độ trong người dâng cao chút ít,

– Phương pháp Billings tuỳ theo chất nhờn nhiều ít nơi cơ thể phụ nữ, cũng như đất ẩm mới gieo giống được

– Phương pháp Doyle thử giấy màu gọi là Test Tape bỏ vào tử cung nếu tan màu hồng là có thể thụ thai.

Tuy nhiên quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm và ý thức hôn nhân là hi sinh theo luật của Chúa cũng như tuân theo lương tâm ngay thẳng của mình.

Riêng về việc phá thai luôn có tội trọng, lại còn bị vạ tuyệt thông nghĩa là không được chịu các bí tích. Tuy nhiên việc phá thai chỉ mắc vạ khi phá thai thành sự và biết rõ có vạ.

11. Bàn về tình yêu và hôn nhân

Tình yêu chỉ có nơi con người vì chỉ con người có lý trí. Tuy nhiên tình yêu được tuỳ tùng bởi nhiều yếu tố vật chất như tình dục, nhan sắc sự tài giỏi, và những yếu tố bên ngoài khác. Trong hôn nhân người ta phải lấy nhau vì tình mới có hạnh phúc còn lấy nhau vì tình dục vì sắc, tài, vì tiền bạc hay những lý do khác dễ đưa đến gẫy đổ tình yêu. Nhưng tình yêu hệ tại chỗ nào? Hệ tại hai người săn sóc, lưu ý đến đời nhau và muốn tốt, nói tốt và làm tốt cho người mình yêu, cũng không ngần ngại nói thực với nhau và nhất là chấp nhận lời sửa lỗi của nhau. Tình yêu vợ chồng dựa trên tình bạn đích thực của hai người bạn nghĩa là hai người phải thông cảm, tin nhau mới yêu nhau được. Tuy nhiên tình yêu là hành động thánh thiện theo ý nghĩa nó là phản ánh tình yêu Thiên Chúa, là hình ảnh Chúa Ba Ngôi và thực hành lời Chúa Giêsu: “Không ai yêu bạn bằng kẻ hiến mạng sống vì bạn”. Thước đo tình yêu chính là chỗ dám chết cho người mình yêu. Tình yêu không phải là tình dục cũng không phải là cảm xúc nhất thời, càng không phải là tiếng sét ái tình nhiều khi là nỗi đau đớn phải xa nhau, phải hi sinh cho nhau, phải cao thượng với nhau, phải thánh thiện theo đúng ý nghĩa của tôn giáo. Trong hôn nhân bền chặt luôn có yêu thương đích thực theo lời thánh Phaolô: caritas non ficta, tình yêu không giả dối.

12. Làm sao cho hôn nhân hạnh phúc?

Không thể nào đưa ra những tiêu chuẩn chính xác tuy nhiên muốn cho hôn nhân hạnh phúc chúng ta cần để ý đến những yếu tố sau đây:

– Yếu tố xác thịt: Người đàn ông thích tình dục, người phụ nữ thích tình cảm, do đó chỉ có yêu thương khi thực sự hai người tạo hạnh phúc cho nhau. Hôn nhân chỉ mang lại hạnh phúc một chiều mang dấu vết của đổ vỡ ngay từ đầu.

– Yếu tố gia đình do cha mẹ hay họ hàng. Việc hôn nhân là việc riêng tư của hai vợ chồng và cuộc sống của họ cũng thể, đừng để cha mẹ hay họ hàng có mặt cả trong giường ngủ của họ.

– Yếu tố tiền bạc: đừng để tiền bạc giá trị hơn vợ hay chồng.

– Yếu tố ý thức hệ: Đồng sàng dị mộng sẽ mang đến tan vỡ. Do đó giáo hội luôn khuyên không nên có hôn nhân khác đạo hay những hôn nhân mà hai người cách nhau quá về tuổi tác hay hôn nhân do áp lực của bào thai. Vợ chồng có cùng tư tưởng sẽ dễ hoà hợp hơn vì cái làm cho người ta xa nhau, không phải là thân xác mà chính là tư tưởng.

– Yếu tố tính tình: Vợ chồng phải bổ túc cho nhau và người đàn ông phải là đàn ông, đàn bà phải là đàn bà, đổi tính không mang lại hạnh phúc. Người đàn ông sống bằng lý trí, đàn bà trực giác, đàn ông tổng quát, các bà chi tiết, đàn ông dục tình đàn bà tình cảm, đàn ông lò điện đàn bà lò than, đàn ông thích dịu dàng đàn bà thích mạnh mẽ.

– Yếu tố giáo dục: Hai người phải ngang nhau một trong hai trội hơn người trên sẽ không tạo hạnh phúc.

Tóm lại yêu là bài học phải học suốt đời, phải lo hâm nóng mỗi ngày, phải tranh đấu và nâng niu trân trọng, phải nhờ ơn Chúa làm cho lớn lên, phải hi sinh và chịu đựng lẫn nhau, nhưng trên hết yêu chính là chết một ít mỗi ngày để cái ta không còn mà chỉ còn cái chúng ta. Kết hợp thân xác chỉ là phương tiện đem đến kết hợp hai tâm hồn.

Copyright 1992
By Rev. Ngo tuong Dzung, Texas, USA
Đánh Máy Từ Sách Bởi Vietnamese Missionaries in Taiwan

(bạn có thể tải về sách này và print ra ở đây)

Nguồn: https://www.conggiao.org/giao-ly-chuan-bi-hon-nhan/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.